Chuyện cứu người ở vùng biên giới Tây Giang
Đã bước sang năm thứ 11 kể từ ngày Trạm quân dân y kết hợp Axan (nay là Phòng khám đa khoa quân dân y kết hợp Axan) được khánh thành và đi vào hoạt động.
Nhờ sự tận tâm, tận lực của y, bác sĩ mà hàng nghìn lượt bệnh nhân ở các xã vùng cao biên giới huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cũng như các bản giáp biên của huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào đã được khám, chữa bệnh miễn phí, được tiếp cận với các loại hình dịch vụ y tế hiện đại, được chăm sóc sức khỏe ngày một tốt hơn, dần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu.
Cán bộ quân y BĐBP khám, chữa bệnh cho nhân dân ở Phòng khám đa khoa quân dân y kết hợp Axan. Ảnh: Hồng Anh
Rất dễ để nhận ra Phòng khám đa khoa quân dân y kết hợp Axan bởi đó là dãy nhà khang trang trong khuôn viên hơn 400m2 nằm sát quốc lộ đi qua trung tâm xã Axan, huyện Tây Giang. Phòng khám được biên chế 10 y, bác sĩ, 8 giường bệnh và nhiều thiết bị y tế hiện đại nên không khác gì một “bệnh viện thu nhỏ”.
Tiếp chúng tôi là Trung tá Lê Đức Mạnh, bác sĩ chuyên khoa 1, Trưởng phòng khám đa khoa quân dân y kết hợp Axan. Mới nhận Trưởng phòng khám được 3 năm, nhưng trước đó, Trung tá Lê Đức Mạnh đã có nhiều năm gắn bó với mảnh đất này khi làm cán bộ quân y của Đồn Biên phòng Axan, vậy nên, mọi thứ cũng không khó để vào guồng.
Anh bảo, trước nay vẫn thế, đường lên biên giới không chỉ xa xôi, mà còn gần như tê liệt vào mùa mưa, vậy mà tất cả việc chăm sóc sức khỏe của bộ đội, bà con nhân dân ở 4 xã Axan, Gary, Ch’ơm, Tr’hy gần như phụ thuộc hoàn toàn vào phòng khám quân dân y kết hợp này. Ý thức được điều đó nên anh vẫn động viên mọi người vừa làm, vừa đúc kết kinh nghiệm, vừa tự học hỏi để nâng cao trình độ (bản thân bác sĩ Mạnh cũng từ y sĩ học lên bác sĩ chuyên khoa cấp 1). Trong quá trình công tác, anh mày mò tự học tiếng Cơ Tu, tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào để có thể biết thêm nguyên nhân gây bệnh, từ đó, có phương pháp điều trị phù hợp.
Việc các y, bác sĩ Việt Nam khám chữa bệnh cho người Lào không chỉ mang tính nhân đạo mà qua đó, thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Lào, góp phần giữ vững biên giới hòa bình, hữu nghị.
Chứng kiến bác sĩ Mạnh vừa khám, vừa trò chuyện với bệnh nhân bằng cả tiếng phổ thông lẫn tiếng Cơ Tu, chúng tôi ai nấy đều nể phục. Và nể phục hơn nữa là những câu chuyện cứu người thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” trong gang tấc của các thầy thuốc mang quân hàm xanh nơi đây.
Khó có thể kể hết chuyện các anh chị đã tài tình thế nào, chỉ biết rằng, đi đến các bản làng đều được nghe người dân kể với lòng biết ơn sâu sắc, xem như ân nhân và người thân trong gia đình. Như chuyện của chị Pơ Loong Thị Nưới, ở thôn A Rầng 1, xã Axan, là một ví dụ. Cách đây 2 năm, chị Nưới được đưa tới phòng khám trong tình trạng sinh khó, ra máu nhiều, nguy kịch đến tính mạng, nhưng không thể chuyển lên tuyến trên do đường xa, sức khỏe yếu. Bác sĩ Lê Đức Mạnh và y sĩ Zơ Râm Thị Hằng cùng các đồng nghiệp đã vừa động viên tinh thần, vừa trợ sức cho sản phụ. Và rồi cậu bé 3,5kg đã cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui khôn tả của mọi người xung quanh.
Chị Nưới bảo: “Lúc sinh con, em không có tiền, lại một thân một mình nên khi nghe nói phải xuống bệnh viện huyện, em đã nghĩ, thế là hết rồi. Vậy mà các bác sĩ đã cứu được cả em và con, giờ mẹ con em không biết lấy gì để trả ơn mọi người”.
Cũng ở thôn A Rầng 1, ông A Lăng Tơơnh (80 tuổi) bị trâu húc, gãy 3 xương sườn và thủng bụng. Người nhà đưa tới phòng khám, nhưng cũng không hy vọng nhiều vì ông tuổi đã cao mà vết thương quá nặng. Vậy nhưng, sau 1 tuần được bác sĩ Mạnh chăm sóc, ông Tơơnh đã được về nhà và giờ vẫn sống khỏe mạnh.
Nhắc lại chuyện cũ, ông Tơơnh cảm phục: “Trước đây, mọi người ốm đau đều nhờ thầy cúng, vừa tốn kém mà lâu khỏi. Sau lần bác sĩ Mạnh cứu khỏi, tôi hoàn toàn tin tưởng vào việc điều trị bằng thuốc. Giờ thì mọi người trong bản mỗi khi ốm đau đều đến phòng khám để các y, bác sĩ khám và chữa bệnh cho, không còn mời thầy mo về cúng nữa”.
Nhưng có lẽ chuyện bác sĩ Mạnh nhiều lần cứu được người ăn lá ngón khiến ai cũng phải nể phục. Chị A Rất Thị Nhuận, ở thôn A Rầng 2, xã Axan không thể nào quên được cái đêm ác mộng, chỉ vì mâu thuẫn với chồng, chị quyết định ăn lá ngón quyên sinh dù lúc ấy mới sinh con được 2 tháng… Bác sĩ Mạnh cùng mọi người đã trắng đêm túc trực, rửa ruột, truyền nước để cứu bà mẹ trẻ. Cảm động hơn là những ngày sau đó, bác sĩ Lê Đức Mạnh và nữ hộ sinh Bríu Thị Nhứ thường đến thăm hỏi tình hình sức khỏe mẹ con chị A Rất Thị Nhuận và hướng dẫn chị cách chăm sóc con một cách khoa học để bé khỏe mạnh.
Video đang HOT
Chị A Rất Thị Nhuận không phải là trường hợp duy nhất được các y, bác sĩ ở phòng khám cứu thành công khi tự tử bằng lá ngón, thậm chí có trường hợp tự tử bằng thuốc trừ sâu cũng đã được cứu sống kịp thời.
Với trường hợp bệnh nặng, bác sĩ Lê Đức Mạnh tới tận nhà để khám cho bệnh nhân. Ảnh: Hồng Anh
Phòng khám đa khoa quân dân y kết hợp Axan không chỉ có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở các xã vùng cao biên giới của huyện Tây Giang, mà còn tiếp nhận hàng nghìn lượt khám, chữa bệnh và cấp thuốc cho bà con các bản giáp biên của cụm Tà Vàng, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào. Do đường về trung tâm huyện Kà Lừm mất mấy ngày đường, vậy nên, mỗi khi ốm đau, người dân ở các bản của cụm Tà Vàng lại sang phòng khám để chữa bệnh. Nhiều trường hợp người bị bệnh đến khám, phải ở lại điều trị, nhưng lại không có anh em họ hàng ở Việt Nam để giúp đỡ. Những ngày ấy, các y, bác sĩ lại bớt khẩu phần ăn của mình để chia sẻ cho bệnh nhân.
Ông Bun Thoong chia sẻ câu chuyện của mình: “Tháng trước tôi bị đau bụng, không ăn, không ngủ được. Nay sang đây, bác sĩ Mạnh khám bảo bị đau dạ dày. Bác sĩ cấp thuốc cho, rồi dặn dò ăn uống cẩn thận để phòng tránh bệnh tật. Tôi tin lắm vì trong bản có nhiều người uống thuốc của bác sĩ Mạnh đều khỏi bệnh”.
Ai cũng hiểu rằng, nhân dân hai bên biên giới nơi đây bao đời nay có mối quan hệ thân tộc, đều cùng là người Cơ Tu cả. Người dân Axan, Gary, Ch’ơm, Tr’hy vẫn hỗ trợ người dân Lào khi khó khăn, hoạn nạn. Cứ thế, các y, bác sĩ ở Phòng khám đa khoa quân dân y kết hợp Axan thầm lặng, tận tụy, hết lòng vì nhân dân và viết nên những câu chuyện đầy nghĩa tình ở nơi vùng cao biên giới này.
Trúc Hà – Hồng Anh
Theo Bienphong
Quảng Nam: Phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, nhiều tín hiệu mừng
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, các đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động thì công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện ở Quảng Nam đã có nhiều tín hiệu đáng mừng.
Nếu như năm 2018 toàn tỉnh có 2.138 người tham gia thì 7 tháng đầu năm nay đã vận động được 2.218 người, kế hoạch trong năm 2019 toàn tỉnh sẽ phát triển ít nhất 5.400 đối tượng.
Người dân xã Dang, huyện Tây Giang, Quảng Nam hào hứng với chính sách BHXH tự nguyện. Anh: T.Kiên
Phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện vốn là một nhiệm vụ không hề dễ dàng ngay cả đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... với tỉnh còn chưa mấy phát triển như Quảng Nam thì còn khó khăn muôn bề.
Năm 2018, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ở Quảng Nam còn khá khiêm tốn, mới có 2.138 người tham gia; tuy nhiên, tính đến 31/8/2019, số người tham gia BHXH tự nguyện cả tỉnh đã tăng lên 4.319 người; riêng trong năm 2019, tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu phát triển ít nhất 5.400 đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Quyết liệt triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW
Để đạt kết quả đáng mừng trên, theo lãnh đạo BHXH tỉnh Quảng Nam, ngay sau khi Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam ban hành Chương trình hành động số 107-CTr/BCSĐ ngày ngày 16/8/2018 về thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH; BHXH tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, BHXH các huyện, thị xã, thành phố thực hiện quán triệt đến tất cả cán bộ, viên chức, người lao động trong đơn vị. Đồng thời, BHXH tỉnh ban hành Kế hoạch số 20/KH-BHXH ngày 7/9/2018 về thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW; trong đó đề ra mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn; xác định các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để đạt được mục tiêu đề ra.
Từ đầu năm 2019, BHXH tỉnh tổ chức hội nghị triển khai công tác tuyên truyền và phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2019 nhằm định hướng nội dung tuyên truyền trong năm 2019 và những năm tiếp theo, trong đó tập trung tuyên truyền nội dung Nghị quyết 28- NQ/TW và Nghị quyết 21-NQ/TW và các chương trình, kế hoạch của tỉnh thông qua nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau; trong đó chú trọng tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và BHYT theo hộ gia đình.
Cũng trong năm 2018 và 7 tháng đầu năm 2019, BHXH tỉnh Quảng Nam và BHXH cấp huyện đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Liên đoàn Lao động, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và Bưu điện tỉnh tổ chức hàng trăm hội nghị tuyên truyền, đối thoại, tọa đàm về chính sách BHXH, BHYT, nhất là tập trung vào chính sách BHXH tự nguyện.
Đặc biệt, BHXH tỉnh đã ký kết hợp đồng với Bưu điện tỉnh để tổ chức ít nhất 216 hội nghị tuyên truyền, đối thoại; đặt mục tiêu phát triển ít nhất 5.400 đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong năm 2019; qua 7 tháng đầu năm đã tổ chức được 194 hội nghị với trên 7 ngàn người tham dự và tính đến 31/8/2019 trên địa bàn tỉnh đã có 4.319 người tham gia BHXH tự nguyện.
Buổi tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện cho bà con người dân tộc Cơ Tu ở xã Dang, huyện Tây Giang
Chính sách BHXH tự nguyện đã lan tỏa đến người dân
Mặc dù điều kiện kinh tế của phần lớn người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định, tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp, các đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động thì chính sách BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng đã thực sự lan tỏa được đến đông đảo quần chúng nhân dân; người dân dù còn khó khăn nhưng đã nhận thức được lợi ích của chính sách BHXH tự nguyện và dần thay đổi quan điểm, tích cực hơn trong việc tham gia BXHX tự nguyện.
Trong chuyến đi thực tế tại Quảng Nam mới đây, chúng tôi đã có dịp tiếp cận với nhiều người dân tham gia BHXH tự nguyện, một cảm nhận chung là họ đều rất vui và hào hứng với chính sách này.
Ông Nguyễn Đức Hòa, sinh năm 1959, ở tổ 5, khu phố 4, phường An Xuân, TP Tam Kỳ, làm nhân viên điện nước Bệnh viện Y học cổ truyền Quảng Nam từ năm 1998, đến năm 2000 mới được tham đóng BHXH, đến tháng 2/2019 thì nghỉ hưu; như vậy, thời gian tham gia BHXH của ông mới được 17 năm 8 tháng, thiếu 2 năm 4 tháng để được hưởng lương hưu.
Ông Hòa cho biết, qua công tác tuyên truyền, vận động của BHXH, Bưu điện Quảng Nam, đã nắm được chính sách mới về BHXH tự nguyện nên được hưởng lương hưu từ tháng 4/2019 với mức 2 triệu đồng/tháng.
Theo ông Hòa, chính sách BHXH tự nguyện thực sự đã cởi trói cho những trường hợp như ông; với việc được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng rất linh hoạt; cán bộ tuyên truyền chính sách BHXH rất nhiệt tình, tận tâm; các cơ quan như Bưu điện và BHXH giải quyết thủ tục rất nhanh chóng, tạo cảm giác thoải mái, yên tâm cho người tham gia BHXH tự nguyện.
"Tôi thấy người tham gia BHXH tự nguyện thực sự được lợi, vừa được nhận lương hưu hàng tháng lại còn được hưởng chế độ BHYT đến hết đời". Với trường hợp của ông, nếu thanh toán BHXH 1 lần được hơn 120 triệu về nghỉ cũng không biết làm gì trong khi con cái đều đã trưởng thành, vợ ông cũng có lương hưu; vì vậy, việc ông cũng có lương hưu sẽ có cuộc sống ổn định hơn, không có cảm giác là gánh nặng cho vợ con nhất là lúc tuổi cao, sức yếu.
Tại cơ quan cũ của ông Hòa cũng có nhiều trường hợp giống như ông, sắp đến tuổi nghỉ hưu mà còn thiếu thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu; ông Hòa nói sẽ trực tiếp tuyên truyền và khuyên nhủ đồng nghiệp, rồi bà con lối xóm tham gia BHXH tự nguyện như mình.
Ông Nguyên Đức Hòa (phải) ở TP Tam Kỳ vui mừng khi được nhận lương hưu từ chính sách BHXH tự nguyện
Một trường hợp khác là bà Liều Huỳnh Thi sinh năm 1963, thôn Đồng Hành, xã Tam Ngọc, TP Tam Kỳ. Bà làm hộ lý tại Trung tâm Điều dưỡng tâm thần Quảng Nam, tham gia BHXH từ năm 2004, đến 2018 nghỉ hưu còn thiếu 5 năm 4 tháng đóng BHXH để được hưởng lương hưu. Qua công tác tuyên truyền, vận động của BHXH Quảng Nam và các cấp, ngành bà đã đóng một lần gần 72 triệu đồng để được hưởng lương hưu và BHYT đến hết đời mặc dù gia đình cũng không mấy khá giả, thu nhập chính của gia đình từ chăn nuôi và buôn heo, bò.
Cũng trong chuyến đi thực này, chúng tôi đã lên huyện Tây Giang, một huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa phía Tây Bắc của tỉnh Quảng Nam, cách Tam Kỳ hơn 180km có 8/10 xã có đường biên giới với Lào; dân số 20.186 người, trong đó đồng bào dân tộc Cơ Tu chiếm hơn 92%, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo 43,14%.
Tại UBND xã Dang, cách trung tâm huyện hơn một giờ đi ô tô, chúng tôi được dự một buổi tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện do ngành BHXH và Bưu điện tỉnh Quảng Nam tổ chức.
Theo ông Hoih Danh, Chủ tịch UBND xã Dang thì xã có 445 hộ, khoảng 1.700 nhân khẩu chủ yếu là người dân tộc Cơ Tu, thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 12 triệu đồng/năm, toàn hộ nghèo.
Buổi tuyên truyền hôm nay có gần 60 người đến tham dự, mặc dù điều kiện kinh tế còn rất khó khăn, ấy vậy mà sau khi được nghe cán bộ BHXH và Bưu điện tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, họ đã hiểu được đây là chính sách an sinh của Nhà nước và thấy được những lợi ích thiết thực khi tham gia. Vì vậy, đã có hơn 30 người tham gia đăng ký, có nhiều người còn đóng tiền ngay tại buổi tuyên truyền.
Chị Alăng Thị Đào (26 tuổi, thôn Axur), vừa học xong trung cấp công nghệ thông tin, về quê chưa có công việc ổn định nên ở nhà làm rẫy, chăn nuôi. Sau khi được giải thích cụ thể, chị Đào chọn tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng 138.000/tháng.
Chị Bnước Thị Vưới (thôn Alua) nói: "Ở nhà mình có nuôi 4 con heo, 2 con bò, 2 con dê sinh sản, làm lúa, làm sắn... thu nhập mỗi tháng khoảng 1 triệu đồng. Sau khi tìm hiểu cặn kẽ, mình quyết định tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng 181.000 đồng/tháng".
Chị Bnước Thị Vưới (thôn Alua) quyết định tham gia BHXH tự nguyện sau khi cán bộ giải thích cặn kẽ tại buổi tuyên truyền
Anh A Lan Chiếc, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Axur, thu nhập chính của gia đình từ nuôi heo, bò, trồng lúa, cao su, măng tre và phụ cấp từ tham gia công tác Đảng, Mặt trận. Anh cho biết, mình hiểu về chính sách BHXH tự nguyện qua các buổi tuyên truyền và thấy rất có lợi khi tham gia, vì vậy, cũng tham gia đóng với mức 181.000 đồng/tháng và sẽ đóng cho vợ con nếu điều kiện kinh tế khá giả hơn...
Với kinh tế còn nhiều khó khăn, để vận động được người dân tham gia BHXH tự nguyện đã khó, làm thế nào để họ duy trì đóng tiền tiếp trong cả một thời gian dài lại càng không hề dễ dàng, đây không chỉ là bài toán khó đối với riêng Quảng Nam. Vì vậy, công tác tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện cần phải thường xuyên, liên tục, kiên trì và sâu sát với từng trường hợp cụ thể để tăng số người tham gia mới cũng như để người đã đăng ký tham gia không bỏ cuộc giữa chừng.
Trần Kiên
Theo Thanhtra
'Làng đại đoàn kết Arui' trên vùng biên giới Sáng 19/5, tại thôn Arui, xã Dang, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ gắn biển công trình "Làng đại đoàn kết Arui". Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam Võ Xuân Ca gắn biển công trình "làng đại đoàn kết Arui". Đây là công trình thi đua chào mừng...