Chuyện của những người “chở rau về bản”
“Thành phố mới thiếu rau sạch, chứ ở nông thôn thiếu gì”- đó là câu trả lời phổ biến mà chúng tôi nhận được khi nói về ý tưởng gây dựng những vườn rau dinh dưỡng cho trẻ em nghèo ở miền núi và hải đảo. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn quyết tâm làm cái việc được cho là “chở củi về rừng” ấy.
Từ vườn rau xanh trên đỉnh núi…
Những bát cơm thiếu thịt không còn là lạ với nhiều người khi đặt chân lên thăm các trường vùng cao. Trước thực trạng đó, Báo NTNN đã kêu gọi và tổ chức thành công Chương trình “Bữa cơm có cá thịt” cho nhiều trường vùng cao tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Các em học sinh Trường Tiểu học Trịnh Tường 2 (Bát Xát, Lào Cai) thích thú
với những con vật nuôi được tặng. Ảnh: Bảo Yến
Các chương trình phát huy hiệu quả tốt, chất lượng bữa cơm của học sinh vùng cao tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, chúng tôi đứng trước 1 bài toán khó: Kinh tế của các địa phương tại các điểm trường đóng phần lớn là nghèo, chi phí thực phẩm mang từ trung tâm lên các điểm trường xa xôi rất đắt đỏ và sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm không thể là mãi mãi, dù bản thân Báo NTNN cũng đã tổ chức hỗ trợ được nhiều bếp ăn và hỗ trợ kéo dài đến vài năm…
Làm thế nào để tạo nguồn dinh dưỡng thường xuyên cho bữa ăn của các trò nghèo? Làm thế nào để những ngọn rau, những miếng thịt tươi ngon kia được hiện hữu đều đặn trong bữa ăn hàng ngày của các em? Làm thế nào để những bát cơm đủ đầy dinh dưỡng sẽ xuất hiện ngày một nhiều, sẽ “đi” ngày một xa, chứ không chỉ ở một điểm trường được hỗ trợ?
Và chúng tôi nảy ra ý tưởng: Tại sao chúng ta không làm một vườn rau với chuồng gà, chuồng lợn… ở ngay chính các điểm trường. Để từ đó, hy vọng sẽ có nguồn dinh dưỡng tại chỗ cho bữa ăn của học trò.
Ý tưởng đó nhận được không ít sự phản đối của nhiều người mà chúng tôi chia sẻ. Lý do rất đơn giản là mọi người đều nghĩ, xây dựng 1 vườn rau ở vùng quê là điều… vô ích. Nó chẳng khác gì “chở củi về rừng”. Nhưng có 1 điều kỳ lạ là, khi chúng tôi đem ý tưởng đó chia sẻ với nhiều thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các trường bán trú vùng khó khăn, 100% ý kiến đều cho rằng đó thực sự là món quà hữu ích và các thầy cô đều rất háo hức với chương trình này.
“Ở miền núi, khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi nên không chỉ nguồn thực phẩm như thịt, cá mà ngay cả rau xanh đều rất khan hiếm. Nếu có 1 vườn rau, số lượng và chủng loại rau cho bữa ăn của các con sẽ nhiều hơn, đa dạng hơn. Đó là chưa kể, nếu 1 vườn rau được gây dựng xanh tốt, 1 chuồng gà, chuồng lợn được gây đàn tốt… sẽ là nguồn để các trường tự nhân rộng thêm những vườn rau khác ở các điểm trường khác” – thầy Nguyễn Ngọc Anh, người đã hơn 10 năm gắn bó với các điểm trường vùng sâu, vùng xa của Bát Xát, Lào Cai chia sẻ.
Có chút động lực, chúng tôi bắt tay vào làm. Và vườn rau đầu tiên đã được gây dựng tại Trường Tiểu học Trịnh Tường 2 (Bát Xát, Lào Cai) với quy mô 200m2, có chuồng gà 30 con và chuồng lợn 2 con.
Những cây rau đầu tiên, những hạt giống đầu tiên được những người làm chương trình và thầy trò gieo xuống, mang theo hy vọng và cả những lo lắng… Và sau 1 tháng, khi những hình ảnh đầu tiên của vườn rau xanh tốt, những chú gà, chú lợn khỏe khoắn được gửi về, chúng tôi đều… thở phào nhẹ nhõm. Và càng vui hơn, khi nhận được thông tin phản hồi từ địa phương, sau vườn rau đầu tiên được khởi tạo, thầy trò của nhiều điểm trường khác cũng mong muốn được liên lạc với Báo NTNN để trình bày nguyện vọng được tặng “ Vườn rau dinh dưỡng cho trẻ em nghèo”. Vậy là, chúng tôi lại tiếp tục có động lực để lên kế hoạch khởi dựng những vườn rau tiếp theo…
Đến “nhà rau” ngoài đảo
Video đang HOT
Khi kế hoạch cho các vườn rau tại khu vực miền núi phía Bắc đã được chuẩn bị sẵn sàng để “khởi công” vào đầu năm học mới này, chúng tôi tiếp tục hướng về các điểm trường bán trú tại các địa bàn vùng cao của miền Trung.
Những người làm chương trình cùng trồng rau với các em HS Trường Tiểu học Trịnh Tường 2. Ảnh: Bảo Yến
Ngay chuyến khảo sát đầu tiên, chúng tôi đã gặp trở ngại. Bởi dù rất mong được có vườn rau ở trường nhưng tại các tỉnh miền núi của miền Trung, khí hậu nắng nóng khắc nghiệt, đất đai khô hạn nên việc duy trì vườn rau thông thường là điều rất khó khăn.
Phương án xây dựng hệ thống rau thủy canh được đặt ra nhưng chi phí lại quá lớn, trong điều kiện việc kêu gọi nguồn kinh phí cho các hoạt động thiện nguyện ngày càng khó khăn. Trong lúc đang rất nản, một đồng nghiệp thường trú tại miền Trung thông báo lại với chúng tối: Ở các trường miền núi, đặc biệt là các trường ngoài đảo, các cô giáo và học sinh mong mỏi có 1 vườn rau xanh lắm. Không chỉ bởi ở các vùng đó thực sự rất khan hiếm rau xanh mà còn bởi vì, các em tha thiết được nhìn và được chăm những cây rau xanh vốn khá khó khăn để mọc trên dải đất khô này…
Lại họp bàn. Và chúng tôi quyết định liên hệ với các đơn vị chuyên thiết kế các vườn rau thủy canh để chia sẻ ý tưởng của mình…
Có lẽ, thiện tâm thì sẽ có thiện duyên. Một đơn vị kinh doanh vườn rau thủy canh, sau khi nghe chúng tôi chia sẻ ý tưởng đã đồng ý làm vườn thủy canh cho các nhà trường với mức giá ưu đãi nhất có thể. Và, khoảng 3 thủy canh với hệ thống ống dẫn, nhà che nắng… sẽ được gửi tặng thầy trò của 3 điểm trường bán trú tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vào đúng đợt khai giảng năm học tới.
Và những vườn rau bé nhỏ của Báo NTNN sẽ có cơ hội được khởi tạo trên nhiều vùng đất, nhiều ngôi trường… trên khắp cả nước.
Còn chúng tôi thì thêm một lần nữa tin rằng, có thiện tâm và thực lòng thiện ý, hành trình gieo những yêu thương của NTNN sẽ ngày càng có thêm những người bạn mới.
Mọi sự hỗ trợ cho chương trình, xin vui lòng gửi về Báo NTNN, 13 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội, số tài khoản 1506311002117 Ngân hàng NNPTNT Chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội. Vui lòng ghi rõ: Ủng hộ Chương trình “Tặng vườn rau dinh dưỡng cho trẻ em nghèo”. Quý bạn đọc hoặc các đối tác cần thêm thông tin về chương trình, xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ email vuonrauchoem@gmail.com.
Theo Danviet
Kỳ tích đến với bé gái chờ chết vì chứng bệnh lạ
Ai đã từng thấy hình ảnh của bé Nhật Lam vào tháng 5/2014, bây giờ gặp lại chắc chắn phải thốt lên: "Thật không tin nổi!". Đến mẹ của bé cũng chia sẻ: "Em cũng không thể nào tin là bé hồi phục nhanh đến vậy!".
Bé Nguyễn Lê Nhật Lam (sinh năm 2007) là nhân vật mà báo Dân trí đã từng phản ánh trong bài viết "Xót xa bé gái 5 tuổi chờ chết vì chứng bệnh lạ ". Sau 1 cơn sốt nhẹ, bé Nhật Lam yếu dần, mất tiếng rồi cơ toàn thân co rút và teo tóp. Sau hơn 6 tháng bị căn bệnh lạ hành hạ, em chỉ còn da bọc xương, tay chân co rút lại không cử động được, chỉ biết nằm trong tay mẹ mà khóc...
Sự hồi phục kỳ diệu của bé gái chờ chết vì mắc bệnh lạ
Sau khi báo phản ánh, hàng trăm bạn đọc trong và ngoài nước quan tâm chia sẻ và hỗ trợ gia đình điều trị cho Nhật Lam. Đặc biệt, qua thông tin trên báo Dân trí, nhiều bác sĩ ở nước ngoài đã giới thiệu GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Vinmec đến thăm khám cho Nhật Lam. Sau quá trình thăm khám, bác sĩ Liêm quyết định đưa Nhật Lam ra Hà Nội chữa trị cho bé bằng liệu pháp ghép tế bào gốc vào tháng 7/2014. Và kỳ tích đã xảy ra, sau 2 lần điều trị, cơ thể bé Nhật Lam bắt đầu phát triển trở lại, tay chân bớt co rút...
Chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc, mẹ bé Nhật Lam, kể: "Lần đầu trị liệu cũng chưa thấy gì, đến lần thứ 2 bé mới đáp ứng và hồi phục. Từ lần đó trở đi, bé hồi phục nhanh thấy rõ. Ai trong bệnh viện cũng mừng cho Nhật Lam, ai cũng nói là kỳ tích vì chỉ có nó là hồi phục nhanh đến vậy!".
Tháng 5/2014, khi PV Dân trí đến khảo sát để viết bài kêu gọi giúp đỡ cho Nhật Lam, người cháu teo tóp lại chỉ còn da bọc xương (còn 10kg), không nói được, không cử động được, chỉ còn đôi mắt đảo qua đảo lại cho biết cháu vẫn còn tri giác để nhận ra xung quanh đang diễn ra điều gì. Hầu như cơ năng của Nhật Lam đã mất hết, ăn uống phải bơm trực tiếp vào dạ dày, tứ chi gần như liệt và toàn thân lúc nào cũng co gồng lại.
Nhật Lam ngày Dân trí đến khảo sát để hỗ trợ
Và Nhật Lam hôm nay
Trò chuyện cùng phóng viên, mẹ bé cũng không giấu nổi niềm sung sướng trước sự hồi phục kỳ diệu của bé
Nhưng nay bé đã có da có thịt, nặng 24kg, da dẻ trắng hồng hào, mặt tươi tỉnh. Đặc biệt là bé đã hết bị co gồng, không phải uống thuốc an thần liều cao để duy trì sự sống như xưa. Chị Mỹ Ngọc chia sẻ: "Hiện sức khỏe của bé đã bình thường, không phải sống phụ thuộc vào thuốc nữa, chỉ còn chưa đi được và chưa nói được. Tay bé còn yếu nhưng đã cử động và cầm nắm được".
Dù cuộc điều trị có chi phí lên đến gần 300 triệu đồng nhưng nhờ sự góp sức hỗ trợ của bạn đọc báo Dân trí trong và ngoài nước, đồng nghiệp và công ty của cha Nhật Lam nên gia đình cũng đủ tiền chữa trị cho bé. Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, bệnh viện Vinmec cũng giảm 30% chi phí điều trị cho bé Nhật Lam.
Hiện Nhật Lam đang được tập vật lý trị liệu tích cực tại Trung tâm Chỉnh hình và phục hồi chức năng TPHCM. Cử nhân vật lý trị liệu Phạm Nhật Chương, người trực tiếp tập luyện cho Nhật Lam khẳng định: "Với cơ năng của bé hiện nay, chắc chắn là cháu sẽ đi được, quan trọng là dáng đi. Tôi phải tập cho bé để có dáng đi chuẩn, không bị xiêu vẹo để tránh ảnh hưởng đến hình thể sau này khi bé lớn lên".
Nhật Lam đang tích cực tập vật lý trị liệu để đi lại được và nắn chỉnh các khớp xương
Những giọt mồ hồi trên sàn tập với mong ước đi lại được
Người mẹ kiên trì chữa trị cho con suốt 2 năm qua
Theo ông Chương, do xương của bé bị cong vẹo nhiều trong quá trình phát bệnh nên việc chỉnh lại dáng đi khá phức tạp, đòi hỏi sự kiên trì tập luyện từ bé và gia đình. Ngoài ra, việc đóng nẹp giầy chỉ có thể hỗ trợ nhất định, sẽ không thành công nếu bé không kiên trì tập luyện và tập luyện không đúng cách. Điều quan trọng cho bé hiện nay là phải làm 1 cái nẹp chân phù hợp để định hình lại xương chân sau thời gian dài bị co rút, kéo cong. Sau đó là giúp bé tập nói trở lại.
Ông Chương nói: "Nhanh thì 6 tháng, lâu thì 1 năm, cơ bản bé sẽ đi lại được. Nhưng nói mới là quan trọng nhất. Bé cần được tập nói vì tương lai còn học tập, giao tiếp sinh hoạt. Nhận thức của bé vẫn ổn nên việc học là trong tầm tay, điều quan trọng là làm sao để tập cho bé nói lại được. Tôi cũng giới thiệu gia đình nên sang bệnh viện Nhi đồng 1 để tập nói".
Mục sở thị cảnh tập đi của bé gái hồi sinh kỳ diệu
Số tiền làm chân gần 10 triệu đồng vợ chồng chị Ngọc vẫn đang cố tìm, nhưng số tiền để cho bé đi tập nói thì hai vợ chồng chi đang phân vân. Vì theo thông tin chị tìm hiểu, mỗi tiếng tập như vậy mất chi phí đến 200 ngàn đồng. Mà việc tập nói, tập đi cho bé theo bác sĩ tiên liệu thì phải mất ít nhất 2 năm.
Nhưng với chị Mỹ Ngọc, mọi việc đang rất tươi đẹp vì bé Nhật Lam đã hồi phục, không còn bị chứng bệnh lạ hành hạ và hy vọng đi lại được, nói được là rất cao.
Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn
Theo Dantri
Ngày 9/9 tổ chức lễ giỗ bé Nhân Ái lần thứ 5 tại TPHCM Đến hẹn lại lên, cứ dịp tháng 9 về là các cha mẹ của con gái Nhân Ái lại tụ hội về Sài Gòn tổ chức lễ giỗ cho con. Ngày 9/9/2015 sẽ là lễ giỗ lần thứ 5 của con gái Nhân Ái, đánh dấu năm thứ 5 con gái rời xa nhân thế. Ngày 9/9/2015 sẽ là lễ giỗ lần thứ...