Chuyện dạy con kì quái của những phụ huynh nghiêm khắc
Chị hỏi tôi nghĩ gì khi quyết định biến mình thành kẻ thứ ba phá hoại gia đình người khác sao? Tôi không hề thấy nhục nhã và hối hận vì đã làm như thế. Tôi chỉ quan tâm đến con tôi mà thôi. Đó là toàn bộ những gì tôi suy nghĩ khi đó.
Dân gian dạy: “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Nhưng thực tế, không phải cứ dùng đến roi vọt là thể hiện được tình thương, dùng ngọt ngào nghĩa là ghét móc nhau. Và đối với những phụ huynh nghiêm khắc, khi dạy con, họ không chỉ dùng đến roi vọt, ngọt bùi mà thêm vào đó là vô số những cách thức dạy dỗ mà chẳng ai ngờ tới…
Tuấn là cậu quý tử của vợ chồng bà Hòa. Bà Hòa có tất cả năm người con. Trước Tuấn là bốn chị gái. Bố cậu là giám đốc một công ty xây dựng. Ông vốn không mấy để ý chuyện trai gái nhưng mỗi khi trong họ có cỗ bàn, lúc chưa có thêm Tuấn, ông thường phải ngồi mâm dưới nên ông nỉ non với vợ, nhất định phải cố gắng sinh cho ông một cậu quý tử. Tuấn ra đời đương nhiên trở thành thành phần được cưng chiều nhất trong gia đình. Chuyện đời thường thấy là quý tử thường rất hư vì được bố mẹ cho tự tung tự tác, muốn làm gì thì làm và Tuấn cũng không phải là ngoại lệ.
Chật vật mãi, cậu mới tốt nghiệp cấp ba và vào học tại một trường dân lập vô danh. Việc dạy con luôn là vấn đề gây bất hòa giữa vợ chồng bà Hòa. Bà Hòa rất nghiêm khắc nhưng đổi lại, chồng bà lại luôn bênh vực con trai. Mỗi người một phách nên thành ra Tuấn chẳng sợ ai trong nhà. Bà Hòa kể: “Chồng tôi lúc nào cũng có điệp khúc con trai chơi bời một chút không sao cả, miễn là nó không dính đến ma túy, lắc đá gì đấy là được. Chồng tôi không chịu hiểu rằng có thể bây giờ con tôi chưa dính vào mấy thứ chết người đó nhưng nếu cứ buông lỏng; chẳng mấy thì thằng bé sẽ đi sai đường ngay”.
Bà Hòa không đi làm mà ở nhà lo việc nội trợ, chăm sóc chồng con nên đã có thời gian, bà bỏ công bỏ sức lén lút đi theo con trai để nắm bắt lịch trình và biết thằng quý tử nhà bà hàng ngày làm những việc gì. Tuấn không đi học mà ăn chơi hết chốn nạy đến chốn khác. Bà Hòa báo cho chồng biết, ông phẩy tay nói: “Nó không cần học, sau này về công ty, tôi dạy việc cho là được. Bà cứ để cho nó chơi”. Rồi thằng Tuấn nhà bà dính vào ma túy. Bà Hòa biết điều đó khi dọn phòng con, bà nhặt được những tờ giầy bạc con bà giấu dưới gối. Rụng rời chân tay, bà báo ngay cho chồng biết nhưng ông vẫn một mực bảo vệ cậu quý tử, nói không thể nào có chuyện đó. Tuấn cũng một mực chối tội. Thấy không thể để con mình sa ngã nữa, cũng không thể đợi chờ chồng mình ra “quyết lệnh” dạy con, bà Hòa tự mình tìm cách kéo con khỏi vực thẳm.
Bà tâm sự: “Năm đó, thằng Tuấn mới hai mươi tuổi. Con tôi học dốt, chơi bời nhiều nhưng lại có tính sĩ diện rất cao. Nó ăn chơi ở ngoài thế nào không ai biết nhưng hễ về đến khu phố, nó lại đóng vai một thằng hiền lành, ngoan ngoãn và lễ phép. Thế nên trong phố, ai cũng khen nhà tôi dạy con giỏi, nói có phúc phận nên mới sinh được thằng con ngoan thế. Cũng bởi chuyện này mà chồng tôi không bao giờ tin thằng Tuấn ăn chơi sa đọa như lời tôi nói”.
Biết được con có nhược điểm duy nhất là ở tính sĩ diện, bà Hòa quyết tâm sẽ tạo scandal về thằng Tuấn để nó phải xấu hổ với mọi người. Nghĩ là làm, không hỏi ý kiến chồng, bà Hòa thuê thám tử đi theo thằng Tuấn và ghi lại những lúc Tuấn ăn chơi, dùng ma túy, uống thuốc lắc… và bà dùng những tấm ảnh đó mang đi cho hàng xóm xem rồi không ngớt lời than vãn, kể lể về thành tích ăn chơi của cậu quý tử nhà bà. Ảnh Tuấn hút chích được rải từ đầu phố đến cuối phố.
Hàng xóm bàng hoàng, chồng bà bàng hoàng và Tuấn thì bị sốc nặng vì cậu không nghĩ mẹ mình có thể làm như vậy. Tuấn trốn rịt trong nhà. Cậu không dám ra đường vì sợ phải nghe những lời xì xào, bàn tán của hàng xóm. Bà Hòa vẫn chưa dừng lại mặc cho chồng quát mắng. Đều như vắt chanh, ngày nào bà cũng ra khỏi nhà vào lúc tám giờ sáng, đến từng nhà hàng xóm một để kể lể chuyện thằng Tuấn nhà bà nghiện ngập. Rồi xa hơn, bà đến nhà họ hàng. Nhờ có bà “hâm nóng”, chuyện về quý tử nhà bà trở thành chủ đề chính trong khu phố và trong mỗi dịp họ hàng gặp mặt. Cho đến khi Tuấn khóc lóc và quỳ xuống xin bà dừng lại. Cậu hứa sẽ cai nghiện và làm lại cuộc đời thì bà Hòa mới đồng ý không đi rêu rao chuyện Tuấn nghiện cho mọi người nghe nữa.
Đã hơn ba năm trôi qua kể từ biến cố ấy, Tuấn hiện đang học đại học năm đầu tiên. Cậu đã hoàn toàn khác với Tuấn của những năm trước và tất nhiên, cậu đã bỏ được ma túy. Kể lại chuyện này, bà Hòa nói: “Ngày ấy, nếu tôi không cương quyết, không cứng rắn thì làm sao tôi cứu được con mình? Ai cũng nói tôi ác, tôi dở hơi nhưng không ai biết, lòng tôi đau lắm khi để cho bao nhiêu người xì xào, “nói xấu về con trai mình. Người ta bảo “Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại” nhưng nếu tôi không làm con tôi xấu hổ, không dùng sĩ diện của nó để dạy nó thì thằng Tuấn nhà tôi giờ có lẽ đã hỏng hẳn rồi”.
Vừa đánh vừa xoa
Mới đây, người dân Hải Phòng được dịp xôn xao khi một ông bố thuộc xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng “cứng rắn” dạy con bằng cách lột truồng đứa con trai mười tuổi rồi trói con vào cột điện trong cái lạnh 15 độ C. Ông cho biết lí do mình làm vậy với con trai là bởi con trai ông mải chơi game, bỏ bê học hành. Việc lột truồng con và trói vào cột điện là nhằm mục đích giáo dục, răn đe, dọa cho xấu hổ với mọi người, bạn bè để con ông không dám bỏ học đi chơi điện tử nữa. Tuy nhiên, kiểu giáo dục này rất có thể gây phản tác dụng và ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý của trẻ.
Khác với ông bố trên, chị Nga (32 tuổi, Phủ Lý, Hà Nam) cũng lấy đòn roi để răn đe con mình nhưng chị răn đe theo kiểu “vừa đánh vừa xoa”. Chị Nga kể: “Vợ chồng tôi hiếm muộn, mãi mới sinh được một cháu trai. Con tôi không phải đứa hư hỏng nhưng lại học hành không tốt. Chồng tôi là người có chức quyền nên trọng danh dự. Anh muốn con mình phải giỏi giang để có thể hãnh diện với người đời. Những năm học tiểu học, con tôi học cũng không đến nỗi nào nhưng lên cấp hai, cháu lười học nên kiến thức bị hổng nhiều. Vì thế, cháu chán nản, không muốn học mà dành phần lớn thời gian vào việc chơi game”. Con trai của chị Nga tên Hùng, năm nay 13 tuổi. Với “thành tích” nói dối học thêm để đi chơi game, mỗi tuần trung bình Hùng bị bố đánh từ 3 đến 5 trận đòn. Xót con nhưng chị Nga không dám cản chồng vì anh là người nóng tính.
Video đang HOT
Chị đã bỏ ra không ít tiền để thuê gia sư về kèm con mình học nhưng kết quả học tập của Hùng vẫn lẹt dẹt xếp hạng cuối. Những trận đòn không làm Hùng sợ mà cháu lại càng thêm bướng bỉnh, “lì” đòn. Lúc đầu bị đánh, Hùng còn khóc lóc nhưng sau quen, bị bố đánh, mặt Hùng vẫn thản nhiên như không. “Thấy con lì nên chồng tôi đánh con càng mạnh tay hơn. Có những ngày đông lạnh, anh đánh con xong rồi bắt con phải cởi bỏ hết quần áo và chạy quanh xóm. Con tôi đã vào tuổi dậy thì, nó có lòng tự trọng riêng của nó, dạy con theo cách đó là không được, nhưng chồng tôi kiên quyết không nghe mà vẫn tự mình làm theo ý của anh. Có lần, chồng tôi bắt con trai cởi hết quần áo để anh dùng roi đánh trực tiếp vào da thịt con. Đánh xong, anh còn lấy muối xát vào vết thương. Tôi thương con chảy nước mắt mà không biết làm sao” – chị Nga chia sẻ.
Rồi chị Nga bắt đầu nhờ tới sự trợ giúp của người khác trong cách dạy con của gia đình mình. Mỗi khi chồng chị đánh con trai, chị lại vội vàng gọi cho hàng xóm thân để hàng xóm sẽ lên can ngăn kịp thời và con trai chị sẽ không bị nhận đòn quá đau. Thêm vào đó, chị bí mật dạy con trai viết đơn kiện bố với “tội danh” bạo hành trẻ em. Tất nhiên, lá đơn đó không thể được gửi đến tòa án mà chỉ là vật chị dùng để “răn đe” chồng mình.
Chị cho biết: “Chồng tôi thấy lá đơn thì chột dạ rồi dần dần anh cũng có chuyển biến trong cách dạy con. Anh không dùng roi vọt nhiều nữa mà học cách tâm tình, thủ thỉ, trò chuyện với con. Thằng Hùng vốn rất sợ bố giờ lại quý bố và rất nghe lời bố. Nó chăm chỉ học hành hơn hẳn và bí mật về lá đơn kiện cáo kia là chuyện mà hai mẹ con tôi vẫn giữ kín”.
Luyện game dạy con
Đã mấy tháng nay, tối nào anh Phong cũng chôn chân ngoài hàng Internet để chơi điện tử. Chuyện này anh giữ kín với tất cả mọi người, kế cả với vợ anh. Chia sẻ việc này, anh Phong tâm sự: “Nói với vợ tối nào mình cũng đi chơi điện tử, thể nào mà vợ chẳng nhảy dựng lên càu nhàu. Tôi cũng không phải nghiện ngập gì mấy trò online này. Tôi học chơi điện tử là để dạy con mà thôi”.
Anh Phong (37 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) có một con trai năm nay học lớp chín. Con trai anh nghiện game nặng. Đã có lần anh phải đưa cháu về quê nguyên ba tháng hè, không học hành, không máy tính, không điện thoại gì để cai nghiện game cho con mình vậy mà thằng Thắng con anh, một mình đi bộ hơn 30 cây số từ làng lên thị trấn để tìm một hàng Internet chơi game cho đỡ nhớ. Bố đánh, mẹ nói, ông bà khuyên, không một biện pháp nào có tác dụng thức tỉnh Thắng và giúp Thắng thoát khỏi cơn nghiện game.
Anh Phong than thở: “Thằng bé chơi game suốt ngày. Tôi cắt mạng ở nhà thì nó ra quán. Tôi nhốt nó trong phòng thì nó thắt quần áo thành dây rồi buộc vào cửa sổ để leo xuống, thoát ra ngoài. Đã có lần nó bị suy kiệt tinh thần, phải đi cấp cứu ở bệnh viện nhưng về nhà, mọi chuyện lại đâu vào đấy. Tôi dạy dỗ con kiểu gì cũng không thành thế nên giờ tôi phải lấy độc trị độc”.
Chuyện “lấy độc trị độc” của anh Phong có nghĩa là anh cũng chơi game. Anh chơi đúng trò chơi mà con trai anh chơi và cố gắng luyện chơi cho thuần thục. Chẳng những thế, anh còn thuê thêm vài cao thủ game để đấu với con mình trên mạng. Hễ Thắng đăng nhập vào chơi thì các cao thủ này sẽ xúm vào và đánh bại Thắng ngay lập tức. Nhiều lần như thế, Thắng nản nên chuyển sang chơi trò chơi khác. Chưa dừng lại, anh Phong cũng quay sang chơi trò chơi đó và tìm kiếm cao thủ để đánh bại con. Đánh qua đánh lại hai tháng trời, thằng Thắng nhà anh bắt đầu có biểu hiện chán game vì nó bị thua liên tục.
Anh Phong hớn hở kể: “Trước đây, con tôi chỉ chúi đầu vào game mà chẳng cần biết bố mẹ và chị gái cháu thế nào nhưng giờ thì cháu đã bắt đầu nói chuyện với mọi người, thậm chí có ngày, Thắng còn đồng ý đi chơi cùng cả nhà và không hề động đến máy tính để chơi game. Có lẽ cách làm của tôi đã có hiệu quả. Tôi chắc chắn sẽ tiếp tục tìm cao thủ để đánh triệt để sự mê muội game quái quỷ của con trai mình”.
Vay tiền cho con tiêu
Để dạy con, vợ chồng anh Tùng, chị Yến đã tự tìm cách đưa mình vào tù để thức tỉnh con cái mình. Cô con gái thứ hai của vợ chồng anh chị tên Thư, mới mười sáu tuổi nhưng không chú tâm học hành mà suốt ngày đàn đúm với bạn bè ăn chơi. Những người bạn Thư chơi cùng đều là tiểu thư công tử nhà giàu, tiền tiêu như nước. Chơi với bạn thế nào thì thường bản thân sẽ bị biến thành con người có tính cách và lối sống tương tự như vậy. Nhà chị Yến không giàu nên tiền chỉ đủ lo cho con học hành chứ không có tiền cho con ăn chơi. Thư chơi với bạn nhà giàu, không muốn bị lép vế và bị coi khinh tất nhiên phải có tiền để bao lại các bạn.
Chị Yến tâm sự: “Tôi đã nói hết nước hết cái với con, mong con tỉnh ra để chú tâm học hành nhưng nó vẫn chứng nào tật đấy, thích hưởng thụ và sống sa đọa. Thư cần tiền, vợ chồng tôi vay tiền cho cháu tiêu. Chúng tôi cho cháu tiêu thoải mái. Có ngày nó tiêu tới mười triệu, bằng tiền sinh hoạt phí của gia đình tôi cả tháng nhưng tôi mặc kệ. Được đúng một tháng, tôi đưa cho con xem bảng kê tổng tiền tôi đã đưa cho cháu”.
Bảng kê thông báo số tiền lên tới một trăm triệu và chị Yến nói với con gái rằng đó là tiền chị vay nặng lãi cho cháu tiêu. Thêm vào đó, những ngày sau, liên tục có đầu gấu đến nhà chị đập phá và đòi tiền. Thư cũng bị đầu gấu làm phiền khi đi chơi cùng đám bạn nhà giàu. Tất nhiên, đám đầu gấu đó là do vợ chồng chị Yến dàn xếp thuê về. Chuyện Thư lấy tiền vay nặng lãi để bao bạn được truyền tai nhau trong giới bạn ăn chơi. Cô Thư chịu chơi bỗng nhiên phải nhận những ánh mắt khinh bỉ và lời ngoa ngoắt từ bạn bè. Hoảng sợ với cảnh côn đồ ngày ngày đến nhà, bị bạn bè bỏ rơi, Thư mới thấy những ngày tháng ăn chơi trước đây của mình thật vô vị và lãng phí. Cô bé bắt đầu tập trung học hành nhất là khi nghe tin mẹ có thể bị vào tù vì khoản vay nặng lãi chưa trả được kia. Chị Yến tùm tỉm cười: “Thế vẫn chưa đủ đâu. Rồi tôi sẽ dựng kịch để tôi đi tù cho con bé hết hồn luôn”.
Thuê đầu gấu đánh con
Tâm sự về cách dạy con của mình, ông Tâm nói: “Làm gì có cha mẹ nào bỏ tiền ra để thuê người đánh con mình. Nghĩ tới chuyện đó thôi tôi đã thấy mấy kiểu cha mẹ đó là không bình thường, thế mà giờ tôi lại phải dùng đến cách này để dạy thằng con tôi”. Ông Tâm có tất cả ba người con, hai trai một gái. Cậu út năm nay đã hai bảy tuổi, tên Nam, vẫn lông bông lêu lổng và làm đầu gấu đi đòi nợ thuê cho đám vay nặng lãi. Ông Tâm theo nghiệp binh, cực ghét chuyện làm ăn bất chính và kiếm tiền không đàng hoàng. Nam đi đánh nhau, mang dao kè vào cổ con nợ để dọa nạt, chuyện đến tai ông, ông Tâm tăng xông phải nhập viện hơn một tháng trời. Ra viện, ông gọi con đến rù rỉ tâm sự cốt mong Nam bỏ nghề rồi ông sẽ lo cho con đi học lái xe, ông cũng sẽ vay mượn mua cho con một chiếc xe tải chở hàng làm kế sinh nhai nhưng Nam không chịu. Nam vẫn thích đi đòi nợ thuê, dùng vũ lực dọa người. Không nói được con, ông Tâm bực lắm. Ông không đánh được con vì ông đã già, sức mấy mà đánh con. Thêm nữa, ông cũng không muốn dùng vũ lực với con nên ông thuê người khác để thay ông trị Nam.
Ông kể: “Tôi thuê một đám đầu gấu đi theo thằng Nam mỗi ngày. Hễ thằng Nam nhà tôi đi đòi nợ, dùng dao dọa con người ta thì đám đầu gấu này sẽ xông vào đánh con tôi một trận ra trò. Tôi đã yêu cầu họ muốn đánh thế nào cũng được, miễn là không để con tôi bị ảnh hưởng nặng về sức khỏe, tốt nhất chỉ nên đánh cảnh cáo”.
Đội đầu gấu ông Tâm thuê, cần mẫn đi theo Nam khắp mọi nơi. Lần nào đánh Nam xong, người cầm đầu cũng nhắn nhủ: “Chừng nào chú chưa bỏ nghề này nghe theo lời bố mà sống thì anh còn phải gặp chú nhiều”. Thấy con trai vẫn chưa có ý bỏ nghề, ông Tâm đến tận nơi con mình làm để vay nặng lãi. Ông vay tới một tỷ đồng và cất tiền đó vào trong ngân hàng, ngồi đợi ngày Nam đến đòi nợ ông. Ông nói: “Tính đến giờ, tiền lãi cũng đã hơn chục triệu. Tôi mong chờ cái ngày thằng Nam đến đòi nợ tôi quá. Để rồi xem con tôi sẽ làm thế nào với việc này”. Chẳng rõ cách dạy con này của ông Tâm có mang lại hiệu quả như ông mong đợi không nhưng chắc chắn, không phải người cha nào cũng nghiêm khắc với con được như ông.
Mẹ biến mình thành nhân tình để dạy con
Ít ai ngờ chị Hằng nổi tiếng là người đoan trang, đức hạnh tốt đã từng có thời là nhân tình của một người đàn ông đã có gia đình. Nội tình câu chuyện vì sao chị làm vậy, chỉ những người thân thiết với chị mới rõ.
Chị Hằng kể: “Tôi có một con gái năm nay đã lập gia đình. Chồng tôi mất khi con bé mới hai tuổi. Một mình tôi tự nuôi dạy cháu nên người. Vậy mà năm cháu mươi tám tuổi, tôi gần như chết đứng khi biết con gái mình đang yêu một người đàn ông đã có gia đình. Cháu yêu ông thật, từng sống đi chết lại vì ông ta nhưng tôi biết, ông ta chỉ lợi dụng con gái tôi. Bao nhiêu lời khuyên bảo không được cháu đón nhận, tôi buộc phải tìm cách để giúp con mình dứt khỏi mối tình đó”.
Năm đó, chị Hằng ba mươi năm tuổi, vẫn còn rất xinh đẹp và được nhiều người đàn ông ngỏ ý yêu thương. Qua vài môi quen biết và vài lời giới thiệu, chị Hằng tiếp cận được với người đàn ông mà con gái chị đang yêu thương. Chị biến mình thành nhân tình của ông ta và thuê thám tử ghi lại những lúc chị cùng ông ta thân mật bên nhau. Toàn bộ ảnh, chị Hằng gửi đến cho vợ ông ta và một vụ đánh ghen long trời lở đất xảy ra đúng như dự đoán của chị. Chị đã sắp xếp để con gái mình được chứng kiến vụ đánh ghen đó, thấy được người đàn ông con bé yêu thương cùng một lúc vừa là nhân tình của chị, vừa nói lời yêu thương với cháu và khi chị bị đánh ghen, ông ta đổ lỗi hoàn toàn cho chị. Ông ta nói chị đã quyến rũ ông để tìm cách moi tiền của ông.
“Con gái tôi bị sốc hoàn toàn khi chứng kiến cảnh đó. Tôi phải đưa cháu đi trị liệu tâm lý mất hai năm, cháu mới quên được những tổn thương mà mối tình đầu tiên gây ra cho cháu. Tôi xin nghỉ việc sau vụ việc đó và chuyển vào Nam sống. Tôi muốn con mình có một môi trường sống mới để bắt đầu một cuộc đời mới. Chị hỏi tôi nghĩ gì khi quyết định biến mình thành kẻ thứ ba phá hoại gia đình người khác sao? Tôi không hề thấy nhục nhã và hối hận vì đã làm như thế. Tôi chỉ quan tâm đến con tôi mà thôi. Đó là toàn bộ những gì tôi suy nghĩ khi đó” – chị Hằng chia sẻ.
Theo ANTD
Những điều nên tránh khi chọn trường
Việc chọn trường Đại học rất quan trọng, bạn phải cân nhắc kỹ để chọn sao cho phù hợp với bản thân và phát triển nghề nghiệp sau này của chính mình.
1. Chọn trường vì sĩ diện, theo phong trào.
Đối với nhiều bạn có học lực khá, giỏi, thì những cái tên nóng như: Đại học Y Dược, Kinh tế Quốc dân, Ngoại thương...luôn là lựa chọn số 1 mà không cần quan tâm xem mình thích gì, có khả năng tốt về lĩnh vực nào nhất.
Tiêu chí của những bạn này chỉ phụ thuộc vào...tên trường hoặc thấy bạn bè xung quanh đều thi những trường này nên thôi thì mình cũng theo họ. Nguyên nhân khác vì họ nghĩ rằng với học lực của mình phải học ở trường xứng tầm và có độ "hot" nhất định. Tuy nhiên, việc chọn lựa trường như thế này sẽ không có hiệu quả nếu bạn chọn lệch với khả năng và điểm mạnh vốn có của mình, khi đó, không những không phát huy mà bạn còn mất thời gian vô ích.
Mình có quen với một anh học lớp chuyên toán, chọn thi Đại học ngoại thương Hà Nội, học đến hai năm sau đó bỏ về thi Đại học sư phạm Huế với lí do duy nhất: không hợp! Vì vậy, đừng chọn trường vì sĩ diện bạn nhé!
2. Qúa phụ thuộc vào định hướng của người lớn.
Đứng trước ngưỡng cửa quan trọng nhất của cuộc đời, tất nhiên, việc định hướng chọn trường luôn cần sự quan tâm, tư vấn của người lớn như bố, mẹ, người thân..., tuy nhiên, nó chỉ nên dừng ở mức độ "TƯ VẤN" vì nếu quá đà sẽ trở thành "ÁP ĐẶT".
Nghe tư vấn nhưng bạn còn phải biết lắng nghe chính bản thân mình như: bạn học tốt môn nào, khối nào, có khả năng trong lĩnh vực gì và thích nhất ngành gì...Không ai có thể biết được điều đó ngoài chính bản thân bạn, và dù sao, chọn trường cũng là việc quyết định tương lai của bạn chứ không phải của ai khác.
3. Không quan tâm học lực.
Nhiều bạn quyết tâm chọn trường Đại học có điểm thi vào thật cao, trong khi, học lực của mình thì chưa tới. Đồng ý là ai cũng nên có ước mơ hoài bão nhưng nó phải thực tế và gắn liền năng lực bản thân. Bạn nên dựa vào kết quả của những kì thi thử đại học ở trường, ở trung tâm luyện thi để đánh giá sát sao nhất khả năng và dự trù nócó thể tiến bộ đến mức nào, liệu thi vào trường đó có khả quan không trước khi quyết định.
4. Thông tin về ngành mình chọn quá mơ hồ.
Trước khi chọn thi trường nào, bạn phải tìm hiểu kĩ về trường đó, vì đôi khi nó có những yêu cầu khác mà mình không biết và không đáp ứng được. Ví dụ như thi vào học viện cảnh sát thì khâu tuyển chọn và tiêu chí về chiều cao, cân nặng, sức khỏe đều khắt khe, bạn nên tham khảo trước để tránh trường hợp không đạt tiêu chuẩn, phảilựa chọn lại từ đầu thì thật không khả quan, vì thời gian còn lại rất ít, không thể tránh khỏi việc...chọn bừa.
5. Tâm lý chê những trường có điểm đầu vào thấp hoặc trường cao đẳng, học nghề:
Đây là quan niệm thật sai lầm vì dù trường có điểm đầu vào thấp, hoặc cao đẳng, nhưng nếu lựa chọn hợp với sở thích, đam mê và cố gắng học hết mình thì khả năng phát triển nghề sau này là hoàn toàn có thể. Và với thực trạng "thừa thầy thiếu thợ" như bây giờ thì việc chọn học ở trường nghề, đôi khi lại có thể dễ kiếm việc và khả quan hơn nhiều ngành học ở Đại học nữa đấy.
Tóm lại: việc chọn trường Đại học rất quan trọng, bạn phải cân nhắc để chọn sao cho phù hợp với bản thân và phát triển nghề nghiệp sau này, bạn nhé! CHÚC BẠN THÀNH CÔNG.
Theo mực tím
Vì sĩ diện, người TQ sùng hàng hiệu Tặng quà đã trở thành thói quen căn bản trong nền văn hóa Trung Quốc - quốc gia được dự đoán sẽ trở thành thị trường xa xỉ phẩm lớn nhất thế giới vào cuối năm nay. Ở Trung Quốc, người ta có thể tặng nhau túi xách hiệu Louis Vuitton đắt tiền với hy vọng giành được một hợp đồng kinh doanh....