Chuyện chưa từng công bố về lính Liên Xô bí mật tham gia Chiến tranh Triều Tiên
Thời kỳ Chiến tranh Triều Tiên, Liên Xô gửi hàng ngàn binh sĩ sang tham chiến tại Triều Tiên “vì lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản thế giới”. Nikolay Melteshinov là một trong những người lính như thế. Ông rất vui về cuộc đời binh nghiệp ngắn ngủi của mình. Vào tháng 10/1952, ông được vinh dự phục vụ Tổ quốc một lần nữa.
Các máy bay MiG-15 do Liên Xô sản xuất và tham gia Chiến tranh Triều Tiên. Ảnh: MilitaryHistoryNow.
Điều lính cao xạ sang Triều Tiên
Khi đó cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô đã kết thúc và ông là một lính pháo cao xạ trẻ nhưng có nhiều kinh nghiệm. Melteshinov được trao cơ hội tham gia một sứ mệnh đặc biệt.
Tại căn cứ quân sự Khabarovsk, ông được yêu cầu ký vào bản cam kết giữ bí mật. Tuy nhiên, theo Melteshinov, nhiều người đều đã biết chuyện gì đang diễn ra.
Sau khi nhận phù hiệu và trở thành một thành viên của sư đoàn pháo phòng không 76mm, ông đi tàu hỏa tới nơi làm nhiệm vụ.
Khi đó ông không quan tâm lắm đến chính trị. Ông không hỏi nơi mình tới là đâu và vì sao. Tại điểm chuyển tàu ở thị trấn vùng biên Grodekovo, ông bỏ quân phục sĩ quan Liên Xô để khoác lên người bộ quân phục Trung Quốc.
Đó là lần đầu tiên ông đi ra nước ngoài. Điểm đặt chân đầu tiên ở nước ngoài là thành phố Đại Liên của Trung Quốc. Tại đó sư đoàn của ông được giao một nhiệm vụ kéo dài trong một tháng là cung cấp hỗ trợ quân sự cho nhân dân Triều Tiên anh em.
Đại bản doanh của sư đoàn được chuyển về Andun cách không xa biên giới Trung Quốc-Triều Tiên. Nơi này thường được phi công hạng ace của Liên Xô – Ivan Kozhedub ghé thăm. Viên phi công này dạy các phi công Trung Quốc và Triều Tiên cách lái những chiếc phản lực cơ đầu tiên (MiG-15).
Trung úy Melteshinov là trợ lý cho tư lệnh sư đoàn.
Phía Liên Xô thiệt hại nặng trong giai đoạn đầu
Quân Mỹ khi ấy đóng ở cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Liên quân chống Triều Tiên của họ gồm 14 quốc gia, có vũ khí mạnh và số lượng lớn các máy bay vừa to vừa hiện đại.
Melteshinov viết trong hồi ký: “Lực lượng không quân của chúng tôi hứng chịu thiệt hại lớn. Lúc đó, chiếc máy bay hiện đại nhất – F-86 Sabre, bắt đầu ra lò từ các dây chuyền lắp ráp trong các nhà máy Mỹ. Các máy bay này được trang bị radar và hệ thống dẫn đường. Bán kính xoay của chúng chỉ là 100m. Chính vì vậy mà các phi công của chúng tôi đã có một thời gian vô cùng vất vả. Các máy bay MiG yếu kém hơn Sabre về nhiều phương diện. Chúng tôi đã phải nỗ lực trợ giúp cho lực lượng không quân càng nhiều càng tốt.”
Ông kể tiếp: “Tuy nhiên máy bay Mỹ thường bay ở độ cao trên 7km, nên đạn pháo cao xạ của chúng tôi thường nổ trên không trung mà không gây hư hại gì cho phi cơ địch. Và cũng vì thế các chiến sĩ của chúng tôi luôn phải đội mũ sắt cũng như bộ đồ dã chiến. Các mảnh đạn pháo của chính chúng tôi rơi từ độ cao vài kilomet thường có nguy cơ gây tử vong cho các pháo thủ cao xạ.
Video đang HOT
Về đêm, đối phương tiến hình các đợt ném bom. Khi đó người Mỹ còn dùng cả bom napalm. Chúng tôi chôn cất các binh sĩ của mình ở nghĩa trang người Nga ở Đại Liên (Trung Quốc), còn các sĩ quan từ cấp thiếu tá trở nên mà tử trận thì sẽ được gửi về quê nhà.”
Vẫn hồi ký của Melteshinov: “Sư đoàn chúng tôi được triển khai tới một ngôi làng Triều Tiên nhỏ bé gần Andun. Chúng tôi luôn vui khi bắn hạ được một chiếc máy bay Mỹ. Tuy nhiên sở chỉ huy của chúng tôi yêu cầu phải có bằng chứng về chiếc máy bay bị bắn rơi. Vì vậy, phía Triều Tiên đã tổ chức các đơn vị đặc biệt tham gia vào việc tìm kiếm bằng chứng.
Trong 9 tháng tham chiến đầu tiên, sư đoàn chúng tôi bắn cháy 52 chiếc Sabres. Thế nhưng một lần nọ bóng đen phủ lên niềm vui của chúng tôi: Một trong các phi công Triều Tiên đã lái chiếc MiG tới Seoul để đào tẩu sang phía địch…
Một tờ truyền đơn mà quân đội Mỹ rải xuống các vị trí của quân đội Triều Tiên trong Chiến tranh Triều Tiên. Ảnh: MilitaryHistoryNow.
Quân Mỹ sau đó thả truyền đơn lên vị trí của chúng tôi, hối thúc chúng tôi làm điều tương tự như viên phi công kia. Thế nhưng họ đã tính nhầm. Binh sĩ Xô viết có mối quan hệ rất nồng ấm với các chiến sĩ Trung Quốc và Triều Tiên. Vào ngày 1/10 (Quốc khánh Trung Quốc), phía Trung Quốc mời chúng tôi ăn mừng ngày lễ của họ – chúng tôi ngồi cùng bàn và ăn uống với nhau. Còn đến dịp Ngày Quốc tế Lao động 1/5 và ngày 7/11 (ngày Cách mạng tháng Mười Nga – ND), chúng tôi lại mời họ tham gia lễ kỷ niệm của chúng tôi.”
Thời kỳ chiến đấu của Melteshinov diễn ra như bao người lính Nga khác ở chiến trường Triều Tiên. Có lần, ông đã cố gắng tới Khabarovsk để gặp gia đình mình trong hai tuần. Thi thoảng ông có tới Bắc Kinh. Ông mang theo một cuốn sách song ngữ dùng để giao tiếp với bạn bè. Phía Triều Tiên và Trung Quốc cùng gọi tất cả các quân nhân Liên Xô bằng một cái tên chung là “Đại úy”.
Hòa mình với người dân Trung Quốc và Triều Tiên
Binh lính Liên Xô bị cấm đến gần trong vòng 60km tính từ thủ đô Bình Nhưỡng. Khi ấy, Mỹ tố cáo Liên Xô đã cung cấp viện trợ quân sự cho Triều Tiên. Các nhà ngoại giao Xô viết cực lực phản đối cáo buộc này. Do vậy, phía Mỹ quyết định phải bắt sống một phi công Liên Xô để làm bằng chứng. Để đối phó với điều này, phía Liên Xô đã phải thực hiện nhiều biện pháp đặc biệt.
Trong thời gian rảnh rỗi, các pháo thủ cao xạ sẽ bắt cá ở các con sông địa phương – hoạt động này làm cho cả người Trung Quốc và Triều Tiên thích thú. Hầu hết dân địa phương đều nghèo và họ chưa bao giờ thấy lưỡi câu và cần câu. Nhưng mặt khác, các quân nhân Xô viết cũng ngạc nhiên về sự thông minh và kỹ năng của các “người anh em trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Oanh tạc cơ Mỹ rải bom xuống các vị trí của quân tình nguyện Trung Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên. Ảnh: AP.
Melteshinov kể: “Người Trung Quốc họ bắt cá bằng bồ nông. Một con bồ nông đói được buộc vào dây thừng, cổ họng con này bị buộc một cái vòng chặt để ngăn nó nuốt thức ăn. Con bồ nông sẽ bắt cá và ngư dân sẽ lấy cá từ miệng nó. Như vậy là không đúng với câu nói “Đã đánh bắt cá thì đừng ngại dính nước”. Chúng tôi cười đua vui vẻ với nhau nhưng rốt cuộc các binh lính chúng tôi vẫn bắt được nhiều cá hơn.”
Thức ăn cho toàn bộ sư đoàn do một đầu bếp Trung Quốc đã có tuổi lo liệu. Ông ấy nấu cho Melteshinov và các đồng đội những bữa ăn vừa ngon vừa thịnh soạn. Melteshinov vẫn nhớ “đồng chí anh nuôi” này cho tới tận ngày nay.
Melteshinov kể tiếp: “Hai năm ở Triều Tiên không phải là trải nghiệm dễ dàng đối với chúng tôi. Chúng tôi không rời nơi này ngay sau khi kết thúc các chiến dịch quân sự. Chúng tôi còn dạy nghệ thuật pháo binh cho các người bạn của chúng tôi. Tất cả các vũ khí vẫn ở lại đó sau khi chúng tôi rời khỏi Andun. Chúng tôi ra khỏi Triều Tiên qua một chốt biên giới khác. Chúng tôi không mang theo được bất cứ thứ gì dù lúc đó chúng tôi nhận một mức lương rất hậu hĩnh trả bằng nhân dân tệ. Với số tiền đó chúng tôi có thể mua được 5 bộ com-lê đẹp. Tuy nhiên nhân viên hải quan đã ngăn không cho chúng tôi mang theo dù chỉ là một chiếc áo… Sau này những nhân viên này bị truy tố hình sự vì đã lạm quyền.”
Công bố cuộc chiến bí mật
Năm 1952, có 26.000 binh sĩ và 321 máy bay Liên Xô tham chiến ở Triều Tiên.
Liên Xô tham gia vào cuộc chiến này một cách bí mật, không chính thức. Do đó các phi công của họ bị cấm đến gần tiền tuyến hoặc bay qua biển. Máy bay của các phi công này mang phù hiệu Trung Quốc còn họ mặc quân phục Trung Quốc và mang theo tài liệu bằng tiếng Trung Quốc.
Ở giai đoạn đầu, các phi công còn được yêu cầu khi tác chiến thì không nói tiếng Nga và phải sử dụng các câu quan trọng trong tiếng Triều Tiên. Tuy nhiên sau các trận không chiến đầu tiên, yêu cầu này đã bị bãi bỏ do không khả thi.
Việc các phi công Liên Xô tham gia cuộc Chiến tranh Triều Tiên đã được công bố ở Liên Xô trong các thập niên 1970-1980. Bất chấp sự việc được giữ bí mật, các phi công của phe Liên Hợp Quốc đều ý thức rõ đối phương của mình là ai.
Theo các nguồn tin Xô viết, mức độ tổn thất của các đơn vị không quân Liên Xô trong 3 năm Chiến tranh Triều Tiên lên tới 335 máy bay, ít nhất 120 phi công và 68 pháo thủ. Trong khi đó, con số thiệt mạng của đối phương là 1.250 máy bay, trong đó có 1.100 chiếc bị bắn hạ bằng tiêm kích, số còn lại là bằng pháo cao xạ.
Theo VOV
Các vũ khí uy lực Trung Quốc sao chép từ nước ngoài
Một số vũ khí uy lực của Trung Quốc hiện nay được chế tạo theo công nghệ sao chép không hoàn chỉnh của Nga và Mỹ.
Do những tụt hậu của nền công nghiệp quốc phòng so với phương Tây và Liên Xô, Trung Quốc đã phải kết hợp việc chuyển giao công nghệ hợp pháp và hoạt động tình báo, sao chép công nghệ của Liên Xô và Mỹ để phát triển một số loại vũ khí uy lực, mà 4 hệ thống sau đây là những ví dụ điển hình, theo National Interest.
Tiêm kích đánh chặn J-7
Tiêm kích J-7 của Trung Quốc. Ảnh: SinoDefense
Năm 1961, nhằm xoa dịu căng thẳng và bày tỏ thiện chí hợp tác giữa hai nước, Liên Xô đã chuyển giao bản thiết kế và các tài liệu liên quan đến tiêm kích đánh chặn MiG-21 mới cho Trung Quốc.
Sau khi có được bản thiết kế của Liên Xô, Trung Quốc đã nghiên cứu và cuối cùng chế tạo được tiêm kích J-7, một bản sao chép hoàn chỉnh của MiG-21. Bắc Kinh sau đó còn xuất khẩu biến thể F-7 của chiếc tiêm kích này để cạnh tranh trực tiếp với MiG-21 trên thị trường thế giới.
Không dừng lại ở đó, sau khi khôi phục quan hệ với Mỹ đầu thập niên 1970, Trung Quốc còn trực tiếp bán tiêm kích J-7 cho Mỹ để sử dụng cho việc huấn luyện phi công Mỹ chiến thuật đánh bại tiêm kích Liên Xô.
Tiêm kích J-11
Tiêm kích J-11 Trung Quốc là bản sao chép không hoàn chỉnh của Su-27 Nga. Ảnh: SinoDefense
Sự tan rã của Liên Xô đầu thập niên 1990 khiến kinh tế Nga đối mặt với nhiều khó khăn và buộc phải bán một lượng lớn cho Trung Quốc.
Trong thập niên 1990, Moscow và Bắc Kinh đã ký kết nhiều thương vụ vũ khí lớn, điển hình là hợp đồng bán, cấp phép và chuyển giao công nghệ tiêm kích đa nhiệm Su-27 Flanker. Thỏa thuận này giúp Trung Quốc có công nghệ để sản xuất thành công mẫu chiến đấu cơ J-11, loại tiêm kích đánh chặn được cho là tương đối nguy hiểm thời điểm đó.
Không lâu sau, Nga tố cáo Trung Quốc vi phạm các điều khoản hợp đồng cấp phép bằng việc tích hợp hệ thống điện tử nội địa lên tiêm kích J-11. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tự ý phát triển một biến thể tiêm kích hạm. Hành động sao chép trắng trợn công nghệ này đã ảnh hưởng tới quan hệ Nga - Trung, khiến Moscow thận trọng hơn khi chuyển giao các vũ khí hiện đại cho Bắc Kinh.
Tiêm kích J-31
Sau khi Trung Quốc tuyên bố sản xuất thành công mẫu tiêm kích tàng hình thế hệ 5 mang tên J-31, các chuyên gia phân tích Mỹ đã nghi ngờ nước này đánh cắp thông tin liên quan đến công nghệ chế tạo tiêm kích F-35.
Nhận định này càng được củng cố khi Trung Quốc công khai các thông tin liên quan đến thiết kế của tiêm kích tàng hình J-31, khá giống với tiêm kích F-35 hai động cơ nhưng không có khả năng cất/hạ cánh thẳng đứng của biến thể F-35B.
Tiêm kích J-31 của Trung Quốc cũng được cho là thiếu nhiều hệ thống điện tử tối tân để sở hữu sức mạnh hủy diệt như F-35. Tuy nhiên, J-31 có thể được triển khai trên các tàu sân bay và với lợi thế giá rẻ, có thể cạnh tranh với F-35 trên thị trường xuất khẩu trong tương lai.
Máy bay không người lái
UAV Caihong 5 của Trung Quốc khá giống với máy bay MQ-9 Reaper Mỹ .Ảnh: Breakingdefense
Năm 2010, Trung Quốc bị Mỹ bỏ xa trong lĩnh vực công nghệ máy bay không người lái (UAV). Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, Trung Quốc đã bắt kịp và hiện sản xuất các UAV có thể cạnh tranh với Mỹ trên thị trường vũ khí quốc tế.
Theo tình báo Mỹ, sở dĩ Trung Quốc có thể bắt kịp Mỹ nhanh đến như vậy là do các tin tặc Trung Quốc đã đánh cắp công nghệ từ một số nguồn, gồm cả chính phủ Mỹ và các công ty tư nhân như General Atomics có liên quan đến việc sản xuất UAV. Các mẫu UAV mới nhất của Trung Quốc có bề ngoài lẫn hiệu suất rất giống máy bay Mỹ, một bước đột phá đáng kể về thời gian sản xuất đối với ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc.
Duy Sơn
Theo VNE
Cuộc săn lùng "tàu ngầm ma" khiến cả Mỹ và Liên Xô "choáng váng" Di chuyển với tốc độ khủng khiếp, những chiếc "tàu ngầm ma" không thể xác định này khiến cả Mỹ và Liên Xô "choáng váng". Cuộc săn lùng "tàu ngầm ma" khiến cả Mỹ và Liên Xô "choáng váng" Giữa lúc cuộc Chiến tranh Lạnh (kéo dài hơn 4 thập kỷ, từ 1947 - 1991) đang căng thẳng hơn bao giờ hết, thì...