Chuyện đau lòng: Mẹ chạy trốn con!
“Cô tìm bà giáo Nga à? Bà ấy phải trốn thằng con nghiện suốt 5 năm, không thì chết với nó…” – đó là lời giới thiệu mà tôi nghe được từ người hàng xóm khi đang tìm nhà cô giáo Vũ Thị Nga.
Tôi đến thăm nhà cô giáo Vũ Thị Nga (thị trấn Trường Sơn, quận Kiến An, TP. Hải Phòng) trong một buổi sáng tháng 5 oi ả. Cái nắng đầu hè dường như làm cho con đường dẫn vào nhà bà thêm xa và khó nhọc. Bà Quý – bán hàng nước gần đó chép miệng: “Ở hiền mà không gặp lành, khổ lắm!”
Hết khổ vì chồng…
Đón tiếp tôi là một người phụ nữ thấp bé, gầy gò, khuôn mặt có phần khắc khổ. Nhưng điều khiến tôi ấn tượng nhất chính là nụ cười tươi với hàm răng trắng bóng của bà dù đôi mắt lại “phản bội” điều đó. Chính đôi mắt lúc nào cũng ướt ấy như hé lộ cuộc đời bất hạnh của bà.
Căn phòng rộng chưa đầy 10m2 – nơi bà Nga trú ẩn để chạy trốn con
Căn nhà nhỏ bé xiêu vẹo chưa đầy 10m2, chỉ kê được một chiếc giường cho hai bà cháu ngủ. Bà cho biết, đây là nhà bà đi thuê để trốn thằng út. Chủ nhà tốt bụng, thương hoàn cảnh của bà nên mỗi tháng chỉ lấy 200 ngàn đồng tượng trưng.
Bà sinh năm 1953, tại xã An Thắng, huyện An Lão, Hải Phòng. 18 tuổi, cô gái trẻ Vũ Thị Nga lên thành phố học hành, rồi trở thành cô giáo dạy tiểu học tại trường Nguyễn Thượng Hiền.
Năm 1975, bà lập gia đình với ông Nguyễn Văn Thịnh, hơn bà một tuổi, có nhà tại một con phố sầm uất và giàu có tại Hải Phòng. Ngay năm sau, bà sinh được người con trai kháu khỉnh tên Bình. Năm 1978, bà sinh tiếp con trai thứ hai tên Thanh.
Nhưng người tính không bằng trời tính…
Đang là công nhân xí nghiệp thủy tinh, ông Thịnh xin nghỉ làm vì lương thấp. Ông cùng mấy người bạn hùn vốn kinh doanh xe tay ga, thứ hàng hóa xa xỉ thời bấy giờ. Nhưng không ngờ, chuyến hàng cuối cùng bị đổ bể, hết sạch vốn.
Bà Nga bật khóc vì tủi thân
Kể từ ngày ngồi nhà vì không có việc làm, cuộc đời ông gắn liền với những cuộc nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng. Không chỉ nhậu ở ngoài đường, ông còn rủ bạn bè về “chén anh chén chú”, bắt bà phục dịch.
Bao nhiêu tiền của vợ, ông đều ném vào rượu. Lúc đầu, thương chồng, bà vẫn để cho ông uống, nhưng sau, khi bà không đưa tiền nữa thì ông quay sang mắng nhiếc chửi rủa. Nhiều lúc bị chồng mắng, đuổi ra khỏi nhà, bà chỉ biết ôm con mà khóc. Hàng xóm nhiều lần sang khuyên can nhưng chứng nào tật ấy, khi rượu đã ngấm sâu vào máu thì khó lòng mà dứt ra được.
Video đang HOT
Năm 2000, bệnh viện chẩn đoán ông bị ung thư gan giai đoạn cuối. Tiền bạc bà tích cóp được, một phần nuôi con ăn học, còn lại dồn vào chữa bệnh cho chồng. Gần một năm chống chọi với những cơn đau hành hạ, ông ra đi để lại cho bà hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn.
…lại khổ vì con
Tuy ông chồng “quý hóa” bao lần khiến bà mất ăn mất ngủ, nhưng bà vẫn chăm chỉ làm việc, dành dụm tiền để nuôi các con khôn lớn. Bao công việc gia đình đều do một tay bà đảm trách. Ngoài công việc dạy học, ở trường, bà còn làm tạp vụ để có đồng ra đồng vào nuôi gia đình. Năm nào bà cũng được tặng bằng khen giáo viên dạy giỏi của trường, được học trò yêu mến.
Đồ đạc sinh hoạt của bà Nga chỉ có thế này
Bà nói: “Hồi đó, tôi lao vào làm để quên đi buồn tủi, bao nhiêu hy vọng đều đặt hết vào các con, chỉ mong sao cho chúng nó đừng đi theo vết xe đổ của cha…”.
Cái tên Thanh Bình ghép lại của hai anh em cũng chứa đựng bao hy vọng, mong muốn có được cuộc sống yên ấm hạnh phúc của bà. Ấy thế mà, một lần nữa, bà lại tiếp tục hứng chịu những nỗi đau mới, giằng xé, nặng nề hơn. Nỗi đau đó mang tên: Ma túy…
Hai con trai bà vốn có thành tích học tập khá tốt. Không những thế, Thanh, con trai út, còn là thành viên của đội tuyển đá cầu thành phố. Ba năm phổ thông, anh đoạt được rất nhiều huy chương của Sở TDTT Hải Phòng.
Bà chỉ tay vào chùm huy chương treo ở trên tường. Ánh mắt bà chợt ánh lên niềm tự hào: “Đây là chiếc huy chương vàng giải đá cầu toàn thành phố năm 1995, còn đây là 2 huy chương bạc nó đoạt được năm 1996, đây nữa cô ạ…”.
Nhưng rồi sóng gió lại ập đến gia đình bà…
Ban thờ anh Thanh, con trai út của bà Nga
Thời điểm cuối những năm 1990, đầu 2000, cơn bão ma túy lan rộng khắp các tỉnh miền Bắc, trong đó Hải Phòng là một trong những trọng điểm về mua bán và sử dụng “cái chết trắng”. Trong khi mẹ bận bịu công việc, bố thì rượu chè bê tha cả ngày, hai con bà giao du với đám bạn xấu. Bỏ học, đánh nhau, trộm cắp để rồi lần lượt sa vào nghiện ngập.
Lúc nghe tin hai đứa bị nghiện, bà bị sốc nặng, nằm liệt giường gần 2 tuần. Nói đến đây, bà bỗng bật khóc. Thằng cháu nãy giờ nằm im, giờ thấy bà khóc, cất tiếng hỏi: “Sao bà lại khóc?”. Bà Nga lảng đi: “Bà có khóc đâu, bụi bay vào mắt bà mà!”. Cảm thấy yên tâm, nó lại tiếp tục mân mê món đồ chơi trong tay.
Bà tiếp tục kể về những chuỗi ngày cay đắng. “Khổ với bố nó một thì khổ với chúng nó mười. Đồ đạc trong nhà, chúng mang bán sạch. Khi không có tiền, chúng đi ăn cắp của hàng xóm. Nhiều lần tôi bị họ sang trách móc, bảo là giáo viên mà không biết dạy con. Tủi nhục lắm!”. Bà cũng đã khuyên ngăn, dọa nạt con nhưng ngựa quen đường cũ…
Hai anh em bỏ nhà lang bạt, một mình bà chăm sóc chồng ốm đau. Được hơn một năm, Bình về đòi cưới vợ, tưởng con tu chí làm ăn, bà đứng ra lo cưới cho con.
“Ngày nó đi xin dâu thì cũng là ngày ông nhà tôi mất. Số phận thật trớ trêu, cô ạ. Tôi vừa phải lo cưới cho con, vừa phải lo hậu sự cho chồng trong cùng một ngày. Có ai như thân tôi!” – bà than thở.
Bà bán nhà, về quê sống với mấy người họ hàng. Bình có con, để con cho bà nuôi rồi lại biệt tăm.
Bà Nga đặt hết niềm tin, hy vọng vào đứa cháu nội
Năm 2005, bà về hưu, đồng lương trợ cấp ít ỏi không nuôi nổi 3 miệng ăn. Cuối năm đó, chị Thảo, con dâu bà đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan. “Nó cũng thương tôi, thương con lắm, nên năm nào cũng gửi tiền về để nuôi con. Tôi chỉ mong ngày nào đó 2 mẹ con nó được đoàn tụ” – bà Nga tâm sự.
Có ít tiền bán nhà, bà sống không yên với cậu út. “Nó biết tôi bán nhà, dù đang sống vạ vật ở Sài Gòn, nó cũng mò ra Hải Phòng xin tiền tôi. Tôi không cho thì nó dọa sẽ bắt cháu Minh đi. Tôi phải chuyển nhà liên tục suốt 5 năm để trốn nó. Gần đây, tôi gặp nó ở đường bao Nguyễn Bỉnh Khiêm, trông nó hốc hác, gầy gò, chỉ còn da bọc xương, tôi cũng xót lắm. Thời gian sau thì nó mất vì sốc thuốc…”.
Nói đến đây, giọng bà lại nghẹn ngào: “Nhưng ông trời thương nó mới cho nó chết sớm, chứ cứ để nó sống thì chỉ càng làm khổ nó và xã hội thôi, cô ạ!”. Câu nói của bà khiến tôi cảm thấy nghèn nghẹn. Cuộc đời thật lắm nghiệp chướng, thảm cảnh. Có người mẹ nào lại mong con được chết sớm cơ chứ!
Theo Bưu Điện VN
Hành trình tìm cháu bé 3 tuổi bị mẹ ruột bán sang Trung Quốc
Trong khi lên cơn "vật" vì thiếu thuốc, người mẹ nghiện ngập Trần Thị Hương đã đang tâm ký giấy bán con mình sang Trung Quốc để đổi lấy số tiền 15 triệu đồng. Người mẹ thiếu lương tâm này đã bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc. Đứa con bất hạnh của thị cũng đã được lực lượng Công an và Bộ đội biên phòng hai nước Việt - Trung giải cứu và trở về nhà đoàn tụ với gia đình, nhưng chắc chắn, tội lỗi của Trần Thị Hương sẽ để lại những vết thương mãi mãi trong tâm hồn đứa con trai nhỏ tuổi của thị.
Người mẹ nghiện ngập bán con lấy 15 triệu đồng
Ngày 14/12/2009, Công an tỉnh Hòa Bình nhận được đơn trình báo của chị Trần Thị Bé và Trần Thị Nhung tố cáo việc em gái mình là Trần Thị Hương (trú tại tổ 24, phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình) đã mang đứa con trai 3 tuổi bán sang Trung Quốc trong lúc lên cơn nghiện. Vì quá bức xúc với hành vi của em gái mình và cũng vì quá thương xót đứa cháu ruột tội nghiệp, chị Trần Thị Bé và Trần Thị Nhung đã trình báo với Công an Hòa Bình hành vi bán con của Trần Thị Hương.
Trần Thị Hương là một đối tượng nghiện ngập có thâm niên ở thành phố Hòa Bình. Hương đã có hai tiền sự về tội bán dâm, 1 tiền án về tội mua bán trái phép chất ma túy. Sinh ra trong một gia đình tử tế, nhưng vì có một chút nhan sắc, Hương đã sớm ăn chơi, đua đòi để rồi sớm trở thành một gái bán hoa khi tuổi còn rất trẻ. Cứ thế, người đàn bà này trượt dần trong tội lỗi rồi trở thành một con nghiện lúc nào không hay.
Nghiện ngập ngày càng nặng, nên liều lượng ma túy mà Trần Thị Hương sử dụng mỗi ngày một tăng lên. Thu nhập từ nghề bán "vốn tự có" không còn đủ để nuôi những cơn nghiện của mình, Hương đã gia nhập những đối tượng mua bán ma túy lẻ. Năm 2009, Trần Thị Hương bị bắt khi tham gia buôn bán ma túy. Nhưng giống như nhiều đối tượng nữ buôn bán ma túy khác, Hương đã tìm cách có thai với người tình nghiện ngập của mình, lợi dụng sự khoan hồng của pháp luật dành cho phụ nữ đang mang thai để được tại ngoại. Bé Trần Văn Tuấn ra đời trong hoàn cảnh như thế nên từ bé đã không nhận được tình yêu thương của người mẹ nghiện ngập.
Sau khi bé Tuấn ra đời, Trần Thị Hương để con lại cho gia đình nuôi rồi lại tiếp tục lao đầu vào con đường phạm pháp, trụy lạc. Với những đứa trẻ khác, không có sự quan tâm của mẹ là sự bất hạnh, nhưng với bé Trần Anh Tuấn, chính sự "quan tâm" của người mẹ mới đem lại bất hạnh cho bé.
Bé Trần Anh Tuấn trở về với gia đình bác ruột.
Sau một thời gian bỏ bê con cho gia đình chăm sóc đến chán chê, một ngày đầu tháng 12/2009, Trần Thị Hương đột ngột tỏ ra quan tâm, chăm sóc con trai đặc biệt. Hôm đó, lấy lí do đưa con ra chợ mua quần áo và đi chơi nhà một người bạn, người đàn bà này đã bế con ra khỏi nhà, âm mưu thực hiện một kế hoạch đã được chuẩn bị sẵn.
Cuối năm 2009, Trần Thị Hương ngày càng rơi vào cảnh túng quẫn, không còn tiền để hút hít ma túy. Trong thời gian ở tù, Trần Thị Hương đã quen với Bùi Thị Mẹo (sinh năm 1963, trú tại xã Yên Lập, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) - một đối tượng có "thâm niên" trong nghề "mẹ mìn". Trước khi trở về Việt Nam sinh sống, Bùi Thị Mẹo đã có một thời gian dài sang huyện Tùng Chúng - Trung Quốc làm ăn sinh sống. Nhờ thế nên Mẹo có nhiều mối quan hệ với những người dân ở bên kia biên giới.
Khi Mẹo chuẩn bị trở về Việt Nam, có một người đàn ông tên Tả Lẩu - làm nghề thợ rèn đã nhờ Mẹo tìm cho một đứa trẻ con Việt Nam để xin nuôi hoặc mua lại để làm con nuôi trong gia đình người con trai hiếm muộn của ông ta. Sau này khi trở về Hòa Bình, Bùi Thị Mẹo đã gặp lại Trần Thị Hương. Một lần do lên cơn nghiện, Trần Thị Hương đã tìm đến gặp Bùi Thị Mẹo để vay tiền mua thuốc nhưng Mẹo không cho. Biết hoàn cảnh của Trần Thị Hương, Bùi Thị Mẹo đã đề nghị Trần Thị Hương tìm trẻ con sang Trung Quốc bán, với giá 15 triệu. Thấy số tiền quá lớn, Hương gật đầu đồng ý.
Ban đầu, Trần Thị Hương còn đi tìm kiếm xung quanh để bắt cóc một đứa trẻ nào đó, nhưng sau tìm mãi không thấy, Trần Thị Hương quyết định bán chính đứa con trai của mình. Lúc đó trong đầu người mẹ nghiện ngập này chỉ có ma túy, nên tình mẫu tử vốn thiêng liêng cũng trở thành vô nghĩa.
Ngày 6/12/2009, theo lịch hẹn, Trần Thị hương cùng Bùi Thị Mẹo đưa bé Trần Văn Tuấn sang huyện Tùng Chúng, Trung Quốc, đến gặp ông Tả Lẩu. Cậu bé Trần Anh Tuấn lần đầu tiên được "đi chơi" với mẹ thì vô cùng sung sướng, hoàn toàn không biết mình sắp bị người mẹ có trái tim lạnh lùng chuẩn bị bán đi. Khi sang Trung Quốc, Trần Thị Hương lên cơn vật ma túy nên đã xin "ứng" trước của ông Tả Lẩu số tiền tương đương 500 nghìn đồng tiền Việt Nam, rồi trở về Việt Nam trước. Bùi Thị Mẹo ở lại nhận nốt số tiền còn lại rồi cũng về sau đó. Khi trở về Hòa Bình, Mẹo chia cho Trần Thị Hương 12 triệu đồng.
Có tiền, người mẹ nghiện ngập lao vào hút hít ma túy, quên luôn đứa con nhỏ đã bị bán đi nơi đất khách quê người. Gia đình Trần Thị Hương thấy thị trở về mà không thấy bé Tuấn đâu nên đã gặng hỏi. Cuối cùng, Hương cũng phải thú nhận việc làm của mình. Quá bức xúc trước hành vi của đứa em gái hư hỏng, nghiện ngập, hai chị gái của Hương, đồng thời là bác ruột của bé Tuấn đã làm đơn tố cáo lên Công an tỉnh Hòa Bình.
4 tháng giải cứu cháu bé bị bắt cóc
Ngay sau khi nhận được đơn tố cáo, Trần Thị Hương và Bùi Thị Mẹo đã bị bắt. Nhưng việc tìm lại cháu Trần Văn Tuấn là điều gần như vô vọng, bởi thông thường những đứa trẻ bị bán sang nước ngoài sẽ được truyền tay nhiều người và ngày càng được đưa vào sâu trong nội địa Trung Quốc. Nhưng Công an tỉnh Hòa Bình vẫn quyết tâm tìm bằng được cháu Trần Văn Tuấn.
Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng, đồn Biên phòng Hoành Mô, và đề nghị lực lượng Công an cũng như lực lượng Biên phòng của đồn Đồng Tông - Trung Quốc phối hợp dò tìm tung tích của cháu Tuấn.
Tuy nhiên, sau khi đã được Công an Hòa Bình và Đồn Biên phòng Hoành Mô cung cấp những thông tin có được, lực lượng Công an và biên phòng nước bạn đã thông báo lại là không tìm thấy một người đàn ông nào có mô tả nhân dạng tương tự và cũng không phát hiện cháu bé nào có nhân thân lạ xuất hiện ở huyện Tùng Chúng - Trung Quốc. Việc tìm kiếm cháu Trần Văn Tuấn tưởng như đã rơi vào ngõ cụt.
Nhưng những ngày Tết năm 2010, các chiến sĩ Đồn BP Hoành Mô vẫn day dứt với việc cháu Trần Văn Tuấn đã bị mẹ mình bán đi cho một người xa lạ nơi đất khách. Chính vì thế, các chiến sĩ biên phòng đã kiên trì tìm kiếm và nhờ cậy những nguồn tin quần chúng để hi vọng tìm ra một chút manh mối về cháu Trần Văn Tuấn, dù chỉ là rất mong manh.
Sự cố gắng đó cuối cùng đã được đền đáp. Một người dân ở Hoành Mô trong một lần sang huyện Tùng Chúng chơi đã vô tình gặp một cháu bé nói giọng lơ lớ nửa Việt Nam, nửa Trung Quốc và báo tin nào cho các chiến sĩ biên phòng. Ngay lập tức, thông tin này được Đồn BP Hoành Mô báo sang nước bạn. Sau một thời gian tìm kiếm, CA Trung Quốc đã tìm thấy cháu Trần Văn Tuấn, lúc này đã trở thành con nuôi trong một gia đình Trung Quốc cách biên giới Việt - Trung 500km.
Sau 4 tháng ở Trung Quốc, vì tuổi còn quá nhỏ, nên cháu Tuấn đã "quên" mất phần lớn Tiếng Việt và được "bố mẹ" người Trung Quốc dạy cho khá nhiều tiếng Trung Quốc. Ngày 15/3/2010, Đồn Biên phòng Hoành Mô đã phối hợp với Công an Trung Quốc trao trả cháu Tuấn cho Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Hòa Bình. Các chiến sĩ Công an Hòa Bình đã đích thân lên đón cháu Trần Văn Tuấn về.
Sau 4 tháng ở Trung Quốc, cháu Trần Văn Tuấn hầu như không còn nói được Tiếng Việt. Khi cần ăn hay uống, cháu nói bằng tiếng Trung Quốc. Những từ Tiếng Việt cháu đã quên gần hết. Trên đường về, cháu Tuấn chỉ nói duy nhất một câu Tiếng Việt là: "Về với mẹ Hương"...
Sau khi trở về Hòa Bình, cháu Trần Văn Tuấn đã được Công an Hòa Bình trao trả cho bác ruột là Trần Thị Bé. Cậu bé 4 tuổi đã trở về nhà một cách thần kỳ trong vòng tay yêu thương của gia đình. Cháu Tuấn còn quá hồn nhiên để hiểu được việc mẹ mình đã làm, nên vẫn hết mực yêu thương mẹ và luôn miệng nhắc đến mẹ. Nhưng sau này lớn lên, khi đã hiểu chuyện, có thể đó sẽ là một vết thương lòng lớn đối với cháu Tuấn, khi hiểu ra rằng chính mẹ ruột của mình đã bán mình.
Với những bằng chứng không thể chối cãi và hành vi đáng lên án, TAND tỉnh Hòa Bình đã tuyên phạt Bùi Thị Mẹo 10 năm tù giam. Người mẹ nghiện ngập đang tâm bán con mình là Trần Thị Hương cũng bị phạt 9 năm tù giam. Cùng với đó là bản án lương tâm sẽ suốt đời đeo bám thị.
Theo CAND
Chuyện một cậu bé nghiện ở trại giáo dưỡng (kỳ 2) Biêt ông ba vưa ban đât co tiên, Thư lập mưu lây trôm, bo xuông Ha Nôi và nhanh chóng thành thạo thao nhưng nơi buôn ban ma tuy ơ Thu đô. Ky 2: Kẻ trộm "nhí" Một lần, tình cờ biết ông bà vừa bán mảnh vườn ven đường được gần 1 tỷ đồng, Thư nghĩ ngay tới việc kiếm tiền lộ...