Chuyện cổ tích về cô gái trẻ xinh đẹp “cướp” chồng chạy trốn
Là thiếu nữ đẹp người đẹp nết, Nguyễn Thị Quy đã khiến những người biết đến câu chuyện cuộc đời của cô sửng sốt, khi từ chối bao chàng trai theo đuổi để gửi gắm trái tim mình cho một chàng thanh niên khuyết tật bẩm sinh.
Hình ảnh gia đình hạnh phúc của chị Quý – anh Triệu (Ảnh: M. Hiếu).
Nguyện vọng đó từng bị gia đình đôi bên kịch liệt phản đối, kiên quyết từ mặt con nếu như vẫn ấp ủ ý định xây dựng hạnh phúc với nhau. Tình yêu quá lớn khiến cô gái xinh đẹp bạo dạn đánh liều “cướp” bạn trai ngay trong đêm bỏ trốn. Để rồi sau bao sóng gió, hai người đã xây dựng hạnh phúc bên nhau, cùng dệt nên câu chuyện cổ tích tình yêu giữa thời hiện đại.
Tình yêu vượt lên nghịch cảnh
Trong những cơn mưa chiều bất chợt của bầu trời Nam Bộ, chúng tôi tìm về xã Thừa Đức (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) để được tận tai nghe những nhân vật chính trong câu chuyện “tình yêu cổ tích” kể về cuộc đời mình. Thấy nhà có khách, chị Nguyễn Thị Quy (SN 1983) vội dừng công việc may vá đang dang dở và tươi cười mời chúng tôi vào tổ ấm của mình. Khi được hỏi về câu chuyện đời mình, chị Quy cười hiền, hướng ánh mắt nhìn về phía xa xăm rồi kể lại. Chị sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo. Vì kinh tế gia đình quá khó khăn, chị chẳng được học hành đến nơi đến chốn như bạn bè cùng trang lứa. Hiểu được nỗi cực nhọc, vất vả của bậc sinh thành nên khi đang học THCS, chị quyết định nghỉ ngang ở nhà phụ giúp cha mẹ kiếm kế sinh nhai. Hàng ngày, chị rong ruổi trên chiếc xe đạp cũ đi khắp các hang cùng ngõ hẻm thu mua ve chai lấy tiền mưu sinh.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, cô bé bán vé số nhem nhuốc ngày nào đã trở thành thiếu nữ. Với vẻ ngoài ưa nhìn lại thêm tính tình hiền lành chăm chỉ nên ngày đó, Quy là mục tiêu đeo đuổi của biết bao nhiêu chàng trai. Chẳng hiểu số trời run rủi thế nào, cô gái này lại đem lòng yêu mến Đoàn Thanh Triệu (SN 1982), ngay trong lần đầu tiên gặp gỡ. Trớ trêu thay, Triệu từ nhỏ đã mắc bệnh vì di chứng của chất độc màu da cam, miệng méo sang một bên, nói không thành lời, chân teo tóp, việc đi lại phải nhờ đến chiếc xe lăn. Từ lần gặp gỡ định mệnh giữa hai người, Quy tự nhủ mình sẽ là người bạn tri kỷ để cùng anh chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống.
Kể từ đó, mỗi ngày người dân xã Cẩm Mỹ đều thấy hình ảnh một cô gái trẻ xinh đẹp đạp xe đến bầu bạn với chàng thanh niên khuyết tật Đoàn Thanh Triệu. Sau bao nhiêu năm đơn độc chẳng người sẻ chia, Triệu đã òa khóc, những giọt nước mắt của hạnh phúc, khi hàng ngày có một cô gái trẻ xinh đẹp đến bầu bạn tâm sự với mình. Rồi theo thời gian, tình cảm của đôi bạn trẻ ngày càng trở nên thắm thiết mặn nồng, họ nguyện kết tóc xe duyên trọn đời, trọn kiếp bên nhau. Câu chuyện tình cảm động này rồi cũng đến tai của bố mẹ hai bên gia đình. Thương con, phía gia đình cô gái cương quyết không để con gái xinh đẹp của mình lấy một chàng trai bị dị tật chỉ có ngồi trên xe lăn. Họ ra sức thuyết phục con gái mình nhưng vẫn chẳng thể khiến Quy lay tâm chuyển ý. Ba mẹ Triệu, phần vì sợ con trai mình sẽ làm gánh nặng cho cô gái trẻ, phần vì sợ chuyện đổ vỡ sau này, nên cũng ra sức khuyên nhủ Quy. Thế nhưng, dù bị gia đình bạn bè phản đối, cô gái vẫn cương quyết lấy chàng trai khuyết tật làm nơi nương tựa suốt đời.
Giữa đêm “cướp” chồng chạy trốn
Video đang HOT
Thương con, sợ con gái sẽ khổ khi lấy chàng trai khuyết tật nên cha mẹ Quy nhất quyết từ chối, thậm chí đe dọa từ con gái, nếu vẫn giữ ý định lấy Triệu làm chồng. Vì tình yêu dành cho chàng trai khuyết tật quá lớn, Quy vẫn bất chấp tất cả, kiên quyết gắn bó cùng Triệu đến trọn đời. Cô gái ngỏ ý muốn cùng người yêu bỏ nhà ra đi để tìm nơi bình yên, hy vọng hai người sẽ mãi bên nhau. Biết được ý định của bạn gái, chàng trai khuyết tật này hết sức bất ngờ và kiên quyết không đồng ý, do sợ mình sẽ trở gánh nặng cho cô. Không lùi bước, Quy ra sức thuyết phục người yêu cùng mình bỏ nhà, đi tìm chân trời mới cùng xây hạnh phúc
Hiểu được tình cảm chân thành mà Quy dành cho mình, Triệu cuối cùng cũng gật đầu đồng ý. Vậy là trong một đêm mưa gió bão bùng, Quy lặng lẽ đến nhà người yêu, xốc Triệu lên lưng ra đi. Mải miết chạy cho đến khi trời hửng sáng, Quy và Triệu nghỉ chân dòi hỏi mới hay mình đã ra tận Thị xã Long Khánh (tỉnh Đồng Nai). Lúc này, người dân đi đường biết chuyện thương cảm, nên cũng quyên góp cho đôi bạn trẻ ít tiền để mua bánh mì ăn tạm. Sau một thoáng nghỉ ngơi, cả hai lại đón xa lên Sài Gòn, với hy vọng kiếm việc mưu sinh.
Đến nơi đất khách quê người, khi không người thân cũng chẳng có chút tiền bạc, cuộc sống của đôi bạn trẻ vô cùng khó khăn. Vất vả là thế, nhưng cô gái trẻ chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình. Ngày qua ngày, Quy cõng người yêu trên lưng đi khắp nơi tìm chốn nương thân. Ông trời chẳng phụ lòng người, họ may mắn tìm được một căn nhà hoang ven kênh Nhiêu Lộc (quận Bình Thạnh) làm chỗ trú chân. Cuộc sống tạm bợ hàng ngày chỉ dựa vào những đồng tiền Quy kiếm được từ nghề thu mua ve chai. Hạnh phúc của đôi bạn trẻ được tiếp thêm hy vọng, khi bà chủ tiệm vé số gần nhà thấy Quy thật thà, hiền lành, lại thương Triệu tật nguyền nên đồng ý giao vé số cho hai người bán rồi mang tiền trả sau. Quy mừng mừng tủi tủi rơi nước mắt cảm ơn và ngày ngày đẩy chàng trai tật nguyền ngồi trên chiếc xe lăn đi bán vé số dạo.
Vậy nhưng, số tiền nhàu nhĩ tích cóp từ việc bán vé số cũng chỉ đủ cho đôi tình nhân mua được một hộp cơm mỗi ngày. Mưu sinh ở Sài Gòn được khoảng 3 tháng, Quy thấy đường xá đông người, đi lại khó khăn nên quyết định đưa người yêu ngược ra Đăk Lăk. Vẫn nghề cũ, hàng ngày cô lại đẩy Triệu đi bán vé số. Những khi bán hết sớm, Quy vội vã đẩy người yêu về nhà trọ, rồi mình đi nhặt ve chai kiếm thêm chút tiền. Mặc dù đã có “chồng”, nhưng vốn xinh đẹp nên khi đến nơi đất khách quê người, Quy lại được nhiều chàng trai nơi này đem lòng mê đắm. Nhưng trước sau như một, tình yêu của Quy dành cho chàng trai tật nguyền vẫn son sắt và nguyên vẹn như ngày đầu.
Sau một thời gian ở Tây Nguyên, chàng trai khuyết tật Đoàn Thanh Triệu lại cùng người yêu về huyện Đức Linh (tỉnh Bình Thuận) sinh sống. Thấy hoàn cảnh nghèo khó của đôi bạn trẻ, một người chủ vườn cao su đã cho “vợ chồng” Quy ở tạm căn lều trong khu vườn của mình. Tình yêu cũng nở hoa trong tổ ấm này, khi Quy mang trong mình giọt máu của Triệu. Ngày đứa trẻ chào đời, đôi bạn trẻ vỡ òa trong niềm vui hạnh phúc. Cuộc sống khi trước vốn đã khó khăn nay khó khăn lại càng nhân lên gấp bội. Không còn đường lùi nữa, Quy bàn với Triệu quyết định quay trở về quê hương xin bố mẹ cho được ở bên nhau. Chứng kiến cảnh “ván đã đóng thuyền”, bố mẹ Quy cũng đành vun đắp để cả hai chính thức nên duyên chồng vợ.
Giờ đây, hàng ngày người chồng ngồi xe lăn đi bán vé số, còn vợ vừa trông con vừa kiếm việc về nhà làm thuê để kiếm tiền nuôi sống gia đình nhỏ. Mặc dù cuộc sống trải qua muôn vàn khó khăn nhưng chưa bao giờ, chị Quy thấy hối hận về quyết định của mình. Bằng tình yêu chân thành, đôi bạn trẻ đã vượt qua biết bao sóng gió, thử thách của cuộc sống thực tại để rồi xây dựng một “lâu đài tình ái” tràn đầy tiếng cười hạnh phúc.
Những đứa con là chỗ dựa tinh thần Sau 2 năm trở về nơi chôn rau cắt rốn, Quy tiếp tục sinh thêm em bé. May mắn cho hai vợ chồng, những đứa trẻ sinh ra “đẹp tựa thiên thần”, không hề bị di chứng chất độc dioxin ảnh hưởng như anh Triệu. Chị Quy bảo: “Những đứa con và tình yêu của anh Triệu chính là nguồn động viên vô bờ để chị vượt qua nỗi nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh”. Các đoàn thể, xã hội cũng không bỏ rơi cặp vợ chồng nghèo khó nhưng thắm thiết yêu thương này. Bà con lối xóm, ai có tiền giúp tiền, ai có sức giúp sức để anh chị vun đắp tổ ấm. Hai năm trước, Hội chất độc màu da cam tỉnh Đồng Nai cũng kêu gọi mạnh tường quân xây dựng cho gia đình Triệu – Quy một căn nhà tình thương làm chỗ che nắng mưa.
Theo Dantri
Vợ bí thư xã nhiều lần mưu sát chủ nợ?
Cuối cùng, bà Lê Thị Hường cũng thừa nhận đã chích điện giết chết bà Dương Thị Thủy Bình Hà. Tội ác này chỉ được hé lộ sau 2 tháng bà Hường bị tạm giam vì dùng rựa chém vợ chồng một chủ nợ...
Như Báo Người Lao Động ngày 15-3 đã thông tin, từ lời khai của bà Lê Thị Hường (SN 1975, trú ấp Liên Sơn, xã Xà Bang, huyện Châu Đức), sau nhiều giờ đào xới, cơ quan Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tìm thấy nhiều mảnh xương chôn trong vườn của bà Hường. Số xương này được cho là của bà Dương Thị Thủy Bình Hà, bị bà Hường giết rồi đốt xác phi tang nhằm xù nợ.
Vào rừng cao su để... trả nợ
Tiếp xúc với chúng tôi, một chủ nợ khác của bà Hường là vợ chồng bà Phan Thị Nga (SN 1960, ngụ huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bị bà Hường dùng rựa chém hàng chục nhát vào ngày 15-1) khẳng định nhiều lần bà Hường cũng mưu sát vợ chồng họ để khỏi trả nợ nhưng không thành.
Ông Nguyễn Chí Hùng và vợ là bà Phạm Thị Nga bị bà Hường "dụ" đến nhà để trả nợ rồi dùng rựa chém. Ảnh: GIA KHÁNH
Theo bà Nga, trước ngày bị bà Hường chém khoảng 1 tháng, vợ chồng bà Nga nhận được điện thoại của bà Hường nói một người dì ở TPHCM bán được căn nhà mấy tỉ đồng, cho bà Hường một ít để trả nợ, yêu cầu vợ chồng bà Nga xuống nhà để lấy tiền.
Khi vợ chồng bà Nga đến, bà Hường nói người dì mới qua nhà em họ ở xã Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ - Đồng Nai). Sau một hồi vòng vo, cho rằng trong nhà có xe máy nhưng giấy tờ xe chồng đang giữ, nếu lấy xe đi, gặp công an sẽ bị phạt, bà Hường gợi ý bà Nga chở đến nhà em họ, còn ông Nguyễn Chí Hùng (chồng bà Nga) ở nhà đợi. Ông Hùng đề nghị chở 3 nhưng bà Hường không đồng ý. Cuối cùng, phương án được đưa ra là bà Nga chở bà Hường, ông Hùng đi bộ theo sau, khi đến nơi, một người sẽ quay lại chở ông Hùng.
Bà Hường chỉ đường cho bà Nga băng qua khu rừng cao su, sau đó rẽ vào một lối nhỏ hoang vắng toàn rẫy vườn. Đi hoài chưa thấy đến, bà Nga đề nghị ghé vào nhà dân hỏi đường, bà Hường từ chối, nói cứ đi rồi sẽ gọi điện.
Thêm vài trăm mét vẫn không thấy căn nhà nào, bà Nga quyết liệt đòi về. Bất ngờ, bà Hường vung cây rựa cầm sẵn trên tay, nói: "Chị yên tâm, em có thủ sẵn cây rựa đây rồi, không có chuyện gì đâu mà lo". Thấy bất an, bà Nga điện thoại cho chồng, biết ông Hùng đang đi bộ phía sau, bà Hường đồng ý quay xe về.
Hai lần bị đầu độc?
Cũng theo bà Nga, sáng 12-1, khi bà Nga đang bán bánh mì, ông Trần Lộc (81 tuổi, hàng xóm) đi xe đạp đến đưa cho bà một bịch cháo lòng nói do một phụ nữ gửi. Ông Lộc cho biết trên đường đi vào rẫy, một phụ nữ đứng chặn lại dúi vào tay ông 20.000 đồng (nhưng ông không nhận) rồi nhờ đưa bịch cháo cho bà Nga.
Không biết chủ nhân bịch cháo là ai, bỏ thì tiếc, đến trưa cùng ngày, bà Nga đem về cho con chó ở nhà ăn. Sau đó, con chó được phát hiện nằm chết trong chuồng. Xách con chó lên, bà Nga thấy máu trong miệng chảy ra nên nghĩ con chó chết do đột tử.
Tiếp đó, khoảng 6 giờ ngày 14-1, vừa dọn xong hàng, bà Nga thấy bà Hường đến sớm hơn mọi lần. Vợ chồng bà Nga hỏi bà Hường mua gì để làm trước nhưng bà Hường xua tay nói cứ bán cho người khác.
Một hồi lâu, bà Hường mua mấy bịch xôi và bánh mì rồi lên xe đi nhưng sau đó quay lại, đi tới đi lui bên quầy bánh mì rồi liên tục mở cốp xe. Thấy lạ, bà Nga quay sang nói với chồng: "Chị Hường mang tiền trả mình hay sao mà cứ mở cốp xe hoài?". Tuy nhiên, một lúc sau, bà Hường đứng dậy ra về.
Vốn thích uống sữa mè đen, sáng nào vợ chồng bà Nga cũng đặt 2 bịch để trong chiếc giỏ sau lưng, đợi đến khi vãng khách mới mang ra uống. Ngày hôm đó, ông Hùng lấy bịch sữa về nhà pha với đá, thấy mùi tanh khó chịu nên đổ. Sau đó, ông vào rẫy làm, quên dặn lại với bà Nga. Trưa cùng ngày, uống xong bịch sữa mè đen, bà Nga bị đau bụng, phải vào bệnh viện cấp cứu. Đến trưa 15-1, bà Hường gọi điện hối về lấy tiền, vợ chồng bà Nga đến, bị bà Hường vung rựa chém nhiều nhát với mục đích thủ tiêu chủ nợ.
Bà Hoàng Thị Sót, người bán sữa mè đen, kể: "Tôi nhớ rất rõ, sáng hôm đó, người phụ nữ mặc bộ đồ bà ba ngồi chơi gần chỗ vợ chồng bà Nga, chỉ 2 bịch sữa của họ rồi hỏi: "Cái gì mà đen đen vậy?", tôi trả lời sữa mè đen, sau đó bả mua 2 bịch. Tôi cũng không hiểu tại sao bả hỏi vậy, vì trước đây bả từng mua sữa mè đen của tôi một lần!".
Theo vợ chồng bà Nga, những sự việc nêu trên khi xảy ra không ai nghi ngờ gì nhưng sau khi bà Hường bị bắt và thừa nhận với cơ quan công an đã chích điện giết chết một chủ nợ là bà Dương Thị Thủy Bình Hà, giờ suy nghĩ lại thấy có nhiều nghi vấn.
Nợ như "chúa chổm"
Theo nguồn tin từ cơ quan điều tra, trước thời điểm bị bắt, bà Lê Thị Hường nợ tiền rất nhiều người. Bà Hường nợ vợ chồng bà Phan Thị Nga 80 triệu đồng cùng 3 dây hụi với số tiền phải đóng hằng tháng gần 10 triệu đồng. Sau 1 năm, bà Hường chỉ đóng được 2-3 lần rồi hẹn lần hẹn lữa cho đến khi xảy ra vụ việc dùng rựa chém.
Tại Trung tâm Thương mại xã Kim Long, rất nhiều tiểu thương là chủ nợ của bà Hường. Chị Huỳnh Thị Thanh Thảo (chủ sạp vải) cho biết: "Bà Hường mượn của tôi 35 triệu đồng, sau khi bả bị bắt, tôi nhắn tin nhắc nợ với ông Mỹ (ông Võ Thanh Mỹ, Bí thư Đảng ủy xã Kim Long, chồng bà Hường - PV), ổng nhắn lại vào máy tôi: "thank" (cảm ơn - PV), làm tôi tức nghẹn lời". Chị Lê Thị Hoàng Oanh, cho bà Hường mượn 40 triệu đồng, bà Hường chỉ mới trả được 7 triệu đồng.
Do vợ chồng ông Mỹ thân với gia đình chị nên chị không yêu cầu ký tên vào giấy nợ. Tuy nhiên, "khi xảy ra chuyện bà Hường chém người, tôi đến đòi nợ, ổng hỏi tôi là ai, thiệt tức không chịu nổi". Ngoài ra, còn có một số tiểu thương cho bà Hường mượn tổng cộng hơn 200 triệu đồng.
Theo Dantri
Đứa con trai với tội ác giết mẹ kinh hoàng Vì bị mẹ la mắng chuyện tiền bạc, đứa con trai hơn 40 tuổi đầu đã ra tay sát hại dã man người mẹ gần đất xa trời của hắn. Một tội ác mà trời không dung, đất không tha. Nghịch tử đầu thú khai báo tội giết mẹ Thượng tá Nguyễn Hữu Toàn - trưởng công an quận Thủ Đức, TP.HCM -...