Chuyến đi biển cuối cùng của thuyền trưởng Saigon Queen
Gần 30 năm lênh đênh trên biển, ông Luân dự tính sau chuyến đi chở gỗ này sẽ ở nhà cùng vợ và con út để người con trai cả tên Hoàng đi du học ở Úc 2 năm. Nhưng dự định chưa thành hiện thực thì ông đã gặp nạn giữa biển khơi.
4 ngày sau khi tàu Saigon Queen bị chìm tại vùng biển Sri Lanka do bão, người thân, bạn bè và đồng nghiệp vẫn từng giờ mong ngóng thông tin của 4 thuyền viên mất tích, trong đó có thuyền trưởng Nguyễn Minh Luân.
Đêm 30/10, sau khi giúp đỡ 15 thuyền viên bước từ phao cứu sinh lên boong tàu Pacific Skipper, ông Luân lên cuối cùng. Tuy nhiên, khi mới bước được vài bậc thang, vị thuyền thưởng 51 tuổi bỗng tuột tay rơi xuống biển mất tích, phần vì sóng gió quá lớn, phần vì đã kiệt sức sau một ngày chiến đấu với bão biển.
Sinh ra ở vùng đất Hà Tĩnh, Nguyễn Minh Luân tốt nghiệp khóa 19 khoa Lái tàu biển ĐH Hàng hải. Ông bước chân xuống tàu lần đầu năm 1985, sau đó lần lượt làm thuyền trưởng các tàu Trà Bồng, Sông Bé 10, Long An, Long Khánh… Năm 2002, ông Luân bắt đầu làm thuyền trưởng hạng 1, và 4 năm sau là thuyền trưởng tàu hạng 2/2 (tàu trên 10.000 GRT).
Từ 2 bàn tay trắng, thuyền trưởng Luân cùng người vợ làm trong ngành thiết kế đã gây dựng nên tổ ấm gia đình cùng 2 con trai ở Sài Gòn. Con trai đầu của ông vừa tốt nghiệp ĐH Ngân hàng, còn cậu út đang học lớp 9, kinh tế gia đình tạm ổn.
Thuyền trưởng Nguyễn Minh Luân và 3 thuyền viên khác hiện vẫn mất tích.
Thấy nghề đi biển nguy hiểm, thường xuyên phải xa nhà và ông cũng đã có tuổi, gia đình khuyên ông Luân đừng đi nữa vì kinh tế cũng không thiếu thốn. Nhưng nghỉ ở nhà được hơn một năm, thuyền trưởng Luân lại “nhớ biển” và lại muốn đi. Ông dự tính sau chuyến đi cuối cùng này sẽ ở nhà cùng vợ và con út để con trai cả tên Hoàng đi du học ở Úc 2 năm. “Thằng Hoàng còn chưa kịp nhận bằng tốt nghiệp, vậy mà…”, ông Lâm anh vợ thuyền trưởng Luân nghẹn ngào.
Video đang HOT
Trao đổi với VnExpress.net, thuyền trưởng Trần Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, môi giới và xuất khẩu thuyền viên phía Nam (SCC, Công ty CP Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam) cho biết, thuyền trưởng Nguyễn Minh Luân vào làm việc cho công ty từ ngày mới ra trường, và gắn bó với công ty đã gần 30 năm.
“Anh Luân là người có chuyên môn rất vững, từng lái rất nhiều tàu lớn cả trong và ngoài nước, đi khắp năm châu 4 bể rồi. Có thể ví anh như một ’sói biển’ theo ngôn ngữ của những người đi biển chúng tôi. Tính tình anh rất giản dị và hòa đồng với anh em đồng nghiệp nên ai cũng mến con người anh ấy”, ông Dũng chia sẻ.
Còn theo thuyền trưởng Nguyễn Tiến Dũng, ông Luân đã đưa ra quyết định đúng đắn để cứu tính mạng các thuyền viên. “Anh là người cuối cùng rời ca nô cứu sinh, thể hiện bản lĩnh của người thuyền trưởng có trách nhiệm cao và hết lòng vì đồng đội, xứng đáng với tư cách của một người thuyền trưởng trong bão tố”, đồng nghiệp này nhận xét.
Hình ảnh cuối cùng trước khi thuyền trưởng Luân rơi xuống biển.
Thuyền trưởng Trần Việt Điền, Giám đốc Công ty tàu biển INLACO, bạn cùng lớp đại học với ông Luân cho hay, dù ra trường ở xa nhau nhưng thỉnh thoảng có dịp họp lớp hai người vẫn gặp nhau, còn bình thường thì vẫn giữ liên lạc. “Biết tin anh Luân bị nạn, chúng tôi đều rất buồn. Đám bạn cùng lớp cũng đang rủ nhau qua Luân để chia sẻ cùng gia đình”, giọng buồn buồn, ông Điền nói.
Từng có thời gian làm việc cùng công ty với thuyền trưởng Saigon Queen nên ông Điền nhìn nhận, bạn mình là một thuyền trưởng nhiều kinh nghiệm, từng trải, lúc nào cũng vì anh em. “Anh ấy là người rất hiền lành, chan hòa với bạn bè và hết lòng với mọi người. Ở gia đình cũng vậy, lúc nào cũng mẫu mực và gia đình luôn đầm ấm”, thuyền trưởng Trần Việt Điền chia sẻ.
Ông Lâm, anh vợ thuyền trưởng Lâm kể, hơn một năm trước, trong chuyến đi biển, tàu 30.000 tấn chở thép cuộn do ông Luân làm thuyền trưởng đã gặp sự cố. Trong tình cảnh đó, thuyền trưởng Luân hoàn toàn có thể phát lệnh rời tàu và xin cứu hộ, nhưng với nhiều năm kinh nghiệm, ông đã chỉ huy con tàu cập cảng an toàn, tránh tổn thất cho Nhà nước hàng trăm triệu USD và được công ty ghi nhận.
“Cách nay hơn một tháng, chính tôi đã chở Luân ra cảng để lên tàu Saigon Queen, từ đó đến nay, Luân đi trên biển nên cũng ít liên lạc về nhà. Bởi trên tàu có điện thoại vệ tinh nhưng chi phí rất đắt và chỉ dùng cho công việc, cấp cứu… Tính Luân lại rất nguyên tắc nên không bao giờ dùng điện thoại vệ tinh cho việc riêng”, ông Lâm nói thêm về người em vợ đang mất tích trên biển.
12h15 ngày 30/10, trên đường chở gỗ từ Myanmar đi Ấn Độ, tàu Saigon Queen trọng tải 6.500 tấn gặp cơn bão Nilam ở vùng biển Sri Lanka nên đã báo nạn khẩn cấp rồi mất liên lạc và chìm xuống biển. Ngày 31/10, cơ quan chức năng xác định, Saigon Queen đã chìm tại vị trí trên, 18 thuyền viên của tàu đã được tàu Pacific Skipper (mang cờ Hy Lạp) hoạt động trong khu vực hỗ trợ cứu vớt đêm 30/10.
Theo đại phó Nguyễn Quốc Tám của Saigon Queen, trước khi tàu chìm, hai bè cứu sinh đã được hạ và tất cả 22 thuyền viên đã lên bè, nhưng 3 người bị sóng đánh văng xuống biển. Còn thuyền trưởng Nguyễn Minh Luân, sau khi trợ giúp 15 thuyền viên từ bè cứu sinh lên tàu Pacific Skipper, ông là người lên cuối cùng và vừa bước được vài bậc thang thì tuột tay, rơi xuống biển, mất tích.
Sáng 3/11, 18 thuyền viên đã cập cảng Mongla (Bangladesh) và đang được làm các thủ tục cần thiết để về nước. Trong khi đó, việc tìm kiếm thuyền trưởng Luân và 3 thuyền viên khác vẫn chưa có kết quả.
Theo VNE
Tàu Saigon Queen chìm: Nước mắt những người vợ
Ngày 2.11, phóng viên Lao Động đã tìm đến gia đình thuyền trưởng Nguyễn Minh Luân và thủy thủ trưởng Trần Văn Đề - là 2 trong số 4 thuyền viên của tàu Saigon Queen hiện đang bị mất tích do tàu gặp nạn ở vùng biển Sri Lanka vào 30.10.
Chị Thảo vợ thuyền viên Trần Văn Đề suy sụp tinh thần khi hay tinh chồng mất tích. Ảnh: Trần Phan
Suốt những ngày qua, vợ của hai thuyền viên này luôn trong tâm trạng khắc khoải, suy sụp tinh thần, mất ăn mất ngủ và khóc ngất lên ngất xuống mong tin chồng.
Một căn nhà nhỏ nằm trong một con hẻm đường Phú Mỹ, P.22, Q.Bình Thạnh, TPHCM được gia đình thuyền viên Trần Văn Đề đặt một bàn cúng ngay trước cửa nhà, ngày đêm thắp nhang "cầu Trời, vái Phật", mong sao tin dữ hóa lành.
Hàng xóm, người thân luôn túc trực bên chị Nguyễn Thị Thảo là vợ của thuyền viên Trần Văn Đề để động viên, thăm hỏi. Dường như những lời thăm hỏi, trấn an của bạn bè người thân vẫn không xua tan được nỗi hoang mang và xót đau của chị khi hay tin chồng hiện mất tích giữa biển khơi đến nay vẫn chưa có tin tức.
Chị Thảo ngồi trong góc cửa trước nhà, tay ôm gối khóc thảm thiết. Nghẹn ngào trong nước mắt, chị Thảo nói: "Trước khi đi, anh Đề hứa với vợ con sau chuyến hàng này xin về nhà nghỉ một thời gian dài để lo chuyện giấy tờ và sửa lại căn nhà cho đàng hoàng. Vậy mà giờ này, không biết anh ở đâu, còn hay đã mất. Tôi chỉ có ước nguyện mong các cơ quan chức tiếp tục tìm kiếm đến giây phút cuối cùng. Còn nếu anh xấu số mất đi thì cũng mong tìm được xác mang về, chứ đừng để anh nằm lại ngoài biển, lạnh lắm!...".
Ông Trần Văn Trình - anh ruột của thuyền viên Trần Văn Đề- không cầm được nước mắt. Ảnh Trần Phan.
Qua lời của người anh trai ruột là Trần Văn Trình, ngày 15.8.2012, anh Đề lên tàu Saigon Queen nhưng đến Vũng Tàu thì tàu hư, phải nằm sửa nên có tranh thủ về thăm nhà thăm vợ con vào những ngày đầu tháng 9.2012. Sau khi tàu sửa chữa xong, anh đi cho đến giờ.
Phạm Ngọc Thàn (người cùng chiến đấu với anh Trần Văn Đề) cũng không cầm được nước mắt khi kể về anh Đề. Anh Đề tham gia bộ đội hải quân từ năm 1976 với nhiệm vụ là nhân viên cơ yếu. Đến năm 1980, anh chuyển ngành, làm thuyền viên suốt 30 năm qua và hiện đã có hơn 30 năm tuổi Đảng.
"Năm rồi Đề có nói chuyện với tôi là làm thủ tục xin về hưu sớm, để lo cho gia đình vợ con, chứ mấy chục năm nay đi suốt, để vợ con ở nhà tần tảo thật tội. Nhưng vừa rồi, do Cty cần người nên nó quyết định đi tiếp một vài chuyến nữa, đợi hết năm nay sẽ nghỉ, nhưng bây giờ..." - ông Trần Văn Trình trầm tư nhớ lại.
Gia đình thắp nhang cầu Trời vái Phật phù hộ thuyền viên Trần Văn Đề vẫn còn sống.
Trong khi lãnh đạo Cty vận tải biển Sài Gòn (chủ tàu) cho báo chí biết đã đến thăm hỏi gia đình các thuyền viên mất tích, nhưng theo phản ánh của gia đình thuyền viên Trần Văn Đề thì chưa thấy lãnh đạo Cty đến nhà thăm hỏi, mà chỉ gọi điện thông báo hoặc người thân tự tìm đến lên Cty để hỏi thông tin.
Còn tại nhà thuyền trưởng Nguyễn Minh Luân cũng tràn ngập một bầu không khí buồn lắng và lo âu, tràn nước mắt của những người thân đang từng giây ngóng tin.
Dù đã quá trưa, nhưng ai nấy vẫn không có tâm trí nào ngó ngàng đến mâm cơm đã được dọn sẵn. Thông tin "sẽ ngừng tìm kiếm những thuyền viên mất tích vào chiều 3.11"- đăng trên báo mạng ngày 2.11 khiến chị Vũ Thị Mai Hương (vợ thuyền trưởng Luân) không khỏi thêm hoang mang và giàn giụa nước mắt.
Chị Hương cố nén những giọt nước mắt, lấy lại bình tĩnh nói với chúng tôi: "Tôi xem trên mạng, thấy đưa hình ảnh chồng tôi lúc tàu xảy ra sự cố vẫn còn mặc áo phao. Điều này thắp lên trong tôi tia hy vọng, chồng mình vẫn còn sống. Trong khi đến giờ, vẫn chưa nhận được thông tin tìm kiếm được anh ấy, vậy mà nghe nói chiều 3.11 kết thúc tìm kiếm...".
Cùng ngày 2.11, chị Hương cũng đã có đơn đề nghị Cty cổ phần vận tải biển Sài Gòn (chủ tàu), Cty cổ phần vận tải và thuê tàu Việt Nam (cơ quan chủ quản quản lý thuyền trưởng Nguyễn Minh Luân), Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam có giải pháp tiếp tục phối hợp với các cơ quan nước bạn kéo dài thêm cuộc tìm kiếm chồng chị và những thuyền viên khác đến phút cuối cùng.
Theo laodong
Diễn biến mới về vụ tàu Saigon Queen bị chìm ở Sri Lanka Đến sáng 31/10, 18/22 thuyền viên tàu Saigon Queen của Việt Nam bị chìm tối 30/10 trên vùng biển Sri Lanka đã được cứu hộ an toàn. Tàu Saigon Queen. (Nguồn: ports.co.za) Trước đó, theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, hồi 12h37 (giờ Việt Nam) ngày 30/10, tại tọa độ 07.59.840 N - 084.11.900 E (thuộc vùng biển...