Chuyện “đánh giặc lửa” trong vụ cháy khu nhà gỗ
Đứng xa gốc lửa cả chục mét, nhưng sức nóng vẫn táp rát mặt khiến anh em liên tục phải đổi chiến thuật chữa cháy. Từng cặp lính cứu hỏa dựa lưng vào nhau hết đứng, ngồi, nằm… chuyển sang bò để ôm vòi “đánh giặc lửa” trong khói đen mịt mù” – chiến sỹ Trần Quốc Oai – Tiểu đội trưởng, Đội Chữa cháy chuyên nghiệp – Phòng Cảnh sát PCCC Hoàn Kiếm kể lại.
Dấn sâu vào điểm cháy, “hành trang” của lính cứu hỏa chỉ là chiếc khẩu trang
Ba ngày sau vụ cháy khu nhà gỗ C8 (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), chúng tôi có mặt tại trụ sở Phòng Cảnh sát PCCC Hoàn Kiếm – đơn vị chủ công trong trận chiến “giặc lửa” hôm đó. Chẳng ngày nào được yên với hỏa hoạn – từ bữa ăn đến giấc ngủ, thế nên mỗi vụ cháy với CBCS nơi đây qua đi thật nhanh. “Chuyện anh em đang tắm, ăn cơm mà nghe tiếng còi báo động, cuống cuồng buông bát đũa lao lên phòng thay đồ, xỏ ủng, có hôm xô vào nhau ngã bươu đầu không hiếm” – đại diện Phòng Cảnh sát PCCC Hoàn Kiếm cho biết. Vụ cháy khu nhà gỗ C8 hôm 26-8 vừa qua lại khác, nó vẫn là đề tài “nóng” với lính cứu hỏa, phần vì thiệt hại do cháy gây ra là quá nặng nề.
Chiến sỹ Trần Quốc Oai – Tiểu đội trưởng, Đội Chữa cháy chuyên nghiệp kể: 8h11, đơn vị nhận được tin báo cháy lớn tại khu nhà gỗ. 3 xe chữa cháy, 1 xe chở nước nhanh chóng lao đến hiện trường. “Khi xe chữa cháy đến nơi, hỏa hoạn đã bùng phát dữ dội, khói đen bốc cao ngùn ngụt, hơi nóng phả khắp khu vực” – chiến sỹ này kể. Lửa lúc đó đã lan sang 17 nhà dân ở mặt phố Hồng Hà. Sau ít giây quan sát hiện trường, nhận định đám cháy đang lan rộng, tiểu đội trưởng cùng CBCS lập tức tỏa ra, vác theo “vòi rồng” tiếp cận điểm cháy lan đang phát triển sang nhà dân, cùng mọi người di chuyển tài sản đến nơi an toàn.
Thiếu tá Phạm Trung Hiếu – Đội trưởng Đội Hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC kể: Đường Hồng Hà quá hẹp, dây điện chằng chịt, cây cối rậm rạp khiến xe chữa cháy không thể tiếp cận hiện trường. “Chúng tôi buộc phải tập kết ở đường dẫn lên cầu Chương Dương, triển khai vòi, dẫn nước qua thân đê để vào đường Hồng Hà”. Vòi tiếp tục được kéo qua mái nhà dân cao 2, 3 tầng để áp sát điểm cháy, làm áp lực nước chữa cháy suy giảm”. Trước tính chất nghiêm trọng của vụ hỏa hoạn, Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội tiếp tục điều 11 xe chữa cháy, xe thang, xe chở nước đến hiện trường chi viện. 30 phút sau khi hỏa hoạn xảy ra, dù các lực lượng công an đã nỗ lực phân luồng giao thông, nhưng vì có nhiều người dân qua đường, hiếu kỳ dừng lại xem khiến một số tuyến phố quanh hiện trường vụ cháy ùn ứ, cản trở xe ưu tiên di chuyển. Xe chi viện chưa đến, trong khi nguồn nước chữa cháy lại ở xa hiện trường, “vừa cứu chữa, chúng tôi vừa tính toán, điều chỉnh lượng nước ở đầu vòi sao cho tiết kiệm nhất, nhưng vẫn “giữ chân” được lửa – Thiếu tá Phạm Trung Hiếu nhớ lại.
Số ít bình thở, mặt nạ phòng độc đi theo xe chuyên dùng nhanh chóng hết tác dụng, trong khi khói lửa không ngừng bốc cao. Khác với đám cháy xảy ra ở nhà dân, xưởng sản xuất, cháy nhà gỗ tạo ra một khối lượng lớn than củi, góp phần gia tăng nhiệt độ đám cháy. “Khói, sức nóng đã đánh bật anh em ra xa” – một cán bộ tham gia cứu chữa kể. Chiến sỹ Trần Quốc Oai – Tiểu đội trưởng Đội Chữa cháy chuyên nghiệp cho biết thêm: “Chúng tôi nhận lệnh dập lửa đang lan vào tầng 3, nhà số 649 đường Hồng Hà. Sau khi kéo “vòi rồng” lên tầng cao, đứng xa gốc lửa cả chục mét, nhưng sức nóng vẫn táp rát mặt buộc anh em phải đổi chiến thuật chữa cháy liên tục”. Từng cặp lính cứu hỏa dựa lưng vào nhau, hết đứng, ngồi, nằm… để ôm vòi “đánh giặc lửa” trong khói đen mịt mù. Đương đầu với đám cháy lớn, “hành trang” mà đa phần cảnh sát mang theo ngoài lòng dũng cảm, duy chỉ có chiếc khăn mùi xoa tẩm nước phòng ngạt! “Khăn tẩm nước chỉ “chống chọi” được trong những vụ hỏa hoạn nhỏ. Với đám cháy lớn, nhiều khói độc, nhiệt độ cháy cao, anh em có khi chỉ biết nín thở làm nhiệm vụ” – chiến sỹ Trần Quốc Oai chia sẻ.
Video đang HOT
Với sự có mặt của 11 xe chữa cháy, cùng gần 100 CBCS đến chi viện, lực lượng chức năng nhanh chóng “đánh” sâu vào gốc lửa. Gần 1 giờ sau đó, vụ hỏa hoạn cơ bản được khống chế. Cháy được dập tắt cũng là lúc cảnh sát nghe tin một cụ bà mắc kẹt trong đám cháy, khả năng đã tử vong. “Nếu biết tin sớm hơn, dốc sức “đánh giặc lửa” ở khu vực có người đang mắc kẹt, có lẽ không ai thương vong” – chiến sỹ Trần Quốc Oai nói giọng buồn, khi nhớ lại những diễn biến cuối cùng của vụ việc.
Theo Dantri
19 hộ dân trong vụ hỏa hoạn đã chuyển tới nơi ở mới
Chiều ngày 27.8, trao đổi với Thanh Niên Online, bà Phạm Thị Xuân Mai, Chủ tịch P.Chương Dương (Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) cho hay, trong số 36 hộ gia đình bị thiệt hại nặng nề trong vụ hỏa hoạn xảy ra vào lúc 7 giờ 50 phút ngày 26.8 tại khu nhà C8 tập thể Kiến trúc thuộc P.Chương Dương, đã có 19 hộ chuyển tới nơi ở mới.
Vẫn theo bà Mai, ngay trong buổi tối xảy ra vụ hỏa trên, 19 hộ dân trên đã được bàn giao chìa khóa phòng để chuyển tới khu tái định cư A2 thuộc P.Phú Thượng (Q.Tây Hồ, TP.Hà Nội). "Hiện UBND Q.Hoàn Kiếm đã trích tiền ngân sách để hỗ trợ cho mỗi hộ gia đình chuyển tới khu tái định cư hoặc đi nơi khác thuê nhà để sinh sống 6 triệu đồng/hộ, còn đối với người thuê trọ thì được hỗ trợ 1 triệu đồng/người", bà Mai cho hay.
Khu tái định cư A2 - Ảnh: Hà An
Trước đó, vụ hỏa hoạn lớn xảy ra vào sáng 26.8 đã thiêu rụi nhà cửa và đồ đạc của gần 40 hộ dân tại khu nhà C8 tập thể Kiến trúc, khiến 108 người bị trắng tay, mất chỗ ở.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa phần các hộ dân thuộc khu tập thể C8 thuộc diện nghèo, người lao động hoặc người già về hưu có thu nhập thấp... Nên mặc dù có chỗ để ở tạm nhưng mọi tài sản đã bị thiêu rụi, tiền bạc không phải ai cũng có đủ để mua sắm lại, khiến đời sống sinh hoạt của những ngày này gặp rất nhiều khó khăn.
Như trường hợp gia đình của chị Đào Thị Lan (40 tuổi). Chồng mưu sinh bằng nghề đạp xích lô trên phố, vợ bám vào chợ rau hằng ngày để kiếm sống. Lúc xảy ra cháy, hai vợ chồng đều đi vắng. Khi hay tin, chạy về thì toàn bộ căn nhà và đồ đạc đã bị ngọn lửa thiêu rụi thành tro tàn.
Vụ hỏa hoạn sáng 26.8 - Ảnh: Hà An
Hay trường hợp của bác Đặng Thế Túy (57 tuổi) nuôi mẹ già. Được biết, bác Túy hành nghề sửa chữa điện gia dụng tại khu tập thể để có tiền phụng dưỡng mẹ già.
Chị Nguyễn Thị Minh (54 tuổi, ở phòng 21, khu tập thể C8 ) vừa mới chuyển đến khu tái định cư A2 cho hay: toàn bộ căn nhà và tài sản của gia đình bị thiệt hại trong vụ hỏa hoạn ước tính hơn 300 triệu đồng. Theo lời chị Minh, 18 giờ ngày 26.8, vợ chồng chị và cô con gái được sắp xếp cho ở tạm tại căn phòng 213 của A2. "Toàn bộ số tiền 6 triệu được chính quyền hỗ trợ sẽ để dành mua những thứ đơn giản nhất đối với cuộc sống như giường, chiếu, xoong, nồi, vài ba bộ quần áo để mặc...".
Hộ gia đình nhà bà Thu dọn về nơi ở mới - Ảnh: Hà An
Trong khi đó, bà Phạm Kim Thu ở phòng 202 cho biết: sau vụ hỏa hoạn, gia đình bà chẳng còn bất cứ một thứ tài sản gì. "Tối 26.8 gia đình tôi chuyển tới A2, nhưng khi đó không có điện, nước, trần nhà thì ẩm mốc rất khó chịu. Số tiền 6 triệu đồng mà chính quyền ủng hộ, gia đình tôi để mua thức ăn đồ uống sinh hoạt hằng ngày. Quần áo thì đi xin để mặc. Còn đồ dùng thì ai cho gì thì nhận cái ấy. Gia đình tôi tiếp nhận khu ở mới chỉ có một cái phòng không rộng khoảng 43 m2, có 2 phòng".
Theo bà Thu, hiện chính quyền phường, quận chưa có cam kết với người dân bị thiệt hại sau vụ cháy là họ sẽ được ở đây trong bao lâu.
Thiếu thốn trăm bề - Ảnh: Hà An
Theo tìm hiểu, các hộ dân được di dời tới đây vẫn đang lo lắng, mong mỏi không biết chỗ ở này được chính quyền giúp đỡ họ trong thời gian dài hay chỉ ở tạm qua cơn hoạn nạn. Còn trong buổi sáng nay, cơ quan chức năng bắt tay vào công tác khám nghiệm hiện trường và điều tra làm rõ nguyên nhân vụ hỏa hoạn. Mọi ngả đường dẫn vào khu nhà gỗ nằm phía sau dãy nhà cao tầng ở đường Hồng Hà bị phong tỏa sau vụ cháy.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Xuân Mai, Chủ tịch P.Chương Dương cho biết: Hiện công việc cấp bách nhất là thống kê các hộ gia đình thiệt hại trong vụ hỏa hoạn và chuyển họ tới nơi ở mới để sớm ổn định cuộc sống. Về sau, chính quyền sẽ bàn tới các phương án hỗ trợ các hộ dân này.
Theo Thanh niên
'Chỉ 10 - 15 phút đã thấy mọi thứ chìm trong biển lửa' Đang ngủ, nghe tiếng kêu cháy từ các nhà bên cạnh, Ngọc Anh vội lôi 2 đứa em trai học lớp 1 và 5 xuống đường. Ở căn hộ cạnh đó, những người con không thể đưa mẹ 91 tuổi bị liệt ra khỏi nhà do lửa bốc lên quá nhanh. Nghe tiếng kêu cháy, Ngọc Anh chỉ kịp lôi 2 em chạy...