Chuyển đổi hơn 1.000 héc-ta đất rừng làm cao tốc Bắc – Nam
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ hai vụ trở lên của dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà cho biết dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đi qua 12 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau và Cần Thơ.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 13
Thưc hiện Nghị quyết số 44/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11-2-2022, trong đó giao UBND các tỉnh có dự án tổ chức thẩm định hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng thuộc địa phận quản lý của địa phương và gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổ chức thẩm định theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; tổng hợp nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên, đất trồng lúa nước còn lại.
Về diện tích rừng đề nghị chuyển mục đích sử dụng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, phạm vi nghiên cứu của Dự án dự kiến có chuyển mục đích sử dụng rừng giai đoạn 2021 – 2025 và thời kỳ 2021 – 2030 gồm 7 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa.
Diện tích rừng Chính phủ đề nghị chuyển mục đích sử dụng 1.054,63 ha, bao gồm: 111,84 ha rừng phòng hộ; 4,45 ha rừng đặc dụng; 802,91 ha rừng sản xuất; 135,43 ha rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng (có nguồn gốc rừng phòng hộ 14,89 ha, từ rừng đặc dụng 0,22 ha, từ rừng sản xuất 120,32 ha).
Video đang HOT
Diện tích đất lâm nghiệp đề xuất chuyển đổi là 1.863,94 ha, bao gồm: đất rừng phòng hộ 138,10 ha, đất rừng đặc dụng 4,61 ha và đất rừng sản xuất 1.721,23 ha.
Về chuyển mục đích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên, trên cơ sở báo cáo của các địa phương có dự án đi qua và số liệu tổng hợp của Bộ Giao thông vận tải, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất như sau: Đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên và đất trồng lúa còn lại là 1.721,96 ha.
Chính phủ cũng nêu rõ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp với pháp luật lâm nghiệp; phù hợp với diện tích đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên trong quyết định chủ trương đầu tư dự án; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; phù hợp với quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh để có cơ sở quyết định dự án đầu tư và triển khai các bước tiếp theo, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
Theo báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, một số ý kiến đề nghị làm rõ tác động của việc thay đổi diện tích rừng, đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên đối với tổng mức đầu tư dự án và phương án phát triển đất, trồng rừng, trồng lúa thay thế đối với phần diện tích cần chuyển đổi cho dự án theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng diện tích đất trồng lúa hai vụ đề nghị chuyển mục đích sử dụng là 1.573,23 ha, theo đó tổng số tiền phải nộp để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa của chủ đầu tư dự án là khoảng 388 tỉ đồng. Do vậy, đề nghị các cơ quan liên quan phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm quản lý đối với diện tích đất trồng lúa hai vụ.
Có ý kiến đề nghị lưu ý không chuyển đổi đất rừng để lấy mỏ khai thác vật liệu cho dự án. Một số ý kiến đề nghị trong các bước tiếp theo khi triển khai thực hiện cần chú ý đến vấn đề có liên quan đến an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, chống biến đổi khí hậu, bảo đảm sinh kế của người dân khi bị thu hồi đất rừng, đất lúa phục vụ dự án.
Sau khi thảo luận, 100% thành viên ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp đã biểu quyết nhất trí thông qua nghị quyết về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên như tờ trình của Chính phủ.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ dự án, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 theo quy định. Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh có dự án cần thống kê, kiểm đếm chính xác về loại đất, rừng; giám sát tận thu đúng trong phạm vi chuyển đổi, không để các đối tượng lợi dụng khai thác lâm sản ngoài phạm vi cho phép, lấn, chiếm đất nông nghiệp, lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển khoáng sản không đúng quy định.
Chính phủ quyết định chỉ định thầu 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Thủ tướng Chính phủ quyết định chỉ định thầu trong 2 năm (2022 và 2023) đối với gói thầu xây lắp và các gói thầu quan trọng khác Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Dự án được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công, đi qua địa bàn 12 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Theo Nghị quyết thì Bộ trưởng Bộ GTVT và người có thẩm quyền được áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn liên quan đến Dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Trình tự, thủ tục chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu.
Dự kiến cuối năm 2025 sẽ hoàn thành dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Thủ tướng Chính phủ quyết định chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với gói thầu xây lắp các dự án thành phần, kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng) và các gói thầu quan trọng khác nếu thấy cần thiết về tư vấn liên quan đến dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng Bộ GTVT và kết quả thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Nghị quyết cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc: Thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; thẩm tra, quyết định khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu; các công việc khác có liên quan để đảm bảo tiến độ triển khai dự án.
Về một số nhiệm vụ cụ thể, Bộ GTVT thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm của người quyết định đầu tư theo các quy định hiện hành trong tổ chức thực hiện các dự án thành phần, đảm bảo tiến độ cơ bản hoàn thành dự án năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026; tổ chức lập, hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng; xác định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của dự án, hoàn thành trước ngày 20/3/2022.
Bộ GTVT cũng được giao tổ chức lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho từng dự án thành phần; đồng thời tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định, quyết định phê duyệt 12 dự án thành phần, hoàn thành trước ngày 30/6/2022 và thực hiện các công việc tiếp theo đảm bảo khởi công trước ngày 31/12/2022; triển khai thi công đồng loạt trước ngày 31/3/2023.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chấp thuận các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều này đối với các gói thầu xây lắp các dự án thành phần; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu việc bố trí vốn thực hiện dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Đối với UBND các tỉnh, thành có liên quan kiểm tra, rà soát các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành liên quan đến dự án để kịp thời điều chỉnh theo quy định hiện hành, đảm bảo phát huy hiệu quả đầu tư của dự án.
Vợ Chánh án TAND huyện chiếm đất rừng phòng hộ xây nhà sàn Vợ Chánh án TAND huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) chiếm đất rừng phòng hộ dựng nhà trái phép nhưng không chịu chấp hành xử lý vi phạm. Lén lút xây nhà trên đất rừng Thời gian qua, dư luận địa phương xôn xao về việc một ngôi nhà ở thôn Định Nhất, xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh, được cho là xây trái...