Chuyện cứu tàu của Pháp tại Hoàng Sa
Trước khi bị thế lực ngoại bang dòm ngó và nhảy vào chiếm đoạt, từ năm 1909 trở về trước, Hoàng Sa và Trường Sa đã trở thành đơn vị hành chính của triều đình nhà Nguyễn, được tổ chức và quản lý chặt chẽ từ chính quyền Trung ương.
Do tầm nhìn chiếc lược sắc sảo, vua nhà Nguyễn đã xác định đây là các vị trí chiến lược quan trọng. Trong khi đó một số nhà buôn Trung Hoa và phương Tây gọi Hoàng Sa là vùng “đầy ma quỷ” và “buồn thảm”.
May mắn là dù trải qua nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc, Việt Nam vẫn còn lưu giữ được một số tài liệu quan trọng về Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt, ngoài các bộ chính sử ghi chép tỉ mỉ, chúng ta còn lưu giữ được nhiều châu bản, tức các tấu sớ của các bộ, cơ quan địa phương tâu lên đã được nhà vua “ngự phê”, “ngự lãm”. Hệ thống các văn bản hành chính này đã minh chứng cho quá trình xác lập chủ quyền và quản lý chặt chẽ đối với Hoàng Sa và Trường Sa của nhà nước Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước.
Bản đồ Việt nam do Ủy ban địa danh Úc phát hành có Hoàng Sa và Trường Sa
Tấu trình cứu thuyền buôn của Pháp
Năm 1830, tức năm Minh Mạng thứ 11, một chiếc tàu buôn của Pháp gặp bão tại Hoàng Sa. Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng Nguyễn Văn Ngữ nhận được tin báo, lập tức sai thuyền tuần tiễu ra cứu người và cứu tàu. Ngay sau đó quan thủ ngự Nguyễn Văn Ngữ làm bản tấu trình gởi lên nhà vua. Nguyên văn chữ Hán được dịch nghĩa như sau: “Thần là Nguyễn Văn Ngữ, chức thủ ngự cửa biển Đà Nẵng chắp tay dập đầu trăm lạy kính cẩn tâu việc: Vào giờ Dần ngày 20 tháng này, chủ thuyền buôn Phú Lang Sa là Đô-ô-chi-li cùng tài phó Y Đóa và bọn phái viên Lê Quang Quỳnh đi thuyền qua Lữ Tống (tức Philippines) buôn bán, việc đã tâu báo. Giờ Dần ngày 27, chợt thấy tài phó Y Đóa và 11 thủy thủ đi trên một chiếc thuyền nhẹ vào cửa tấn (cửa biển) nói hai ngày 21 tháng này thuyền qua phía tây Hoàng Sa bị mắc cạn, nước ngập vào thuyền hơn tám thước… Thần lập tức cho thuyền tuần tiễu ở cửa tấn mang nước ngọt ra biển tìm kiếm.
Nay xin tâu báo là đến giờ Ngọ thì gặp Đi-ô-chi-li cùng phái viên, thủy thủ 15 người. Hiện đã đưa về tấn, người và vàng bạc đều an toàn… Thần xin soạn tập tâu, kính cẩn trình báo đầy đủ. Thần khôn xiết run sợ. Kính tâu”.
Văn bản này có ấn (đóng dấu) của Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng và Ngự tiền chi bảo.
Tấu xin quyết toán thực hiện công vụ, dân phu phục vụ Hoàng Sa
Thực hiện Dụ của nhà vua, các địa phương đều phải tham gia cung cấp phương tiện, nhân vật lực cho các chuyến đi vãng thám Hoàng Sa. Ngày 11/7 năm Minh Mạng thứ 18 (1837), Bộ Hộ xin 5 ngày để kê cứu, thẩm tra các việc ở địa phương. Tấu của Bộ Hộ như sau: “Bộ Hộ tâu: Các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên đều dâng sớ trình bày giá gạo trong tháng và kèm theo bản tường trình về tình hình thời tiết năng mưa cũng như công việc nhà nông. Bộ thần cung kính xin ban chỉ…”.
Một đoạn khác có nội dung sau: “Lại có sách của Sơn Tây phúc trình xin được quyết toán mọi chi tiền gạo để chế tác các nhãn hiệu Đằng bài (dây roi), Bài đao (dao), Phác đao ( dao mác)… Lại có sách tâu của tỉnh Quảng Ngãi trình bày việc vâng mệnh chi tiền gạo thuê dân phu đến xứ Hoàng Sa thực hiện công vụ, xin cho được quyết toán. Việc này Bộ thần xin trong 5 ngày để kê cứu rồi tấu trình lại…”.
Bản tấu này đã được vua Minh Mạng “châu phê” như sau: “Biết rồi! Hãy tuân mệnh”.
Do xác định “Hoàng Sa thuộc khu vực ngoài biển rất hiểm yếu”, vua Minh Mạng tỏ ra rất quyết đoán và theo sát mọi tình hình. Các tấu trình đều phải được nhà vua xem và “châu phê”. Từ năm 1836, những chuyến đi vãng thám Hoàng Sa cũng như thời gian chuẩn bị, các địa phương tham gia, lộ trình đã trở thành nguyên tắc bất di bất dịch. Nhà vua “châu phê” rõ ràng: ” Lại từ năm nay (1836) trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, cứ lệ ấy mà làm”.
Video đang HOT
Tuy nhiên, năm 1838 do thời tiết xấu, chuyến vãng thám phải chậm lại. Bản tấu năm này như sau: ” Việc đi khảo sát đo đạc ở Hoàng Sa đã có hạn định rõ ràng là hạ tuần tháng 3 là xuất phát ra khơi, nhưng vì hướng gió và con nước chưa tiện, kéo dài đến hạ tuần tháng 4 vẫn chưa ra khơi được là quá hạn. Bộ thần căn cứ vào sự thật tấu trình đầy đủ”.
Gần như mọi diễn biến liên quan đến Hoàng Sa – Trường Sa nhà vua đều trực tiếp xem xét và có “châu phê” chỉ đạo, bất luận việc lớn hay việc nhỏ.
Binh linh thời nhà Nguyễn
Tấu về kết quả chuyến vãng thám năm Minh Mạng thứ 19 (1838)
Dù xuất phát chuyến đi năm này bị trễ vì thời tiết, song kết quả đi về vẫn được tấu lên nhà vua đầy đủ, cụ thể. Bản tấu của Bộ Công ngày 21/6 ghi rõ: “Bộ thần đã hỏi qua, các viên đó trình bày lần này đã đến được 25 đảo thuộc vùng thứ 3. Nhưng theo viên dẫn đường Vũ Văn Hùng thì toàn bộ xứ Hoàng Sa có 4 vùng, lần này khảo sát được vùng thứ 3. Còn một vùng phía Nam, nơi này cách nơi kia khá xa, gió thổi mạnh, việc khởi hành đến đó không tiện, phải đợi gió thuận thì muộn, xin đợi đến sang năm đến đó. Lại xem xét 4 bản đồ mang về, có 3 bức vẽ riêng từng vùng và một bức vẽ chung, cùng một bản nhật ký chưa được tu sửa hoàn chỉnh, xin cho Bộ thần thẩm tra kỹ và sức cho họ chỉnh sửa hoàn thiện để dâng trình.
Lại theo những người này tường trình thì trong chuyến đi này họ đã thu được một sung đại bác bọc đồng, các loại đá san hô đỏ, các loại chim, rùa biển. Nay đã mang về. Chúng thần dám xin làm tờ tâu trình đại thể. Thần Thang Huy Thuận vâng mệnh soạn thảo. Thần Hà Duy Phiên, thần Lý Văn Phức vâng mệnh đọc duyệt”.
Tấu xin giảm tội cho viên giám thành “thiếu trách nhiệm”
Giám thành Trương Viết Soái nhiều lần được cử đi công vụ ở Hoàng Sa nhưng “không hoàn thành nhiệm vụ”, bị phạt tội “trảm giảm hậu” (tội chém đầu) nhưng đợi đến mùa thu mới xét xử. Bộ Công tâu: “Các viên thủy sư Phạm Văn Biện do kinh phí sai phái, viên dẫn đường Vũ Văn Hạng, Phạm Văn Sênh, lái thuyền Lưu Đức Trực do tỉnh sai phái đi Hoàng Sa trở về quá hạn, đã có chỉ trách phạt, đánh đòn… Lần này trở về, trừ Phạm Văn Biện đã bị trách phạt không cần nghị bàn thêm, còn các viên binh dân chiếu theo lệ ban thưởng gia ân, nhưng việc ban thưởng do bề trên quyết định, bộ thần không dám nghị bàn. Duy có viên quan giám thành Trương Viết Soái mắc tội quân, đã được sai đi hiệu lực. Năm ngoái lại được sai phái đi hiệu lực ở Hoàng Sa, khi trở về không mang theo bản đồ để dâng trình, vâng theo chỉ chuẩn cho giữ nguyên án phạt trảm giam hậu, lần này xét xử viên đó thế nào, xin tâu trình đợi chỉ”.
Vua Minh Mạng vốn nghiêm khắc với quan quân. Nhưng với dân binh đi Hoàng Sa, nhà vua luôn ưu ái ban thưởng và cũng rất quan tâm trừng trị những ai không hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, mức “trảm giam hậu” là khá nặng nên nhà vua đã giảm bớt tội, châu phê rằng: “Vi binh tái sĩ sai phái (Tức cho về làm lính, đợi sai phái tiếp). Nhiều tài liệu ghi chép khâm phục nhà vua biết trọng dụng nhân lực phục vụ cho Hoàng Sa bởi không phải ai cũng có thể tuyển được vào đội dân binh, quân binh đi biển xa vào thời ấy.
Những tấu, phúc tấu, chỉ dụ và “châu phê” của nhà vua chính là những văn bản hành chính quản lý thời trung cận đại của chính quyền với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là minh chứng hùng hồn cho chủ quyền của nhà nước Đại Nam lúc ấy. Và đây cũng là bằng chứng lịch sử có giá trị đầy đủ về công pháp quốc tế không ai có thể phủ nhận hoặc ngụy tạo.
(Còn nữa)
Duy Chiến
Theo_VietNamNet
Các vua VN đều quan tâm khẳng định chủ quyền
Các vị vua chúa Việt Nam rất quan tâm khẳng định chủ quyền tại 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa một cách lâu dài, ổn định. Đặc biệt là vua Minh Mạng.
Kì 1: Chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa trong chính sử
Giới nghiên cứu sử phương Đông đều chung đánh giá: Minh Mạng là vị vua ở phương Đông có tầm nhìn chiến lược về biển đảo sớm nhất trong vùng. Trong khi các quốc gia xung quanh như Trung Quốc chỉ mải lo phát triển phần lục địa thì vua Minh Mạng đã có nhiều quyết sách mạnh mẽ, táo bạo để củng cố chủ quyền, tập trung khai thác hải sản vật trên 2 quần đảo này. Ông đã cho trồng cây, xây miếu thờ, xây nhà ở trên Hoàng Sa...
Chủ quyền chưa bao giờ đứt khúc
Năm 1773, quân Tây Sơn làm chủ dải đất từ Quảng Nam đến Bình Thuận sau 2 năm khởi nghĩa. Đội Hoàng Sa ở xã Vĩnh An tỉnh Quãng Ngãi bấy giờ đặt dưới sự kiểm soát của quân Tây Sơn. Hoạt động của đội Hoàng Sa vẫn tiếp tục và được chính quyền Tây Sơn quan tâm dù đang "lưỡng đầu thọ địch" với phía Bắc là nhà Trịnh, phía Nam là nhà Nguyễn.
Trước khi lên đường ra Hoàng Sa, ông Hà Liễu, cai hợp phường Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) gửi đơn lên chính quyền Tây Sơn. Trong đơn có đoạn: "Bây giờ chúng tôi lập hai đội Hoàng Sa và Quế Hương như cũ gồm thêm dân ngoại tịch, được bao nhiêu xin làm sổ sách dâng nạp, vượt thuyền ra các đảo, các cù lao ngoài biển tìm nhặt các vật hạng đồng thiếc, hải ba, đồi mồi được bao nhiêu xin dâng nạp".
Nghi thức thả khinh thuyền Hoàng Sa trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: Trí Tín/VNE
Nghi thức thả khinh thuyền Hoàng Sa trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: Trí Tín/VNE
Ngày 14/2 năm Thái Đức thứ 9 (Năm 1786), quan Thái phó Tổng lý quân binh dân chức vụ thượng tướng công có chỉ thị gửi đội Hoàng Sa trả lời như sau: "Sai Hội đức hầu, cai đội Hoàng Sa luôn xem xét, đốc suất trong đội cắm biển hiệu thủy quân, cỡi 4 chiếc thuyền câuvượt biển, thẳng đến Hoàng Sa cùng các xứ cù lao ngoài biển, tìm nhặt đồ vàng, bạc, đồng và các thứ đại bác, tiểu bác, đồi mồi, vỏ hải ba cùng đá quý đều chở về kinh tập trung, nộp theo lệ. Nếu ngạo mạn càn bậy không đến, lại gian dối lấy bớt các vật quý hoặc sinh sự với dân làm muối, làm cá sẽ bị trị tội...".
Thời gian sau, nhà Tây Sơn sụp đổ, nhà Nguyễn quản lý cả đất nước vào năm 1802, công cuộc khai thác, khẳng định chủ quyền ở Trường Sa và Hoàng Sa được đẩy mạnh, tăng cường hơn nữa.
Chỉ một năm sau khi lên ngôi Hoàng đế, tháng 7 năm Quý hợi (1803), vua Gia Long cho củng cố lại đội Hoàng Sa. Sách Đại nam thực lục chính biên đệ nhất kỉ, quyển 12 chép rằng: "Lấy cai cơ Võ Văn Phú làm thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập lại đội Hoàng Sa". Và vào tháng giêng năm Ất hợi (1815) vua Gia Long quyết định: "Sai bọn Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa xem xét đo đạc thủy trình".
Từ năm 1816, nhà vua còn cử cả thủy quân cùng đội Hoàng Sa ra đảo. Những người Pháp cộng tác với vua Gia Long cũng ghi rõ sự kiện này. Giám mục Taberd đã viết: "Chỉ đến năm 1816 mà ngài (vua Gia Long - TG) đã long trọng treo tại đó (quần đảo Hoàng Sa - TG) lá cờ của xứ Đàng trong". Ghi chép của nhà truyền giáo Gutzlaff cũng cho biết thêm rằng, thời Gia Long đã thiết lập một trại quân nhỏ để thu thuế và bảo trợ người đánh cá Việt Nam.
Ở đây cần nói thêm, những ghi chép của các tác giả phương Tây đương thời chỉ là ghi nhận sự kiện xảy ra. Vì không phải là những nhà nghiên cứu nên các tác giả trên không đề cập đến chủ quyền của Việt Nam đã có trên Hoàng Sa từ trước đó khá lâu.
Châu bản ngày 13/7 năm Minh Mạng thứ 16 về việc trị tội một số quan lại và xét thưởng một số dân binh
Xây miếu, trồng cây trên Hoàng Sa và Trường Sa
Các vị vua chúa Việt Nam rất quan tâm khẳng định chủ quyền tại 2 quần đảo này một cách lâu dài, ổn định. Đặc biệt là vua Minh Mạng (1791 - 1841). Từ thời vị vua này trở đi hoạt động của thủy quân trên đảo Hoàng Sa bên cạnh đội Hoàng Sa trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã thành lệ hàng năm. Lực lượng thủy quân giống như "lực lượng đặc biệt" gồm kinh phái, tỉnh phái và dân binh địa phương có nhiệm vụ xác lập và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo.
Các vua triều Nguyễn trực tiếp theo sát và ra các chỉ dụ rất cụ thể cho "lực lượng đặc biệt". Vua Minh Mạng còn sát sao hơn, có chỉ dụ cho từng chuyến đi ra đảo.
Năm Minh Mạng thứ 16 (Năm 1835) nhà vua đã chuẩn y lời tâu của Bộ Công cho tỉnh Quảng Ngãi cất miếu tại Hoàng Sa theo thể chếnhà đá. Sách Đại Nam thực lục chính biên, quyển 154 cho biết, mùa hạ năm đó nhà vua sai cai đội thủy quân Phạm Văn Nguyên đem lính và giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chuyên chở vật liệu đến dựng miếu cách tòa miếu cổ 7 trượng. Bên trái và phía trước miếu xây bình phong. Ba mặt miếu đều trồng các loại cây.
Sách Việt sử cương giám khảo lược của Nguyễn Thông chép rằng, các quân nhân đến đảo thường mang theo hạt quả thủy nam rải ở trong và ngoài miếu cho cây mọc để tìm dấu mà nhận. Vua Minh Mạng cũng nói rõ, thuyền buôn đi qua đây thường bị hại, va phải đá ngầm chìm đắm nên trồng cây cốt làm dấu để nhận ra đảo mà tránh.
Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), nhà vua phê (châu phê): "Thuyền đi đến đâu, cắm mốc tới đó để lưu dấu". Cạnh đó, nhà vua còn ra các chỉ dụ thưởng phạt thường xuyên cho các chuyến công vụ ra đảo. Thông thường, dân binh đội Hoàng Sa luôn được thưởng từ 1 đến 2 quan tiền và miễn thuế vì cực khổ vất vả theo đoàn. Còn các viên chỉ huy như cai đội, chánh suất đội, các viên chức tỉnh phái mà chậm trễ, lơ là đều bị trị tội rất nặng.
Theo Đại Nam thực lục chính biên, thời gian chuẩn bị đi Hoàng Sa và Trường Sa là từ hạ tuần tháng giêng. Ngay từ năm Minh Mạng thứ 15 nhà vua đã có chỉ dụ cho các tỉnh ven biển phải đóng 2 - 3 thuyền nhanh, tuyển mộ dân ven biển làm thợ lái, thủy thủ. Mỗi thuyền cần đủ 20 người làm thủy binh thuộc tỉnh để khi khẩn cấp sẽ tuần tiễu, thông báo, vận tải cho nhanh.
Châu bản thời nhà Nguyễn về Hoàng Sa
Ngoài việc tổ chức khai thác như trước kia, thời vua Minh Mạng còn xúc tiến các hoạt động đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, cắm cột mốc, dựng bia. Từ năm 1836 nhà vua còn quy chuẩn các hoạt động thể hiện chủ quyền. Châu phê của nhà vua năm Minh Mạng thứ 17 ghi rõ: "Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ (cột mốc) dài 4,5 thước, rộng 5 tấc. Trên mặt bài khắc dòng chữ: " Minh Mạng thập thất niên Bính thân thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương đồ chi thử, hữu chỉ đẳng tư" (Năm Minh Mạng thứ 17, năm Bính thân, thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh ra Hoàng Sa xem xét, đo đạc, đến đây lưu dấu để ghi nhớ)".
Mỗi năm, cột mốc đều ghi rõ niên hiệu, năm, chức vụ, họ tên viên chỉ huy "lực lượng đặc biệt" được phụng mệnh triều đình làm nhiệm vụ đánh dấu để ghi nhớ. Theo những sử sách còn lưu giữ tên những người chỉ huy đội thủy quân đặc biệt của các năm như sau: Năm Minh Mạng thứ 16 là cai đội thuyền Phạm Văn Nguyên; năm Minh Mạng thứ 17 là chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật; năm Minh Mạng thứ 18 là thủy sư suất đội Phạm Văn Biện... Tính ra số đảo được đánh dấu mốc rất lớn. Tuy nhiên, do trải qua nhiều biến cố lịch sử chiến tranh nên bị thất lạc không ít nên chưa tổng kết được có bao nhiêu đảo đã được cắm cột mốc.
(Còn nữa)
Duy Chiến
Theo_VietNamNet
Du khách quốc tế bình yên khi đến Hà Nội Tính đến 11h trưa ngày 18/5, tất cả các địa phương trên cả nước đã không xảy ra bất cứ hoạt động biểu tình nào Thực hiện nghiêm túc Công điện số 697 ngày 15/5 và Chỉ thị ngày 17/5 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm an ninh, trật tự, kiên quyết không để xảy ra biểu tình trái pháp...