Chuyện chưa kể về huyền thoại đặc công nước vẫy cờ trên dinh Độc Lập
Một buổi sớm tại thành phố Thái Bình, ít ngày trước khi đất nước kỷ niệm 40 năm thống nhất non sông, người đàn ông nhỏ bé ngồi trầm ngâm nơi quán nước nhỏ, có lẽ, nếu tôi không cất tiếng gọi, rất lâu nữa, ông vẫn chỉ ngồi đấy cùng những trầm tư của riêng mình.
Cựu đặc công nước Phạm Duy Đô.
Người đàn ông đứng trước mặt tôi có vóc dáng gầy gò, nhỏ bé, gù lưng. Với cái kiểu hay “nom mặt bắt hình dong” của tuổi trẻ, tôi khó tin lắm, ông không những là một cựu binh từng vào sinh ra tử, mà thậm chí có dầy đặc chiến công đánh đồn, diệt địch. Ngày thanh niên, ông từng cao tới 1m73, và theo như ông nói đùa: “Ngày đấy, khối cô theo!”
Ông Phạm Duy Đô (sinh năm 1950, tại thành phố Thái Bình) – cựu binh thuộc đơn vị đặc công nước, thượng sỹ đại đội phó đại đội 2, Tiểu đoàn 19, Trung đoàn 116, Sư đoàn F477. Đồng đội biết đến ông như một huyền thoại sông nước, từng là 1 trong 6 chiến sỹ đặc công được biểu diễn cho lãnh tụ Fidel Castro khi ấy sang thăm Việt Nam và là một tấm gương trong rèn luyện, chiến đấu. Với đối phương, ông là nỗi khiếp sợ đến từ mặt nước.
Đặc công nước và bộ sưu tập tiền cổ
“Chuyện ngày 30/4, chuyện tôi ngồi trong xe tăng tiến về Sài Gòn, chuyện tôi vẫy cờ trên Dinh Độc Lập, chuyện tôi chĩa AK trấn áp đối phương trong chính phủ Sài Gòn cũ thì kể nhiều rồi, tôi không kể cũng nhiều người kể, cậu thích thì mình nói sau nhé…”
Tôi vẫn chờ ông nói hết. Rồi đột nhiên ông chuyển chủ đề.
“Đằng ấy có thích tiền cổ không. Tớ hơi bị nhiều nhé. Xem rồi kể tiếp cho”
Nói rồi, ông đi vào trong nhà, mang cho tôi xem một gói nhỏ được bọc kỹ lưỡng, ông có cả một bộ sưu tập toàn tiền cổ, trong đó có cả tờ tiền cũ từ thời Việt Nam Cộng hòa. Quan sát thấy sự chăm chú của tôi, người cựu binh cười, nụ cười vừa hoan hỉ, vừa tinh quái.
Ông Đô cùng bộ sưu tập tiền cổ của mình, trong đó, phần lớn là tiền ông được cấp cho các nhiệm vụ trinh sát. (Ảnh: Võ Phương/Vietnam )
“Hơi bị hiếm nhé, tiền được cấp cho đi công tác đấy. Muốn nghe chuyện đặc công nước đi làm trinh sát không?”
Trong nghiệp binh đao, ngoài nhiệm vụ làm đặc công nước, có một nhiệm vụ khiến ông rất thích thú, ấy là vào vai để đi trinh sát.
Ông kể, trước ngày chiến thắng, chính xác là trong hai ngày 25 và 26/4/1975, ông, cùng một số đồng đội được đi trinh sát Dinh Độc Lập theo chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sắm vai là lính Việt Nam Cộng hòa, ông cùng đồng đội lên xe lửa, theo đường Bình Triệu đến nghĩa địa Đô Thành để đi lối tắt.
“Hôm đấy, trong lúc chờ nội ứng tới dẫn đường, anh em tôi, lựa theo họ tên trong thẻ căn cước, ngồi phục xuống trước các ngôi mộ để thắp hương” – ông kể: “Cho đến xế chiều, nội ứng tới, anh em tôi vào được Dinh Độc Lập, qua bao nhiêu vòng giám sát, cảm giác vừa hồi hộp, vừa thích thú.”
Ông Đô nhớ như in lần bắt sống một viên đại tá quân lực Việt Nam Cộng hòa, tên là Kiệt, khiến đám lính đối phương khiếp sợ.
Nói về nhiệm vụ táo bạo này, ông Đô kể rằng năm 1974, ông nhận lệnh của Quân ủy Miền phải bắt bằng được đại tá Kiệt (thuộc Chiến đoàn 43) – kẻ nắm hồ sơ về việc điều hành Mỹ-Ngụy bắn phá miền Bắc cũng như nắm rõ về lịch điều quân Việt Nam Cộng hòa ra Quảng Trị, Buôn Mê Thuột và các quân khu.
Để thực hiện nhiệm vụ, Phạm Duy Đô đã mất cả tháng trời cải trang thành lính Cộng hòa để theo dõi lịch trình sinh hoạt của sỹ quan Kiệt. Sau khi biết y có một rẫy cà phê ở khu vực Biên Hòa, ông đã lên kế hoạch chi tiết để bắt viên chỉ huy sừng sỏ này, khi hắn đến thăm rẫy và cuộc vây bắt thành công.
Hồi ức ngày chiến thắng của mãnh tướng sông nước
Sơ đồ 14 mũi tiến công đánh cầu mở đường cho đại quân vào Sài Gòn. (Ảnh tư liệu)
Video đang HOT
Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp quyết định mở chiến dịch quyết chiến chiến lược cuối cùng nhằm đánh bại toàn bộ lực lượng địch còn lại, giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến dịch lịch sử giải phóng Sài Gòn-Gia Định vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Trong chiến dịch này, bộ đội đặc công được giao nhiệm vụ hết sức quan trọng là đánh chiếm và bảo vệ một loạt các cứ điểm trọng yếu ở 14 cửa ngõ vào Sài Gòn, đợi cho quân đội chủ lực của ta vào hiệp đồng tác chiến, giải phóng hoàn toàn Miền Nam.
Lần giở lại những bức ảnh đã bạc phếch màu thời gian, cựu chiến binh Phạm Duy Đô không khỏi bùi ngùi. Ông kể, điều may mắn nhất trong cuộc đời cầm súng của ông là đã được chứng kiến và trực tiếp tham gia vào giờ khắc linh thiêng nhất của cả dân tộc.
Ông Đô (người cầm cờ) thời còn trong quân ngũ. (Ảnh tư liệu)
Vào những ngày cuối tháng 4/1975, Phạm Duy Đô đã là Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 19, Trung đoàn 116 Binh Chủng Đặc Công. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Đại đội của ông được lệnh tấn công vào kho xăng An Bình, chiếm giữ và bảo vệ cầu xa lộ Biên Hòa.
Nhận lệnh, ngày 26/4, Đại đội của thượng sỹ Phạm Duy Đô gồm 24 chiến sĩ đặc công đã bất ngờ tập kích kho xăng An Bình, đánh tan một trung đoàn của địch.
Tiếp đó, Phạm Duy Đô tiếp tục cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ khó khăn hơn là chiếm giữ và bảo vệ cầu Đồng Nai, một trong 14 cửa ngõ dẫn thẳng vào Sài Gòn, đợi đến khi đại quân ta tiến vào.
Nhớ về ngày này, ông kể: Lính đối phương giữ cầu rất cảnh giác với đặc công nước. Chúng liên tục thay nhau nhìn chăm chăm xuống dòng nước, cứ thấy động là nã đạn xối xả. Đặc biệt, trong bối cảnh Sài Gòn đang có nguy cơ thất thủ, lính Cộng hòa càng củng cố phòng thủ ở các cầu trọng yếu. Riêng tại cầu Đồng Nai nối với xa lộ Biên Hòa, địch bố trí 4 quả bom tấn đề phòng trường hợp cầu thất thủ sẽ ngay lập tức kích nổ, phá tan đường vào của binh đoàn xe tăng ta.
Chiến sỹ Đô, người đại đội trưởng tạm quyền khi ấy xác định trong đầu: Bằng mọi giá phải chiếm, giữ được cầu chờ quân ta từ các mũi tiến vào. Anh dẫn theo 2 đồng đội, mang theo bộc phá, lặng lẽ băng qua sông để phá trạm điện của địch với mục tiêu cắt đứt kíp nổ xa của 4 tấn bom đang ém ở cầu. Một mũi khác cũng bí mật xuôi theo dòng nước tiền nhập lên cầu.
Rạng sáng ngày 28/4/1975, 3 chiến sỹ đặc công nước mang theo súng cùng gần 100 cân bộc phá, đặt lên một phao, buộc vào lưng cùng nhau xuống nước, bí mật bơi sang bờ bên kia. Quyền đại đội trưởng chỉ tay về phía ngọn đèn bên kia cầu, sau đó chỉ vào giữa trán và dặn anh em: “Nhớ, bơi theo ánh đèn kia là biết được bờ.”
3 “người nhái” lặng lẽ bơi suốt hơn 1km không để lại động tĩnh, không khiến quân địch mảy may nghi ngờ. Lên tới bờ, mỗi người 30 kg bộc phá, chia nhau ra và phá thành công trạm điện trong sự ngỡ ngàng tột độ của quân địch.
Kế hoạch sẵn sàng cho kích nổ phá cầu thất bại chỉ bởi 3 người lính đặc công khiến cho địch giận giữ, điên cuồng nã đạn pháo về phía quân ta. “Kế hoạch phá sản, quân địch giận dữ bủa vây chúng tôi bằng đạn pháo, tôi là người duy nhất may mắn sống sót…,” ông Đô nhớ lại.
Hoàn thành nhiệm vụ, Đại đội của ông Đô lại chia làm 2 mũi, cùng với xe tăng của Đại quân tiến vào Sài Gòn, thẳng tới dinh Độc Lập làm nhiệm vụ chiến đấu và chỉ đường. Chiếc xe tăng ông Đô ngồi đi thứ hai.
Sau khi chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cổng dinh độc lập, chiếc xe tăng chở Thượng sĩ Đô cùng Trung úy xe tăng Bùi Quang Thận (người cắm cờ trên dinh Độc lập)… vòng theo phía tay trái tiến lên.
Ngay lập tức, Thượng sĩ Phạm Duy Đô đã chạy lên ban công của dinh Độc lập, vẫy cờ giải phóng để ra hiệu cho xe tăng tiến vào. “Khi ấy, toàn bộ Trung đoàn Đặc công đã bao vây dinh Độc lập. Và địch đã chịu bỏ giáp đầu hàng,” ông Đô nhớ lại.
Sau khi ra hiệu cho xe tăng tiến vào, ông Đô cùng đồng đội đã phát hiện toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn trong phòng họp. Lực lượng đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2 đã kịp thời bắt sống nội các chính quyền Sài Gòn. Và, tướng Dương Văn Minh – Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đã phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Gác những ngày tháng oanh liệt vào ký ức, người cựu binh từng vẫy cờ trên Dinh Độc Lập ngày nào giờ dành toàn bộ tình yêu cho gia đình nhỏ, đặc biệt là cậu cháu trai của mình. (Ảnh: Võ Phương/Vietnam )
Cứ thế, những chuyện xưa không bao giờ cũ được người cựu binh kể lại rành rọt, chi tiết. Người lính già, bằng cách kể chuyện khéo léo, giúp tôi hiểu về cái thời đó những người trai trẻ oanh liệt thế nào, kiên trường ra sao, và trong mỗi khoảng lặng của sự mất mát, những đường gân trên trán ông khiến tôi rùng mình về sự trần trụi, gai góc.
Những người trẻ trạc tuổi nhau, vai kể vai chiến đấu. Những người trẻ trạc tuổi nhau, mặt đối mặt chiến đấu. Ông cố kể cho tôi một cách giản ước nhất, như để bớt đi những trầm tư cho buổi nói chuyện, cho cả tôi, cả ông.
Ngày hôm nay, giữa thời bình, mãnh tướng sông nước ngày nào giờ thảnh thơi trong vóc dáng nhỏ bé, hiền lành. Những oanh liệt thuở nào ông tạm cất vào một góc trang nghiêm, để dành toàn bộ tình cảm cho gia đình.
Dưới mái nhà mới cất nằm trong ngõ nhỏ tại thành phố Thái Bình, chỉ nghe thấy những tiếng cười sang sảng, tươi vui của người đàn ông đã ngoại lục tuần cùng đứa cháu nội./.
Theo Vietnam
Khám phá căn cứ địa huyền thoại Rừng Sác
Chiến khu Rừng Sác - địa danh gắn liền với các chiến sỹ đặc công Đoàn 10 anh hùng. 40 năm sau chiến tranh, những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu, hy sinh anh dũng của họ vẫn còn vang mãi.
Rừng ngập măn Cần Giờ bị hủy diệt bằng chất độc hóa học do Mỹ rải xuống
Rừng Sác (huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh) ngày ấy được xem là căn cứ nổi, sát nách Sài Gòn - Gia Định về hướng đông nam, nơi có con sông Lòng Tàu là "cổ họng" vận chuyển, tiếp tế hậu cần cho bộ máy chiến tranh khổng lồ với hàng triệu quân Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Trung đoàn 10 Bộ đội Đặc công Rừng Sác (thành lập 15/4/1966) có nhiệm vụ thọc sâu áp sát, bám trụ bằng mọi giá chiếm giữ khu Rừng Sác để tiến công liên tục vào kho tàng, bến cảng, cơ quan đầu não, sào huyệt bộ máy chiến tranh Mỹ-chính quyền Sài Gòn.
Để bảo vệ sông Lòng Tàu, Mỹ tuyên bố "làm cỏ Rừng Sác" bằng "mưa bom bão đạn".
Người dân thắp hương tưởng nhớ công lao của gần 900 chiến binh Rừng Sác đã anh dũng hi sinh
Một trong những trận đánh tàu nổi tiếng là trận đánh tàu Victoria vào tháng 8/1966. Thời điểm này, Mỹ đưa tàu Victoria chở khoảng 100 xe tăng, thiết giáp; 2 máy bay trực thăng, 20 tấn lương thực thực phẩm...cung cấp cho một sư đoàn Mỹ, chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô lần thứ nhất 1966-1967. Dưới sông tàu địch tuần tiễu liên tục, trên trời máy bay quần thảo; trên bộ biệt kích phục dày đặc. Các chiến sĩ đặc công Rừng Sác phải ngâm mình dưới nước, chôn mình ngụy trang dưới bùn. Sau hơn một tháng chuẩn bị và lên kế hoạch, sáng 23/8, khi tàu Victoria đi qua, 2 quả thủy lôi đã làm nổ tung con tàu với trọng tải hơn 10 nghìn tấn cùng khí giới chìm nghỉm xuống lòng sông.
Một trận đánh oai hùng khác không thể không nhắc tới là trận đánh kho xăng Nhà Bè với lề thề "Đã đi là đánh, đã đánh là thắng, chưa đánh thắng kho xăng Nhà Bè chưa về". Chỉ 8 chiến sĩ dũng cảm mưu trí đã vượt sự bảo vệ nghiêm ngặt của chính quyền Sài Gòn khiến kho xăng Nhà Bè cháy suốt 12 ngày đêm.
Để vào sâu bên trong chiến khu rừng Sác, du khách phải chờ nước thủy triều lên thì mới đi ca nô được. Tuyến đường thủy dài chừng 5 km dẫn đến khu căn cứ Rừng Sác. Đây là mô hình tái hiện hình ảnh con đường trong rừng năm xưa của Đoàn 10 đặc công 9 năm bám trụ trong Rừng Sác.
Căn cứ Rừng Sác
Rừng Sác được ví là nơi rừng thiêng nước độc bởi bạt ngàn rừng, cá Sấu hung dữ...
Tại sở chỉ huy Trung đoàn 10, Đội trưởng Hà Quang Vóc, chỉ huy trực tiếp trận đánh đang trình bày phương án tác chiến trong trận đánh kho xăng Nhà Bè
Để có nước ngọt ăn uống, chiến sĩ Trung đoàn tạo ra nước ngọt theo kiểu những người nấu rượu vẫn làm, đun nước sôi lên rồi hứng lấy nước ngọt bốc hơi phía bên trong. Với cách làm này, 2 chiến sĩ nấu 24 tiếng đồng hồ có thể thu được 300 lít nước ngọt đủ cho một trung đội ăn uống trong một ngày.
Trong cảnh tái hiện chỉ huy đoàn 10 đang nghe các chỉ huy phân đội báo cáo tình hình thực địa và hạ quyết tâm tổ chức tập kích phá hủy kho xăng Nhà Bè, một trung tâm cung cấp xăng dầu: 50% dân dụng và 50% cho quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Nhà thông tin
Nhà quân y: Trong 10 năm chiến đấu ở chiến trường Rừng Sác, các cán bộ chiến sĩ quân y Trung đoàn đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo cứu sống gần 500 thương bệnh binh của Trung đoàn. Để đạt được thành quả đó, 4 bác sĩ và 2 quân y sĩ đã anh hũng hy sinh trên mặt trận.
Chiến sĩ Rừng Sác diệt cá Sấu. Trong ảnh tái hiện lại một lần hành quân, chiến sĩ Hoàng Dương Chương bị cá Sấu lao tới đớp, anh đã bình tĩnh rút con dao đeo bên cạnh người đâm vào mắt khiến cá Sấu đau quá phải buông con mồi.
Các chiến sĩ Rừng Sác thoắt ẩn thoắt hiện, đánh và tiêu diệt sinh lực địch
Nhà quân nhu: Các nữ chiến sĩ với 4 bàn máy may và những dụng cụ lao động thô sơ đã may hàng ngàn bộ quần áo và nhiều vật dụng thiết yếu khác phục vụ kịp thời cuộc sống chiến đấu của bộ đội. Trong ảnh là cảnh trí tái hiện một nữ quân giải phóng đang may vá áo cho bội đội-chiếc may may hiệu Senko là hiện vật gốc được hiến tặng di tích.
Xưởng quân giới: Trong 10 năm chiến đấu, Trung đoàn 10 đã cưa bom, đạn lép lấy được hơn 3 tấn thuốc nổ, sản xuất nhiều loại vũ khí có hiệu quả, góp công lớn đánh chìm hàng trăm tàu chiến, phá hủy nhiều kho tàng địch trên sông Lòng Tàu, cảng Rạch Dừa, nhà Bè, Cát Lái, thành Tuy Hòa
Cơm vắt cùng món ba khía muối ăn kèm gỏi lá kìm Rừng Sác-đây là những bữa cơm của chiến sĩ đặc công Rừng Sác năm xưa
Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, hàng nghìn người lính năm xưa về thắp nén hương tri ân đồng đội
Theo Infonet
Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sức mạnh Việt Nam Ngày 6/1/1975, Phước Long là tỉnh đầu tiên ở miền Nam được giải phóng. Thắng lợi này chứng tỏ sự suy sụp trầm trọng của quân đội Sài Gòn... Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong 2 năm (1975 - 1976) và dự kiến nếu thời cơ đến sớm sẽ giải phóng trong năm 1975. Chào mừng kỷ niệm...