Chuyện đắng lòng của cô gái là đích ngắm của những lão dê xồm
Đang ở tuổi xuân thì, chị bị lừa bán ra nước ngoài, chấp nhận chung sống với ông chồng hơn ngót nghét 50 tuổi và vô vàn trò ghê tởm để thỏa mãn dục vọng.
Về nước với hai bàn tay trắng, người phụ nữ ấy lại là đích ngắm của những lão dê xồm (Ảnh minh họa)
23 năm nghiệt ngã ở xứ người
Số phận không may mắn, không ban cho người đàn bà ấy sự nhanh nhẹn, thông minh như mọi người. Thế nhưng, chị vẫn đủ tỉnh táo để thấy đắng cay cho số phận mình, chị không ngừng khóc khi kể lại cuộc đời. Bị lừa bán sang Trung Quốc từ khi 20 tuổi, chị đã phải trải qua hơn 20 năm nghiệt ngã khi chấp nhận làm vợ một ông già hơn chị đến gần 50 tuổi.
Khi về quê nhà, phận đàn bà đơn thân, không một mảnh đất cắm dùi, lại bị coi là ngớ ngẩn, chị lại phải gồng mình trước những lần ve vãn, cưỡng đoạt của những lão già hám gái trong vùng. Người đàn bà ấy là Nguyễn Thị Nhuận (47 tuổi, đội 1, xã Nghĩa Phúc, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định).
Trong cái rét của buổi chiều đông, người đàn bà tên Nhuận ngồi bệt trước hiên nhà. Chị chỉ mặc đúng chiếc quần vải màu gụ, chiếc áo len xanh và đôi dép tổ ong rách gần hết. Trước khi tôi biết đến hoàn cảnh của chị, một người hàng xóm đã nhắc nhở: “Cô chờ để tôi đi cùng vào, cô là người lạ lại đi một mình, Nhuận nó sợ không tiếp chuyện đâu, nó lại nghĩ sẽ bị bán sang Trung Quốc”.
Video đang HOT
Ngồi co ro trên giường, chị Nhuận chậm rãi kể: “Năm tôi 20 tuổi, có hai mẹ con một người phụ nữ đến bảo: “Có đi qua Trung Quốc sống không, sướng lắm”. Với một người không biết chữ, nghe lời ngon ngọt vẽ ra một viễn cảnh sung sướng tôi chẳng mảy may suy nghĩ nên nhận lời ngay. Sang bên đó, người ta ép tôi sống với một người đàn ông nhưng chỉ được một tháng thì anh này bị tai nạn chết. Liền sau đó, tôi bị ép làm vợ một lão già hơn mình gần 50 tuổi”.
Đến bây giờ, người đàn bà ấy cũng không thể nhớ nổi tên của huyện, thành phố nơi mình sống tại Trung Quốc. Chị bảo: “Gia đình đó sống trên đồi, xung quanh chỉ thấy mồ mả và cây cối. Gia đình chồng làm nông nghiệp là chính, ở đó người ta có tục ăn cháo, đến cả vài tháng mới biết đến bữa cơm. Cuộc sống khổ cực, phải làm việc đến khuya lại ăn uống thất thường, tôi gần như kiệt sức. Mỗi khi trái gió trở trời hay đau ốm đều không có tiền mua thuốc”.
Chị về Việt Nam năm 2008, khi ấy, con trai đầu đã lên 7 tuổi, con trai thứ hai mới 3 tuổi. Cho đến bây giờ, với ai chị cũng bảo: “Tao ngốc nên không được ở với con”. Nguyên do là phía nhà chồng đã câu kết với mối lái bên Việt Nam rồi lừa chị về nước. Biết chị là người không nhanh nhẹn, hay tin người, bà mối đã ngỏ lời với chị Nhuận: “Sống ở nước ngoài nhiều năm rồi, có muốn về thăm bố mẹ họ hàng ở quê không, tao dẫn mày về chơi vài ngày rồi sang với con”.
Vốn chẳng tinh nhanh để nhớ phố, nhớ đường, khi dẫn về Nam Định, bà mối bảo chị Nhuận ngồi chờ lát để đi vệ sinh rồi chuồn thẳng không quay lại. Hơn 20 năm ở nước ngoài, chị nhớ nhà đến cồn cào, thế nhưng, về đến quê nhà thì cha mẹ đã mất, chị gái cũng đã đi lấy chồng xa. Những chuỗi ngày bơ vơ của chị Nhuận bắt đầu từ đó.
Khi thấy có người lạ đến nhà chị Nhuận, chị Nguyễn Thị Hằng (xóm 1, xã Nghĩa Phúc, một người hàng xóm thân thiết, luôn cưu mang, giúp đỡ chị Nhuận) liền vội vàng qua để xem, tránh người lạ đến làm phiền chị Nhuận. Chị Hằng nói: “Tối nào, Nhuận cũng qua nhà tôi, hai chị em ngồi trong bếp tâm sự. Phải chịu nhiều cay đắng trong cuộc đời, sống ở nước ngoài thì cùng cực, khổ sở, khi về Việt Nam vẫn vô vàn éo le, lại bị lừa mất cả con, Nhuận nó chạnh lòng, tủi thân lắm”.
Gia đình chị Nhuận có 5 anh chị em, hai người em đã mất, một chị giờ ở trong Nha Trang, một anh ở tại Nam Định nhưng cũng chẳng bao giờ chị nhận được sự giúp đỡ. Vì cho chị là người ngây ngô, không biết gì nên thậm chí, ngày giỗ bố, mẹ, anh trai chị cũng không gọi chị qua nhà để cúng giỗ. Mỗi khi đến ngày giỗ bố, mẹ, chị lại sang nhà hàng xóm hỏi xem phải nấu món gì, lễ nghi ra sao để về làm.
Ước mơ về một mái nhà
Chị Nhuận ở trong gian nhà cấp bốn nhỏ xíu, thông thống các ô cửa, gió thốc vào lạnh buốt. Một gian nhỏ xíu bên trong để vài chiếc bát sứt mẻ, vài cây bắp cải mà hàng xóm đem đến cho chị Nhuận, chừng ba chiếc áo cũ sờn treo trên dây. Chị Nguyễn Thị Hằng cho biết: “Ngôi nhà mà Nhuận đang ở là của một người cháu (con của anh trai chị) đang đi làm ăn xa. Lúc nào, Nhuận cũng bảo: “Không biết nó (người cháu – PV) về thì tao ở đâu”.
Về quê nhà với hai bàn tay trắng từ năm 2008, ngoài ngôi nhà đi mượn thì từ chiếc giường xập xệ, chiếc đài chạy pin, chạn bát, xoong nồi, chiếc tivi nhỏ, chiếc chổi, chăn bông, vại đựng gạo… đều do hàng xóm đem cho. Vừa chỉ tay về phía đôi dép để góc tường, chị khoe: “Một chị hàng xóm mới mua cho tôi cách đây một tuần, tôi để đó khi nào đôi dép tổ ong này rách thì đi”.
Hiện tại, hàng ngày chị Nhuận chỉ quanh quẩn ở nhà, thi thoảng, hàng xóm có gì lại gọi đem cho. Bữa rau, bữa cháo rồi cũng qua ngày. Cuối năm 2012, nhờ người làm đơn xin trợ cấp của phòng Thương binh xã hội của huyện, chị Nhuận mới nhận được 270 nghìn đồng tiền hỗ trợ/tháng. Thi thoảng, người chị gái đang sống trong Nha Trang cũng gửi cho em vài đồng hỗ trợ. Mỗi dịp tết đến, căn nhà nhỏ trống không, chẳng có chút hương vị gì, thương tình, hàng xóm người thì cho cặp bánh chưng, người cho khoanh giò, ít dưa hành, rau củ… để chị ăn tết. Ngặt nỗi, mấy người hàng xóm hay chạy qua giúp đỡ chị cũng rất nghèo, chẳng giúp được gì nhiều. Mong muốn lớn nhất của chị Nhuận hiện tại là có được một mảnh đất, để chị cất một căn nhà nhỏ sống hết quãng đời còn lại…
Phận đàn bà sống đơn độc, nỗi sợ hãi hàng đêm của chị Nhuận là những tiếng gõ cửa, những bước chân của những lão dê già hám gái. Theo một người hàng xóm của chị Nhuận kể lại, cách đây hơn một năm, một hôm mở cửa đi vệ sinh buổi đêm, một lão già trong xóm đã rình mò từ bao giờ, chỉ chờ có cơ hội lẻn vào nhà.
Lão đe dọa, cưỡng hiếp để thỏa mãn thú tính, người đàn bà nửa thông minh, nửa ngớ ngẩn ấy không đủ sức khỏe, không đủ tỉnh táo để phòng vệ. Sau đó, chị có thai, hàng xóm biết chuyện thì gọi điện vào Nha Trang cho chị gái Nhuận, người chị gái đã phải tức tốc ra đưa người đàn bà ấy đi phá bỏ thai nhi.
Từ sau lần ấy, buổi đêm, chị chẳng dám mở cửa ra ngoài, kể cả ban ngày hễ ai đến gõ cửa cũng làm chị sợ sệt. Những lão dê xồm vẫn hàng đêm đến ve vãn đủ trò. Nhờ có hàng xóm nhắc nhở, thi thoảng đáo qua, cộng thêm việc chị Nhuận liên tiếp chửi rủa, hô hoán khi bị ve vãn nên thời gian này cuộc sống của chị mới tạm thời yên ổn. Đám đàn ông có máu dê cũng không dám bén mảng đến rình mò như trước nữa.
Chị bảo, ở một mình buồn lắm, hàng đêm chị vẫn khóc nhớ hai con trai đang biền biệt xứ người. Việc tìm gặp, nhìn mặt hai con với chị bây giờ là điều không tưởng. Không kiếm nổi tiền nuôi bản thân, không có chỗ bấu víu, nương tựa, sự cùng quẫn, éo le cứ đeo bám người đàn bà sắp bước sang tuổi ngũ thập đó. Trước khi chào chị để ra về, bước ra ngoài hiên, tôi vẫn kịp nghe chị đang sụt sịt với người hàng xóm: “Nó về thì tao ở đâu?
Theo 24h
Cám cảnh "tiên dược" chồng uống... vợ khóc ròng
Để chiều chồng, nhiều bà vợ không ngần ngại sưu tầm những loại "tiên dược" ngâm rượu nhằm bồi bổ sức khỏe, cải thiện sinh lực nam giới.
Nhưng với sự hiểu biết sơ sài về những loại thuốc bổ nhân sâm, ngũ gia bì, các loại rễ cây có mùi hương, những con vật mang nhãn hiệu bổ dương khiến nhiều bà vợ đã làm hại chồng mà không hay biết.
Cải lão hoàn đồng trong... bệnh viện
Chị Hoàng Anh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đi công tác Yên Bái về xách 2 túi rễ cây thuốc nam cho chồng ngâm rượu uống nhằm "cải lão hoàn đồng". Theo chị Hoàng Anh kể lại thì bà con dân tộc bán nhiều loại rễ cây này và được nhiều vị khách kháo nhau là uống tăng cường sinh lực cho nam giới.
Chờ đợi suốt 2 tháng ngâm rượu, cuối cùng cũng tới ngày thưởng thức " tiên dược", chị Hoàng Anh không quên nhắc chồng uống và rộng rãi khi nhắc khéo mời bạn bè của chồng cùng tới nhà thưởng thức. Uống đến đâu rượu ngấm tới đó khiến cho cuộc nhậu thêm phần hoan hỉ. Nhưng rồi, chỉ 1 tiếng sau, chồng chị và người bạn đầu quay cuồng và lên cơn co giật phải đi cấp cứu .
Nhiều bà vợ thường rỉ tai nhau nên cho các ông uống rượu thuốc để bổ dương, cải thiện bản lĩnh đàn ông. Vì vậy, họ nhờ người tìm mua các dược liệu như ba kích, nhân sâm, ngũ gia bì, dâm dương hoắc, phá cố chỉ, đỗ trọng... hoặc các động vật như hải mã, tắc kè, sừng tê, bìm bịp, ngọc dương, mã pín, mật gấu, rết, bò cạp, mãng xà, hải mã, trăn... ngâm với rượu như để làm quà các ông chồng.
Nhưng đâu phải bất cứ dược liệu nào cũng ngâm rượu chung được với nhau, hoặc ngâm rượu chung với các loại động vật.
Hơn nữa, nhiều bà vợ không biết các dược liệu bày bán trôi nổi trên thị trường là dược liệu gì, nhưng vì tin vào quảng cáo của người bán hàng nên đã mua. Hoặc dược liệu thường có hóa chất dùng để bảo quản, nếu ngâm rượu uống dễ sinh ra bệnh, hay bị ngộ độc...
Không chỉ vậy nhiều loại cây có độc như lá ngón, rễ lá ngón dễ nhầm với vị thuốc Hoàng cầm, Mã tiền (có hoạt chất Strychnin) hay Ô đầu, Phụ tử (chứa chất độc Aconitic) chỉ làm cồn xoa bóp ngoài. Nhiều trường hợp cứ nghĩ rượu ngâm thuốc uống càng tốt nên khi uống dễ ngộ độc nặng và thường tử vong nếu không biết cách cấp cứu hoặc ở xa cơ sở cấp cứu.
Uống rượu dởm như uống phải thuốc độc
Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên tiếp nhận những trường hợp bị ngộ độc rượu, mà phần lớn nhiều trường hợp ngộ độc vì uống rượu ngâm với các loại kiểu cây nhà lá vườn. Bác sỹ Nguyễn Đàm Chính, Trung tâm chống độc cho hay, tùy theo mức độ và tình trạng, nguyên nhân ngộ độc mà có những dấu hiệu và chuyển biến khác nhau.
Sau những triệu chứng ban đầu thì người bệnh không điều khiển được hành vi, buồn nôn, đau bụng, nói líu lưỡi.Sau khi uống quá nhiều, người uống không thể đi lại được, mất cân bằng cơ thể, không tự ngồi được, co giật. Muộn hơn, bệnh nhân bị hôn mê sâu, tụt huyết áp, suy tuần hoàn, suy thận, có thể dẫn đến tử vong.
"Uống rượu dởm như uống phải ngụm thuốc độc, thương chồng như vậy khác nào hại chồng!" - PGS.TS Lê Lương Đống - Viện trưởng Viện nghiên cứu y dược cổ truyền Tuệ Tĩnh đã đúc kết khi chứng kiến nhiều cuộc sốc vì rượu của các ông chồng do các bà vợ bồi bổ.
Tâm lý bồi bổ sức khỏe thông qua rượu ngâm các loại thuốc bổ, động vật quý hiếm đã trở thành trào lưu để rồi không ít người vợ tự "giết" chồng mình. PGS.TS Lương Đống lưu ý, nếu cần phải uống rượu để có lợi cho sức khỏe thì các gia đình cân nhắc kỹ, không tự ý mua nguyên liệu về rồi tự ngâm và tự sử dụng.
Các gia đình không nên mua các loại rượu thuốc trôi nổi trên thị trường hoặc chỉ nghe qua quảng cáo, vì những loại này rất có thể bào chế không đúng quy trình hoặc không đảm bảo chất lượng. Rượu thuốc nghĩa là thuốc để chữa bệnh, tăng cường sinh lực ở dạng rượu, không phải để uống chơi cho vui nên cần phải uống đúng liều lượng và nhất là không uống rượu lúc bụng đói vì nồng độ rượu sẽ lên cao trong máu dễ gây ngộ độc.
Theo xahoi
Đám cưới 'sặc mùi xác thịt' giữa Sài thành Ở những đám cưới này, ngoài thủ tục thông thường còn có các màn nhảy múa khiêu dâm, uốn éo trước mặt quan viên hai họ. Những cô gái ăn mặc thiếu vải trong đám cưới Nói về chuyện cưới của các đôi uyên ương, ở Sài Gòn và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu......