Chuyển đổi sản xuất nông dân trồng lúa tăng lợi nhuận gần 30%
Tham gia dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững, nông dân trồng lúa vùng ĐBSCL được tăng lợi nhuận ròng gần 30% trên mỗi héc – ta canh tác.
Ngày 25-3, tại Tiền Giang, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị tổng kết dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững Việt Nam (VnSat) năm 2020 – Hợp phần phát triển lúa gạo bền vững và triển khai kế hoạch dự án năm 2021.
Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo, tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa, giảm tác động tiêu cực đến môi trường đối với sản xuất lúa.
Năm 2020 dự án VnSat được triển khai tại 8 tỉnh, thành vùng ĐBSCL gồm: Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng với tổng vốn được giao 446 tỉ đồng.
Nông dân trồng lúa thu lãi gần 30% khi chuyển đổi sản xuất bền vững. Ảnh: ĐH
Dự án hỗ trợ đào tạo kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” cho trên 150.000 nông dân với diện tích áp dụng trên 210.000ha. Các tỉnh ĐBSCL đã đào tạo cho trên 98.000 nông dân với diện tích áp dụng trên 140.000ha áp dựng quy trình sản xuất lúa “1 phải, 5 giảm”.
Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc phục vụ sản xuất và nâng cao năng lực hoạt động cho các tổ chức nông dân… Trong đó, hỗ trợ đầu tư 91 tiểu dự án cho các tổ chức nông dân với tổng vốn IDA trên 580 tỉ đồng. Đến nay đã có 88 tiểu dự án hoàn thành đưa vào sử dụng. Còn lại 3 tiểu dự án chưa hoàn thành (tại tỉnh Kiên Giang).
Riêng đối với hơp phần tín dụng lúa gạo, có 10 công ty được vay vốn từ dự án với tổng vốn 764 tỉ đồng (đạt 60% nguồn vốn phân bổ cho tính dụng lúa gạo).
Theo đánh giá của Ban quản lý dự án VnSat, những hỗ trợ của dự án đã đóng góp làm thay đổi lớn về phương thức sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Cụ thể, các hợp tác xã tham gia dự án đều sử dụng giống lúa xác nhận, giống chất lượng cao; giảm lượng giống gieo sạ còn trung bình 100-120kg/ha (trước đây 150-200kg/ha); giảm chi phí đầu vào; giảm thất thoát sau thu hoạch; có 57.000ha được các doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm…
Video đang HOT
Ngoài ra tham gia dự án, lợi nhuận của người trồng lúa tăng ròng bình quân mỗi ha gần 28,3 % so với nông dân ngoài dự án; giảm khí phát thải trong quá trình canh tác.
Nông dân ĐBSCL trúng đậm vụ mùa thu hoạch lúa. Ảnh: ĐH
Ông Nguyễn Chí Thiện-Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết, thực hiện dự án Long An đã triển khai trên địa bàn 5 huyện, thị nhằm nâng cao hiệu quả cho 20.000 ha sản xuất lúa. Kết quả việc nâng cao hiệu quả canh tác lúa thể hiện rõ rệt, nhiều HTX được đầu tư sản xuất hiệu quả để thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, người nông dân vẫn còn thói quen sản xuất nhỏ lẻ, nhiều HTX mới thành lập nên vẫn còn yếu về nguồn lực, kinh nghiệm quản lý.
“Long An sẽ tiếp tục đầu tư cho HTX theo luật đầu tư công. Sẽ triển khai 11 tiểu dự án, xây dựng 4 trạm bơm điện để chủ động trong vấn đề bơm tưới, nâng cấp 8 tuyến đê bao đảm bảo ngăn lũ… Đồng thời yêu cầu các huyện trong dự án phải tập trung vận động nông dân, tiếp tục thực hiện các nội dung đã cam kết với dự án”, ông Thiện nói.
Theo kế hoạch, năm 2021 dự án VnSat sẽ tiếp tục được gia hạn đầu tư tại 8 tỉnh, thành trên tại vùng ĐBSCL với tổng vốn được giao thực hiện dự án trên 470 tỉ đồng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, trong những năm qua, ngành lúa gạo ĐBSCL đối phó với nhiều khó khăn. Khó khăn nhất là ngoài gặp khó khăn về thị trường, dịch bệnh ngành lúa gạo còn chịu ảnh hưởng của hạn mặn. Tuy nhiên, kết quả đạt được như trên là đáng trân trọng.
“Thời gian tới, tôi đề nghị các tỉnh tiếp tục nhân rộng các mô hình, đây là điểm sáng để mô hình sản xuất lúa gạo càng ngày càng hiệu quả, bền vững. Đồng thời, tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, giảm giá thành, các địa phương cố gắng lồng ghép các chương trình này vào giai đoạn trung hạn của dự án, Bộ NN-PTNT sẽ hỗ trợ địa phương thực hiện mô hình” – Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.
Phạm Ngọc Anh Tùng và giấc mơ xây dựng nông nghiệp bền vững
Với nhiều người trẻ, việc tốt nghiệp đại học rồi và làm cho một công ty có thể là mục tiêu khi bước chân vào giảng đường đại học.
Nhưng với Phạm Ngọc Anh Tùng - Giám đốc Công ty Công nghệ và Thương mại UFO, người sáng lập sàn thương mại điện tử nông sản Foodmap, mục tiêu không phải là tấm bằng hay một vị trí làm việc mà là tìm được cách để thực hiện ước mơ của mình: Đưa nông sản chất lượng đến tay người tiêu dùng.
Phạm Ngọc Anh Tùng - một trong 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2020. Ảnh: TTXVN phát
Rời giảng đường để đi và học hỏi
Từng là sinh viên lớp kỹ sư tài năng khoa Điện tử - Tự động, Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều giải thưởng về chế tạo robot nhưng đến năm thứ 3 chàng thanh niên gốc Huế quyết định nghỉ học và bắt đầu chuỗi ngày học làm nông nghiệp bằng việc đầu quân cho trang trại Cầu Đất Farm ở Đà Lạt.
Chia sẻ về quyết định này, Phạm Ngọc Anh Tùng cho biết: Trong suy nghĩ của nhiều người, việc nghỉ học đại học có thể là quyết định đầy rủi ro, mạo hiểm nhưng đối với mình thì điều đó hoàn toàn bình thường. Mình biết rất rõ mình muốn gì, mình sẽ là ai và tìm kiếm con đường để làm được điều đó.
"Cầu Đất Farm là nơi đã nuôi dưỡng, cho mình tình yêu nông nghiệp và sự trưởng thành vượt bậc. Trong suốt 3 năm ở đó, mình đã đi hơn 15 quốc gia để học tập và nghiên cứu các mô hình nông nghiệp khác nhau, mỗi chuyến đi là một sự trải nghiệm tuyệt vời, thú vị. Từ một người trẻ tay ngang làm nông nghiệp mình có cơ hội tiếp xúc với những người đầu ngành và đứng ở hầu hết các vai trò trong chuỗi cung ứng nông nghiệp. Đó là hành trình học hỏi để hiểu sâu hơn về ngành thú vị này mà không phải một người trẻ nào ở tuổi 25 cũng có cơ hội trải nghiệm", Phạm Ngọc Anh Tùng kể.
Tuy nhiên, ước mơ của Anh Tùng là xây dựng một công ty về công nghệ, Cầu Đất Farm có vẻ chưa đủ rộng để Tùng thực hiện được ước mơ của mình. Thêm vào đó, trong suốt những năm tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, câu hỏi mà chàng trai trẻ nhận được nhiều nhất từ gia đình, bạn bè là mua cái này có tốt không, có phun thuốc không và mua ở đâu là tin cậy. Đó cũng là câu hỏi phổ biến nhất của những người tiêu dùng hiện nay về thực phẩm.
Để trả lời những câu hỏi đó, tháng 12/2018 sàn thương mại điện tử dành cho nông sản mang tên Foodmap được Phạm Ngọc Anh Tùng khai sinh từ một văn phòng nhỏ do người bạn cho mượn.
"Khởi nghiệp không dành cho số đông, chỉ dành cho người phù hợp. Hành trình của Foodmap từ lúc khởi đầu đến lúc gọi vốn thành công (năm 2020 với số tiền 500.000 USD từ Quỹ Wavemaker Partners, Singapore) là một chuỗi ngày thực sự thử thách. Có những lúc mình phải đi làm bên ngoài gần 6 tháng để đủ nguồn lực nuôi công ty phát triển", Phạm Ngọc Anh Tùng kể về những ngày đầu khởi nghiệp với Foodmap.
Theo Anh Tùng, việc xây dựng một sàn thương mại điện tử kết nối người mua - người bán thật sự rất khó, phải giải quyết được bài toán "con gà quả trứng". Nghĩa là người dùng phải nhiều thì nhà cung cấp mới tham gia sàn, khi đó mới có nhiều sản phẩm, còn đối với người dùng, họ lên sàn ngoài việc mua sắm tiện lợi còn đòi hỏi mặt hàng phải đa dạng, nhiều nhà cung cấp. Làm thế nào để giải quyết được cả hai vấn đề cốt lõi trong một cuỗi cung ứng với nguồn lực vô cùng giới hạn mà vẫn phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng nhanh, chính là điều mà anh trăn trở nhất.
Dưới góc nhìn của Phạm Ngọc Anh Tùng, nông dân Việt Nam khó trăm bề nhưng cái khó lớn nhất vẫn là cần đầu ra ổn định với giá hợp lí. Trong khi đó, người tiêu dùng luôn mong muốn sử dụng những sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lí. Đây là nhu cầu phổ biến tất yếu, nên không có lí do gì mà nhà sản xuất chất lượng lại không bán được hàng. Vấn đề là cần một phương pháp mới, linh hoạt và sáng tạo.
Nông sản không phải để giải cứu
Foodmap xây dựng thương hiệu thông qua hình ảnh của những người trẻ tuổi đam mê nông nghiệp, gần gũi với người nông dân và mong muốn là cầu nối giữa người nông dân, nhà sản xuất với người tiêu dùng thông qua mô hình phân phối mới có áp dụng công nghệ.
Quan điểm của Phạm Ngọc Anh Tùng và các thành viên của Foodmap là không có giải cứu nông sản. Foodmap và nhà sản xuất, người nông dân cùng mang lại những giá trị cho nhau và cùng nhau xây dựng những câu chuyện thật, sản phẩm chất lượng đến với người tiêu dùng.
Mỗi sản phẩm được đưa lên Foodmap phải đáp ứng đủ 4 tiêu chí: Truy xuất được nguồn gốc; có các chứng nhận uy tín về chất lượng sản phẩm; được đội ngũ Foodmap đánh giá thực tế tại cơ sở sản xuất, kiểm tra thông tin độc lập và cuối cùng là sản phẩm phải ngon, hấp dẫn người dùng.
Trong đó, Foodmap phát triển riêng một hệ thống truy suất nguồn gốc nội bộ cho nhà cung cấp để họ sử dụng hoàn toàn miễn phí. Với công cụ này, Foodmap có thể quản lí và hỗ trợ nhà cung cấp chuyên nghiệp hơn. Việc trực tiếp đánh giá cơ sở sản xuất giúp Foodmap hiểu hơn về người nông dân, nhà sản xuất và câu chuyện hình thành nên sản phẩm để từ đó xây dựng, hỗ trợ thêm về mặt truyền thông cho nhà cung cấp.
Tính đến thời điểm hiện tại, Foodmap đã làm việc với hơn 500 nhà sản xuất, kết nối hơn 2.000 hộ nông dân từ 40 tỉnh thành khắp cả nước. Các mặt hàng chủ yếu tập trung vào nông sản tươi, trái cây, đặc sản và các mặt hàng thân thiện với môi trường và người sử dụng.
"Mỗi chiến dịch được khởi động từ Foodmap phải trải qua khoảng thời gian dài khảo sát và làm việc với nhà sản xuất trước khi bắt đầu. Ví dụ để đưa trái sầu riêng vào giỏ hàng cung cấp của Foodmap, đội ngũ cùng nhà vườn đã làm việc liên tục với nhau 3 tháng từ khi cây mới trổ bông, ra quả non cho đến khi trái chín và vận chuyển về kho của Foodmap.
Foodmap không chỉ bao tiêu vườn mà còn mua với giá cao hơn so với thị trường bởi vì nông dân xứng đáng với công sức họ bỏ ra khi làm những sản phẩm chất lượng. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng khi người tiêu dùng hiểu được những giá trị mà người nông dân, nhà sản xuất tử tế mang lại, họ sẽ ủng hộ, sẵn sàng chi trả, thậm chí mua trước trả hàng sau", Phạm Ngọc Anh Tùng chia sẻ về cách mà mình và các cộng sự tham gia vào chuỗi cung ứng nông sản.
Không dừng lại ở việc xây dựng nền tảng theo mô hình sàn thương mại điện tử, Foodmap đã đưa vào vận hành cửa hàng kinh doanh nông sản tại Thành phố Hồ Chí Minh và ĐăkLăk. Đây là mô hình O2O2O (online to offline to online) nhằm tăng tính tiện lợi cho trải nghiệm mua sắm của khách hàng và tăng nhận diện cho Foodmap trên thị trường.
"Foodmap chỉ mới ở những bước đi đầu tiên trên hành đến với mục tiêu trở thành sàn thương mại điện tử dẫn dắt thị trường nông sản Việt Nam. May mắn lớn nhất của mình là được sinh ra, lớn lên ở Việt Nam, đất nước có bề dày về sản xuất nông nghiệp với sản vật phong phú, người dân cần cù, sáng tạo và có được những người đồng hành đầy nhiệt huyết. Vì điều này, mình và Foodmap sẽ nỗ lực hết sức cho giấc mơ xây dựng nông nghiệp bền vững", Phạm Ngọc Anh Tùng chia sẻ về con đường phía trước.
Phạm Ngọc Anh Tùng nhận Giải thưởng Doanh nhân cộng đồng - Blue Venture Award năm 2021. Ảnh: TTXVN phát
Năm 2019, Foodmap đã vượt qua gần 600 đội từ các quốc gia khác để giành giải "Sáng kiến có tác động lớn nhất" (Most Impactful Innovation) tại vòng chung kết Asia Innovates 2019 do Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh và Quỹ Newton tổ chức. Năm 2020 Foodmap đạt giải nhất Startup Hunt Việt Nam, đồng thời được vinh danh là một trong 10 công ty công nghệ nông nghiệp tiêu biểu khu vực APAC và kêu gọi vốn thành công với số tiền 500.000 USD từ Qũy Wavemaker Partners, Singapore.
Với những thành tích nổi bật trong kinh doanh khởi nghiệp, Phạm Ngọc Anh Tùng đã vinh dự trở thành một trong 10 gương mặt Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020. Năm 2021 Phạm Ngọc Anh Tùng và Foodmap sẽ là đại diện của Việt Nam tại vòng chung kết Blue Venture Award thế giới.
Vào vụ đông xuân bội thu Nông dân ở TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL đang bước vào vụ thu hoạch lúa đông xuân 2020-2021. Vụ này, nông dân trồng lúa không chỉ trúng mùa mà còn bán được giá cao, đạt được mức lợi nhuận cao nhất trong nhiều năm qua. Nông dân lời cao chưa từng có Thu hoạch lúa đông xuân 2020-2021 bằng máy gặt...