Chuyện đời “người đọc truyện đêm khuya”
Bao nhiêu năm gắn bó với chuyên mục “Đọc truyện đêm khuya” trên Đài tiếng nói Việt Nam, giọng đọc của NSƯT Kim Cúc không chỉ dừng lại ở sự mến yêu, thân thuộc, còn là ký ức đẹp đẽ trong lòng nhiều thế hệ khán giả nghe đài…
Từ một diễn viên trở thành một phát thanh viên nổi tiếng
NSƯT Kim Cúc thời trẻ
NSƯT Kim Cúc sinh năm 1944 tại Nam Định. Hơn 70 tuổi, nhưng cho đến hiện tại, khi ngồi nói chuyện với bà, phóng viên vẫn được lắng nghe một giọng nói không tuổi, đầy truyền cảm. NSƯT Kim Cúc đã có hơn 50 năm gắn bó với đài truyền thanh, hơn 50 năm nay, khán giả nghe đài đã được nghe một giọng nói ấm áp, dịu dàng, đầy cảm xúc, và vẫn vẹn nguyên như thế- không hề thay đổi.
NSƯT Kim Cúc chia sẻ, bà gắn bó với chuyên mục “Đọc truyện đêm khuya” tới mức, bà đã gặp biết bao khán giả ngoài đời, khi biết bà là người đọc truyện, họ đều nói, suốt cả tuổi thơ của họ hoặc cả gia đình họ một thời đã cùng nhau lắng nghe giọng đọc của bà trên sóng phát thanh. Giọng đọc truyện đêm khuya đặc trưng, không thể lẫn vào đâu của NSƯT Kim Cúc đã trở nên quen thân với từng nhà, đã trở thành sự yêu mến trong đông đảo thính giả, và trở thành ký ức tươi đẹp của cả một thế hệ giờ đã bạc đầu.
NSƯT Kim Cúc (ngoài cùng bên phải)
Lớn lên từ thành phố Nam Định, NSƯT Kim Cúc là cựu học sinh của trường THPT Lê Hồng Phong. Bà vẫn nhớ gia đình ở số nhà 265 phố Trần Hưng Đạo. Hồi nhỏ, mỗi lần đi trên phố đến trường, cô bé Kim Cúc vẫn háo hức đứng dưới chiếc loa công cộng treo trên cây lắng nghe các cô, các chú đọc. Cô bé Kim Cúc thích tới mức còn học cách đọc theo các phát thanh viên trên loa công cộng, bạn bè nghe cô bé đọc thì đều thốt lên, “Cậu đọc giống đấy”, “Cậu đọc hay đấy”…
Lớn lên, cô bé Kim Cúc yêu “chiếc loa công cộng” ngày nào theo đoàn văn công Quân khu 3 phục vụ quân đội. Từ đoàn văn công Quân khu 3, được phát hiện giọng nói truyền cảm, NSƯT Kim Cúc được điều chuyển về Cục Địch vận của Tổng Cục Chính Trị thuộc Quân Đội Nhân Dân Việt Nam. Tại Cục Địch vận, NSƯT Kim Cúc tham gia đọc những lời kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền quay lại với đồng bào, cùng chiến đấu bảo vệ đất nước. Cục Địch vận thời ấy cũng có một chương trình phát riêng trên sóng phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam. NSƯT Kim Cúc trở thành phát thanh viên chính thức từ đó.
NSƯT Kim Cúc trong ngày được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú. NSND Trà Giang (ngoài cùng bên trái) có tham dự và chụp ảnh kỷ niệm cùng.
“Vậy là tôi từ một diễn viên trở thành một phát thanh viên. Tôi không hề qua bất kỳ một khóa học hay một trường lớp đào tạo nào. Tất cả đều do trời phú và rèn luyện mà có”- NSƯT Kim Cúc chia sẻ.
Video đang HOT
Đến năm 1971, NSƯT Kim Cúc chuyển hẳn về Đài tiếng nói Việt Nam. Và bà chính là phát thanh viên đã đọc bản tin chiến thắng quan trọng ngày 30/4/1975 trên sóng phát thanh Đài tiếng nói Việt Nam buổi trưa hôm ấy, ngay khi xe tăng của Quân đội Nhân dân Việt Nam húc đổ cánh cổng của Dinh Độc Lập.
Đến bây giờ, NSƯT Kim Cúc trở thành giọng đọc nổi tiếng gắn liền với chuyên mục “Đọc truyện đêm khuya”- chuyên mục được biết bao thế hệ thính giả yêu mến.
Chia tay chuyên mục “Đọc truyện đêm khuya” khi chồng đột quỵ
NSƯT Kim Cúc và chồng (ngoài cùng bên trái). Ông cũng từng là phát thanh viên tiếng Nhật của Đài tiếng nói VN
Năm 1976, ngay sau khi giải phóng, NSƯT Kim Cúc đã kết hôn với một phát thanh viên cùng Đài. Ông là phát thanh viên tiếng Nhật (sau này ông chuyển sang công tác tại Bộ Công thương). Vợ chồng NSƯT Kim Cúc sinh hạ 2 người con “đủ nếp, đủ tẻ”. Đến bây giờ, ông bà đang sống với niềm vui lớn từ các con và 5 cháu nội, ngoại.
Nhắc đến cuộc sống gia đình những năm bao cấp khó khăn, vất vả, NSƯT Kim Cúc vẫn nhớ, “Thời gian ấy, gia đình tôi cũng như bao gia đình khác, rất vất vả, thiếu thốn, đói khổ. Hai vợ chồng công tác ở Đài đầu tắt mặt tối bươn chải để nuôi 2 con ăn học. Hồi ấy, cứ 4h sáng tôi phải sang Đài. Tôi thường khóa trái cửa, nhốt 2 con trong nhà. Đến 6h sáng về, đưa 2 con đi học. Đến chiều về, hai đứa cũng tự ăn, tự chăm nhau. Bố mẹ đi làm có khi 7-8h tối mới về…”- NSƯT Kim Cúc kể.
Trải qua giai đoạn khó khăn, gia đình NSƯT Kim Cúc giờ kinh tế đã ổn định. Khi được hỏi về việc, 2 con có yêu giọng đọc của mẹ không, NSƯT Kim Cúc cười nói, “Không đâu. Các cô, các cậu ấy thích cách đọc của các phát thanh viên bây giờ. Họ đọc nhanh hơn, tính thời sự rõ nét hơn. Nhưng tôi có nói với các con, mỗi thời điểm lịch sử có đặc trưng riêng, thời ấy sẽ phải đọc như thế”.
Năm 2000, NSƯT Kim Cúc về hưu theo chế độ nhưng bà vẫn luôn luôn được mời đọc, không chỉ chuyên mục “Đọc truyện đêm khuya”, còn đọc lời bình cho các bộ phim tài liệu của VTV, VOV… Giọng đọc của NSƯT Kim Cúc đã là “thương hiệu” của “Đọc truyện đêm khuya”.
NSƯT Kim Cúc hiện tại
Cách đây vài năm, chồng của NSƯT Kim Cúc bị đột quỵ. Để chăm sóc chồng, NSƯT Kim Cúc đã xin nghỉ công việc ở chuyên mục “Đọc truyện đêm khuya” để dành tất cả thời gian bên cạnh ông.
Khi rời xa chuyên mục đã gắn bó suốt thời gian dài cũng là lúc NSƯT Kim Cúc cảm thấy nhớ công việc, nhớ khán giả hơn bao giờ hết.
“Tôi nhận được rất nhiều yêu cầu của thính giả gửi về đài. Rất đông khán giả bày tỏ tình cảm và động viên tôi trở lại tiếp tục, nhưng thời điểm vừa rồi, tôi phải lo cho ông nhà. Giờ ông ấy đã khỏe hơn. Tôi cũng rất nhớ thính giả. Tôi mong sớm nhất sẽ có dịp được trở lại để đọc cho khán giả nghe những câu truyện đêm khuya…”- NSƯT Kim Cúc gửi gắm.
Hiền Hương
(Ảnh tư liệu chụp lại)
Theo Dantri
Những chuyện đằng sau bản tin chiến thắng ngày 30/4/1975
"Người phóng viên mang bản tin chiến thắng về để phát sóng trên Đài tiếng nói Việt Nam đã gặp tai nạn trên đường, vừa đến cổng Đài cô ấy đã ngất lịm đi..."- 40 năm sau, NSƯT Kim Cúc vẫn nhớ như in những câu chuyện đằng sau bản tin chiến thắng ngày 30/4/1975.
40 năm đã trôi qua, nhưng trong ký ức của NSƯT- BTV Kim Cúc, người đọc bản tin chiến thắng trên sóng phát thanh Đài tiếng nói Việt Nam ngày 30/4/1975 vẫn vẹn nguyên những câu chuyện cũ, như thể câu chuyện ấy chỉ mới vừa xảy ra ngày hôm qua. Bà vẫn có thể đọc thuộc lòng, rõ ràng, mạch lạc cho PV Dân trí nghe từng chữ trong bản tin đã được viết cách đây 40 năm. Và bà vẫn đọc với giọng xúc động như thế, hào sảng như thế, đầy tự hào như thế.
NSƯT Kim Cúc hiện tại, bà vẫn nhớ như thể mọi việc vừa mới xảy ra ngày hôm qua, 40 năm như chớp mắt lịch sử (Ảnh: Hiền Hương)
NSƯT Kim Cúc chia sẻ, bản tin chiến thắng ngày 30/4/1975 là bản tin quan trọng nhất bà từng đọc trong cuộc đời làm biên tập viên ở Đài tiếng nói Việt Nam. Là bản tin đáng nhớ nhất, xúc động nhất, quan trọng nhất trong cuộc đời bà. Là bản tin có tác động mạnh mẽ nhất. Và là bản tin hùng tráng nhất trong lịch sử phát sóng của Đài tiếng nói Việt Nam.
"Hôm ấy, thật may mắn và vinh dự, đúng vào ca trực của tôi. 11h45 trưa, một bản tin ngắn gọn, súc tích đã được gửi về đài thông báo, quân ta đã tiến vào Sài Gòn, lật đổ cánh cổng cơ quan đầu não của ngụy quân, ngụy quyền, và giải phóng hoàn toàn thành phố. Tôi là người trực nên có trách nhiệm lập tức đọc bản tin này trên sóng phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam, bản tin lúc 11h45. Sau đó, một bản tin khác được làm lại, dựng thêm thông tin, thêm nhạc nền là ca khúc "Như có Bác trong ngày vui đại thắng", và bản tin này được phát thanh vào lúc 18h ngày 30/4/1975. Sau này, mọi người chỉ nghe và biết đến bản tin phát thanh lúc 18h, nhiều người đã thắc mắc tại sao một thông tin quan trọng như thế lại phát muộn như thế? Với một cơ quan thông tấn lớn nhất miền Bắc khi ấy là Đài tiếng nói Việt Nam? Thực tế, chúng tôi đã phát đi một bản tin vào lúc 11h45 trưa ngày 30/4/1975, tôi đọc là phát thanh trực tiếp, đọc thẳng không sao in lại, không thu lại (do điều kiện kỹ thuật còn đơn sơ), nên ít người biết điều này"- NSƯT Kim Cúc nhớ lại.
Đằng sau bản tin chiến thắng trên sóng phát thanh ngày 30/4/1975 có nhiều câu chuyện, đến bây giờ NSƯT Kim Cúc vẫn nhớ như in.
NSƯT Kim Cúc được Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt tay nhân một lần Đại tướng đến thăm Đài tiếng nói VN
Phóng viên- người mang bản tin từ Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam về để kịp phát thanh trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam hôm ấy trên đường đi đã gặp tai nạn. Khi về đến cổng Đài, nữ phóng viên đã ngất lịm. Một người khác đã ngay lập tức cầm bản tin ấy đưa sang phòng thu. Lúc ấy, BTV Kim Cúc cùng với một nữ BTV nói tiếng miền Nam đang trực. Bản tin được gấp rút thu thanh và phát trên Đài tiếng nói Việt Nam vào lúc 11h45 ngày 30/4/1975.
NSƯT Kim Cúc còn nhớ, "Bản tin rất ngắn gọn, súc tích với nội dung như sau " Mời các bạn nghe tin chiến thắng chúng ta mới nhận được. Đúng 11h30, quân ta tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm dinh Độc Lập. Bộ Tổng tham mưu Ngụy- Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên nóc dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng"". Theo NSƯT Kim Cúc, bản tin rất ngắn gọn, nhưng chứ đủ thông tin giống như lời hiệu triệu, cổ vũ, động viên quân và dân ta tiếp tục tranh đấu để đi đến toàn thắng.
Bản tin chỉ với bấy nhiêu chữ nhưng đã đủ khiến cả một dân tộc vỡ òa trong niềm vui, hạnh phúc vô bờ.
"Bản thân tôi khi đọc bản tin chiến thắng, ngoài việc gửi gắm niềm vui, sự sung sướng đến đồng bào mình, tôi còn có một niềm riêng khác là 2 em trai tôi khi ấy đang ở chiến trường. Tôi còn mới biết tin, một em trai của tôi bị thương trên chiến trường Quảng Trị. Vì thế, khi đọc bản tin chiến thắng ngày 30/4/1975, tôi vừa đọc vừa mong mỏi các em tôi sẽ nghe được bản tin này, để động viên, cổ vũ tinh thần cho các em tôi sẽ vững vàng hơn, mạnh mẽ hơn- khi nghe thấy giọng nói của chị đọc tin chiến thắng"- NSƯT Kim Cúc tâm sự.
Nữ phóng viên bị ngất khi đưa bản tin chiến thắng từ Bộ Tổng tham mưu Quân đội NDVN về Đài tiếng nói VN là Anh Trang (ngoài cùng bìa phải). Ngoài đời, nữ phóng viên Anh Trang và NSƯT Kim Cúc (giữa) cùng với chồng của NSƯT Kim Cúc (ngoài cùng bìa trái) là 3 người bạn thân.
40 năm đã trôi qua, nhưng ngồi nghe trực tiếp NSƯT Kim Cúc đọc lại rõ ràng bản tin chiến thắng, người viết thực sự xúc động. Theo NSƯT Kim Cúc, hẳn lúc ấy bà đọc sẽ còn tốt hơn, vì "khi ấy còn trẻ trung, sức khỏe dồi dào, lại còn nguyên cảm xúc vỡ òa của ngày chiến thắng. Bây giờ, sau 40 năm, tôi đã già rồi. Sức khỏe yếu đi nhiều. Giọng nói không còn "phong độ". Nhưng quả thực, cảm xúc vẫn như dâng đầy trong tôi khi nhớ lại ngày này 40 năm trước".
Ngay sau khi bản tin chiến thắng phát trên sóng phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam, người dân Hà Nội đã đổ ra đường reo hò, phất cờ, mừng chiến thắng. "Tin chiến thắng được người Hà Nội nghe qua loa lắp đặt trong nhà (thường để nghe báo động máy bay), ngay khi bản tin phát xong, tôi đã thấy bên kia đường mọi người hoan hô, vỗ tay, và hét vang: Chiến thắng rồi! Đại sứ quán Cu-Ba ở ngay gần phòng thu của Đài, họ cũng đổ ra đường nhảy múa, cầm xoong cầm nồi khua tứ tung, và họ cũng hô vang "Viva Việt Nam! Viva Việt Nam (Việt Nam muôn năm)". Rồi suốt những ngày sau đó, cả Hà Nội không ngủ, cả Hà Nội vui như hội. Ai nấy đều mặc quần áo đẹp, đi ra đường, ra bờ Hồ để ăn mừng chiến thắng. Tiếp đó, là công việc đưa người vào Nam tiếp quản Sài Gòn, tái thiết miền Nam sau độc lập... Cả đất nước hân hoan, rộn ràng mừng lịch sử dân tộc sang trang mới"- NSƯT Kim Cúc kể lại.
Và bà nhắc đi nhắc lại.
"Ngay sau bản tin chiến thắng ấy, lịch sử dân tộc đã sang trang!"
Hiền Hương
Theo Dantri
Gặp người lính bắn cháy 3 xe tăng, cùng đồng đội húc đổ cổng Dinh Độc Lập Đa 40 năm trôi qua nhưng giây phút bắn cháy 3 chiếc xe tăng của địch, tiếp đó oai dũng ngồi trên chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập, tất cả như mới xảy ra ngày hôm qua với Thiếu tá Nguyễn Duy Ân. Chúng tôi về làng Kim Tân, xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh gặp Thiếu...