Chuyện của những người về từ “vùng nóng”
Sau chặng đường dài vạn dặm, 176 người đã có niềm vui nơi đất mẹ, để lại đằng sau lưng tiếng đạn lạc nơi xứ người.
Sẽ sớm trở lại Libya nếu tình hình ổn định
Vừa bước xuống Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài (Hà Nội), anh Lê Thanh Đương 40 tuổi, quê tại Đức Thọ, Hà Tĩnh không giấu nổi vẻ vui mừng, xúc động. Anh vẫn mặc nguyên bộ quần áo bảo hộ lao động màu vàng cam từ công trường làm việc ở Libya. Anh cho biết, đó là mẫu quần áo đặc thù của những lao động chuyên lắp đặt đường ống công trình.
Từ ngày nghe tin xảy ra bạo động, chủ sử dụng lao động “cấm cửa” anh em ra ngoài, anh Đương tâm trạng rối bời lo lắng. Anh lo cho mình thì ít, lo cho gia đình ở nhà thì nhiều nên anh và nhiều lao động khác mặc luôn bộ quần áo bảo hộ lao động từ công trường gần tuần nay để sẵn sàng về nước. Anh cho biết, bộ quần áo bảo hộ này sẽ được anh giặt sạch, gấp gọn để làm… kỉ niệm cho lần xuất khẩu lao động đặc biệt khó quên này.
Theo hợp đồng, anh Đương phải làm việc cho Công ty AG lại Libya 2 năm. Tuy nhiên, mới được 14 tháng thì anh và hàng loạt công nhân khác đã phải dừng việc đi di tản.
Sự loạn lạc trên đất khách đã tác động quá lớn đến công việc, đời sống của anh Đương và nhiều lao động khác. Để đảm bảo an toàn, anh và nhiều công nhân khác cùng tốp đã được chủ cho nghỉ làm, tìm nơi lánh nạn từ ngày 21/2.
Từ khi đất nước Libya lâm vào khủng hoảng, hàng trăm ngàn lao động đều sống chung trong cảnh khốn khó, cầm cự qua ngày.
Mất việc, hết thu nhập rồi phải xé lẻ anh em, chia mỗi đường một ngả để tìm chỗ trú ngụ ẩn nấp. Sinh hoạt hàng ngày đều bị đảo lộn, việc đi lại gần như hạn chế tuyệt đối. Nguồn thực phẩm hàng ngày duy nhất chỉ có mỳ tôm hay bánh mỳ do dự trữ từ trước.
Với anh Đương và 175 lao động khác được trở về nước hôm nay, việc ra được máy bay để trở về Việt Nam là điều kỳ diệu. Anh và 175 lao động Việt Nam đã phải trải qua một ngày gần như phải nhịn đói để được lên máy bay trở về quê. Tuy nhiên, anh Đương cho biết: “Nếu có cơ hội anh vẫn tiếp tục đi xuất khẩu lao động… Và nếu Libya sớm bình yên, anh sẽ quay trở lại đất nước này để hoàn thành đủ thời hạn hợp đồng xuất khẩu lao động mà mình đã ký”.
Nợ mặc nợ, vui vẫn vui
Hì hục khuân đống hành lý ra xe, anh Lê Ngọc Tuấn, sinh năm 1988 mừng rỡ khi được trở với gia đình tại Kim Động, Hưng Yên. Nhà nghèo, gia đình ki cóp mãi mới được non phần ba, hai phần còn lại đi vay ngân hàng. Xuất cảnh sang Libya, Tuấn làm công nhân cầu đường. 9 tháng xuất ngoại, có thu nhập tốt, ổn định, Tuấn đã trả gần hết số nợ. Hàng tháng Tuấn vẫn thường xuyên liên lạc với gia đình bằng điện thoại. Gọi nhiều xa mấy cũng thành gần, nhưng khổ nỗi, từ ngày chiến sự xảy ra, mạng chập chờn, gọi 10 cuộc hỏng 8 nên cả nhà Tuấn như ngồi trên đống lửa.
Tuấn cảm thấy may mắn vì đã được về Việt Nam sớm
Video đang HOT
Tuấn cho biết, với em, đây là chuyến đi rất thiệt thòi nhưng cũng đầy may mắn. Thiệt vì số kinh phí bỏ ra để được xuất khẩu lao động là quá lớn trong khi đó số tiền thu về lại chưa giúp bố mẹ trả hết nợ.
“Về nước an toàn, sau đó tôi lại tìm việc có thu nhập cao hơn để trả nợ. Tôi may mắn vì đã được về nước sớm, tránh được cảnh bạo loạn bao trùm khi hàng ngàn lao động đồng hương khác vẫn còn đang mắc kẹt tại Libya mà vẫn chưa biết khi nào mới được về” – Tuấn chia sẻ.
Cùng gánh nặng nợ nần như Tuấn là hàng chục công nhân khác mà chúng tôi có dịp hỏi chuyện.
Có mặt từ sáng sớm ngày 25/2 khi nhận được tin báo từ Vinaconex Mec, đại gia đình gồm 9 người của chị Duyên (Hiệp Hoà – Bắc Giang) đã rời nhà xuống Hà Nội từ sáng sớm. Khi được hỏi về chồng chị, anh Cường – lao động về từ Libya – chị Duyên nước mắt ngắn dài mếu máo: “Tiền đi hết 40 triệu, tiền nhà gom góp được chưa nổi chục triệu, giờ anh ấy về sớm, còn một đống tiền nợ chưa trả hết”.
Chị Duyên và con từ Bắc Giang đến sân bay Nội Bài đón chồng
Sướt mướt là vậy, nhưng khi thấy chồng, chị lại tự an ủi: “Còn người rồi sẽ có tất, nay anh an toàn về với mẹ con em, mất bao nhiêu tiền cũng chẳng kể nữa”.
Sẽ có thêm nhiều chuyến bay đưa lao động về nước trong ngày 26/2 Ông Đào Công Hải – Cục phó Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH)
Sáng 26/2, tại sân bay Quốc tế Nội Bài, ông Đào Công Hải – Cục phó Cục quản lý lao động ngoài nước – cho biết: “Sau chuyến bay đã hạ cánh thì trưa nay dự kiến sẽ có 400 lao động được về nước bằng đường không.
Chiều nay, Công ty Lilama sẽ có 11 lao động về sân bay Nội Bài và 95 lao động về TP Hồ Chí Minh.
Hiện Cục chưa nhận được bất cứ thông tin nào về việc lao động Việt Nam bị thương.
Đối với lao động về nước nếu có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài thì các công ty sẽ tạo điều kiện hỗ trợ cho công nhân. Về việc thanh lý hợp đồng sẽ được tiến hành đúng theo pháp luật. Ngoài hỗ trợ của quỹ với số tiền là 1 triệu đồng thì các công ty đều có những chính sách hỗ trợ riêng”.
Cũng tại Nội Bài, ông Nguyễn Văn Hiệp – Quyền Tổng giám đốc công ty cổ phần Vinaconex Mec – cho biết: “Trong những ngày tới, chúng tôi cùng các bên liên quan sẽ nỗ lực hết sức để di tản hết lao động người Việt về nước trong thời gian sớm nhất có thể. Hiện tại việc di dời lao động nước ta ra khỏi Libya rất khó khăn do tình hình quá phức tạp. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực di dời, đưa về nước thì chúng tôi đang cố gắng hết sức để đảm bảo cho lao động có được lương thực, nước uống trong những ngày tới.
Đối với những lao động được về nước, chúng tôi luôn lưu lại tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại để có thể sắp xếp công việc cho họ khi tình hình ổn định, thậm chí là ra nước ngoài nếu họ có nguyện vọng”.
(Theo GiadinhNet)
Giải cứu con gái nơi xứ người
Ông Nhâm: "Chưa ngày nào tôi nguôi ngoai nỗi nhớ đứa con gái út"
Ẩn sau dáng vóc gầy gò là một nghị lực phi thường, một tình yêu thương bao la của người đàn ông ở hồ Đại Lải (tỉnh Vĩnh Phúc) đã băng rừng, vượt núi để giải cứu người con gái bị bán sang xứ người.
Ngày định mệnh
Đó là ông Hồ Xuân Nhâm (SN 1949) ở đội 4, thôn Bắc Ái, xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Rót chén nước chè mời khách, ông Nhâm gọi người con gái từng bị lừa bán sang Trung Quốc lên cùng nói chuyện.
Chuyện xảy ra ngày 12-7-2006, bà Đỗ Thị Xy (SN 1942, chị vợ ông Nhâm, quê ở thôn Bạch Đa, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, Hà Nội) đến nhà bảo con gái ông Nhâm là chị Hồ Thị Hằng (SN 1974) sang Trung Quốc làm ăn đến tết về. Ngay đêm hôm ấy bà Xy cùng con gái là Hường đưa chị Hằng đi chuyến tàu Lào Cai lúc 23g đêm, sau đó vượt biên trái phép sang Trung Quốc.
Tối, ông Nhâm về nhà, phát hiện con gái đã bị đưa đi thì nổi giận, mắng vợ con. "Chúng nó là bọn buôn người đấy, các người có biết không?", ông Nhâm giận dữ.
Ông Nhâm làm đơn tố cáo gửi đến CQCA nhưng không có hồi âm, ông thấy tuyệt vọng. Nỗi đau buồn, mong chờ tin con khiến tâm lực ông hao mòn. Ông gầy trông thấy, chẳng ai nhận ra nổi ông Nhâm ngày trước nữa.
Hành trình tìm con
Ngày 20-7-2009, ông Nhâm nhận được một cuộc điện thoại từ Trung Quốc. Kể đến đây, không kìm được lòng mình, ông Nhâm khóc. "Giọng bên kia là của con gái tôi, nó mượn điện thoại của một người bên đó gọi về, nhận ra giọng nói của nó. Tôi mừng quá".
Suốt một năm sau đó, ông Nhâm lần theo số điện thoại này để hỏi tin con. Ông cầu cứu cơ quan chức năng, nhưng những chứng cứ ông đưa ra không thuyết phục được họ. Không ai giúp, ông Nhâm càng thêm tuyệt vọng. Bao đêm không ngủ, ông Nhâm nghĩ bằng mọi giá phải cứu và đưa được con về nước. Ông vay 3 triệu tính lãi ngày, vun vén cả nhà được vài trăm nghìn đồng nữa rồi đi theo sự chỉ dẫn của con gái qua điện thoại. Vậy mà ông đến được tận nơi chị Hằng ở. Nơi ấy nhà cửa thưa thớt, đến một ngôi nhà lụp xụp, được dựng lên bằng mấy cái cọc, đủ kê một cái giường ở giữa rừng chuối mênh mông, ông Nhâm thấy trong nhà có hai đứa bé trai, ông nghẹn ngào khi biết đó là... cháu ngoại mình, một đứa sinh năm 2007, một đứa năm 2008. Còn người đàn ông đứng trước mặt ông lúc đó, là "chồng" của con gái ông. "Lúc ấy tôi cũng phấn khởi, có hai đứa bé thì con Hằng cũng sẽ được đùm bọc", ông Nhâm tâm sự. Ông ra hiệu bằng tay để giới thiệu với "rể" về gia đình. Chẳng biết "rể" có hiểu gì không, chỉ thấy gật gật. Biết ngọn núi bên cạnh cũng có một phụ nữ người Việt Nam đang sống, ông Nhâm nhờ sang làm "phiên dịch" để ông nói chuyện với "rể". Qua trao đổi, "chàng rể" kể lại rằng, đã mua "vợ" từ Hường (con gái bà Xy) với giá 4.000 nhân dân tệ, đã trả 3 ngàn, còn nợ lại 1 ngàn nữa. Hai "vợ chồng" sống bằng công việc trồng chuối thuê.
Những ngày ở lại, ông bí mật bàn với con gái cách về Việt Nam.
Vừa đưa tay áo gạt nước mắt, ông vừa kể tiếp. Sau đó, ông Nhâm đưa vợ và con trai sang. Vài hôm sau, người con trai về. Bản thân ông Nhâm cũng phải thường xuyên qua lại.
Để có tiền đi lại, ông Nhâm phải bán cả đất, bán hết lợn gà, đồi chè. Có khi trong túi chỉ còn 300.000 đồng ông cũng đi. Nhiều đêm ông phải bơ vơ ở nhà ga. Việc phải đi bộ cả ngày đường xuyên rừng sang thăm con cũng là chuyện thường. Nếu lựa thời gian không khéo, ông cũng phải ngủ lại trong rừng, bởi muộn thì cánh xe ôm bên Trung Quốc sẽ không ai chở ra cửa khẩu nữa. Hành lý của ông luôn luôn là ổ bánh mỳ, tút thuốc lá du lịch và một chai nước. Ngay cả một bát phở ông cũng dè xẻn chẳng dám ăn.
Dùng mưu giải cứu con
Giáp tết năm 2010, ông Nhâm vạch kế cho chị Hằng đưa cả chồng con về Việt Nam chơi. Khi chị Hằng tìm cách về được Hà Khẩu (Lào Cai), vợ và con trai ông Nhâm đi xe máy trong đêm từ Vĩnh Phúc lên Lào Cai để đón. Ông Nhâm lại khóc: "Lúc đó tôi không đi được nữa, tôi nói với vợ con nếu tôi mà đi thì chỉ có nước khênh tôi về mà chôn, tôi đã kiệt sức rồi...". Những ngày giáp tết 2010, ông Nhâm mổ lợn ăn mừng. Bà con lối xóm sang chia vui chật nhà, chật sân. Ông cho "rể" 20 triệu đồng để mua xe máy, mua ti vi rồi nịnh nọt: "Con cứ để các cháu ở lại đây đi học, bố mẹ chăm sóc cho, con về bên đó mà tập trung làm ăn. Thiếu thốn gì cứ nói với bố mẹ". Biết tin, cán bộ CA tỉnh bảo ông Nhâm đưa ngay chị Hằng lên trụ sở CA tỉnh để làm việc.
Ông Nhâm đạt được mục đích đưa được con gái và hai cháu ngoại về. Nhưng, ông vẫn đau đáu trong lòng về đứa con gái út đang ở nơi xứ người, đó là em gái của Hằng bị đưa sang "thế thân" cho chị. Ông Nhâm thấy "chàng rể" mồ côi từ nhỏ, cuộc sống nay đây mai đó cũng khổ cực. "Để vợ chồng, bố con ly tán tôi cũng không nỡ lòng. Tôi ngỏ ý bảo nó về Việt Nam sống, nó đồng ý. Tôi đã nhờ chính quyền giúp đỡ phần thủ tục giấy tờ, để anh này sống hợp pháp ở Việt Nam. Riêng với hành vi của mẹ con Xy, Hường, tôi đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh để răn đe những kẻ coi thường pháp luật", ông Nhâm tâm sự.
Hiện tại, CQĐT Bộ CA đã tạm giữ mẹ con Xy, Hường để điều tra, làm rõ vụ việc.
Theo Pháp luật & Xã hội
Những người đàn bà bỗng dưng biến mất Những người đàn bà đã có chồng con đề huề, thậm chí có tới 6-7 đứa con, bỗng dưng biến mất khỏi bản làng. Họ nỡ dứt tình chồng, nghĩa vợ, bỏ xứ khi đã có tuổi, để đi tìm một "thiên đường" trong tưởng tượng. Người đàn ông uống rượu chờ vợ bên sông Hồng Ngày nào ông Giàng A Máo (55...