Chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ được đánh giá “thuận buồm xuôi gió”
Chuyến công du châu Á 12 ngày của Tổng thống Donald Trump là một chuyến đi thuận buồm xuôi gió và không có nhiều thách thức như giới quan sát dự báo.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kết thúc chuyến công du châu Á với các chặng dừng bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Chuyến đi của ông Trump về tổng thể được đánh giá tương đối êm đềm so với những dự báo về các thách thức mà ông sẽ gặp phải trước đó.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Đà Nẵng trưa 10/11. Ông có bài phát biểu quan trọng trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC
Chuyến công du châu Á kéo dài 12 ngày qua 5 nước, chuyến đi quan trọng nhất từ khi ông Trump bước vào Nhà Trắng, đã diễn ra êm đẹp dù thực sự không có đột phá nào đáng kể. Chuyến công du lần này của ông Trump được giới quan sát đặc biệt quan tâm theo dõi bởi nhiều lý do liên quan đến tính khí cá nhân của Tổng thống cũng như chiến lược ngoại giao của chính quyền Trump với một khu vực có tầm quan trọng về địa chính trị và kinh tế như châu Á-Thái Bình Dương.
Trước khi Tổng thống Mỹ lên đường, giới quan sát đã đánh giá đây sẽ là một phép thử cho phong cách ngoại giao của ông Trump cũng như là chính sách đối ngoại của Mỹ trong khu vực từng được chính quyền tiền nhiệm Obama đặt vào trọng tâm của chính sách đối ngoại.
Mục đích của các chuyến công du của mỗi Tổng thống Mỹ đều nhằm tăng cường quan hệ với các nước mà họ tới thăm cũng như quảng bá hình ảnh nước Mỹ. Điều này đã được tổng thống Trump thực hiện khá tốt thông qua các buổi gặp mặt, các cuộc đón tiếp nồng hậu với những nghi thức ngoại giao trang trọng và hoành tráng nhất. Trên phương diện cá nhân, hình ảnh tổng thống Trump đã được thể hiện khá tích cực trên các mặt báo quốc tế và trong nước, điều hiếm khi thấy ở các tờ báo lớn của Mỹ.
Tuy nhiên, ngoài phương diện hình ảnh cá nhân, Tổng thống Trump chưa thể hiện được sự đột phá nào ở tầm chiến lược như dư luận mong đợi. Qua các bài diễn văn chính thức và những cuộc tiếp tân với lãnh đạo các nước, tổng thống Trump nhiều lần nhắc lại hai ưu tiên của chính sách Mỹ là: Gia tăng áp lực với mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên và kêu gọi các đối tác để các doanh nghiệp Mỹ được tiếp cận tốt nhất vào thị trường châu Á.
Trước chuyến đi, giới phân tích và quan sát kỳ vọng chính quyền ông Trump sẽ dần đưa ra một chính sách liên quan tới thuật ngữ “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, rộng mở” đã được đề cập nhiều lần trước đó. Đây được kỳ vọng sẽ là chiến lược mới của Mỹ đối với khu vực so với chiến lược xoay trục của cựu tổng thống Obama, tuy nhiên, không có nhiều thông tin mới nào được đưa ra trong chuyến công du và thuật ngữ Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, rộng mở vẫn chỉ là một phác họa. Ngoài ra, nếu so sánh trước và sau chuyến công du châu Á của ông Trump, thực sự không có gì thay đổi về hồ sơ Triều Tiên. Ở Nhật Bản hay Hàn Quốc vẫn chỉ là những tuyên bố vỗ về khẳng định lại quyết tâm bảo vệ các đồng minh, cảnh cáo Bình Nhưỡng. Tương tự, Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên cũng không có đột phá nào.
Video đang HOT
Về thương mại, tổng thống Donald Trump tuyên bố đây là một chuyến thăm thành công, và ông đã đạt bước tiến gần hơn đến mục tiêu giảm thâm hụt thương mại của Mỹ. Ông Trump đã dành phần lớn thời gian trong những lần xuất hiện của chuyến thăm này để nhấn mạnh về sự cần thiết phải giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.
Ông cũng đề cao chủ trương “nước Mỹ trên hết”, cảnh báo các đối tác thương mại của Mỹ rằng ông sẵn sàng áp dụng thêm các biện pháp bảo hộ nhằm bảo vệ các công ty và người lao động Mỹ. Trong chuyến thăm, một loạt thỏa thuận kinh doanh đã được ký giữa các công ty Mỹ và các công ty trong khu vực.
Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, phần lớn những thỏa thuận này là những bản ghi nhớ. Mặc dù vậy, ông Trump tuyên bố chuyến thăm của ông mang lại trị giá thỏa thuận ít nhất 300 tỷ USD, thậm chí là gấp ba lần con số này.
Cuối cùng, có thể nói chuyến công du châu Á 12 ngày của Tổng thống Donald Trump là một chuyến đi thuận buồm xuôi gió từ đầu đến cuối và không có nhiều thách thức như giới quan sát đã dự báo hay trông đợi trước đó./.
Theo PV
VOV-Washington
"Cơn bão Twitter" của ông Trump ở Việt Nam
Ngay khi đáp xuống sân bay Đà Nẵng, ông Trump đã không ngừng đăng bài lên mạng xã hội.
9h sáng 12/11, lễ đón chính thức Tổng thống Mỹ Donald Trump đã diễn ra tại Phủ Chủ tịch (Ảnh: Dân Việt)
Ngày 10.11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có mặt tại Đà Nẵng để tham dự Hội nghị Cấp cao APEC. Đến tối qua 11.11, chiếc Không Lực Một của ông Trump đã đáp xuống sân bay Nội Bài để bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.
Từ lúc có mặt tại Việt Nam, ông Trump liên tục sử dụng tài khoản mạng xã hội Twitter của mình. Ông đăng bài về APEC, về Tổng thống Nga Vladimir Putin và thậm chí về cả vấn đề về Triều Tiên.
Ngay khi đến Đà Nẵng, ông Trump đã viết: "Vừa hạ cánh xuống Đà Nẵng, Việt Nam để phát biểu tại #APEC2017".
Như mọi khi, bài đăng của Tổng thống Mỹ nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng với 47 nghìn lượt thích và 10 nghìn bình luận.
Sau đó, ông Trump đăng tải liên tiếp 5 video quay bài phát biểu của mình tại APEC 2017 CEO Summit.
"Hôm nay tôi ở đây để kêu gọi sự hợp tác mới với Mỹ - làm việc cùng nhau để tăng cường tình hữu nghị và thương mại giữa tất cả các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, và cùng nhau, củng cố sự thịnh vượng và an ninh của chúng ta. #APEC2017", Tổng thống Mỹ Trump viết trên Twitter.
Nối tiếp chuỗi bài viết trên Twitter, ông Trump đăng loạt ảnh về các cựu chiến binh Mỹ nhân dịp Ngày Cựu chiến binh 11.11 của nước này. Ông nói: "Vào Ngày Cựu chiến binh tuyệt vời này, tôi muốn bày tỏ sự biết ơn to lớn của toàn bộ nước Mỹ với những người cựu chiến binh vĩ đại. Xin cám ơn!"
Ông Trump liên tục "tweet" khi đến Việt Nam
Còn sáng sớm nay, ông Trump liên tục đề cập đến một vấn đề nóng hổi: vấn đề Triều Tiên.
"Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói rằng ông ấy đang gia tăng trừng phạt với #NoKo. Ông ấy nói rằng ông muốn họ phi hạt nhân hóa. Quá trình đang được thực hiện", ông Trump viết Noko ám chỉ North Korea (Triều Tiên).
Ngay sau đó, ông thông báo cho những người theo dõi ông về lịch trình tiếp theo. "Sẽ tham gia họp báo chung ở Hà Nội sau đó đến điểm cuối cùng của chuyến đi, Philippines".
Tổng thống Nga Putin cũng được ông Trump nhắc tới trên Twitter: "Đã gặp ông Putin ở cuộc họp APEC. Thảo luận tốt về Syria. Hy họng được ông ấy giúp đỡ, cùng với Trung Quốc, về cuộc khủng hoảng Triều Tiên nguy hiểm".
Đồng thời, khi cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ lại rộ lên, ông Trump cũng tuyên bố mình "tin tưởng Putin".
"Khi nào những người ghét bỏ và ngu ngốc mới nhận ra rằng có mối quan hệ tốt với Nga là điều tốt, không phải điều xấu.
"Tôi muốn giải quyết vấn đề Triều Tiên, Syria, Ukraine, khủng bố, và Nga có thể giúp rất nhiều!".
Ông Trump thậm chí còn nhắc tới đối thủ cũ Hillary Clinton và người tiền nhiệm Barack Obama.
"Truyền thông Mỹ có nhớ rằng bà Clinton từng cầu xin Nga làm bạn với chúng ta không? Obama cũng đã cố làm điều đó nhưng ông ấy không hề có điểm tương đồng nào với Putin", ông Trump viết, thu hút 38 nghìn lượt thích.
Theo Danviet
Chuyên gia: APEC giúp nhìn nhận "trật tự thế giới mới" Chuyên gia Anwita Basu nhận định các cuộc gặp cấp cao giữa lãnh đạo của các quốc gia ở khu vực ven Thái Bình Dương trong tháng này sẽ mang đến góc nhìn về một "trật tự thế giới mới" hiện nay. Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị cấp cao APEC 2016 ở...