Chuyện chưa kể về người cha tài hoa của nhạc sĩ Quốc Trung
Nhiều năm cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam, là ca sĩ nổi tiếng một thời, người thầy của nhiều ca sĩ tên tuổi, NSND Trung Kiên có sức làm việc và tình yêu với âm nhạc bền bỉ, mãnh liệt.
Từ nghệ sĩ đến chính khách
NSND Trung Kiên – nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa – từng khẳng định với tất cả niềm tự hào của một người nghệ sĩ, suốt hơn 70 năm sống trên đời và cũng chẳng ít hơn đó là bao số năm cầm mic, chưa bao giờ kể cả khi đã bước qua tuổi thất thập, ông hát nhép trước những khán giả. Một người nghệ sĩ chân chính sẽ biết xấu hổ với những hành động lừa dối khán giả như thế. Câu chuyện của NSND Trung Kiênkhông biết có khiến nhiều ca sĩ hiện nay suy nghĩ?
Nhắc đến NSND Trung Kiên, người ta sẽ nhớ đến Chào sông Mã (Xuân Giao), Quảng Bình quê ta ơi (Hoàng Vân), Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người (Trần Kiết Tường), Bài ca Trường Sơn (Trần Chung), Người chiến sĩ ấy (Hoàng Vân), Tình ca (Hoàng Việt), trong đó bài hát mà nhiều người yêu thích nhạc Đỏ và chính bản thân NSND Trung Kiên công nhận, Tình ca của Hoàng Việt – một trong những bản tình ca đẹp nhất thời chiến trận – là bài hát mà ông thể hiện thành công nhất, được khán giả nhớ đến nhiều nhất.
NSND Trung Kiên
NSND Trung Kiên nổi danh cùng lớp NSND đầu tiên như Qúy Dương, Trần Hiếu, Thanh Huyền, Kiều Hưng. Là một nghệ sĩ hát, với chất giọng ténor sang trọng, khỏe, sáng, kịch tích, trữ tình, một chất giọng chuẩn để thể hiện các vai trong opera, cũng như romance cổ điển, tên tuổi của NSND Trung Kiên gắn liền với những bài ca cách mạng nức tiếng một thời. Thế hệ ca sĩ bây giờ hát trên sân khấu, trong những không gian sang trọng và sống giữa những bữa tiệc xa hoa của giới nghệ sĩ, còn thời của những người nghệ sĩ như NSND Trung Kiên, “sân khấu” là chiến trường ác liệt, nơi “tiếng hát át tiếng bom”, nhưng có điều kỳ lạ là, dường như cả thế hệ những người nghệ sĩ sinh ra và trưởng thành trong thời chiến đã luôn lấy làm vui, hạnh phúc vì được đi hát phục vụ bà con, bộ đội mà không ai lo sợ đến những hiểm nguy, ác liệt của chiến trường.
Những năm tháng chiến tranh đã giúp thế hệ nghệ sĩ không chỉ được trưởng thành trong giọng hát, mà còn trưởng thành cả về mặt con người. Họ hát bằng cả nghị lực, ý chí vươn lên của cả một dân tộc bị áp bức. NSND Trung Kiên vẫn nhớ rằng, hồi đó được đi hát cho bộ đội là một niềm tự hào, chẳng phải để nổi danh, chẳng để so bì lẫn nhau, chỉ bởi đơn giản nghệ sĩ nào cũng nghĩ mình đang đóng góp một phần cho cuộc chiến vĩ đãi của dân tộc, đang góp một phần nhỏ sức mình để động viên những người lính đã chiến đấu anh dũng vì đất nước. Càng đi đến nhiều chiến trường, càng hát cho nhiều người lính, họ càng hiểu hơn giá trị của sự hy sinh, sự sống còn, hòa bình và độc lập.
Là người nghệ sĩ, là người thầy của nhiều ca sĩ nổi tiếng hiện nay như NSND Lê Dung, Phương Nga, Bích Thủy, Đăng Dương, NSND Trung Kiên đã cống hiến cả cuộc đời cho nền âm nhạc nước nhà. Những cống hiến đó của ông đã được ghi nhận và đã đưa ông đến với một nhiệm vụ mà ông chưa từng nghĩ tới trong cuộc đời mình khi dấn thân vào con đường của người nghệ sĩ, trở thành một chính khách. Năm 1992, ông được đề bạt làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin, phụ trách văn hóa nghệ thuật trong thời gian 10 năm liên tục cho đến khi ông về hưu năm 2011.
Đôi khi cũng phải nín thở vì con
NSND Trung Kiên chỉ có duy nhất một người con trai là nhạc sĩ nổi tiếng Quốc Trung – một cái tên không xa lạ với công chúng Việt. Ngoài âm nhạc, cậu con trai duy nhất từng là “trung tâm” trong mọi suy nghĩ của NSND Trung Kiên. Sau này,Quốc Trung kết hôn với Thanh Lam và sinh cho ông 2 người cháu nội, mối bận tâm của NSND Trung Kiên mới có dịp đổi hướng.
Quốc Trung là kết quả tình yêu giữa NSND Trung Kiên và nghệ sĩ Thanh Nga. Trong mắt của NSND Trung Kiên, bà Thanh Nga là một người phụ nữ lạ lùng và hấp dẫn bởi cá tính phóng khoáng, sôi động và nghị lực phi thường. NSND Trung Kiên vốn sinh trưởng trong gia đình có truyền thống âm nhạc. Ngày nhỏ, ông tham gia vào dàn đồng ca của Đài Phát thanh thuộc Sở Văn hóa Hà Nội, Đài Tiếng nói Hà Nội. Học hết lớp 10 ông thi vào trường Nhạc viện.
Video đang HOT
Nhạc sĩ Quốc Trung
Chính trong môi trường âm nhạc đó, NSND Trung Kiên đã quen với người vợ đầu mà ông yêu dấu. Khi đó, ông là thành viên của ban nhạc đồng ca Rạng Đông. Cònnghệ sĩ Thanh Nga ở trong ban nhạc Tuổi Xanh. Sau khi cả hai bên sáp nhập thành ban đồng ca của Thành Đoàn Thanh niên Hà Nội, hai ông bà làm việc cùng nhau. Sau những lần sinh hoạt cùng nhóm, dần dần tình cảm nảy sinh và họ đã đến với nhau.
NSND Trung Kiên rất yêu vợ. Sự phóng khoáng, quảng giao và nghị lực phi thường của bà là một điểm đặc biệt mà ông vô cùng nhớ. Khi còn sống, mẹ củaQuốc Trung là người rất rộng rãi, rất nhiều bạn bè và được nhiều người yêu quý. Là hai người nghệ sĩ đều có cái tôi cá nhân cao, nên NSND Trung Kiên và bà Thanh Nga đều cố gắng dành cho nhau những khoảng tự do nhất định, tôn trọng bản năng sống của nhau, có lẽ đó là lý do không nhỏ khiến cuộc hôn nhân của ông bà hạnh phúc và bền vững cho đến ngày bà mất.
Trong 7 năm cuối đời, bà Thanh Nga bị bệnh ung thư. Người bình thường có lẽ đã suy sụp, nhưng thời gian đó, bà vẫn sống vui vẻ, cười cười, nói nói, gặp gỡ bạn bè, tìm cho mình những niềm vui sống trong những điều nhỏ nhặt. Bà Thanh Nga chưa bao giờ kêu ca, bi quan về bệnh tình của mình, trong khi chính 2 cha con NSND Trung Kiên mới là người thường phải cố giấu đi những giọt nước mắt mỗi khi lo lắng về bệnh tình của bà.
Quốc Trung – người con trai duy nhất của vợ chồng NSND Trung Kiên – là người con mà NSND Trung Kiên dồn hết tình yêu thương và kỳ vọng. Tính cách 2 cha con trái ngược nhau: NSND Trung Kiên tình cảm, nhưng nghiêm khắc và cứng rắn, còn Quốc Trung thì rất dễ mềm lòng. Tuy 2 cha con ít khi có thể ngồi nói chuyện lâu với nhau, nhưng cả hai đều có cách riêng để thể hiện tình cảm của mình.
NSND dù đã ngoài 70, nhưng ông vẫn luôn nhớ những hồi ức về cậu con trai duy nhất của mình. Quốc Trung sinh ra giữa thời bao cấp khó khăn, nhưng may mắn là hồi đó đời sống và chế độ chính sách của văn nghệ sĩ rất được ưu ái. Có 3 mức bồi dưỡng là 36 đồng cho mức thứ nhất của những diễn viên hợp xướng hay hát đồng ca, nghệ sĩ Thanh Nga được hưởng ở mức thứ hai là 48 đồng và NSND Trung Kiên được hưởng ở mức thứ ba là 72 đồng. Số tiền đó quy ra đường sữa là rất nhiều, nên vợ chồng NSND Trung Kiên chẳng vất vả gì để nuôi được cậu con duy nhất. Chỉ có một điều vất vả là hai vợ chồng ông đều đi quá nhiều, phải đi biểu diễn, đi công tác hết nơi này đến nơi khác.
Là “cậu ấm” trong nhà, nhưng không phải lúc nào, mọi đòi hỏi của Quốc Trungcũng được chấp nhận. Khi Quốc Trung còn nhỏ, NSND Trung Kiên đã hướng choQuốc Trung theo con đường âm nhạc như cha mẹ. Thời bao cấp, gia cảnh ai cũng khó khăn, NSND Trung Kiên đã dám đầu tư mua cho Quốc Trung một cái đàn piano để tập đàn.
NSND Trung Kiên bên gia đình.
Hồi bé, Quốc Trung nghịch ngầm nhưng được cái không hư. NSND Trung Kiên đi làm, thường bắt con ở nhà tập đàn và không cho ra đường chơi. Nhưng không phải lúc nào, Quốc Trung cũng nghe lời bố. Có một lần, NSND Trung Kiên đi làm về bắt gặp Trung đang đánh nhau ngoài đường. Thế là Quốc Trung nhận ngay một trận đòn với 2 tội: thứ nhất là tội đánh nhau, thứ hai là tội đã đánh nhau lại để một đứa khác lớn hơn đè lên người. Không phải NSND Trung Kiên muốn con đánh thắng bạn, mà là ông lo, nếu con để bạn đè lên người, chẳng may bàn tay có chuyện gì, thì ước mơ nghệ sĩ mãi mãi bị hủy hoại.
Vì lý do đó mà khi Quốc Trung lớn hơn một chút, nhà có chiếc xe Honda cũ, mấy lần Quốc Trung đòi mượn xe bố để đi chơi nhưng NSND Trung Kiên dứt khoát không đồng ý. Ông nói với con: “Bố có thể cho con đi xe máy nhưng đi nhỡ ngã gãy tay không thể đánh đàn”. Và anh chàng phải chịu đi xe đạp, không đòi hỏi thêm. Ngày nhỏ, Quốc Trung rất lười tập đàn, thường khi bố nhắc nhở mới tập. Sau này, năng khiếu âm nhạc của anh bắt đầu bộc lộ, đam mê âm nhạc cũng lớn dần lên, bố không phải nhắc nữa. Con trai của Quốc Trung bây giờ cũng giống hệt anh ngày xưa, sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc nhưng cũng thỉnh thoảng chểnh mảng chuyện luyện đàn, anh lại nhắc con tập y hệt xưa kia từng được được bố nhắc nhở.
NSND Trung Kiên vừa là một người nghệ sĩ, vừa là một người thầy nên ông không nuôi con theo kiểu lãng mạn thường thấy của các nghệ sĩ mà rất nghiêm khắc. Quốc Trung là con một, lại theo đuổi âm nhạc, nhưng từ bé, anh đã được bố mẹ huấn luyện việc nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hay chuyện thêu thùa, may vá anh đều biết một ít. Nhiều người có thể không tin, ra ngoài là nhạc sĩ nổi tiếng, nhưng về nhà, việc gì vốn thuộc về phụ nữ, Quốc Trung cũng có thể làm được.
NSND Trung Kiên và Quốc Trung cùng có chung quan điểm trong chuyện dạy con là không bao giờ ép buộc con cái. Quốc Trung đã học cách cha anh dạy anh để áp dụng với 2 con. NSND Trung Kiên từng hướng con trai theo con đường âm nhạc cổ điển, nhưng anh lại thích nhạc nhẹ, nhạc hiện đại. Hiểu nguyện vọng của con trai, ông và vợ – bà Thanh Nga cho con được thoải mái lựa chọn con đường riêng.
Không phải sự lựa chọn nào của Quốc Trung, từ chuyện sự nghiệp đến chuyện tình cảm cũng làm bố mẹ hài lòng, nhưng NSND Trung Kiên và vợ không bao giờ ngăn cản con. Ông bà chọn cách đứng từ xa nhìn con hành động và “nín thở” chờ đợi kết quả. Chuyện kết hôn với Thanh Lam là một ví dụ như thế.
Khi Quốc Trung và Thanh Lam đến với nhau, Thanh Lam đã có một con riêng và trải qua một cuộc hôn nhân ngắn ngủi. Ngày Quốc Trung đưa Thanh Lam về ra mắt bố mẹ, vợ chồng NSND Trung Kiên đã dự cảm được những trắc trở sẽ đến: “Chúng rất yêu nhau và không có lý do gì để chúng tôi ngăn cản chúng. Tôi và bà Nga chỉ cảm giác rằng, Lam không phù hợp với Trung, 2 đứa sinh ra không phải để làm thành một đôi. Và điều đó rốt cuộc đã đúng. Chúng nó chia tay nhau vì không thể tiếp tục cuộc hôn nhân, nhưng tôi không thể quyết định được cuộc sống riêng tư của con trai, chỉ có thể đối xử với nó như 2 người đàn ông”.
Sau này, khi Thanh Lam và Quốc Trung không thể tiếp tục chung sống với nhau, ông vẫn không bao giờ trách móc con trai, chỉ thỉnh thoảng nhắc nhở con chuyện xây dựng gia đình lần sau, sẽ phải suy nghĩ kỹ hơn trước khi quyết định.
Tìm lại hạnh phúc sau mất mát
Sau khi bà Thanh Nga – người vợ đầu tiên của NSND Trung Kiên – qua đời, cả hai cha con NSND đều phải trải qua một sự chông chênh lớn. Suốt những năm bà Thanh Nga bị bệnh, NSND Trung Kiên vừa lo đảm trách công tác ở Bộ Văn hóa, vừa chăm sóc vợ, vừa chăm sóc cháu nội mà không hề kêu ca.
Từ khi bà Thanh Nga qua đời, vắng bà, ngôi nhà của 2 cha con ông mất hẳn đi những tiếng cười, dù ngôi nhà đó đã có thêm sự hiện diện của 2 đứa trẻ – 2 người con của nhạc sĩ Quốc Trung. Sau khi vợ mất, con trai ly hôn, NSND Trung Kiênđã lặng lẽ giúp đỡ Quốc Trung chăm sóc 2 con nhỏ. Làm cha đã khó, làm một ông bố nuôi con một mình khó gấp đôi, một ông bố nuôi 2 đứa con khó khăn đó là gấp 4. Quốc Trung có lẽ không xoay sở nổi nếu như không có cha và sau này có thêm người mẹ hai – NSND Thu Hà (nguyên Giám đốc Nhạc viện Hà Nội).
Có thể nói, sự xuất hiện của NSND Thu Hà trong ngôi nhà của cha con NSND Trung Kiên và Quốc Trung là một nốt nhạc trọn vẹn trong bản nhạc của gia đình chính khách – nghệ sĩ đó. NSND Thu Hà cũng sinh trưởng trong một gia đình gia thế. Bà là con gái của ông Trần Văn Danh (em ruột của Tổng bí thư Trần Phú) và là chị cùng mẹ khác cha với NSND Đặng Thái Sơn.
Cả bà và NSND Đặng Thái Sơn đều thừa hưởng tài năng âm nhạc của mẹ – nghệ sĩ Thái Liên. Bà Trần Thu Hà từng là Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia. Vừa qua, bà được chọn là một trong 3 người phụ nữ Việt Nam tham gia ứng cử vào vị trí “Người phụ nữ ấn tượng châu Á” sẽ được công bố vào cuối tháng 11.
Trước khi đến với NSND Trung Kiên, NSND Trần Thu Hà từng có một cuộc hôn nhân không trọn vẹn. Sau nhiều năm thăng trầm của cuộc hôn nhân đầu tiên, đến lúc tuổi già, bà về làm bạn với NSND Trung Kiên. NSND Trung Kiên tâm sự, đến với nhau khi cả hai đều đã già, NSND Trung Kiên và NSND Thu Hà không đơn thuần là tìm một người chồng, một người vợ cho đủ thành phần gia đình, mà còn hơn thế, cả hai đều muốn tìm một người tri kỷ trong cả cuộc sống lẫn trong âm nhạc.
Khác với người vợ đầu của NSND Trung Kiên, nếu bà Nga là con người hướng ngoại, sống phóng khoáng, ưa tụ họp bạn bè thì bà Hà lại là người phụ nữ ngoài công việc ở cơ quan ra chỉ có gia đình. Bà thích những giây phút riêng tư của vợ chồng, con cái, của gia đình. Ngoài những lúc cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc, bà dồn hết tình yêu thương cho gia đình, con cháu.
NSND Thu Hà dành rất nhiều tình cảm đặc biệt cho những người thân của NSND Trung Kiên, đó là điều khiến NSND Trung Kiên luôn cảm động và ghi nhận. Quả thật, hiếm thấy người đàn bà nào không phải máu mủ ruột rà, mà thương con, thương cháu của chồng đến như thế. Khi còn đương chức, dù rất bận rộn với cương vị quản lý Nhạc viện, đại biểu Quốc hội và thành viên của rất nhiều hội đồng khoa học, nhưng buổi tối là khoảng thời gian bất di bất dịch bà dành cho chồng và các cháu nội. Bà dạy chúng đàn, chăm chút cho chúng việc học hành, hệt như một người mẹ chăm con. Bà yêu chúng bằng thứ tình yêu dịu ngọt của một người mẹ. Đi công tác vắng thì thôi, còn ở nhà, xa chúng một ngày là bà cũng làm ông phát hoảng vì cứ đi ra đi vào, mong ngóng, nhung nhớ các cháu.
Nhờ có ông bà, mà nhạc sĩ Quốc Trung có thể yên tâm hoàn toàn mỗi khi phải xa các con đi công tác. Anh biết ở nhà, con cái luôn nhận được sự yêu thương đủ đầy của ông bà nội. Cả Thanh Lam, dù không cùng chung sống với NSND Thu Hà cũng rất cảm kích, ngưỡng mộ tình cảm của bà dành cho 2 con mình.
Một điểm chung của 2 vợ chồng NSND Trung Kiên là sự đồng cảm và sự đam mê âm nhạc của 2 người đồng nghiệp. NSND Trung Kiên từng tự trào: “Tôi với vợ nhiều lúc cứ bảo nhau “2 thằng mình như 2 thằng hâm, sao cứ phải khổ mãi như thế, sáng dậy từ 5 rưỡi và làm đến tận 6 rưỡi tối mới về. Đêm lại thức đến 2 giờ sáng. Về hưu rồi chẳng được rảnh rỗi như những đôi vợ chồng già khác”. Thế nhưng, công việc dạy học sinh vất vả đến thế nào tôi với bà Hà cũng không nghỉ được. Công việc này mang lại cho chúng tôi niềm vui. Nếu không có vất vả ấy, chúng tôi không sống được. Quả thật, với chúng tôi, nếu không được làm việc nữa đó là một điều bất hạnh. Chúng tôi không thể sống thiếu công việc, không chịu nổi sự nhàn hạ, khi mà đời sống cấp tập hối hả đã là một phần máu thịt của chúng tôi rồi. Các học trò là niềm hạnh phúc lớn lao của chúng tôi, là nguồn vui vô tận. Nếu tách khỏi chúng, chúng tôi sẽ gục chết trong khô héo mất”.
Tuy bận rộn, thế nhưng ông bà vẫn có cách để dành cho mình những khoảng thời gian riêng. Những ngày nghỉ, hầu như ông bà không tiếp khách, bà không cho ông đi xa, 2 ông bà tách hết công việc rồi trốn lên ô tô đến một nơi yên tĩnh nào đó để sống những giây phút riêng tư cho nhau…
Theo Đang yêu
Góc khuất của những nhạc sĩ tài hoa làng nhạc Việt
Mỗi người có một thế mạnh âm nhạc khác nhau nhưng giai điệu của họ thì vô cùng lôi cuốn, đầy hấp dẫn, đôi khi ma mị. Đằng sau những tài năng âm nhạc là cuộc sống với góc khuất, niềm trẳn trở, nỗi suy tư ít hé lộ.
Hãy cùng khám phá những tâm tư bí ẩn của những người nhạc sĩ qua đối thoại ngắn dưới đây.
- Đặc thù nghề nghiệp, người sáng tác hay ở trong trạng thái không mấy khi ổn định, rất dễ bị kích động. Ông làm gì để chế ngự cảm xúc thất thường hay thay đổi đó?
- Nhạc sĩ Dương Thụ: Không chế ngự được đâu. Tôi cũng thất thường lắm. Vui đấy rồi lại buồn đấy. Có lúc vui quá, cũng có lúc buồn quá, kể ra cũng rất "phô", nhưng vì không hay giao tiếp ở chỗ đông người nên không bị lộ đó thôi. Ai cũng nghĩ tôi là người điềm tĩnh, "lạnh" nhưng thực ra rất dễ bị kích động, dễ yêu, dễ giận và vô cùng nóng tính. Chỉ có điều, đôi lúc do tôi "giỏi" che giấu nên mọi sự lặn vào bên trong để đêm về trằn trọc. Có nhiều khi chỉ vì một chuyện không lớn lắm mà cả đêm không ngủ được. Nhưng tôi có một "ưu điểm" là rất mau quên (tật "đãng trí bẩm sinh"), tâm lý trở lại bình thường rất nhanh. Tôi không giận ai lâu được. Tôi không có lòng căm thù, và dễ dàng bỏ qua mọi chuyện. Đó cũng là bản tính tự nhiên, giời sinh, chứ không phải tôi là người tốt.
- Ông vẫn thường nhận mình là có dáng vẻ của một ông giáo, nhưng tôi lại thấy ông trông giống như một nhà nghiên cứu khoa học, một công chức văn phòng hơn là một nghệ sĩ lãng tử. Hình như sự biểu lộ nghệ sĩ nhất của ông chính là được thăng hoa, được dồn đẩy bộc lộ trong tác phẩm.
- Nhạc sĩ Dương Thụ: Giống một công chức văn phòng à? Một nhận xét thật bất ngờ. Chắc lúc nào tôi phải bình tĩnh soi gương lại xem. Tôi biết mình trong con mắt người khác có rất nhiều nhân dạng: huấn luyện viên thể thao, người bán thuốc tây, đại diện cho một hãng buôn, thầy tu v.v... nhưng cũng giống như bạn, không ai nhận dạng tôi là một nghệ sĩ. Các cụ nhà ta vẫn nói: "Trông mặt mà bắt hình dong". Hình dong tôi như thế làm sao mà nghệ sĩ được. Để khỏi phải xấu hổ tôi xin thanh minh với bạn trước rằng quả thực tôi 100% không phải là nghệ sĩ. Tôi là người làm nghề nhạc. Tôi nhớ ra rằng khi viết tác phẩm tôi cũng chẳng có chút gì là nghệ sĩ như bạn nghĩ cả. "Thăng hoa, dồn đẩy bộc lộ" là cái gì đẹp quá, nghệ sĩ quá, chắc là tôi không có đâu
Ở nước ta có rất nhiều nghệ sĩ, và một số đạt đến mức lãng tử. Họ thường tụ tập ở các quán rượu, các quán cà phê vỉa hè. Trông họ là biết ngay: duyên dáng, độc đáo, lập dị, "bụi bặm" và cao quý. Nghe họ cũng biết ngay: Có người thì nói năng rất "văn - triết" sâu xa bay bổng, có người thì ngược lại, văng tục chửi bậy, nói năng búa bổ (theo cách nói bây giờ là "cực sốc"). Tôi mà ngồi cùng với họ thấy mình "đuối" hẳn và tự nhiên thấy mình lạc lõng. Những chỗ có đông đảo nghệ sĩ như thế là rất "nguy hiểm" với mình. Biết vậy, tôi thường tìm cách né tránh đấy.
- Sự trải nghiệm quan trọng với người sáng tác như thế nào, thưa ông?
- Nhạc sĩ Dương Thụ: Là trải nghiệm trong đời sống. Phải sống thật, không né tránh. Sống không ảo tưởng nhưng phải có đức tin. Biết rằng sống vậy thì sẽ không an toàn, sẽ gặp nhiều thất bại, sẽ đau khổ. Nhưng chỉ có thế sự trải nghiệm mới mang lại chiều sâu cho tác phẩm, mới không làm mất thì giờ của người nghe tử tế.
- Tác phẩm âm nhạc của ông có nói hết những tâm trạng của ông không?
- Nhạc sĩ Dương Thụ: Những lúc có "tâm trạng" tôi thường tìm đến âm nhạc. Ngồi bên đàn, lẩm bẩm, rồi hí hoáy viết. Nếu tâm trạng là cái có thể nghe được thì bài hát của tôi đấy, các bạn hãy nghe.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Mỗi cá thể trên hành tinh đều được lập trình
- Để làm được Giám đốc Trung tâm Bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam là điều không phải dễ dàng. Rất nhiều khi phải đối đầu, đối kháng, là một nhạc sĩ ông có thấy khi nào cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng không?
-Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Bản chất tôi là một người rụt rè, từ thuở bé đến giờ mình là người rụt rè và ít nói. Vậy mà, 10, 12 năm phải ghé vai vào công việc ta cứ tạm gọi là cuộc vận động xã hội (Trung tâm Bản quyền âm nhạc Việt Nam - pv) làm được việc đấu tranh cho bản quyền tác giả thì tôi trở thành người cân bằng hơn. Bớt rụt rè, hoặc là bớt né tránh đi. Trước kia giữa đám đông mình né tránh, sinh hoạt xã hội mình không quan tâm, tiếp cận số đông mình ngại thì bây giờ mình không ngại nữa. Con người trở thành cân bằng hơn. Ngoài tất cả những cái gì đo được bằng kết quả quyền tác giả thì với riêng tôi, tôi cho rằng mình cân bằng hơn. Nó khỏe khoắn hơn trước. Tôi nghĩ nếu như mình trở lại sáng tác biết đâu âm nhạc nó mạnh mẽ và khỏe khoắn hơn chăng.
- Cách đây 16 năm ông không bao giờ nghĩ mình sẽ làm công việc này đâu, đúng không?
- Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Đây chắc chắn nằm trong lập trình số phận của tôi, trong tử vi của tôi phải có 10, 12 năm vô cùng gian truân mà phải làm công việc không phải là sáng tác. Tôi quan niệm mỗi một cá thể trên hành tinh này đều đã được lập trình hết. Bạn cũng vậy, bạn sẽ như thế nào cũng đã được lập trình hết rồi. Tạo hóa vô cùng vi diệu, vô cùng tinh vi mà có thể làm cho cá thể đó, đôi khi có những cá thể thì tin rằng mình có số phận còn một nửa khác thì không tin làm gì mình có số phận, cuộc đời của mình là do tự mình tạo nên. Tôi quan niệm dường như các sự kiện mà tưởng như rằng tự mình làm nên cũng đã được lập trình. Một nửa thì sẽ cho rằng là tự ta làm chủ cuộc đời của ta. Thế nhưng điều đấy cũng đã được lập trình luôn. Thậm chí còn loài người thì còn tranh cãi về điều này. Và sự tranh cãi này sẽ còn mãi mãi.
Rất nhiều nhà bác học, hay như cụ Nguyễn Du cũng còn nhầm, cụ Nguyễn Du bảo: "Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều". Có phải đâu. Nhân định thắng thiên đấy là số phận của một số đã được lập trình rồi. Và buộc phải vượt qua sự gian truân.
- Âm nhạc của ông đậm chất trữ tình huyền bí, âm hưởng huyền diệu, vi vu. Khi tâm hồn hướng về cõi Phật, mênh mang, bảng lảng... tâm linh, có sự gì đó nó chiêm nghiệm về cuộc đời.
- Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Ca khúc có sự gì đó chiêm nghiệm về cuộc đời. Mọi người thấy yếu tố tâm linh khá đậm, có thể là như vậy. Bằng những gì tôi tự trải nghiệm thì tôi thấy rằng sự trải nghiệm trong tác phẩm của mình chìm đắm vào rất là sâu, và có một lần tôi nói, có phần nào đó mà tôi đã mon men ở phần nhập đồng. Điều đấy mình đi đến tận cùng sự tưởng tượng của sự chìm đắm, có thể phần nào đó đến được mà người ta gọi là tâm linh chăng?
Bản thân tôi không phải là người theo đạo Phật, cũng không phải là người siêng năng đi lễ chùa, nhưng thiền thì tôi quan tâm. Đứng phương diện nào đó, nhiều khi tôi cảm giác bồng bềnh, lơ mơ lắm. Có những vấn đề không được rành rẽ bằng nhiều người khác, chỉ riêng chuyện sáng tác, sự suy ngẫm này thì tôi cũng là người cả nghĩ cả lo, dễ chìm đắm vào công việc của mình một cách thực sự là tận tình như cá tính của mình vốn có nên nó đi đến chỗ như thế chăng?!
Nhạc sĩ Phú Quang: Bây giờ tôi khác rồi...!
- Ngoài ca nhạc anh còn có niềm vui, sở thích gì?
- Nhạc sĩ Phú Quang: Bây giờ thì tôi thích và dành nhiều thời gian cho cây cảnh, chó mèo, chim chóc. Chơi với chúng lại thích hơn. Cuộc sống sáng tác nhạc của tôi chẳng có giờ giấc gì. Một ngày như mọi ngày thôi. Ở nhà tôi sợ nhất là nghe nhạc mình. Thực ra, tôi nghe rất nhiều nhạc cổ điển, nghe đĩa nhưng không nghe nhạc của chính mình chỉ trừ trước khi ra đĩa thì tôi mới ngồi nghe. Đến lúc nghe thì nghe liền ba bốn buổi để chọn ra được ca khúc phù hợp. Thế nên khi đến nhà ai mà họ bật đĩa của tôi thì tôi gai hết cả người lên. Bởi vì trước đấy tôi đã nghe đến hàng trăm lần rồi. Sợ lắm.
Thực ra mỗi người chỉ viết được một loại nhạc thôi. Tôi thích loại nhạc khác cho nó vui vẻ nhưng khó lắm. Tạng của mình nó thế rồi. Đấy! Bố tôi đặt tôi tên là Quang là mong cho đời con nó sáng, nhưng đời tôi tối sầm.
- Nhìn chặng đường anh đã đi thì anh may mắn đấy chứ?
- Nhạc sĩ Phú Quang: Chẳng có may mắn gì cả. Tất cả những gì mình giành giật được cho đời mình, cái giá phải trả đều gấp nhiều lần so với người khác. Nếu có được, mình nghĩ cũng là tất nhiên thôi. Khi đến tuổi này thì tôi bình thản, bây giờ nhìn một cái gì đấy lại thấy nhớ những kỷ niệm đã qua. Mới đây mà đã mấy năm rồi. Bây giờ tôi khác rồi. Buồn vui không còn tác động ghê gớm, chứ trước đây, trước lời khen thì mình cũng cám ơn, cũng vui được một chút, và đứng trước lời chê cũng chỉ buồn một chút. Bởi vì tôi nghĩ khi càng lớn tuổi người ta càng thấm thía cái vô vi hơn.
Dường như nỗi buồn luôn thường trực với người nghệ sĩ hay sao ấy. Có những người chỉ viết được bài vui thôi, không chịu được bài buồn. Khả năng của tôi, tôi không viết được bài vui. Tôi cũng đã cố thử rồi. Tiếc rằng đấy không phải sở trường của mình.
Tôi biết nhạc giao hưởng nếu bắt vợ phải nghe thì thật quá đáng, vì người phụ nữ không phải trong nghề bắt phải nghe thì quá sức. Vào các buổi chiều, khi cô ấy đi làm, tôi thường ngồi nghe nhạc giao hưởng và đọc sách. Lúc đấy mình thích một mình, được chìm đắm trong ý nghĩ của mình. Trí nhớ hình ảnh của tôi rất tốt nên khi nghe tất cả các tác phẩm mà mình đã từng nghe thuở 13, 14 tuổi bấy giờ thì tôi thấy tự nhiên tất cả các ký ức nó cứ trở về như mới hôm qua. Những cuốn sách tôi giữ lại, không phải là để đọc lại từ đầu đến cuối đâu mà mỗi cuốn sách chỉ cần đọc lại một vài đoạn nào đấy thôi. Đôi khi buồn quá đọc "Sử ký Tư Mã Thiên", "Tam Quốc", "Đông Chu liệt quốc" thì mình thấy là cuộc đời bao nhiêu năm nay rồi vẫn thế thôi, hỉ, nộ, ái, ố, nó chả có gì lạ cả. Vẫn là vui buồn, vẫn là tham vọng ấy, vẫn là âm mưu ấy... Tôi đọc lại những cuốn ấy để thấy rằng cuộc đời chẳng có gì mới cả. Vẫn thế thôi.
- Là một nhạc sĩ giỏi, ông còn có phải là ông bố tốt?
- Nhạc sĩ Phú Quang: Tôi cũng thấy mình may mắn vì con cái quý mình và coi mình như người bạn lớn. Với tôi, chúng thoải mái tâm sự được và nói được những điều chúng nghĩ. Mình không phải là gì ghê gớm, và khi đi bên cạnh thấy có gì bất thường thì khẽ đẩy con vào con đường của con.
- Có hai con người trong ông đan xen, một doanh nhân, một nghệ sĩ?
- Nhạc sĩ Phú Quang: Doanh nhân buộc phải có một phần máu lạnh, người nghệ sĩ thì không có phần máu lạnh ấy được. Làm nghệ sĩ mà làm doanh nhân thì khó lắm. Doanh nhân người ta phải tính được hết từ cái tăm đến cuộn giấy trong quán hàng ăn, mất mát lãi lời như thế nào đây, chứ mình không tính được.
- Có điều gì về ông mà mọi người chưa biết ?
- Nhạc sĩ Phú Quang: Tôi chưa bao giờ không quyết liệt cả. Để đạt một điều gì đó tôi rất quyết liệt, nhưng chỉ có một điều là không thể tàn nhẫn được, không thể gạt đi tất cả điều này, điều khác. Thế cho nên, dù mình có quyết liệt thì mình cũng thua thiệt thôi, bởi vì đứng trước tình người mình dễ mủi lòng. Doanh nhân nhiều khi phải dẹp được sự mủi lòng ấy. Làm lãnh đạo cũng chả được, vì nhiều khi để lên được phải gạt người khác xuống, tôi không đủ tàn nhẫn. Tôi nhìn mọi cái khác lắm. Thế cho nên tôi giữ cho đời mình những gì tốt đẹp. Tôi thích một câu nói của nhà thơ Êxinhin: "Chết thì chả có gì là mới cả, nhưng sống thì chưa chắc đã mới hơn". Và mình thấy rằng khi không còn làm được gì cho đời thì cũng nên từ giã...
Theo CAND
Phước Sang, Quyền Linh cúng giỗ Lê Công Tuấn Anh Trưa 19/10, đông đảo nghệ sĩ là bạn bè đồng nghiệp của cố diễn viên điện ảnh Lê Công Tuấn Anh đã đến Nghĩa trang chùa Nghệ sĩ - Gò Vấp, TP.HCM tổ chức cúng giỗ lần thứ 16 của chàng diễn viên tài hoa, bạc mệnh. So với mọi năm, ngày giỗ lần này của chàng diễn viên nổi tiếng với bộ...