Chuyện chưa biết sau những phòng thi đặc biệt
Họ là những thí sinh khuyết tật, vượt qua muôn vàn khó khăn quyết tâm thực hiện ước mơ bước chân vào giảng đường đại học.
Thí sinh Võ Văn Nhật trong phòng thi đặc biệt. Ảnh: Đức Hoàng.
Trong các kỳ thi, họ được bố trí trong những phòng thi đặc biệt và phía sau những phòng thi ấy là câu chuyện dài về việc chuẩn bị chu đáo của nhà trường…
Một mình, 3 giám thị
Đợt 1 kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 đã qua nhưng câu chuyện của thí sinh Võ Văn Nhật (Đà Nẵng) quyết đi thi để mọi người biết khả năng chứ không nhận đặc cách đã khiến nhiều người xúc động. Nhật cho biết, vì chỉ có một mình nên phòng thi của em là phòng Hội đồng thi, số phòng 604. Thi môn tự luận, trong phòng thi rộng mênh mông, bên cạnh em là 3 giám thị như một phòng thi bình thường. Chuông điểm vào giờ làm bài, một giám thị đọc đề, Nhật làm bài trên máy chữ nổi Braille. Sau đó, giám thị dịch lại bài làm của Nhật qua chữ bình thường để kí và nộp bài như những thí sinh khác.
Ở bài thi môn trắc nghiệm, giám thị đọc cho em từng câu hỏi, Nhật phải tự nhẩm tính trong đầu và chọn kết quả các phương án ra giấy. Ở những câu tính toán dài, em phải nhẩm rất lâu. Một số câu phải cộng trừ nhiều, em nhờ giám thị bấm máy tính giúp. Tất cả quá trình làm bài của thí sinh này đều được ghi lại qua camera và ghi âm, đề phòng trường hợp giám thị “gà” bài. Ngoài một giám thị hành lang thuộc quân số của trường, giám thị 1 và giám thị 2 ở phòng thi của Nhật được thuê từ Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng) để có kiến thức đọc và phiên âm chữ nổi Braille.
Video đang HOT
Thí sinh Võ Văn Nhật cho rằng, cần có quy chế thi riêng cho người khiếm thị để đỡ thiệt thòi. Chẳng hạn, em mất khoảng 15 phút để đọc đề và mất nhiều thời gian để trả lời những lúc giám thị ghi chép chưa đúng khi so với bản chữ nổi. Tuy nhiên, thời gian làm bài của em không được kéo dài thêm. Nhiều thí sinh được cộng điểm ưu tiên nhưng những thí sinh đặc biệt như Võ Văn Nhật lại không được cộng điểm.
Trong đợt thi thứ 2 của kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay, tại Hội đồng thi ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ có một thí sinh khiếm thính dự thi. Ông Nguyễn Văn Hiển, Trưởng phòng Hành chính – Tổng hợp nhà trường cho biết, tổ chức cho thí sinh khiếm thính đơn giản hơn thí sinh khiếm thị. Tuy nhiên, nhà trường vẫn phải có phương thức đặc biệt để hỗ trợ thí sinh này. Theo kế hoạch, trong ngày làm thủ tục dự thi, Hội đồng thi nơi thí sinh này dự thi sẽ được mời thêm một giáo viên ngôn ngữ kí hiệu. Giáo viên này được điều từ khoa Giáo dục đặc biệt của nhà trường. Trong ngày thi chính thức, thí sinh khiếm thính này vẫn ngồi cùng các thí sinh khác. Nếu cần hỏi gì thêm, em sẽ được sự hỗ trợ của giáo viên ngôn ngữ kí hiệu.
Tính đến từng chi tiết nhỏ nhất
Còn nhớ cách đây nhiều năm, lần đầu tiên, một thí sinh khiếm thị tên Nguyễn Hữu Ất, quê ở Nghệ An đã gõ cửa khắp nơi để xin được thi ĐH vào khối A. Nhiều trường đã từ chối vì không thể lập một hội đồng thi riêng cho thí sinh khiếm thị. Bản thân nhà trường cũng không có tiền lệ đào tạo thí sinh đặc biệt. Ất đã viết lá đơn cảm động và thấm đẫm nước mắt gửi ĐH Quốc gia Hà Nội, rồi ra tận nơi gặp thầy hiệu trưởng và tìm đến Bộ GD&ĐT. Cuối cùng, ĐH Quốc gia Hà Nội đã quyết định tổ chức thi cho Ất (cụm thi ĐH Vinh).
Ất được bố trí một phòng thi đặc biệt với 2 giám thị, 1 cán bộ quay camera và một cán bộ bảo vệ. Tổng chi phí cho phòng thi đặc biệt này vào thời điểm năm 2007 là 6,5 triệu đồng. Bài thi chữ nổi của em được Hội đồng tuyển sinh mời giáo viên dạy ở trường Nguyễn Đình Chiểu dịch sang chữ bình thường. Các bài thi được rọc phách và chấm như những bài thi bình thường khác. Thí sinh này sau đó đã đỗ vào đại học và có học lực rất tốt.
Ba năm sau, thí sinh khiếm thị Hoàng Minh Quang (Lương Sơn, Hòa Bình) tiếp tục đăng kí dự thi vào khối A. Để chuẩn bị cho phòng thi đặc biệt của Quang, Học viện Hành chính Quốc gia cũng bố trí 2 giám thị, một camera, 10 cuộn băng ghi âm. Phương thức thi lúc đó là giám thị đọc đề, Quang tự nhẩm tính và đọc lời giải để giám thị chép, đồng thời ghi âm lại lời giải. Mọi phép tính em đều tự nhẩm vì quy định lúc đó không cho phép giám thị bấm máy tính giúp. Những hạn chế trong phương thức thi cho người khiếm thị đã khiến em không mấy tự tin về bài thi.
Theo ông Nguyễn Văn Hiển, với thí sinh có nỗ lực và thành tích học tập cao như một số em trên đây, độ khó của đề thi không đáng ngại bằng cách tổ chức thi ra sao. Vì thế, trường đã tạo mọi điều kiện để các em có thể làm bài tốt. Các em phải được bố trí phòng thi riêng vì việc đọc đề, ghi chép lời giải sẽ làm ảnh hưởng đến các thí sinh khác. Giám thị phải là những giáo viên chuyên biệt, có chuyên môn về môn thi đó để đọc cho chính xác. Nếu thí sinh muốn ra ngoài đi vệ sinh theo như quy định, giám thị hành lang sẽ là người đưa thí sinh đi theo quy chế. Vì vậy, khi xếp lịch trông thi, nhà trường phải xem đó là thí sinh nam hay nữ để xếp giám thị nam- nữ để đảm bảo tế nhị.
Theo VTC
Cảm phục cậu học trò khiếm thị tài năng
Chưa đầy 2 tuổi, nỗi bất hạnh ập đến khiến trước mắt em chỉ là khoảng không tối mịt. Vượt qua nghịch cảnh, em Võ Văn Nhật, lớp 12/2 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã gặt hái nhiều huy chương và giải thưởng về bóng đá, cờ vua và đánh đàn organ.
"Khó khăn mấy em cũng cố gắng học"
Niềm hạnh phúc khi nghe con bập bẹ hai tiếng "bố, mẹ" chưa được bao lâu thì vợ chồng cô Anh (mẹ em Võ Văn Nhật) đã ôm con mà đau từng khúc ruột. Chỉ nghĩ rằng mắt em bị vồng trắng nếu cố gắng chữa trị thì mắt sẽ sáng lại bình thường. Nuôi hy vọng ấy, bố mẹ Nhật cố gom góp những đồng lương công nhân ít ỏi, vay mượn khắp nơi để đưa con ra Hà Nội rồi lại về Đà Nẵng chữa bệnh. Nhưng càng nuôi hy vọng bao nhiêu thì lại tuyệt vọng bấy nhiêu, khi biết rằng con mình sẽ không còn nhìn thấy ánh sáng nữa.
Khi Nhật lên 6 tuổi, vợ chồng cô Anh thương con nên cũng muốn con được đi học để mong con sẽ được hòa nhập với cuộc sống. Những ngày đầu em còn rụt rè, ít nói nhưng nhờ sự tận tình của các thầy cô giáo trong trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu nâng đỡ và dìu dắt, em đã sớm quen dần với môi trường. Đặc biệt, khi chập chững bước vào lớp 1, Nhật may mắn được học chữ nổi Braille dưới sự động viên và quan tâm học trò của cô giáo Ngân. Cô là người thầy đầu tiên thắp sáng lên ước mơ và niềm đam mê trong Nhật.
Thương bố mẹ vất vả và ngặt nghèo với đồng lương công nhân ít ỏi nên Nhật đã cố gắng học tập ngay từ những ngày đầu bước vào ngôi trường này. Khi bước vào cấp II, em học chung với các bạn sáng mắt. Những ngày đầu thật sự rất khó khăn đối với một người không nhìn thấy ánh sáng như em. Thử thách của Nhật là việc đi đến trường, việc tiếp nhận kiến thức trên lớp. Em tâm sự: "Khó khăn mấy em cũng cố gắng học cho được kiến thức, chứ mình không biết mà lại không học thì tiếc lắm!". Những tập sách chữ nổi của các môn tự nhiên yêu thích luôn được em gối đầu giường. Kỳ kì thi học kỳ sắp đến, đêm nào Nhật cũng thức khuya mò mẫm từng con chữ nổi để ôn bài.
Bằng sự thông minh, chăm chỉ và cần cù nên nhiều năm liền Nhật được học sinh giỏi. Đặc biệt năm lớp 10 và 11, Nhật giành giải Ba và giải Khuyến khích học sinh giỏi Hóa học do thành phố Đà Nẵng tổ chức.
Ngày ngày cậu học trò khiếm thị vẫn miệt mài trau dồi đèn sách.
Đam mê bóng đá, cờ vua và đàn Organ
Không chỉ đam mê học tập, Nhật còn có thêm niềm đam mê đá bóng, cờ vua và chơi đàn organ. Được tiếp cận với sân đá bóng, Nhật cảm thấy tự tin hơn. Nhờ chơi bóng đá khéo léo và uyển chuyển, Nhật có thêm cơ hội để đi nhiều nơi để giao lưu bóng đá với các bạn khiếm thị và giành nhiều huy chương.
Bên cạnh những thành tích về bóng đá, Nhật còn chơi đàn organ rất hay. Nhật đã vinh dự đoạt huy chương vàng trong chương trình "Tiếng hát từ trái tim" do Hội Người mù thành phố Đà Nẵng tổ chức năm 2005. Sáu năm sau, bằng đôi tay đánh đàn khéo léo của mình, Nhật lại tự hào đứng lên bục trao giải thưởng huy chương bạc được diễn ra tại Hà Nội. Cũng trong năm đó, Nhật được ban tổ chức thành phố Đà Nẵng trao huy chương vàng trong cuộc thi đàn.
Càng tiếp xúc càng cảm phục cậu học trò khiếm thị nhưng đa tài. Bằng tinh thần đoàn kết và hợp sức cùng nhau Nhật và các bạn của mình đã giành huy chương đồng đồng đội môn cờ vua trong hội thi thể thao người khuyết tật toàn quốc được tổ chức năm 2010.
Khi được hỏi về ước mơ sau này của Nhật, em mỉm cười chia sẻ: "Từ năm lớp 9 em mong sau này mình có thể làm công việc kinh doanh. Em đang cố gắng học tập để thi đậu vào Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng. Em mong mình có một chiếc máy vi tính để tiếp cận thông tin, học hỏi, mở mang kiến thức đồng thời là một người bạn đồng hành để chắp cánh ước mơ trong tương lai".
Theo dân trí
Cảm phục thí sinh khiếm thị quyết tâm tự thi đỗ vào đại học Mặc dù khiếm thị, có thể làm hồ sơ xin đặc cách xét tuyển thẳng vào ĐH Đà Nẵng, nhưng thí sinh Võ Văn Nhật "bất đắc dĩ" phải nói dối với mẹ là em không được đặc cách. Nhật chia sẻ: "Em muốn tự thi đỗ vào đại học bằng chính sức mình". Thí sinh "đặc biệt" Võ Văn Nhật, đăng ký...