Chuyện chưa kể về ca khúc Giáng sinh bất hủ ‘Last Christmas’ của George Michael
Ca khúc ‘ Last Christmas’ do George Michael sáng tác, ra mắt vào Giáng sinh năm 1984, nhanh chóng vào vị trí đầu bảng xếp hạng âm nhạc ở Anh.
Last Christmas - thuộc sở hữu của nhóm Wham gồm 2 thành viên: George Michael và Andrew Ridgeley – đã khẳng định vị thế trên đỉnh cao của dòng nhạc lễ hội.
Câu chuyện đầy đau khổ của George về tình yêu được trao và mất đi vào dịp Giáng sinh đi vào tâm thức của nhiều khán thính giả toàn thế giới.
Tình bạn suốt 40 năm
Video kỷ niệm 40 năm phát hành ca khúc Last Christmas là một đoạn phim ngắn về nỗi nhớ thập niên 1980 với cảnh đầy tuyết, khi đó George Michael và Andrew Ridgeley ném những quả cầu tuyết rồi đùa giỡn với một nhóm bạn có mái tóc bồng bềnh tại khu nghỉ dưỡng Saas-Fee của Thụy Sĩ.
Mọi thứ trông rất chân thành và rất vui. Những chàng trai và cô gái trẻ trong video thực chất là một nhóm bạn bè và thành viên gia đình của bộ đôi nhạc pop này.
Hai người trong số họ: David Ridler và Jonny Fowler (khi đó cùng 21 tuổi) là bạn cũ thời trung học của George và Andrew. Hai chàng trai trẻ vừa mới ra trường và đang thiếu tiền, họ đã nắm bắt cơ hội được đi du lịch 2 ngày, được trả toàn bộ chi phí đến dãy núi Alps của Thụy Sĩ cùng những người bạn cũ.
George Michael rời khỏi buổi họp báo ra mắt phim George Michael – A Different Story tại Berlin ngày 16.2.2005. ẢNH: REUTERS
Tình bạn của họ đã có từ nhiều năm trước, được hình thành từ môi trường học đường, sau đó là các quán rượu và câu lạc bộ ở Hertfordshire – nơi họ lớn lên. Mối quan hệ đó vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.
Quá trình tạo ra video ca nhạc này được tái hiện một cách sâu sắc trong bộ phim tài liệu Wham!: Last Christmas Unwrapped của BBC Two, trong đó Andrew Ridgeley, các ca sĩ hát bè Helen ‘Pepsi’ DeMacque-Crockett, Shirlie Kemp cùng một số người bạn cũ đã hành hương trở lại Saas-Fee.
Sự xúc động, tất nhiên, vẫn còn đó khi thiếu vắng George Michael, người đã qua đời đột ngột vào đúng ngày Giáng sinh cách đây 8 năm ở tuổi 53.
Shirley Kemp kết hôn với cựu nhạc công Martin Kemp (sau đó chuyển sang làm diễn viên). Martin Kemp nhớ lại Giáng sinh là thời điểm đặc biệt trong năm đối với George Michael. “Tôi nghĩ anh ấy đã hiểu rằng, công việc làm anh cô đơn, phải đi rất nhiều. Vì vậy George muốn tất cả những người mà anh thực sự quý mến đều ở bên mình. Anh luôn nói rằng càng đông càng vui, càng có nhiều bạn bên cạnh thì càng tốt”, Kemp kể tiếp.
Tình bạn của George và Andrew là nền tảng hình thành nên nhóm Wham huyền thoại. Cặp đôi này trở thành bạn thân kể từ ngày Andrew là đứa trẻ duy nhất tại trường Bushey Meads, ở Hertfordshire, giơ tay khi giáo viên yêu cầu ai đó giúp đỡ học sinh mới Georgios Panayiotou (tên khai sinh của George Michael).
MV Last Christmas đạt gần 1 tỉ lượt xem trên YouTube
Cả hai đều là con của những người nhập cư: cha Michael là người Síp gốc Hy Lạp, Ridgeley có nguồn gốc Ai Cập/Ý/Yemen. Âm nhạc chính là chất keo gắn kết họ lại với nhau.
George nhút nhát, tự ti nhưng có tài năng âm nhạc dồi dào và tìm thấy động lực cùng sự tự tin, sành điệu ở Andrew.
Trong khi đó, David Ridler gặp Andrew tại trường cao đẳng ở Watford. Chẳng bao lâu sau, người bạn thân nhất của David là Jonny và người bạn thân nhất của Andrew là George gia nhập nhóm, mở ra tình bạn thân thiết trong những năm tháng hoạt động của Wham.
“Lần đầu tiên tôi biết George khi anh ấy là người phục vụ tại rạp chiếu phim Odeon ở Watford. Khi đó George là bạn của Andrew”, David nhớ lại.
Họ vẫn giữ liên lạc khi David và Jonny đi học xa: David đến Bristol để học kinh doanh và Jonny đến London.
“Wham rất nổi tiếng, có những bản ghi âm giữ vị trí số một, nhận được sự hoan nghênh từ khắp thế giới. Mọi chuyện trở nên hơi điên rồ’, David nói.
‘Thật tuyệt vời, Jonny và tôi không có tiền, chúng tôi vừa mới ra trường. Andrew và George đã giúp chúng tôi mọi thứ. Chúng tôi được đưa đi khắp mọi nơi, vào thị trấn, thường xuyên đến hộp đêm, quán bar và có khoảng thời gian hoàn toàn vui vẻ. Mẹ của Andrew đã giữ những cuốn sổ lưu niệm có những bức ảnh chụp Andrew, tôi và Jonny bị đuổi khỏi hộp đêm, cảnh cả đám đánh nhau, và rất nhiều câu chuyện buồn cười khác. Chúng tôi mới 21 tuổi, đang có khoảng thời gian hiếm hoi bên nhau”, David bồi hồi kể.
Trước đây David – hiện là cha của hai đứa trẻ – từng là một huấn luyện viên lướt ván buồm bán thời gian, sống nhờ vào bờ sông nơi có nhà của bố mẹ. Theo như thừa nhận, anh phải vật lộn để kiếm sống.
1984 là một năm đặc biệt vì nhiều lý do. “Chúng tôi đã tổ chức các sinh nhật lần thứ 21 của George vào tháng 6 và của Andrew vào tháng 1″, David nói. Sau đó vào tháng 11, khi Giáng sinh đến gần, David được hỏi “bạn có muốn tham gia cùng chúng tôi và thực hiện video Giáng sinh này không?”.
Mỗi người bạn được trả 1.500 USD cho 2 ngày say xỉn và đùa giỡn. Khoảnh khắc nổi bật của David trong video là cảnh “người khiêng gỗ”, lững thững bước qua cánh cửa nhà gỗ với một chồng gỗ trên tay và một quả cầu tuyết mới tan trên đầu. Chớp mắt mà khoảnh khắc đó đã 40 năm.
Đặc biệt ồn ào là cảnh mà các vị khách tụ họp lại trong một bữa tối vui vẻ, tràn ngập rượu vang, trong đó nhân vật của George Michael nhìn buồn bã dọc theo bàn ăn đến nhân vật của Ridgeley, nép mình vào người phụ nữ (do nữ diễn viên Kathy Hill thủ vai) mà khán giả nhận ra là đối tượng tình cảm của anh trong MV Last Christmas.
“Những cảnh quay quanh bàn tiệc không cần phải diễn, vì chúng tôi rất vui với đầy đủ hương vị và bầu không khí của một bữa tiệc Giáng sinh”, Andrew nhớ lại.
Paul McCartney và George Michael (trái) biểu diễn tại buổi hòa nhạc Live 8 ở Hyde Park (London) ngày 2.7.2005. ẢNH: REUTERS
David và Jonny đã đồng hành cùng Wham trong chặng lưu diễn cuối cùng của họ tại Úc vào tháng 1.1985.
Thời hoàng kim ngắn ngủi của Wham kết thúc vào năm 1986. Nhóm biểu diễn buổi hòa nhạc cuối cùng tại Wembley (London) vào tháng 6.1986.
Ca khúc Giáng sinh buồn
Last Christmas giành được vị trí số một trên bảng xếp hạng vào ngày đầu năm mới năm 2023. Ca khúc tạo ra 377.000 USD tiền bản quyền mỗi năm. Toàn bộ số tiền này đều được quyên góp cho tổ chức từ thiện.
Dù sinh sau đẻ muộn, Last Christmas gần như lấn át mọi ca khúc Giáng sinh kinh điển trong năm 1984, lan ra toàn thế giới. Ca khúc luôn vang lên đều đặn vào các dịp Giáng sinh trong suốt 40 năm sau. MV Last Christmas đạt gần 1 tỉ lượt xem trên YouTube.
Last Christmas không ngừng gia tăng lượng truy cập khi xuất hiện vô số bản cover của các ca sĩ danh tiếng như Taylor Swift, Whigfield, Ariana Grande, nhóm Good Charlotte…
Tương tự như Happy New Year của ABBA, ca khúc Last Christmas thực ra chẳng mang dáng dấp gì của niềm vui Giáng sinh.
Bài hát kể về một chàng trai yêu một cô gái bằng cả trái tim. Anh thổ lộ tình yêu vào đêm Giáng sinh. Nhưng ngay ngày hôm sau, cô gái đã từ chối tình cảm đó. Bởi vậy, để quên đi nỗi đau, chàng trai đã tìm một ai khác xứng đáng trao gửi trái tim mình.
Last Christmas là tập hợp của mâu thuẫn: có niềm vui, hạnh phúc của mùa lễ hội nhưng cũng đầy nỗi buồn khắc khoải của mối tình đơn phương.
Dù chàng trai có nói rằng năm nay mình sẽ tìm một người mới, nhưng xuyên suốt bài hát vẫn chỉ là nỗi đau và những sự dõi theo âm thầm người yêu đơn phương.
“George có thể viết nên những bản nhạc số một trong khi ngủ. Không còn nghi ngờ gì nữa, anh ấy là một ngôi sao. Qua mọi thăng trầm của sự nghiệp, George là một người bạn tốt, một chàng trai đáng yêu. Trong hầu hết các buổi biểu diễn và chuyến lưu diễn của anh, tôi luôn có một chỗ ngồi trên máy bay phản lực riêng. Tôi đã rất, rất may mắn”, Jonny thú nhận.
Cả Jonny và David đều nhớ lại khoảnh khắc nhận cuộc gọi từ Andrew 8 năm trước, nói với họ rằng ca sĩ kiêm nhạc sĩ George Michael đã qua đời. Nỗi buồn của họ không thể diễn tả bằng lời.
Paul McCartney nhớ lại khoảnh khắc đau đớn sau sự qua đời của John Lennon
Paul McCartney một lần nữa trải lòng về nỗi đau tột cùng mà ông phải trải qua sau cái chết của huyền thoại John Lennon của The Beatles
Trong buổi phỏng vấn trên SiriusXM, nhạc sĩ/ca sĩ Paul McCartney đã nhắc lại thảm kịch vụ ám sát John Lennon vào năm 1980. Cái chết của huyền thoại âm nhạc John Lennon chính là cảm hứng cho McCartney sáng tác ca khúc Here Today - ca khúc tưởng nhớ thành viên cùng nhóm.
"Khi John Lennon chết, mọi thứ trở nên quá khó khăn", Paul McCartney nhớ lại, "Cả thế giới đều thương tiếc bởi John là một người đáng mến. Anh ấy là một người đặc biệt".
Vị nhạc sĩ 80 tuổi tiếp tục nhớ lại khoảnh khắc đau đớn khi người bạn cùng nhóm qua đời đã khiến ông gục ngã và "không thể nói thành lời".
Ảnh: Getty Images
"Tôi vẫn nhớ tôi đang trở về nhà từ studio vào ngày hôm ấy và chúng tôi nghe được tin rằng John đã qua đời. Chúng tôi bật TV lên và thấy mọi người bắt đầu hồi tưởng về anh ấy", Paul nói tiếp, "Tôi không muốn trở thành những người như thế, tôi không muốn lên TV và nói về việc John có ý nghĩa như thế nào với tôi. Tôi không làm thế được, tôi không thể nói thành lời, mọi chuyện trở nên quá sức".
Sau khi cảm xúc trở nên lắng đọng hơn, ca sĩ chính của The Beatles đã quyết định trở lại phòng thu và bắt đầu sáng tác ca khúc Here Today như một sự tri ân và tưởng niệm người bạn quá cố của mình.
Trong đêm kinh hoàng vào tháng 12/1980, John Lennon đã bị bắn sau khi đang trên đường về nhà ở New York. Lúc này, Mark David Chapman đã đợi sẵn và ngay khi thời cơ tới, hắn đã bắn 4 phát đạn vào thành viên The Beatles, ngay trước mặt vợ của ông. Nói về động cơ gây án, hung thủ cho biết tất cả là vì hắn muốn "tìm kiếm sự tự hào cho bản thân mình".