Chuyến công du hạ nhiệt
Những diễn biến bất ngờ trên biển Hoa Đông sau khi Trung Quốc thiết lập “Vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ), bao gồm cả không phận nhóm đảo tranh chấp Điếu Ngư – Senkaku với Nhật Bản, đang khiến Phó Tổng thống Mỹ J. Biden đau đầu trong chuyến công du đến Đông Bắc Á.
Vùng ADIZ Trung Quốc mới thiết lập sẽ là trọng tâm trong chuyến công du Đông Bắc Á của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden
Chuyến thăm dự kiến sẽ kéo dài một tuần tới 3 nước Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Lịch trình chuyến đi được lên kế hoạch từ lâu và nằm trong chương trình nghị sự đối ngoại của chính quyền B. Obama coi khu vực châu Á là trọng tâm. Chính vì thế, vấn đề mà ông J. Biden đặt lên bàn đàm phán với các nhà lãnh đạo trong khu vực chủ yếu là quan hệ song phương, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế – thương mại.
Tại chặng dừng chân đầu tiên ngày 2-12 ở Tokyo, ông J. Biden sẽ hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản S. Abe nhằm thúc đẩy đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tại Seoul, sau cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Hàn Quốc về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và triển vọng thúc đẩy buôn bán, ông J. Biden còn có bài phát biểu về quan hệ Mỹ – Hàn Quốc và an ninh bán đảo Triều Tiên tại trường Đại học Yonsai.
Điểm cuối cùng của chuyến công du là Bắc Kinh, nơi ông J. Biden sẽ có các cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Phó Chủ tịch Lý Nguyên Triều và Thủ tướng Lý Khắc Cường. Nội dung các cuộc gặp của ông Joe Biden với các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ tập trung vào các vấn đề kinh tế, buôn bán, tiền tệ, bán đảo Triều Tiên, các điểm nóng của khu vực và thế giới.
Video đang HOT
Tuy nhiên, căng thẳng trong quan hệ Trung – Nhật – Hàn xung quanh “Vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) đã che mờ các vấn đề kinh tế. Giờ thì mọi con mắt đều đổ dồn về Bắc Kinh, xem ông J. Biden ứng xử thế nào trên bàn đàm phán. Là đồng minh thân cận của Tokyo, đồng thời có nhiều căn cứ quân sự trong vùng biển của Nhật Bản, Mỹ không thể làm ngơ trước động thái mới của Trung Quốc. Hơn ai hết Washington hiểu rằng thông điệp ngầm mà Bắc Kinh muốn phát đi từ ADIZ chính là sức mạnh đang lên của nước này, rằng Trung Quốc sẵn sàng dùng sức mạnh để bảo vệ quan điểm của mình.
Châu Á – Thái Bình Dương, nơi Mỹ đang chuyển trọng tâm trong chính sách đối ngoại của mình, trở thành vũ đài tranh chấp Mỹ – Trung. Với việc cử hai máy bay ném bom B-52 bay vào “Vùng nhận diện phòng không” (ADIZ) mà Trung Quốc vừa mới thiết lập, tiếp đó cử một cụm tàu sân bay tới vùng biển Hoa Đông để tiến hành diễn tập liên hợp với hải quân Nhật Bản, Mỹ muốn khẳng định rằng “có Mỹ ở đây thì đừng ai làm liều”.
Nhưng nhìn rộng hơn thì châu Á – Thái Bình Dương còn là thương trường đầy tiềm năng. Đối đầu, đe dọa sẽ chẳng đem lại lợi ích gì về kinh tế mà còn tạo cơ hội cho các đối thủ “đục nước béo cò”. Cả Washington và Bắc Kinh đều hiểu rõ điều đó. Chính vì thế mà bên cạnh việc trực tiếp nêu ra các quan ngại của Mỹ liên quan tới vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc vừa thiết lập, ông J. Biden sẽ tìm cách thuyết phục Bắc Kinh tìm biện pháp giảm thiểu những căng thẳng, hết sức kiềm chế để tránh xảy ra những tính toán sai lầm. Không phải cảnh báo Trung Quốc mà hạ nhiệt “điểm nóng” Đông Bắc Á mới là trọng trách chính của ông J. Biden.
Theo ANTD
Đông Bắc Á dậy sóng vì ADIZ của Trung Quốc
Việc Trung Quốc tuyên bố lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, chồng lấn lên vùng phòng không của Nhật Bản và Hàn Quốc đã đẩy căng thẳng tranh chấp biển đảo giữa Tokyo và Bắc Kinh lên một nấc.
Quyết định này đã gây bất ngờ với nhiều nước đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc và với cả Mỹ, vốn đang muốn khẳng định sự hiện diện ở châu Á - Thái Bình Dương.
Bản đồ khu vực ADIZ của Trung Quốc trên biển Hoa Đông.
Trong một phản ứng mới nhất với động thái trên của Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 27/11 đã chỉ trích Trung Quốc có ý đồ "sử dụng vũ lực và có những hành động đơn phương" nhằm xoay chuyển cán cân sức mạnh trong khu vực. Tokyo đã chỉ thị các công ty hàng không Nhật không cần phải thông báo cho Trung Quốc kế hoạch bay của mình. Chính quyền của ông Abe cũng đang cân nhắc mở rộng ADIZ trên Thái Bình Dương trong một động thái được cho là nhằm khẳng định lập trường của Nhật Bản đối với việc Trung Quốc tuyên bố kiểm soát phần lớn không phận trên biển Hoa Đông.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung - Se cảnh báo tranh chấp chủ quyền ngày một gia tăng có nguy cơ làm tình hình an ninh tại Đông Bắc Á xấu đi nhanh chóng. Ông Yun Byung - Se cho rằng việc Trung Quốc áp đặt ADIZ "đang khiến tình hình thêm phức tạp, khó giải quyết" và làm gia tăng căng thẳng. Ông nhấn mạnh hợp tác khu vực và giải quyết xung đột là hoàn toàn khả thi, song "nếu tranh chấp lãnh thổ và các vấn đề lịch sử có liên quan tới chủ nghĩa dân tộc, tình hình trong khu vực có thể xấu đi nhanh chóng".
Xung đột quân sự?
Theo một số chuyên gia, khả năng xảy ra xung đột quân sự liên quan đến ADIZ mà Trung Quốc đưa ra là rất ít, vì ý định của Trung Quốc không phải là muốn phô trương sức mạnh quân sự hoặc kích thích xung đột, mà là nhằm làm nổi bật yếu tố chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đang có tranh chấp với Nhật Bản.
Chuyên gia phân tích Denny Roy tại Trung tâm Đông - Tây ở Hawaii (Mỹ) nhận định: Việc lập ADIZ trên biển Hoa Đông là cách thức Trung Quốc muốn nhắc nhở Nhật Bản rằng Bắc Kinh thực sự nghiêm túc và sẽ giữ vững thái độ cứng rắn đối với vấn đề chủ quyền, cho đến khi nhận được sự nhượng bộ. Cụ thể hơn, Trung Quốc "muốn Nhật Bản thừa nhận là có tranh chấp lãnh thổ để tiến đến các bước cùng quản lý Điếu Ngư/Senkaku trên thực tế". Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản hiện chưa tỏ dấu hiệu nào cho thấy sẵn sàng chấp nhận có tồn tại tranh chấp. Giới chức tại Tokyo nhận định áp lực của Trung Quốc là thuốc thử cho quyết tâm của Nhật Bản. Nếu Tokyo nhân nhượng về Điếu Ngư/Senkaku, Bắc Kinh sẽ lại lấn tới trong nhiều vấn đề khác.
Tranh cãi giữa hai nước liên quan đến ADIZ trên biển Hoa Đông chắc chắn sẽ còn tiếp tục, nhưng dường như "đây không phải là thời điểm để quân đội Trung Quốc, Nhật Bản tranh đấu về sức mạnh, thay vào đó là cuộc chiến giữa các nhà lãnh đạo hai nước để xem ai thông thái hơn" - một chuyên gia khác nhận định.
Tuy nhiên, chuyên gia Valery Kistanov (Nga) cho rằng: "Như vậy là ở đó có các khu vực nhận dạng quốc phòng chồng lên nhau của Nhật Bản - Trung Quốc và Hàn Quốc - Trung Quốc. Điều này là rất nguy hiểm và tình hình rất đáng quan ngại bởi bất cứ lúc nào cũng có khả năng một bên mất bình tĩnh, trường hợp như vậy có thể dẫn đến sự cố quân sự. Hậu quả sẽ khôn lường, nếu xét rằng đứng đằng sau Tokyo là Washington".
Trong một động thái được cho là nhằm phát đi tín hiệu chống lại "lập trường cứng rắn" của Bắc Kinh tại khu vực, đồng thời thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với đồng minh Nhật Bản, ngày 27/11 Mỹ đã điều 2 máy bay ném bom B - 52 bay vào vùng ADIZ mà Trung Quốc vừa thiết lập trên biển Hoa Đông. Đáp lại, Bộ Quốc phòng Trung Quốc lập tức thông báo "đã giám sát toàn bộ diễn biến, tiến hành nhận dạng kịp thời, xác định chủng loại máy bay của Mỹ và Trung Quốc có năng lực kiểm soát không phận một cách hiệu quả".
Theo Công Thuận
Báo tin tức
Nhật Bản cân nhắc mở rộng ADIZ Ngày 27-11, tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản tiết lộ, Bộ Quốc phòng của Nhật Bản đang dự tính mở rộng phạm vi vùng ADIZ của nước này đến quần đảo Ogasawara, cách Thủ đô Tokyo khoảng 1.000km về phía Nam. Hành động trên của Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh, ADIZ của Trung Quốc bao gồm cả vùng đảo tranh chấp...