Chuyện chưa kể về nữ sinh bán bánh rong đỗ thủ khoa ĐH
Sinh ra đã thiếu bố, sống bên người mẹ dị tật và ông bà ngoại, em Nguyễn Thị Hiếu Hạnh (cựu học sinh Trường THPT Lý Nhân Tông, Yên Phong, Bắc Ninh) vượt khó học giỏi và đỗ thủ khoa khối A ngành Quản trị Kinh doanh, ĐH Hà Nội với 25 điểm.
Hiếu Hạnh sinh năm 1994, là con của bà Nguyễn Thị Quế, sinh năm 1965 ở thôn Đại Lâm, xã Tam Đa (Yên Phong, Bắc Ninh). Bà Quế bị dị tật ở chân phải và hai tay sau một lần bị viêm não. Vì không có chồng nên bà đã bỏ qua lời đàm tiếu của mọi người để sinh con, để có được hạnh phúc làm mẹ.
Hiếu Hạnh chào đời trong niềm mừng tủi của bà Quế và mọi người trong gia đình. Dù dị tật, bà Quế vẫn bươn chải làm lụng đủ nghề kiếm tiền nuôi con. Chân, tay dị tật với bước đi tập tễnh và nói câu được, câu mất nhưng gần 20 năm qua dù ngày nắng hay mưa, bà Quế vẫn luôn thức dậy từ lúc 5 giờ sáng và đi lấy bánh chưng, bánh khoai bán rong đến 9-10 giờ sáng mới về. Mỗi ngày như vậy, bà cũng chỉ kiếm được 10-20 nghìn đồng tiền lời. Số tiền không lớn nhưng cũng giúp bà thêm thắt cùng bố mẹ mua cân gạo, bó rau về nuôi con khôn lớn.
Từ nhỏ, Hạnh lớn lên trong tình thương của mẹ và ông bà ngoại. Bà ngoại của Hạnh mất đã 3 năm nay còn ông ngoại em đã bước sang tuổi 89. Ngoài thời gian học, Hạnh lại cùng mẹ mang bánh đi bán cho bà con trong xóm.
Thấu hiểu gia cảnh, từ nhỏ Hạnh đã nỗ lực hết mình trong học tập. Không phụ lòng mong mỏi của mẹ và ông ngoại, suốt 12 năm liền Hạnh luôn là học sinh giỏi và được lớp tín nhiệm bầu giữ chức lớp phó học tập. Em cũng đại diện cho Trường THPT Lý Nhân Tông tham gia cuộc thi “Đất học Kinh Bắc” (cuộc thi mô phỏng chương trình Đường lên đỉnh Ôlympia trên Đài THVN của tỉnh Bắc Ninh) và giành giải Nhì tuần. Đặc biệt, năm lớp 12, Hiếu Hạnh đã giành giải Nhì Học sinh giỏi tỉnh môn Toán. Hạnh vinh dự được nhận Học bổng Sam Sung (năm 2011) và Học bổng của ngân hàng Sacombank (năm 2012) dành cho những học sinh nghèo vượt khó của tỉnh Bắc Ninh.
Kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua, Hiếu Hạnh đỗ thủ khoa khối A ngành Quản trị Kinh doanh, ĐH Hà Nội với 25 điểm. Trong ảnh: Hiếu Hạnh tại ĐH Hà Nội.
Cô Đào Thị Huyền, GV chủ nhiệm Hạnh 3 năm liền cho biết: “Hoàn cảnh em Hạnh rất khó khăn và giờ căn nhà 3 miệng ăn thì mẹ em dị tật lại thành trụ cột, nếu không có sự giúp sức của anh em bên ngoại thì chắc Hạnh phải nghỉ học rồi. Hạnh luôn biết vươn lên trong học tập lại sống hòa nhã nên được thầy yêu, bạn mến. Em luôn đứng tốp đầu lớp, trường về thành tích học tập trong các đợt thi. Tôi luôn lấy Hạnh ra làm tấm gương nghị lực cho các bạn trong lớp”.
Khi đến thăm nhà Hiếu Hạnh, chúng tôi thấy ngôi nhà không có gì giá trị đến vài trăm nghìn đồng ngoài những tờ giấy khen của Hạnh. Với ông ngoại Hạnh, đây là những tài sản vô giá của đứa cháu ngoại ông hết mực yêu thương và nuôi nấng nên ông rất nâng niu, gìn giữ cẩn thận. Khi Hạnh biết tin mình đỗ đầu khối A ngành Quản trị Kinh doanh của ĐH Hà Nội (Toán 9 điểm, Lý 7,25 điểm và Hóa 8,5 điểm) em đã chạy về khoe với ông ngoại và hét thật to rồi ôm ông vào lòng.
Video đang HOT
Gia cảnh khó khăn nên Hạnh vừa mừng vừa lo khi đỗ đại học. May sao, ngày nhập học, Hạnh được Quỹ khuyến học – Khuyến tài Phạm Văn Trà (tỉnh Bắc Ninh) trao suất học bổng trị giá 9 triệu đồng và các cậu, dì giúp đỡ nên gia đình em chưa phải vay mượn.
Hiện giờ, Hạnh đã nhập học được 3 tuần và được xét ở ký túc xá. Vì ở nội trú không được nấu nướng nên ngày đầu nhập trường, em phải ăn cơm căng tin mỗi suất 20 nghìn đồng. Với em, đó là điều xa xỉ. Để tiết kiệm nên những ngày qua, buổi sáng Hạnh nhịn ăn rồi lên giảng đường. Trưa và tối thì Hạnh ăn bánh mỳ và cho qua bữa, chỉ khi nào đói quá, em mới dám ăn cơm.
“Giờ em mong kiếm được chỗ dạy gia sư để có thêm tiền trang trải nhưng phải học cả ngày nên cũng chưa biết thu xếp thời gian thế nào cho hợp lý. Dù khó khăn thế nào em cũng gắng học để thực hiện được ước mơ của mình”, Hiếu Hạnh tâm sự.
Duy Ngợi
Theo dân trí
Cô học trò nghèo quê Bác học giỏi tiếng Anh
Vừa lọt lòng được vài tháng, Thùy Linh chịu cảnh thiếu vắng bố. 2 năm sau, mẹ Linh cũng bỏ em ở nhà cho ông bà nuôi để đi tha phương cầu thực. Bằng nghị lực vượt khó học tập, Linh đã xuất sắc giành giải Nhất kỳ thi tiếng Anh qua mạng của tỉnh Nghệ An.
Em Trương Ngọc Thùy Linh (SN 1999), hiện là học sinh lớp 8A, trường THCS Anh Xuân, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Năm học vừa qua, Linh đã giành giải Nhất kỳ thi tiếng Anh qua mạng của tỉnh Nghệ An với số điểm 270/300.
Mê tiếng Anh từ nhỏ
Tìm đến xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn hỏi thăm gia đình em Trương Ngọc Thùy Linh, không ai là không biết bởi lẽ Linh vẫn được mọi người nhắc đến như một tấm gương trong học tập. Đặc biệt là mới đây, cô học trò nghèo giành giải Nhất ở kỳ thi tiếng Anh qua mạng. Lúc chúng tôi đến thăm Linh và ông bà ngoại trong căn nhà nhỏ lụp xụp nằm ở cuối xóm, ông bà ngoại em đang phơi mấy bao lúa bị ngâm nước mưa.
Tấm gương vượt khó học giỏi của Thùy Linh khiến mọi người khâm phục
Ông Nguyễn Trường Tam - ông ngoại Linh bùi ngùi khi nhắc đến cuộc đời éo le của đứa cháu ngoại. Cô con gái đầu của ông là chị Nguyễn Thị Dung đi làm thuê và nên duyên với chàng trai xứ Đà thành. Năm 1998, do hoàn cảnh khó khăn nên hai vợ chồng chị Dung đưa nhau về quê ngoại để ở. Sau khi sinh Thùy Linh được vài tháng, bố Linhbỏ đi đâu biệt tăm không ai biết.Hoàn cảnh éo le, chị Dung buộc phải để lại đứa con gái bé bỏng cho ông bà ngoại đã ở tuổi xế chiều chăm sóc, nuôi nấng để đi làm ăn xa. Ông bà ngoại bắt đầu những tháng ngày đầy gian khó, vừa chăm sóc cho cháu miếng ăn, vừa bày dạy cháu học tập. Cứ thế, Linh lớn lên trong tình yêu thương và sự chăm sóc của ông bà ngoại.
Thiếu vắng cả bố và mẹ nhưng những lúc ở trường hay ở nhà Linh đều tự lập và có ý thức học tập cao. Em luôn là tấm gương vượt khó học giỏi được thầy cô và các bạn yêu quý. Trong suốt 8 năm liền, Linh đều đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện. Năm học 2011 - 2012 vừa qua, Trương Ngọc Thùy Linh đã làm rạng danh ngôi Trường THCS Anh Xuân khi em đã xuất sắc giành giải Nhất của tỉnh Nghệ An trong kỳ thi tiếng Anh qua mạng với số điểm 270/300 trong thời gian 8 phút 50 giây.
Chia sẻ "bí quyết" học môn tiếng Anh của mình, Thùy Linh khiêm tốn: "Từ nhỏ em đã thích môn tiếng Anh, để học tốt môn này, em chú ý nghe cô giáo giảng trên lớp về vững cấu trúc ngữ pháp, học thuộc từ vựng và phải biết kết hợp giữa nghe, viết, đọc. Ngoài ra, em thường xuyên theo dõi và học theo chương trình "Mảnh ghép tiếng Anh" trên truyền hình để biết thêm về các tình huống tiếng Anh thực tế".
Ước mơ thành phiên dịch viên trên quê Bác
Cô học trò Thùy Linh với dáng người nhỏ nhắn, đôi mắt sáng, nước da ngăm đen được bạn bè, thầy cô biết đến không chỉ học giỏi mà còn là một ngườitích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ của trường lớp. Sau những giờ đến trường cùng bạn bè, Linh lại về phụ giúp ông bà công việc trong gia đình.
Sau những giờ đến trường, Thùy Linh lại phụ giúp công việc cho ông bà.
Bên góc học tập nhỏ bé của mình, Thùy Linh vẫn dành riêng một góc cho những cuốn sách tiếng Anh đã cũ mà em dành dụm mua được. Chúng được Linh gìn giữ, trân trọng như một thứ "tài sản" riêng của mình. Cạnh đó là những tờ giấy úa màu được em cẩn thận ghi chép những bài hát tiếng Anh. "Những bài hát tiếng Anh giúp em đỡ căng thẳng sau những giờ học tập và giúp em tích lũy thêm cho mình được vốn từ mới", cô học trò nhỏ cho biết.
Năm học mới đã bắt đầu thế nhưng điều Linh trăn trở nhất vẫn là nỗi lo "cơm áo gạo tiền" bởi hiện nay hai ông bà ngoại của em đã tuổi cao sức yếu lại phải nuôi một bà cụ hơn 90 tuổi, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn khi chỉ trông vào 5 sào ruộng. Giọng đượm buồn, ông Nguyễn Trường Tam tâm sự: "Bây giờ tôi và bà nó đều già cả rồi, không biết có còn đủ sức để nuôi nó ăn học được nữa không?".
Cô học trò nhỏ muốn trở thành phiên dịch viên trên quê Bác.
Khi được hỏi ước mơ sau này của mình, Linh chia sẻ: "Mục tiêu trước mắt của em là quyết tâm học tập thật giỏi để không phụ công lao nuôi dưỡng của ông bà ngoại. Sau này lớn lên em muốn trở thành một phiên dịch viên giỏi để qua đó truyền bá hình ảnh đẹp về con người, phong cảnh trên quê hương Bác Hồ cho hàng triệu khách Quốc tế tới viếng thăm".
Chia tay Linh, chúng tôi tin với nghị lực vượt khó trong học tập hy vọng, em sẽ sớm hiện thực hóa ước mơ của mình.
Nguyễn Duy - Doãn Hòa
Theo dân trí
Nghị lực của chàng SV liệt cả hai chân Có những hôm trời mưa, mẹ chở Hoàng đi học. Vì tay Hoàng quá yếu nên không bám được vào lưng áo của mẹ. Hoàng ngã. Mẹ Hoàng một mình không thể bế con trai lên xe, thế là cả hai mẹ con ngồi khóc giữa đường. Tôi gặp Cù Hữu Hoàng trong căn nhà yên bình giữa lòng thành phố, khi em...