Chuyện đau lòng của “thế hệ bị bỏ rơi” ở TQ
Theo một chương trình nghiên cứu của đài CNN (Mỹ), quá trình công nghiệp hóa của Trung Quốc đã khiến 61 triệu trẻ em nước này bị cha mẹ bỏ rơi với những hậu quả đau lòng.
Cách đây 3 năm, giống như hàng triệu công nhân Trung Quốc di cư khác, Chen và vợ bỏ lại con gái nhỏ duy nhất ở quê để tới thành phố Quảng Châu.
Nghĩ rằng con gái 9 tuổi sẽ an toàn khi sống cùng bà ở quê nhà, Chen choáng váng khi nghe lời kêu cứu của cô bé vào tháng 11 năm ngoái.
“Cháu liên tục gọi cho chúng tôi, cầu xin chúng tôi về nhà. Cháu nói rằng cháu cảm thấy không khỏe, rằng cháu lúc nào cũng thấy chán nản và đau đớn. Cháu kể rằng cháu bị đau “ở phía dưới” và chúng tôi biết ngay có điều gì đó không ổn”, Chen kể.
Sau khi được Chen dỗ dành, con gái anh vừa khóc vừa kể rằng cháu bị thầy giáo cưỡng hiếp. Chen cho biết sau mỗi lần đó, con gái anh được thầy giáo cho 2 quyển vở mới.
Theo truyền thông Trung Quốc, con gái Chen là một trong số 5 nạn nhân của thầy giáo nói trên – tất cả các em đều dưới 14 tuổi học cùng trường.
“Chúng tôi không bao giờ có thể tưởng tượng được trường học là nơi có thể gây hại cho các cháu. Rất khó nói ra rằng trường học là nơi không an toàn”, Chen nói.
Nhiều trẻ em ở các vùng nông thôn Trung Quốc ở lại với ông bà trong lúc bố mẹ làm việc tại các thành phố lớn.
Mục tiêu của xâm hại tình dục
Theo các số liệu của Quỹ toàn thể phụ nữ Trung Quốc, câu chuyện của con gái Chen hé lộ mảng tối trong cuộc sống của gần 61 triệu trẻ em Trung Quốc “bị bỏ rơi” – tức tỉ lệ là 1 trong 5 em trên cả nước. Các em lớn lên không có bố, mẹ hoặc cả bố mẹ ở bên cạnh.
Các số liệu cho thấy khoảng 30 triệu trẻ em dưới 18 tuổi không có cha mẹ ở nhà và 2 triệu em phải tự kiếm sống mà không có người lớn bảo hộ.
Đây là hậu quả đau lòng của tình trạng được mô tả là một trong những cuộc di dân lớn nhất lịch sử nhân loại – khoảng 250 triệu người Trung Quốc đã rời bỏ những tỉnh nghèo khó ở sâu trong đất liền để kiếm sống ở các thành phố và thị trấn gần bờ biển phía đông.
Mỗi năm, các gia đình Trung Quốc này chỉ họp mặt trong vài ngày – chủ yếu vào dịp Tết Nguyên đán.
Ye Jingzhong, tác giả cuốn sách “Một tuổi thơ khác biệt: Những trẻ em nông thôn Trung Quốc bị bỏ rơi”, cho rằng trẻ em giống con gái Chen rất dễ trở thành mục tiêu của những kẻ lạm dụng tình dục.
Anh cho rằng, thiếu sự chăm sóc và giám sát của cha mẹ, các em thường bị giao cho những người họ hàng hoặc những người bảo hộ khác ít quan tâm chú ý tới các em.
“Những giá trị đậm tính vật chất đang xâm lấn các vùng nông thôn – trong lúc cha mẹ không có ở nhà để khuyên bảo con điều gì là đúng, sai – các em rất dễ bị dụ dỗ bằng kẹo hay điện thoại mới”, Ye nói.
Theo Tân Hoa Xã, xâm hại tình dục chiếm phần lớn các vụ xâm hại đối với trẻ em ở các khu vực nông thôn. Ở một số nơi, như Hóa Châu ở tỉnh Quảng Đông, 94% vụ xâm hại tình dục xảy ra liên quan tới những trẻ em bị bỏ rơi.
Tân Hoa Xã cho hay chính quyền ở thị trấn nơi con gái Chen sống đã ra lệnh cho các trường học phải tổ chức “các buổi họp về an toàn” nhằm nâng cao giám sát học sinh và đạo đức giáo viên.
Những tổn hại về tình cảm
Video đang HOT
Thế hệ bị bỏ rơi ở Trung Quốc không chị dễ bị tổn thương trước các tội phạm nghiêm trọng như xâm hại và quấy rối tình dục
“Cháu ước gì bố mẹ về nhà vào dịp Tết Nguyên đán. Cháu cảm thấy mình như “người thừa” trong gia đình mình vậy”, Xiaoli, 12 tuổi, tâm sự trong một cuộc khảo sát của Trung tâm về quyền trẻ em và trách nhiệm xã hội (CCRCSR).
Theo cuộc khảo sát, 82% trong tổng số 877 phụ huynh di cư cho rằng họ không hoàn thành nghĩa vụ làm cha mẹ.
A-ying, một bà mẹ 33 tuổi bỏ lại 2 con ở quê nhà, cho hay, con trai chị không muốn nghe điện thoại của mẹ.
“Lí do cháu không thích chúng tôi là vì cháu cho rằng chúng tôi không quan tâm, và cháu không được chăm sóc đầy đủ. Sống cùng nhau sẽ giúp chúng tôi và các con gần gũi hơi”, A-ying nói.
Sanna Johnson, giám đốc điều hành của CCRCSR, cho hay tình trạng trên sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng.
Tình trạng hàng chục triệu trẻ em bị bỏ rơi có thể sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội Trung Quốc trong tương lai.
“Khi có 61 triệu trẻ em không được sống cùng cha mẹ, đó sẽ là thảm họa cho xã hội”, Johnson nói.
“Rất khó xác định những hậu quả trực tiếp khi thế hệ bị bỏ rơi này trưởng thành, nhưng tôi e rằng thế hệ này sẽ khó có thể tạo nên một “xã hội hài hòa”, Johnson nhận xét.
Theo số liệu năm 2013 của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OCED), Trung Quốc đã tăng số nhân viên xã hội tới các vùng nông thôn tư vấn và chi tiêu chính phủ về các dịch vụ xã hội đã tăng lên khoảng 24% từ năm 2008 tới 2012.
Các trường học ở nông thôn đang đang đầu tư xây dựng các khu ký túc xá và chính quyền Trung Quốc phát tín hiệu sẵn sàng nới lỏng các quy định hạn chế công nhân di cư đem theo con cái tới các thành phố nhỏ. Những thành phố lớn như Bắc Kinh có lẽ không thuộc diện nhận được các thay đổi trên.
Tuy nhiên, Ye cho rằng tương lai cho trẻ em Trung Quốc bị bỏ rơi sẽ chỉ có dấu hiệu cải thiện khi các quan chức nước này nghiêm túc thực hiện các cam kết của mình.
Những giọt nước mắt thầm lặng
Trở về quê, Chen tìm mọi cách tạo dựng lại mối quan hệ cha con với con gái mình. Anh kể rằng con gái anh ngày càng sống khép kín, tránh gặp người lạ và hay khóc thầm.
Sau Tết Nguyên đán, Chen định đưa con gái tới Quảng Châu và vợ anh sẽ nghỉ việc để chăm sóc con.
Chen nhất quyết không nhận khoản tiền đền bù 10.000 nhân dân tệ (1.650 USD) của nhà trường nơi con gái anh học. Anh tỏ ra giận dữ khi chính quyền địa phương không đưa ra lời xin lỗi nào và tuyên bố anh muốn thấy kẻ đã cưỡng hiếp con gái anh phải bị “trừng trị thích đáng”.
Anh cho biết anh định “gây ra một vụ việc” ở trường học sau kì nghỉ nếu kẻ làm tổn thương con gái anh không đứng sau song sắt nhà tù.
“Không phải nói nhiều nữa – có thể chúng tôi sẽ phải dùng tới bạo lực để làm sao những đứa trẻ khác sẽ không phải trải qua nỗi đau mà con gái tôi đã chịu”, Chen nói.
Theo Tùng Lâm (Infonet.vn)
Bi kịch những đứa trẻ Trung Quốc sinh ở Hồng Kông
Được sinh ra với tấm hộ chiếu có thể đi 147 quốc gia không cần thị thực, nhưng ở tuổi ấu thơ, những đứa trẻ này đã bị chối bỏ những phúc lợi cơ bản.
Học sinh một trường tiểu học ở Bắc Kinh. Nhiều phụ huynh Trung Quốc đang hối hận vì đã sinh con ở Hồng Kông, làm tước đi của con quyền được học trường công ở đại lục - Ảnh: Reuters
Qua Hương Cảng sinh con
Cách đây 5 năm, vợ chồng anh Vương, 34 tuổi, ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, dắt díu nhau qua Hồng Kông để sinh con, với hy vọng đứa con trai duy nhất của mình có quy chế thường trú nhân (PR) ở xứ Cảng Thơm và tấm hộ chiếu danh giá có thể đi 147 nước không cần thị thực.
"Chúng tôi nghĩ đó là món quà đầu tiên cho con mình khi nó chào đời", Vương chia sẻ với phóng viên báo Straits Times.
Anh cũng cho biết thêm: "Hồi đó, tôi chỉ bắt chước làm theo những người khác. Tôi chỉ nghĩ về một xứ Hồng Kông tốt đẹp và con trai tôi sẽ được hưởng bao nhiêu là đặc quyền của một người Hồng Kông".
Con số người Trung Quốc đại lục có suy nghĩ và hành động như Wang lên đến hàng trăm ngàn, sau một phán quyết của tòa án Hồng Kông năm 2001.
Phán quyết đó cho phép những đứa trẻ sinh ra trên đất Hương Cảng bởi những cặp vợ chồng đến từ đại lục sẽ được coi là người Hồng Kông theo quy chế PR, và được cấp hộ chiếu của Đặc khu Hành chính này.
Theo số liệu thống kê, vào năm 2001, có 620 đứa trẻ mang "hai dấu trừ" được sinh ra ở Hồng Kông.
"Hai dấu trừ" là ký hiệu cho những đứa bé mà cả cha lẫn mẹ không sinh sống tại Hồng Kông.
Nhưng năm 2011, con số này lên tới 43.982, trong khi năm 2010 là 88.000.
Kể từ ngày có cái phán quyết của tòa án đến nay, tổng cộng có hơn 200.000 phụ nữ từ đại lục sang Hồng Kông sinh con.
Trào lưu này đã dẫn đến việc các bệnh viện xứ Hương Cảng trở nên quá tải, khiến người dân địa phương ta thán, buộc chính quyền ban lệnh cấm từ đầu năm 2013.
Tiến thoái lưỡng nan
Phần đông, sau khi ra đời, những đứa trẻ "tạm xuất" này và cha mẹ chúng lại "tái nhập" về đại lục sinh sống.
Mọi chuyện vẫn ổn khi cha mẹ chúng đảm bảo được việc nhập cảnh Hồng Kông trong vòng 3 năm để quy chế PR vẫn tiếp tục phát huy hiệu lực.
Bởi luật xuất nhập cảnh Hồng Kông quy định, quy chế PR sẽ tự động bị cắt nếu cá nhân đi khỏi lãnh thổ này đến 3 năm hoặc dài hơn.
Tuy nhiên, chuyện quan trọng hơn chính là khi đứa trẻ đủ tuổi đến trường.
Do không sinh ra ở đại lục, trẻ không có giấy khai sinh địa phương nên không thể nhập được vào hộ khẩu của cha mẹ.
Và vì không có hộ khẩu, trẻ không được phép vào trường công lập, không được hưởng bảo hiểm y tế.
Ở thành phố mà Vương sinh sống, chỉ có 3 trường tư, mà chất lượng thì không đảm bảo.
"Trường tư ở Trung Quốc - trừ những trường quốc tế thượng lưu - không tốt như trường tư ở các nước khác. Giáo viên giỏi đều vào trường công hết rồi", Vương nói.
Vậy nên, để học được trường tư chất lượng, phụ huynh phải chịu chi phí rất cao mà Vương khó lòng kham nổi.
Mặt khác, nếu học trường tư trong tình trạng không hộ khẩu, về sau con trai Vương cũng không thể tham dự cuộc thi tuyển vào đại học vốn bắt buộc phải thí sinh phải đăng ký tại địa phương mình có hộ khẩu.
Trong tình thế đó, nhiều phụ huynh đồng ý bỏ quy chế PR Hồng Kông để đổi lấy hộ khẩu Trung Quốc cho con.
Nhưng luật pháp đại lục không chấp nhận.
Quy định của đại lục cho phép người ta có thể đổi tấm hộ chiếu Mỹ - nhưng không thể đổi tấm hộ chiếu Hồng Kông - để lấy sổ hộ khẩu Trung Quốc.
Giám đốc cục Xuất nhập cảnh Hồng Kông Eric Trần cho biết: "Có nhiều phụ huynh ở đại lục đến hỏi chúng tôi rằng con họ có thể bỏ PR Hồng Kông không, bởi vì họ không thể xin hộ khẩu ở đại lục và gặp khó khăn trong việc đăng ký học"
"Câu trả lời là 'không'. Không có cơ chế cho phép họ hủy bỏ tình trạng thường trú Hồng Kông của mình", ông Trần cho biết.
Bế tắc, nhiều phụ huynh đã phải "bứng rễ" ở đại lục để mang con trở lại Hồng Kông, nơi chúng có thể học trường công như những đứa trẻ bình thường khác.
Tuy nhiên, việc này lại làm nảy sinh khó khăn cho xứ Hương Cảng khi số trẻ mẫu giáo bất ngờ tăng vọt.
Vào mùa tựu trường hồi tháng 10 vừa rồi, va chạm đã xảy ra giữa phụ huynh từ đại lục và phụ huynh địa phương tại những nhà trẻ ở quận phía bắc đảo Hồng Kông, gần biên giới với đại lục, do cạnh tranh chiếm chỗ học cho con.
Chính quyền Hồng Kông gọi đây là "Nỗi kinh hoàng nhà trẻ" và cho biết "đang từng bước giải quyết thách thức quá độ" này.
Gian lận
Khi mọi con đường hợp pháp để đưa con đến trường đều đầy trở ngại, nhiều phụ huynh đang tính chuyện gian lận.
Báo Southern Weekly ở tỉnh Quảng Đông mới đây đăng bài trích lời một một phụ nữ kể rằng bà được một công ty dịch vụ xuất nhập cảnh khuyên nên "chạy" cho con một tấm hộ chiếu ở nước khác, để "đổi" lấy hộ khẩu đại lục, coi như vô hiệu hóa quy chế PR của Hồng Kông.
Cách thứ hai là nhờ "quan hệ" để gửi gắm con vào trường công với cam kết trả phí cao hơn cho nhà trường.
Nếu hai cách trên thất bại, cách thứ ba - đang được thảo luận trên diễn đàn online Hkbbclub thành lập năm 2010 và quy tụ hơn 40.000 thành viên chuyên bàn chuyện con sinh ở Hồng Kông - đó là làm giấy khai sinh giả của một bệnh viện địa phương rồi nộp cho công an để đăng ký hộ khẩu.
Ba cách làm phi pháp nói trên hiện đang bủa vây đầu óc Vương. Mỗi ngày, Vương mất hàng giờ đồng hồ suy nghĩ để tìm ra lối thoát cho việc học của cậu quý tử, anh cho biết.
"Tôi đã trở thành chuyên gia trong chuyện này - một chuyên gia không tìm được câu trả lời đúng", Vương than thở vớiStraits Times.
Theo TNO
Bé trai 6 tuổi 'bị bác dâu móc mắt' Cảnh sát Trung Quốc nghi ngờ người bác dâu của bé Guo Bin, vừa tự tử cách đây ít ngày, là thủ phạm trong vụ khoét mắt em gây chấn động dư luận cả trong lẫn ngoài nước. Bé Guo Bin nằm nghỉ tại bệnh viện ở tỉnh Sơn Tây. Ảnh: AP Xinhua cho hay, người bác tên Zhang Huiying của bé Guo...