Chuyện đi sửa siêu xe tại Việt Nam
Trước khi có sự xuất hiện của các garage tư nhân có chuyên môn và đại lý chính hãng, nhiều người dùng tại Việt Nam khá chật vật trong việc bảo dưỡng, sửa chữa siêu xe.
Bảo dưỡng sửa chữa luôn là vấn đề đau đầu của các chủ nhân sở hữu siêu xe tại Việt Nam. Vì đây là loại phương tiện khá “đỏng đảnh”, nếu không được bảo dưỡng đúng cách bởi các kỹ sư lành nghề, hay thay thế phụ tùng không rõ nguồn gốc sẽ khiến xe nhanh xuống cấp hoặc không đạt được hiệu năng vận hành tối ưu sau một khoảng thời gian sử dụng.
Chật vật bảo dưỡng siêu xe
Đó là câu chuyện chung của những người chơi siêu xe đời đầu. Ông Nguyễn Quốc Cường từng chia sẻ với truyền thông về sự khó khăn trong việc bảo dưỡng Gallardo, vốn là chiếc Lamborghini đầu tiên về nước vào năm 2007.
Giai đoạn 2007-2009 cũng được coi là khoảng thời gian cực thịnh khi rất nhiều chiếc siêu xe được người chơi đưa về Việt Nam. Điều này khiến công việc bảo trì, bảo dưỡng siêu xe trở nên hấp dẫn và gần như là độc quyền của một số ít garage có kinh nghiệm.
Khi đó các đại lý siêu xe chính hãng chưa có mặt tại Việt Nam, dân chơi siêu xe chỉ có thể tìm đến các garage tư nhân. Tuy nhiên, việc phải tiếp cận nhiều công nghệ mới mẻ trên siêu xe, cũng như khó khăn trong việc tìm kiếm tài liệu và phụ tùng thay thế khiến nhiều garage bối rối trong việc bảo dưỡng loại phương tiện này.
Thậm chí, cơ sở hạ tầng của các garage khi đó vẫn sơ sài. Hình ảnh những chiếc siêu xe phải nằm ngoài vỉa hè để bảo dưỡng không quá xa lạ ở thời điểm đó.
Chiếc Dodge Viper SRT10 ACR đầu tiên tại Việt Nam được thay lốp trên một khung sắt. Ảnh: Siêu xe Quảng Ninh.
Riêng với những lỗi nặng, nhiều chủ nhân còn phải tìm cách đưa xe sang nước ngoài để bảo dưỡng, điển hình là hai chiếc Lamborghini Gallardo SE và chiếc Aston Martin Vanquish đời 2007.
Theo nguồn tin riêng, những chủ nhân của 2 chiếc xe trên phải chi trả một số tiền lớn với nhiều hạng mục khác nhau để có thể mang xe ra nước ngoài bảo dưỡng.
Các garage bảo dưỡng tư nhân chuyên nghiệp xuất hiện
Trước nhu cầu sử dụng các dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng siêu xe trong nước của khách hàng, nhiều garage tư nhân đã mạnh dạn đầu tư hệ thống thiết bị máy móc cùng phần mềm chẩn đoán, bắt bệnh siêu xe tại garage của mình.
Một chủ nhân garage tư nhân tại TP.HCM cho biết mình phải qua Mỹ nhiều lần, gặp các đối tác để cung cấp dịch vụ, xem cách họ làm. Ngoài ra, anh này cũng phải đặt mua máy móc, thiết bị và phần mềm, ký hợp đồng hỗ trợ 24/7. “Chúng tôi mất hơn một năm vận hành thử nghiệm với đội ngũ thợ lành nghề, sau đó mới tự tin nhận bảo dưỡng siêu xe”, anh nói.
Toàn bộ quy trình bảo dưỡng cho từng mẫu xe được phía đối tác cung cấp cho các garage, đi kèm máy đọc lỗi. Khi cần phụ tùng thay thế, những garage này kiêm luôn nhiệm vụ đặt hàng hộ chủ nhân thông qua Internet, thời gian về phụ tùng dao động từ 1-2 tháng.
“Thực ra việc bảo dưỡng siêu xe cũng tương tự xe phổ thông, chỉ có điều những linh kiện, phụ tùng thay thế phải nhập về từ nước ngoài nên thời gian bảo dưỡng sẽ lâu hơn một chút”, anh Mai Hữu Toàn, chủ nhân một chiếc Chevrolet Corvette C7 Stingray tại TP.HCM chia sẻ.
Video đang HOT
Nhiều garage tư nhân đã nâng cấp chất lượng dịch vụ, đặt mua máy móc, thiết bị, phần mềm, máy đọc lỗi… và đào tạo nhân lực để phục vụ việc sửa chữa siêu xe.
Nhiều chủ nhân cũng không còn lo lắng trong việc bảo dưỡng, vì trong tài liệu hướng dẫn sử dụng có sẵn, các mốc cây số cần thực hiện bảo trì, bảo dưỡng đều được ghi chú rất cẩn thận.
“Nếu xe có lỗi, bảng điều khiển trung tâm trên xe hay màn hình thiết bị chẩn đoán có thể phát hiện ngay lập tức. Mỗi khi sửa chữa, vệ sinh hay chỉ đơn giản là thay nhớt xong, các thiết bị sẽ tự động rà soát và cài đặt lại các chế độ cho thiết bị trên xe.
Về phần cơ khí, khung gầm, những người thợ lành nghề có thể kiểm tra tổng thể bằng mắt thường nên tôi khá yên tâm trong việc bảo dưỡng ở các garage tư nhân”, anh T.H., chủ nhân sở hữu chiếc Lamborghini Huracan LP 610-4 tại TP.HCM chia sẻ với Zing.
Với những lỗi kỹ thuật lớn, các garage tư nhân thường mời kỹ sư từ nước ngoài về chẩn đoán. Điển hình trước khi xưởng dịch vụ của Ferrari có mặt tại Việt Nam, nhiều chủ nhân garage tư nhân đã mời các chuyên gia của chính hãng xe Italy từ thị trường nước ngoài về Việt Nam để bảo dưỡng xe cho khách hàng, với đầy đủ hạng mục như kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế phụ tùng và cập nhật phần mềm mới cho các dòng xe.
Trao đổi với Zing, anh N.T.T., trưởng phòng kỹ thuật của một garage tại quận 7, TP.HCM cho biết tùy theo loại xe, chi phí bảo dưỡng và công thợ sẽ khác nhau.
Cụ thể, đối với các mẫu xe sang và xe thể thao như Rolls-Royce, Bentley, Audi, BMW, Aston Martin, Maserati… chi phí bảo dưỡng là 1,2 triệu đồng/chiếc, công thợ là 800.000 đồng/chiếc. Con số trên các mẫu siêu xe như McLaren, Lamborghini, Ferrari… lần lượt là 2,5 triệu đồng/chiếc và 900.000 đồng/chiếc.
“Phụ tùng, thiết bị cho siêu xe phải đợi lâu, chi phí không rẻ so với những mẫu xe phổ thông. Thế nên, không phải mua siêu xe là xong, chúng ta còn phải tính đến chuyện bảo dưỡng, thậm chí là cả những sự cố không may khi vận hành siêu xe trên đường”, anh D.G., chủ nhân một chiếc Ferrari 488 GTB tại Việt Nam cho biết.
Anh H.T., chủ nhân một chiếc Lamborghini Huracan LP 610-4 tại TP.HCM chia sẻ chi phí bảo dưỡng không quá nặng nề đối với anh. “Tôi luôn muốn xe của tôi luôn đạt hiệu năng vận hành tốt nhất. Thế nên đã mua siêu xe thì phải chấp nhận các khoản chi phí này”, anh khẳng định.
Bảo dưỡng siêu xe chính hãng tại Việt Nam
Các đại lý chính hãng hay những xưởng dịch vụ ủy quyền của những thương hiệu siêu xe cũng dần có mặt tại Việt Nam, mang đến thêm nhiều sự lựa chọn cho khách hàng.
Lamborghini đã có đại lý chính hãng tại Việt Nam từ năm 2013. Thời điểm đó, thương hiệu này đã tổ chức nhiều buổi bảo dưỡng cho các khách hàng ở Hà Nội và TP.HCM.
Từ tháng 3, Lamborghini được chuyển qua nhà phân phối khác, với xưởng dịch vụ được chuyển từ quận 7 về quận Tân Bình.
Chiếc Lamborghini Aventador LP 700-4 đang được bảo dưỡng chính hãng.
“Từ lúc Lamborghini có đại lý chính hãng tại Việt Nam, tôi thấy việc bảo dưỡng xe không còn quá khó khăn. Hãng cũng sẽ báo cho tôi đến khi nào thì xe cần bảo dưỡng, tôi chỉ cần thu xếp thời gian mang xe đi là được”, anh Đỗ Quốc Hưng, chủ nhân một chiếc Lamborghini Urus tại TP.HCM chia sẻ.
Trong khi đó, đại diện Ferrari tại Việt Nam áp dụng chính sách bảo dưỡng miễn phí cho khách hàng trong nước. “Nếu phụ tùng nằm trong hạng mục bảo dưỡng thì bên tôi cũng miễn phí cho khách hàng”, đại diện của hãng siêu xe Italy cho biết.
Về phần các khách hàng ở xa, người này cũng cho biết sẽ hỗ trợ đưa nhân viên kỹ thuật của hãng ra bảo dưỡng, thay thế phụ tùng, tuy nhiên khách hàng phải trả toàn bộ chi phí di chuyển, ăn ở cho kỹ thuật viên. Nếu những lỗi nặng, khách hàng sẽ được hỗ trợ vận chuyển xe về đại lý để thực hiện bảo dưỡng, thay thế phụ tùng.
Đối với McLaren, hãng siêu xe này mới xuất hiện chính hãng tại Việt Nam cách đây chưa lâu và showroom chính hãng vẫn chưa đi vào hoạt động.
Khi được hỏi về việc bảo dưỡng, sửa chữa siêu xe tại Việt Nam, ông Paul Harris, Giám đốc điều hành McLaren khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Trung Quốc cho biết xưởng dịch vụ của McLaren sẽ chăm sóc cho những chiếc xe nhập khẩu tư nhân trước đây tương tự như xe nhập khẩu chính hãng.
Vì nhiều nguyên nhân đến từ dịch vụ, thời gian cũng như sự tiện lợi, nhiều chủ nhân những chiếc siêu xe vẫn lựa chọn các garage siêu xe không chính hãng để bảo dưỡng và sửa chữa.
Phí quá cao, siêu xe hiếm khi được mua bảo hiểm tại Việt Nam
Bảo hiểm là một trong những phương án nhằm tối ưu chi phí trong việc sửa chữa, bảo dưỡng ôtô. Nhưng siêu xe có thể là một ngoại lệ.
Xoay quanh vụ tai nạn của chiếc Ferrari 488 GTB tại Hà Nội, chi phí để phục hồi chiếc siêu xe Italy nhận được sự quan tâm của nhiều người. Theo anh H., chủ nhân chiếc xe, chi phí để sửa chữa ước tính khoảng 6 tỷ đồng. Tuy nhiên xe không được mua bảo hiểm, đồng nghĩa việc anh H. và các bên liên quan đến vụ tai nạn phải tự bỏ tiền để sửa chữa chiếc xe này.
Zing đã ghi nhận một số chia sẻ của những chủ nhân chơi siêu xe tại Việt Nam về việc có nên mua bảo hiểm hay không, loại xe nào được mua bảo hiểm cũng như mức đền bù, thời gian giải ngân khi xe cần bảo dưỡng hay sửa chữa.
"Mua bảo hiểm trong thời gian ngắn"
Đó là chia sẻ của anh P.B., quản lý đội xe của một tập đoàn tại Việt Nam. Theo anh B., vì số lượng siêu xe tập đoàn sở hữu rất nhiều, nên việc mua bảo hiểm theo năm cho từng chiếc sẽ tốn chi phí rất lớn.
"Thông thường, những chiếc siêu xe chỉ được trưng dụng trong các sự kiện lớn của tập đoàn. Khi đó xe sẽ được mua bảo hiểm trong khoản thời gian tổ chức sự kiện. Gói bảo hiểm cũng là cao cấp nhất, đền bù 100% nếu xe bị đâm đụng, cháy nổ, thủy kích...", anh B. chia sẻ.
Nếu vận chuyển từ nơi này sang nơi khác, anh B. cũng cho biết vẫn sẽ mua bảo hiểm ngắn ngày, cụ thể là 2-3 ngày, nhằm tối ưu chi phí nếu xe gặp sự cố.
Chủ xe có thể mua bảo hiểm ngắn hạn để tối ưu chi phí.
Theo anh B., nếu xe gặp sự cố, việc đầu tiên là sẽ thống nhất với bên bảo hiểm sẽ sửa chữa xe ở đâu, garage chính hãng hay tư nhân. Sau đó phía garage sẽ báo giá chi phí sửa chữa. Khách hàng sẽ thống nhất với bên bảo hiểm về khoản chi phí. Linh kiện cũng là loại chính hãng.
Tiếp theo, chủ xe có thể ủy quyền cho bên bảo hiểm thanh toán với garage, hoặc họ giải ngân để mình tự thanh toán. "Các bên bảo hiểm hợp tác với bên tôi đều có thời gian giải ngân nhanh chóng, thủ tục không rườm rà", anh B. cho biết thêm.
Anh T.H., chủ nhân một chiếc Lamborghini Huracan LP 610-4 tại TP.HCM cho biết vì chỉ sở hữu một chiếc siêu xe nên anh quyết định mua gói bảo hiểm theo năm, tuy nhiên mức chi phí không được anh tiết lộ.
"Điều này cũng giúp tôi an tâm trong việc cầm lái siêu xe trên đường phố Việt Nam, vốn phức tạp và khó lường trước. Tôi cũng không có nhu cầu đổi xe thường xuyên hay sở hữu nhiều xe nên khoản chi phí này tôi thấy khá hợp lý", anh H. chia sẻ.
Không mua bảo hiểm vì nhiều lý do
Khác với anh P.B. và anh T.H., anh Mai Hữu Toàn, chủ nhân một chiếc Chevrolet Corvette C7 Stingray tại TP.HCM lại quyết định không mua bảo hiểm cho chiếc xe của mình.
Lý do theo anh Toàn vì xe ít đi, "nếu có va quẹt hay đâm đụng thì tôi thường tự chi trả tiền để sửa chữa để đỡ mất thời gian", anh nói.
Anh Toàn cũng lo ngại thủ tục và phần giải ngân chậm. "Chẳng hạn như có va chạm, tôi phải đợi bên bảo hiểm xuống thẩm định, rồi kéo xe về garage, xong thống nhất với bên bảo hiểm cách thức, chi phí sửa chữa... rất mất thời gian", anh Toàn cho biết thêm.
Anh Mai Hữu Toàn quyết định không mua bảo hiểm cho xe vì thủ tục rườm rà và phức tạp.
Trong một số trường hợp, chủ nhân sở hữu siêu xe lại không thể mua bảo hiểm cho chiếc xe của mình. Điển hình là trường hợp của anh N.H., chủ nhân một chiếc Ferrari 488 GTB tại TP.HCM.
Anh H. chia sẻ, thời điểm đi mua xe, nhận thấy chiếc 488 GTB này khá mới, anh quyết định mua luôn không chần chừ, mặc dù tại showroom khi đó có khá nhiều chiếc siêu xe khác nhau, đủ thương hiệu.
"Tuy nhiên điểm trừ của chiếc siêu xe này là không đăng ký được biển số trắng tại Việt Nam, thay vào đó showroom đăng ký biển CV để tôi đi tạm. Điều đó đồng nghĩa việc tôi khó có thể mua bảo hiểm cho chiếc xe này, vì trên giấy tờ, tôi không phải là chủ nhân thực sự, mặc dù xe hợp pháp để lưu hành trên đường phố", anh H. chia sẻ.
Có một số loại siêu xe không mua được bảo hiểm tại Việt Nam.
Anh H. còn cho biết thêm, không chỉ biển CV, các loại biển NG hay biển số nước ngoài thường xuất hiện trên những chiếc siêu xe cũng không thể mua bảo hiểm tại Việt Nam, mặc dù những loại biển này sẽ giúp người dùng tiết kiệm một khoản chi phí, phù hợp cho những người thích trải nghiệm xe trong thời gian ngắn hay có sở thích đăng ký biển số theo ý muốn.
Chi phí bảo hiểm cho siêu xe khá cao
Tham khảo trên một số website của các thương hiệu bảo hiểm lớn tại Việt Nam như Bảo Minh, PJICO... tùy thuộc vào giá trị xe và thời gian sử dụng thì mức phí có thể thay đổi. Cụ thể, với hạng mục xe chở người có giá từ 800 triệu trở lên, số tiền bảo hiểm phải đóng hàng năm dao động trong khoảng 1,13-1,85% giá trị xe, tùy thuộc vào thời gian sử dụng xe, càng sử dụng xe lâu thì số tiền đóng bảo hiểm càng nhiều.
Phạm Thu Trang, một chuyên viên tư vấn bảo hiểm tại Hà Nội cho biết nếu sử dụng gói bảo hiểm cao cấp nhất, bao gồm nhiều dịch vụ như thay mới không tính khấu hao, lựa chọn garage sửa chữa, thủy kích, đền bù việc bị mất cắp các bộ phận, hỗ trợ giải quyết bồi thường khi có sự cố... số tiền bảo hiểm phải đóng hàng năm sẽ dao động trong khoảng 1,05-1,14% giá trị xe.
Với một chiếc siêu xe có giá trị khoảng 25 tỷ đồng, theo mức giá tham khảo, số tiền bảo hiểm mà chủ nhân phải đóng một năm sẽ vào khoảng 375 triệu đồng/năm.
Chi phí lớn khiến nhiều chủ siêu xe quyết định "đánh liều" sử dụng xe không bảo hiểm và chấp nhận những rủi ro khi vận hành trên đường phố.
Lamborghini Aventador được làm mới ngoại thất tại TP.HCM Ngoại thất trên chiếc siêu xe Italy lấy cảm hứng từ các tác phẩm hội họa sơn dầu. Một chiếc Lamborghini Aventador LP 700-4 với ngoại thất độc đáo vừa xuất hiện trên một tuyến phố trung tâm TP.HCM. "Lớp áo" này được hoàn thiện bởi chất liệu decal, với màu xanh nõn chuối làm chủ đạo và lấy cảm hứng từ những...