Chuyện chưa kể sau cánh cửa phòng karaoke ‘tay vịn’
Cánh cửa nhà nghỉ mở ra, Hiền thấy 3, 4 người đàn ông đang đợi mình. Hoảng hốt, chị tìm mọi cách để thoát ra ngoài.
LTS: Vì nhiều lý do, không ít cô gái trẻ bước chân vào con đường làm gái bán hoa. Sống cuộc đời tủi nhục, gặp nguy hiểm về tính mạng, sức khỏe, họ tìm cách để quay trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng đường về của họ liệu có dễ dàng?
Hiền có dáng người gầy và mái tóc dài. Giọng nói của Hiền nhỏ, nhỏ đến mức tôi nhiều lần phải chuyển máy ghi âm về gần hơn phía chị.
Dường như chị không muốn ai nghe về công việc của mình – cái nghề mà theo chị, bị cả xã hội khinh ghét – dù quán cà phê chúng tôi ngồi hôm ấy rất vắng.
Cứ thế, chị bắt đầu nói về cuộc sống của mình sau những ánh đèn mờ…
Cuộc sống sau ánh đèn
Một ngày làm việc của Phùng Thị Hiền (SN 1985, Sơn Tây, Hà Nội) bắt đầu từ 5 giờ chiều. Hiền khép cánh của căn phòng thuê ở phố Tôn Đức Thắng để đến chỗ làm – một quán karaoke trên đường Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa, Hà Nội).
Đến chỗ làm, việc đầu tiên của Hiền là trang điểm. Ở đây có một người làm nghề trang điểm thuê. Người này lần lượt dùng đồ nghề trang điểm cho những gương mặt đang ngồi chờ đợi. Họ mong son, phấn dưới ánh đèn màu sẽ che bớt tuổi tác, sự mệt mỏi trên gương mặt.
“Có người tự trang điểm được nhưng có những người vụng về như tôi thì phải nhờ đến thợ. Việc trang điểm kéo dài gần 1 tiếng đồng hồ. Sau đó, chúng tôi thay quần áo, bắt đầu công việc…”, Hiền nói.
Những cô gái như Hiền chờ đợi đến giờ làm. Khi khách phủ đầy các phòng hát, các cô gái lần lượt được gọi ra. Khách nhìn họ và chọn người qua cái vẫy tay hay gật đầu.
Phùng Thị Hiền. Ảnh: Nam Phương
“Tùy sự khéo léo và một chút may mắn, có người được cho nhiều (tiền boa), có người cho ít. Số tiền đó chia theo tỷ lệ 60-40% cho chúng tôi và người quản lý”, Hiền tiếp tục kể.
Không phải ngày nào họ cũng có khách. Những lúc rảnh rỗi, họ tranh thủ ăn vội bát bún, phở hay bánh mì và trò chuyện với những cô gái cùng nghề.
“Sau cuộc vui, nếu khách có nhu cầu sẽ yêu cầu chúng tôi di chuyển đến một nhà nghỉ. Có lúc chúng tôi đi cùng xe với khách, cũng có khi chúng tôi được nhân viên quán chở đến”, Hiền nói bằng một giọng đều đều.
Hiền mở cánh cửa phòng căn nhà thuê để nghỉ ngơi khi cả dãy phố đã im lìm. Kết thúc ngày làm việc, chị tẩy trang, thay quần áo. Người phụ nữ này lên giường ngủ khi đồng hồ đã chuyển sang 2 giờ sáng.
Giấc ngủ kéo dài đến 12 giờ trưa. Chị ngủ dậy, ăn trưa, sau đó lại chờ đến giờ đi làm.
“Ngày làm việc của chúng tôi quay vòng như thế. Tôi nhìn ánh sáng mờ mờ của quán hát nhiều hơn là mặt trời. Tôi làm bất kể ngày nào miễn là có tiền. Chỉ trừ có việc cưới hỏi, về thăm quê… tôi mới nghỉ”, Hiền tiếp tục nói về cuộc sống của mình.
Sau cánh cửa nhà nghỉ
Hiền không có ấn tượng quá nhiều với các khách hàng của mình vì như lời chị nói, tất cả chỉ là những giao dịch.
“Tôi gặp không ít những người khách say, không làm chủ được mình. Người ta đánh, chửi chúng tôi cũng phải chịu”, chị nói. Nhưng chưa đáng sợ bằng lần chị phải tìm cách thoát thân tại một nhà nghỉ cách đây nhiều năm về trước.
“Đó là năm 2010. Một khách đến quán hát. Anh ta yêu cầu một cô gái để “vui vẻ” cùng anh ta ở nhà nghỉ. Tôi được gọi ra. Thỏa thuận xong giá, tôi đi cùng xe của anh ta đến nhà nghỉ.
Lúc đầu, thoả thuận chỉ qua đêm với một người nhưng đến đó tôi hoảng hốt khi thấy 3 người đàn ông khác ở trong phòng.
Lúc này, người khách kia giải thích: “Bạn anh ngồi đây chơi tí rồi sang phòng khác” nhưng tôi đã đoán được tình hình.
Ảnh: Lê Anh Dũng
Tôi không dám để lộ ra là mình sợ. Nếu người ta biết mình hoảng hốt sẽ phát hiện tôi có ý định trốn và cơ hội thoát ra ngoài của tôi gần như bằng không.
Tôi tìm cách thoát thân bằng việc giả vờ khát nước và xuống tầng 1 để xin lễ tân chai nước lọc. Anh ta gật đầu. Chỉ chờ có thế, tôi chạy ra và thoát ra ngoài”, Hiền kể lại.
Hiền nói, bạn chị đã gặp trường hợp tương tự và không thể thoát được. “Bạn tôi chủ quan bị 3,4 người đàn ông khóa trái cửa phòng, không thoát được. Sau lần đó nó bị hành hạ đến bầm dập, mấy ngày sau mới hồi sức”, chị tiếp tục kể.
Lời đề nghị
Hiền lấy chồng từ năm 18 tuổi. Chồng chị là một người đàn ông cùng làng. Thấy gắn bó với đồng ruộng cuộc sống không thể khá lên, hai vợ chồng bàn để người chồng đi học nghề lái xe.
Hiền hi vọng anh có công việc ổn định, cuộc sống của họ sẽ đỡ vất vả. Tuy nhiên niềm hi vọng của chị nhanh chóng bị dập tắt từ ngày chị phát hiện ra chồng làm bạn với ma túy. Không những không đưa lương phụ vợ nuôi con, anh còn về nhà lấy hết tài sản đem đi.
“Có bao đồ đạc trong nhà anh ấy bán hết. Khi trong nhà không còn gì để lấy, anh ấy quay ra mượn xe máy của bạn bè, họ hàng đi cắm. Một lần, hai lần… rồi không biết bao lần mà kể. Số nợ tăng dần đến một ngày chúng tôi không còn khả năng trả”, chị nói.
Một ngày, thế giới như sụp đổ dưới chân chị khi người ta ấn chiếc còng số 8 vào tay chồng chị. Anh ta phải đi tù về tội lừa đảo.
Để có tiền nuôi con, nuôi chồng ở tù, chị ra Hà Nội làm thuê. Đó là năm 2007. “Ban đầu tôi làm công việc bưng bê ở một quán karaoke. Làm được 1 tháng, người chủ quán gọi tôi lên và có một lời đề nghị”.
Lời đề nghị này đã khiến cuộc đời chị rẽ sang một hướng khác.
“Cuối cùng tôi đi làm nghề này”. Khi được hỏi về người chồng, chị lắc đầu chua chát. Anh mãn hạn tù nhưng họ cũng đã là người xa lạ từ nhiều năm nay.
“Cuộc sống của tôi nay chỉ còn đứa con gái. Cô biết không? Cháu năm nay 13 tuổi rồi. Đây là lý do mà tôi nghỉ việc, kiếm kế sinh nhai khác. Con gái tôi lớn lên nó sẽ nghĩ sao nếu biết mẹ mình làm công việc này?”, Hiền tự hỏi rồi im lặng.
*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
Theo Nam Phương – Thanh Tâm (Vietnamnet)
Vụ trao nhầm con ở Ba Vì: 2 gia đình đoàn tụ
Hai gia đình đã thống nhất, trong bữa cơm ngày chủ nhật, các con sẽ gặp nhau, hai bên cùng bàn bạc về việc đoàn tụ của các con.
Anh Phùng Giang Sơn (28 tuổi, ở xã Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội) cho biết, theo dự định, chiều thứ 7, chị Hương sẽ đưa cháu Minh tới nhà anh dùng bữa cơm tối.
"Chị Hương gọi lại báo là do nội thành Hà Nội chiều nay mưa to, chưa thể đưa cháu về được. Dự kiến sáng mai, chị sẽ đưa cháu Minh tới" - anh Sơn nói.
Gia đình anh Sơn và cháu Hải
Theo anh Sơn, hai gia đình thống nhất trong bữa cơm ngày mai, các con sẽ gặp nhau, hai bên sẽ cùng bàn bạc cụ thể về việc đoàn tụ của các con.
"Chúng tôi mong sao trong thời gian sớm nhất sẽ đưa các cháu về đoàn tụ với gia đình. Mọi chuyện khác sẽ tính sau", anh Sơn bày tỏ.
Anh Sơn nói thêm, chị Hương đã gửi các giấy tờ liên quan đến cháu Minh để gia đình anh làm thủ tục cho con nhập học lớp 1.
Còn chị Vũ Thị Hương tối nay xác nhận, hiện tại, chị đang ở Hà Nội và chưa đưa cháu Minh về quê như dự định ban đầu.
"Hôm nay tôi bị tụt huyết áp, mới phải đi tiếp nước và cần nghỉ ngơi. Trời mưa quá nên chưa đưa cháu Minh về quê được.
Sáng mai, nếu trời tạnh ráo, mẹ con tôi sẽ về sớm", chị Hương nói thêm.
Gia đình chưa nói gì đến mức độ bồi thương
Trong cuộc gặp mặt hôm qua với đại diện BV đa khoa Ba Vì, nơi để xảy ra sự cố trao nhầm con, anh Sơn bày tỏ: "Gia đình tôi chưa nói gì đến mức bồi thường, quan trọng nhất vẫn là con cái. Bây giờ không phải là lúc tranh cãi nhau lỗi do ai mà phải phối hợp khắc phục, để 2 cháu tránh những vấn đề tâm lý".
Thời điểm năm học mới sắp tới gần. Anh Sơn muốn sớm nhận bé Minh về thay đổi tên họ, làm thủ tục nhập học. Thứ hai, con đang có vấn đề viêm giác mạc. Dù chị Hương đã chữa trị trong thời gian qua, nhưng gia đình mong muốn sớm nhất cùng phối hợp chữa trị. Thêm vào đó, anh cũng lo lắng những vấn đề tâm lý của con đẻ mình khi sinh trưởng trong môi trường bố mẹ từng mâu thuẫn, đổ vỡ hôn nhân.
Anh Sơn nói về định hướng thời gian tới cho hai cháu nhỏ
Gia đình anh Sơn chủ trương sẽ nuôi 2 bé. Việc này đã nhận được sự đồng thuận của gia đình chị Hương. "Ông Phượng, bố Sơn nói sẽ nhận nuôi 2 bé, sống cùng một nhà, để 2 bé gần gũi với nhau", bà Vũ Thị Trọng, 75 tuổi, mẹ chị Hương cho biết.
Hai gia đình dự định, cuối tuần này chị Hương sẽ mang bé Minh về dự đám giỗ bên nhà bố mẹ đẻ. Sau đó Minh sẽ sống cùng Hải, bố Sơn, mẹ Hiền cùng em trai 3 tuổi. "Mong trong hai tháng Minh làm quen được nếp sống mới, gần gũi với gia đình để bước vào năm học mới tốt nhất", anh Sơn đặt hi vọng.
Chị Phùng Thị Hiền, vợ anh Sơn, mẹ đẻ bé Minh cho biết, từ lúc phát hiện trao nhầm con cuối tháng 3/2018 tới nay, hai gia đình có khoảng chục cuộc gặp mặt cho Minh và Hải. Trong đó có một lần Minh ngủ lại cùng chị. Một lần bé Hải cũng lên nhà ngoại gần gũi gia đình và ngủ với mẹ Hương.
"Lúc vừa phát hiện sự việc, chị Hương nói với Minh là từ nay con sẽ có thêm một bố, một mẹ, thêm một em trai. Đó là bố mẹ ruột của con. Tương tự, gia đình mình cũng nói với Hải con sẽ có thêm mẹ Hương, thêm em", chị Hiền nói.
Từ lúc đó hai bé cũng gọi bố mẹ, ông bà nội ngoại. Vợ chồng anh Sơn và phía chị Hương cũng từng tổ chức các bữa đi chơi, đi siêu thị và để cho Minh, Hải lựa chọn bất cứ món đồ chơi nào mình thích.
Theo Nhị Tiến (VNN)
Vụ trao nhầm con ở Ba Vì: Xin hãy nghĩ đến các con! Vụ trao nhầm con ở Ba Vì (Hà Nội) đang là tâm điểm của dư luận. Mỗi người một ý, người dựa theo lý, người nói theo tình. Tôi cho rằng, việc hai cháu bé chưa được về với bố mẹ ruột của mình có nhiều lý do phía sau. Và, khi thỏa thuận, mọi người hãy nhìn vào đôi mắt của hai...