Chuyện Đại tướng giúp đồng đội cụt chân tay hưởng chế độ sau 30 năm
“Tôi đi và gặp rất nhiều gia đình thương binh, liệt sĩ có hoàn cảnh nghèo khó. Mình và nhiều người khác được như ngày hôm nay cũng là nhờ máu xương của anh em đồng đội. Thời bình để gia cảnh anh em nghèo túng, tự nhiên thấy lương tâm mình rất cắn rứt”, Đại tướng Trà tâm sự.
Người lính Nguyễn Văn Trí bị thương phải cắt chân, rút đốt tay, mấy chục năm sống trong cảnh nghèo khổ nhưng lại không hưởng chế độ thương tật. Trong một lần vào miền Nam thăm đồng đội cũ, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phạm Văn Trà đã gặp lại người đồng đội.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phạm Văn Trà
Trả nghĩa với ân nhân
Như trong bài “Vị Đại tướng sống chung với mảnh đạn trong đầu nửa thế kỷ” Dân Việt đã đăng tải, Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi còn là Tiểu đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 309, Trung đoàn 1 U Minh đã bị thương trong trận đánh năm 1966. Ông được một cậu bé và mẹ cậu (tên là Sáu) cứu và đưa về vùng giải phóng,
Ông kể, sau giải phóng miền Nam ông lại tiếp tục đi chiến đấu ở chiến trường Campuchia rồi bận công tác nên chưa có điều kiện đi tìm để gặp lại ân nhân đã cứu sống mình. Điều đó làm ông day dứt mãi về sau này.
Đại tướng Phạm Văn Trà kể chuyện giúp đồng đội làm chế độ thương binh. (Ảnh: Lương Kết)
“Khoảng năm 1995, khi đang là Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam tôi mới tìm lại được “cậu bé” đã cứu sống mình năm xưa. Giờ cậu bé xưa đã lớn, tên là Gương, ngụ ở xã Vĩnh Quới, Ngã Năm, Sóc Trăng. Thời gian đó, gia đình Gương rất khó khăn, hai vợ chồng phải xuống vùng Năm Căn, Cà Mau để bắt con ba khía và chặt củi mưu sinh. Hàng tuần, đong được hơn chục ký gạo, vợ chồng Gương lại gửi về cho các con” – vị Đại tướng nhớ lại.
Xót xa trước hoàn cảnh của ân nhân cũ, ông Trà đã bỏ tiền túi mua 4ha ruộng cho vợ chồng Gương để họ không phải đi làm ăn xa. Sau này ông sắm thêm máy cày, bừa và giúp vợ chồng anh làm căn nhà.
“Nhờ chăm chỉ làm ăn giờ vợ chồng Gương có lẽ khá nhất vùng đó. Để tri ân mảnh đất mình đã từng chiến đấu, được người dân bao bọc, tôi đã vận động anh em mua thêm gần 10ha ruộng giúp người dân nghèo trong xóm. Mỗi lần tôi trở lại đó, được người dân ở đây coi như anh em trong nhà là điều làm tôi thấy vui và cảm động nhất”, tướng Trà kể.
Video đang HOT
Vị tướng già cho biết thêm, mỗi khi về nhà ân nhân chơi ông không quên nhắc giờ anh khá rồi mỗi năm để ra vài tấn lúa đem giúp những người nghèo khác. “Nhớ lời tôi dặn, hàng năm Gương đều giúp đỡ cho nhiều người nghèo ở xung quanh mình, giờ đây uy tín của Gương ở địa phương rất cao”, tướng Trà cho hay.
Giúp người lính cụt chân tay làm chế độ
Ông Nguyễn Văn Trí và chiếc xe lăn được Đại tướng Phạm Văn Trà tặng cách đây 6 năm. (Ảnh: Báo QĐND)
Đại tướng Phạm Văn Trà cho biết, năm 2006, sau khi nghỉ hưu ông dành thời gian để đi vận động xây dựng nhà tình nghĩa cho nhiệu hộ gia đình chính sách. “Tôi đi và gặp rất nhiều gia đình thương binh, liệt sĩ có hoàn cảnh nghèo khó. Mình và nhiều người khác được như ngày hôm nay cũng là nhờ máu xương của anh em đồng đội. Thời bình để gia cảnh anh em nghèo túng, tự nhiên thấy lương tâm mình rất cắn rứt”, tướng Trà tâm sự.
Từ ngày nghỉ hưu cho tới nay ông đã dành thời gian đi vận động để xây dựng được hơn 700 căn nhà tình nghĩa ở nhiều vùng trên cả nước. Bên cạnh đó vị tướng cả đời chinh chiến còn dành thời gian đi thăm những đồng đội chiến đấu năm xưa. Từ những chuyến đi này ông đã xác nhận để giúp giải quyết chế độ thương binh cho nhiều trường hợp bị thất lạc hoặc không đủ hồ sơ, giấy tờ.
Đại tướng Phạm Văn Trà kể, trong số những đồng đội được ông xác nhận để làm chế độ thương binh có trường hợp hoàn cảnh rất thương tâm khiến ông cứ day dứt mãi trong lòng cho tới tận giờ.
“Năm 2010, tôi về Hậu Giang, nhờ người chở xe máy ghé thăm nhà ông Tô Văn Nghĩ. Ông Nghĩ thời chiến tranh là Trung đội trưởng của đơn vị tôi. Trong lúc trò chuyện ông Nghĩ đã thốt lên: Anh có nhớ cậu Nguyễn Văn Trí thuộc đơn vị của chúng ta (Trung đội Vệ binh, Trung đoàn 1 Quân khu 9) bị thương, cụt cả chân tay từ mấy chục năm trước không? Đến giờ cậu ấy vẫn không được hưởng chế độ gì”.
Nghe đến đó, vị tướng tự nhiên thấy lòng thắt lại. Một người cụt cả chân cả tay do chiến trận mà mấy chục năm trời không được hưởng chế độ gì thì cay đắng và trớ trêu quá.
Ngay lập tức, vị tướng cùng ông Nghĩ đến tìm gặp người chiến sĩ năm xưa – ông Nguyễn Văn Trí. Qua lời kể của Trí, tướng Trà mới biết ông Trí bị thương trong một trận đánh năm 1973. Sau khi phẫu thuật cắt chân và bàn tay trái bị tháo 4 đốt, ông Trí được đơn vị cho về địa phương. Sau giải phóng miền Nam, ông Trí đi làm thủ tục để hưởng chế độ thương binh nhưng khi chính quyền yêu cầu viết đơn tường trình ông lại không biết chữ.
“Trí khi đó muốn tìm lại đơn vị cũ để giúp xác nhận nhưng Trung đoàn đang chiến đấu ở tận Campuchia. Sau này do hoàn cảnh cụt chân tay, lại nghèo khó nên cậu ấy cũng không có điều kiện đi tìm. Hàng ngày Trí cứ lết ra chợ bán vé số mưu sinh”, tướng Trà xúc động kể.
Tướng Trà kể tiếp: Tôi hỏi lúc em bị thương ai nuôi, cậu ta nói chị Hồng, còn người phẫu thuật cắt chân, rút đốt ngón tay là bác sĩ Thông. Cả hai người này khi được hỏi đều đã xác nhận đúng. Sau đó tôi hoàn tất thủ tục để gửi cơ quan chức năng làm chế độ cho Trí. Năm 2011, sau gần 30 năm, Trí mới được hưởng chế độ đáng ra đã phải được hưởng từ lâu rồi. Hiện Trí vẫn đang sống ở Kiên Lương, Kiên Giang.
Năm nay bước sang tuổi 82, nhưng Đại tướng Phạm Văn Trà – người có đến 9 lần bị thương trong chiến đấu vẫn khỏe mạnh và mẫn tiệp. Ông cười hiền rồi vỗ vai thân mật khi tôi chia tay: Mình vẫn sẽ tiếp tục hành trình vận động để xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách và đi thăm hỏi, giúp đỡ đồng đội khắp nơi. Dù sao mình vẫn còn sức khỏe, lại có điều kiện hơn anh em. Giúp được gì cho đồng đội năm xưa, dù ít dù nhiều, mình cũng luôn sẵn lòng.
Theo Dân Trí
"Ngày bố ra chiến trường, tôi lũn cũn đi theo hát 'chồng đi vợ khóc'"
"Ngày bố đi chiến trường, tôi mới 5 tuổi, em thứ hai lẫm chẫm tập đi, em út còn ẵm ngửa. Chia tay bố mà tôi cứ lũn cũn theo lũ trẻ trong làng nghêu ngao: "ba lô con cóc - chồng đi vợ khóc - ở nhà hết thóc - lấy gì nuôi con"..." - Đại tá Nghiêm Xuân Khao có cha là liệt sĩ hy sinh tại chiến trường trong thời kỳ đánh Mỹ, nghẹn ngào chia sẻ.
Các đại biểu dự buổi gặp mặt tại Bộ Quốc phòng nhân dịp tri ân gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công.
Sáng nay 19/7, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng gặp mặt biểu dương đại biểu Người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu đang công tác trong quân đội, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27//7/2017).
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì buổi gặp mặt.
Tham dự buổi gặp mặt có Thượng tướng Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư; Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước; Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; và nhiều lãnh đạo các bộ ngành.
Tại buổi gặp mặt, đại diện gia đình có người cha hy sinh trong chiến trường chống Mỹ, Đại tá Nghiêm Xuân Khao (quê Hưng Hà, Thái Bình) - Trưởng phòng Dân vận Quân khu 3 - chia sẻ: "Ngày bố đi chiến trường, tôi mới 5 tuổi, em thứ hai lẫm chẫm tập đi, em út còn ẵm ngửa. Chia tay bố mà tôi cứ lũn cũn theo lũ trẻ trong làng nghêu ngao: "ba lô con cóc - chồng đi vợ khóc - ở nhà hết thóc - lấy gì nuôi con"...".
Một người mẹ tới tham dự buổi gặp mặt.
"Trái tim non nớt của tôi đâu hiểu đó là lần cuối cùng anh em tôi được nhìn thấy bố. Đó cũng là ký ức duy nhất về bố trong tôi... Cũng từ ngày đó, mẹ tôi tần tảo sớm khuya thay chồng chăm mẹ, nuôi dạy các con và mong ngày đoàn viên hạnh phúc", Đại tá Khao nghẹn ngào nhớ lại.
Đại tá Khao nhớ lại lời kể của những đồng đội cùng đi chiến đấu với bố ông: "Năm 1968, ở tuổi 35, mặc dù đang bị viêm dạ dày nhưng bố tôi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã hăng hái vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Tháng Chạp năm 1970, khi đang vận chuyển lương thực cho đơn vị đón Tết Nguyên đán thì bố tôi bị địch phục kích, bắt giữ và tra tấn cho đến chết vì không chịu khai. 3 ngày sau, đồng đội và nhân dân mới tìm được thi hài của bố tôi và mang về mai táng tại xã Hoà Khương, huyện Hoà Vang, tỉnh Quảng Nam".
Năm 2011, hài cốt người cha Đại tá Khao đã được đưa về an táng tại nghĩa trang quê nhà.
Cũng tại buổi gặp mặt sáng nay, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng gửi đến các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng những tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc, lời thăm hỏi ân cần...
Thượng tướng Lê Chiêm xúc động nói: Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do cho dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, lớp lớp các thế hệ thanh niên Việt Nam đã không tiếc tuổi xuân, với tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần máu thịt của mình trên các chiến trường. Nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, ngoan cường đã làm nên kỳ tích của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thế kỷ 20.
Đến nay, cả nước có hơn 1,1 triệu liệt sĩ, trong đó gần 200 nghìn liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, khoảng 300 nghìn liệt sĩ đã quy tập vào các nghĩa trang liệt sĩ nhưng chưa xác định được danh tính. Hàng triệu người nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin; trong đó có hàng chục nghìn trẻ em bị di chứng tật nguyền...
Đại Tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng, tặng quà tri ân đại diện gia đình người có công.
Thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Lê Chiêm biểu dương những tấm gương tiêu biểu của các thương binh, bệnh binh, gia đình có công đã có những đóng góp to lớn và đầy ý nghĩa trong sự nghiệp xây dựng quân đội; bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước; hoan nghênh các cơ quan, đơn vị và cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã thực hiện có hiệu quả, thiết thực công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công.
Ghi nhận những thành tích trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc của người có công và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu đang công tác trong quân đội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã quyết định tặng Bằng khen cho 160 đại biểu và đề nghị Nhà nước khen thưởng cho 40 đại biểu người có công và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu đang công tác trong quân đội.
Tuấn Hợp
Theo Dantri
Chương trình giao lưu nghệ thuật "Bản hùng ca bất tử" 20 giờ 30 hôm (24.7), chương trình giao lưu nghệ thuật "Bản hùng ca bất tử" sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2017), Ban Tuyên giáo Trung ương giao cho Tạp chí Tuyên giáo phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Công ty cổ phần Thương mại và hợp...