Chuyện chưa biết ở nơi bị ‘tập đoàn ác thú’ tàn sát
Tội ác như thế này, loài người trên thế gian, có thể tin được không?
Kỳ 1: Kỹ nghệ giết người tàn ác
Lịch sử nước Việt thời kỳ nào cũng nhiều nước mắt, đau thương, với rất nhiều vụ mà kẻ thù thảm sát người dân. Trong đó, vụ thảm sát Ba Chúc của “tập đoàn ác thú” Pol Pot, gây rúng động cả thế giới loài người. PV Báo điện tử VTC News đã dành nhiều ngày cùng sống với những người còn sót lại của vụ thảm sát ở vùng đất này, để ghi lại tội ác tày trời mà bọn ác thú Pol Pot đã gây ra cho người dân vô tội.
Đến vùng đất Ba Chúc, quả thực, không còn nhận ra nơi đây từng có vụ thảm sát kinh hoàng. Nhà cửa san sát, phố xá đông người. Trong hình dung của tôi, vùng đất Ba Chúc xác xơ, u tịch, nơi từng là một biển lửa, biển máu, biển xác người.
35 năm trôi qua, giờ chứng tích tội ác của bọn “ác thú”, và sự đau thương mất mát chỉ còn hiện diện ở khu nhà mồ, với chồng chất xương người.
Nhưng, bước chân vào mảnh đất này, vẫn có một cảm giác lành lạnh, u ám, khiến đôi chân như ríu lại. Dường như, mỗi tấc đất nơi đây, đều có xương thịt người vô tội và những oan hồn ẩn khuất chưa thể siêu thoát.
Có lẽ, ở Việt Nam, đây là thị trấn duy nhất, vùng đất duy nhất chẳng có rượu, bia, chẳng có nơi hát hò, giải trí. Vài quán ăn lèo tèo, chủ yếu là cơm chay.
Xác người dân vô tội do Pol Pot giết hại ở cánh đồng Ba Chúc
Bóng đêm buông, ít người đi lại. Đây đó, từ ngôi nhà sang trọng đến những túp lều gianh, phát ra tiếng tụng kinh, tiếng mõ. Nhà nào ở vùng đất này cũng có người chết thảm, thậm chí chết cả nhà, cả họ, nên bao nhiêu năm nay, người còn sống tụng kinh để những oan hồn được siêu sinh tịnh độ.
Nhà mồ Ba Chúc mới bị phá, để xây dựng lại khang trang hơn. Nơi nhà mồ ấy, xương cốt sẽ được trưng bày từng bộ, rồi nhiều vật chứng cũng được bày biện để thế hệ sau thấy được sự mất mát, đau thương của thế hệ trước, là cái giá cho những ngày yên bình này.
Video đang HOT
Những hộp sọ u buồn
Một ngôi nhà nhỏ, cỡ 30 mét vuông, tường kính được dựng tạm trước chùa Phi Lai. Trong ngôi nhà ấy, chất chồng xương cốt.
Ông Nguyễn Văn Tiệm, dáng người mảnh khảnh, khuôn mặt u buồn, dẫn tôi đi một vòng quanh ngôi nhà tạm chứa xương. 1.159 bộ hài cốt, trong tổng số 3.157 mạng người Ba Chúc bị Pol Pot sát hại, xếp chồng chất trong nhà mồ.
Ông Nguyễn Văn Tiệm trở thành người kể chuyện ở khu di tích Ba Chúc
Đủ 1.159 hộp sọ được phân loại theo độ tuổi, bày biện trên giá thép. Trên hộp sọ in một dãy số ký hiệu. Những hộp sọ to nhỏ, với 2 hốc mắt nhìn ra ngoài u uẩn.
Ông Tiệm kể, nhiều người yếu tim, đến khu nhà mồ, nhìn những hình ảnh sọ người, đã ngất xỉu, thậm chí mất kiểm soát tâm trí như thể bị ma nhập, nên phải khênh đi nơi khác.
Ông Tiệm là cựu chiến binh, là nhân chứng sống của vụ thảm sát năm xưa. Gia đình ông ở mãi huyện Tân Châu, nằm sâu trong nội địa.
Ông lấy vợ ở Ba Chúc, rồi ở rể, tham gia dân quân chiến đấu chống Pol Pot ở vùng biên giới. Ngày đó, gia cảnh nhà ông khá giả, nên ông sắm được xe Honda 67 và cũng chính nhờ chiếc xe đó, mà gia đình ông thoát chết.
Khi quân Pol Pot quấy nhiễu dọc biên giới, bộ đội đã sơ tán dân. Đã có cả ngàn cư dân Ba Chúc được sơ tán vào trong, nhưng đi được thời gian, thấy tình hình yên ổn, người dân lại tìm về.
Những hộp sọ trong nhà mồ
Quê ông ở Tân Châu, bố mẹ vẫn ở đó, nên ông dùng xe máy chở vợ con về quê nội, rồi tiếp tục cầm súng quay lại Ba Chúc. Đó chính là lý do gia đình ông được vẹn toàn.
Nhưng, phía nhà vợ ông thì thực sự thảm khốc. Gần như đại gia đình bên vợ đều bị bọn “ác thú” Pol Pot giết sạch. Cả họ bên vợ chỉ còn lại vài mống người.
Là người chứng kiến toàn bộ cuộc thảm sát của bọn Pol Pot, nên ông được hội cựu chiến binh và chính quyền chọn làm “người kể chuyện” ở khu vực nhà mồ cho khách tham quan.
Kỹ nghệ giết người
Ông Tiệm từng tham gia gom xác, đốt xác để lấy xương, rồi cuốc đất tìm xương, lặn ngụp dưới sông vớt cốt, nên ông hiểu rất rõ về những bộ cốt trong nhà mồ. Nhìn vào mỗi hộp sọ, dù không biết đó là của ai, nhưng ông có thể thấy rõ hành động của bọn “ác thú” với những nạn nhân.
Trong số những hộp sọ trong nhà mồ, có rất nhiều hộp sọ có 3 đường nứt đều nhau, giao nhau ở đỉnh sọ, ngay dưới trán lên. Tôi thắc mắc, thì ông Tiệm giải thích rằng, những hộp sọ vỡ kiểu này là do bọn Pol Pot dùng chiếc vồ, hoặc gậy gỗ mun nhắm thẳng vào đỉnh đầu người vô tội rồi đập một cú trời giáng.
Hộp sọ với những vết nứt đều nhau của những nạn nhân bị sát hại bởi gậy gỗ mun
Ngày đó, mỗi nhóm Pol Pot có vài tên được trang bị gậy hoặc vồ bằng gỗ mun, thứ gỗ cứng như thép, nặng như thép, dai như thép. Bọn khốn nạn đó luôn kè kè cây gậy bên mình. Cây gậy đó lấy được càng nhiều mạng người, thì chủ nhân của nó càng được tôn trọng và trong con mắt của chúng, cây gậy đó mới đáng quý.
Những cây gậy gỗ mun là thứ ám ảnh kinh hoàng với 2 triệu đồng bào Campuchia vô tội, bị bọn Pol Pot hành hình. Chủ nhân của những cây gậy này chỉ cần vung lên một lần, là một mạng người bị cướp đi một cách oan khốc.
Những chiếc sọ người với 3 đường nứt đều chằn chặn như thế, thể hiện “trình độ” giết người của bọn Pol Pot đã đạt đến mức độ nhuần nhuyễn.
Ông Nguyễn Văn Tiệm lọ mọ mở cánh cửa căn nhà cấp 4, gọi là Nhà trưng bày chứng tích tội ác của bọn Pol Pot. Bước vào ngôi nhà, dường như, đôi chân tôi muốn khụy xuống. Trên 4 bức tường là những hình ảnh không dành cho người yếu tim. Những xác người chất chồng chết theo tư thế thảm khốc nhất.
Gậy gỗ mun dùng để giết người vô tội của bọn Pol Pot
Cây gậy gỗ mun được tiện cầu kỳ nằm im lìm trong tủ kính với dòng chữ: “Dùi: bọn Pol Pot dùng đập đầu tàn sát nhân dân Ba Chúc năm 1978″. Cây gậy gỗ mun nặng trịch này giải mã cho cái chết của hàng ngàn nạn nhân Ba Chúc, hàng triệu người dân vô tội Campuchia, mà chứng tích để lại là những hộp sọ với 3 vết nứt chạy đều gặp nhau ở đỉnh sọ.
Trong chiếc tủ kính ấy, còn nhiều gậy nữa. Khúc tầm vông chỉ bằng cổ tay người lớn, dài cỡ 1m, nhưng nó đã giết hại vô số trẻ em vô tội. Bọn ác thú dùng khúc tầm vông vụt vào gáy, khiến những em nhỏ chết ngay tức khắc. Cú vụt của chúng mạnh đến nỗi, những hộp sọ trẻ em đều nứt một đường ngang, làm vỡ đôi hộp sọ, tách nửa trên với nửa dưới.
Nhưng, đau xót và căm phẫn nhất, là cây gậy tầm vông nhọn hoắt một đầu. Bất cứ một con người lương tri nào trên thế giới này, khi nhìn cây gậy, nhìn những tấm hình treo trên tường, và nghe lời thuyết minh của ông Tiệm, đều không khỏi phẫn uất, rùng mình. Những kẻ lạc loài ở bên kia biên giới đã dùng những cây gậy nhọn này thọc vào chỗ kín của phụ nữ, xuyên tận lên đến cổ.
Tội ác như thế này, loài người trên thế gian, có thể tin được không? Một cảm giác uất hận cứ nghèn nghẹn nơi cổ họng.
Theo Dương Phạm Ngọc (vtc.vn)
Người đàn bà sống với hàng nghìn hài cốt
35 năm nay bà Hà Thị Nga (SN 1939, ở ấp An Định A, thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) lặng lẽ canh giữ khu di tích nhà mồ Ba Chúc - nơi lưu giữ 1.151 bộ hài cốt trong tổng số 3.157 thường dân bị Pon Pot sát hại trong cuộc thảm sát lịch sử. Những ngày tháng tư, chúng tôi trở lại vùng đất đó, nghe nhân chứng sống kể lại ký ức hãi hùng.
Hồi ức một ngày tháng tư bi thảm
Thật là khó khăn để gợi cho bà Nga kể lại những chuyện xảy ra trong quá khứ mà với ai trải qua cũng đều là nỗi đau quá lớn. Đến tận bây giờ, những gì xảy ra trong cuộc thảm sát đó đã hằn sâu và như thước phim quay chậm lại trong từng lời kể của bà. Đó là thời điểm năm 1977 quân Pon Pot tràn qua biên giới, nã đạn pháo và tập kích bắn giết vô cớ những thường dân vô tội tại 8 tỉnh biên giới Tây Nam. Trong đó làng Ba Chúc của bà, cách biên giới Tây Nam chỉ 7km, cũng là mục tiêu quan trọng của đội quân diệt chủng. Chúng liên tục gây tội ác kinh hoảng trên dưới 30 lần trong một khoảng thời gian ngắn, làm cho người dân phải tháo chạy vào khu vực núi Tượng gần đó để ẩn náu. Theo tư liệu lưu trữ thì giai đoạn gây tội ác kinh hoàng nhất của đội quân Pon Pot là từ ngày 18/4 đến ngày 30/4/1978 với 3.157 người dân phải bỏ mạng đớn đau; trong đó có đến 100 người trong dòng họ của bà Nga, riêng gia đình bà tất cả 37 người.
Khi nhắc lại cái ngày đau đớn đó, đôi mắt bà Nga ngân ngấn nước mắt. Bà kể: "Ban đêm thì chúng tràn lên núi lùng sục, vây hãm truy sát người dân, bắt được ai là chúng tra tấn man rợ sát hại với những cách dã man nhất; đa phần là phụ nữ và trẻ em, riêng phụ nữ thì bị hãm hiếp trước khi bị chết tức tưởi dưới bàn tay Pon Pot. Ban đêm chúng cũng tràn xuống làng ngang nhiên cướp phá, giết hại không chừa một ai".
Khi ấy bà Nga đã 39 tuổi làm nông cùng với chồng để nuôi 6 mặt con. Thế nhưng khi cuộc thảm sát xảy ra, bà đã chứng kiến rõ ràng, tận mắt cảnh những người thân yêu nhất bị chết thảm trước mặt mình. Từng cơ thể của những đứa con do bà dứt ruột sinh ra bị xé toạc, bị đập đầu và chúng kêu cứu trong tuyệt vọng "má ơi! cứu con!" nhưng bà không làm gì được trong hoàn cảnh ấy. Sự thoát chết của bà là một chuyện hi hữu, có phần kỳ lạ. Khi đó bà cố rướn người che chở cho những đứa con thân yêu của mình nhưng lực bất tòng tâm, bị quân Pon Pot bắn thẳng một viên đạn xuyên qua cổ họng, lần lượt những đứa con của bà chết tức tưởi, trước khi bỏ đi một tên còn dùng đá đập vào đầu bà làm bà bất tỉnh.
"Khi tôi tỉnh lại trời xế chiều, một cảnh hãi hùng nhất mà suốt đời tôi nhớ như in, là cảnh chết chóc vây quanh tôi, thi thể các con, người thân la liệt. Tôi bắt đầu chạy trốn". Đó là 12 ngày dài nhất trong lịch sử của đời bà Nga khi bà phải trốn chui, trốn lủi, ban ngày ẩn nấp trên núi Tượng, đêm thì đi lang thang như người mất hồn. Kỳ lạ thay trong 12 ngày đêm, bà đã biết bao nhiêu lần đối mặt với đội quân diệt chủng Pon Pot nhưng may mắn là chúng không phát hiện ra bà. Kỳ tích hơn nữa là những vết thương trên cơ thể bà, dù không thuốc men, phải lội trong cảnh bùn lầy nhơ nhớp thế nhưng tự dưng lành lại. Thoát được cuộc truy cùng, diệt tận ấy, sau 12 ngày đêm bà Nga đã được cứu chữa.
Chỉ một năm sau, năm 1979, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang đã xây dựng khu nhà mồ Ba Chúc hay còn gọi là khu chứng tính tội ác Pon Pot, rộng trên 3.000m2 để tưởng nhớ những thường dân vô tội chết thảm trong cuộc thảm sát, cũng như lên án tội ác của quân diệt chủng để nhân dân cả nước và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới biết. Ở Việt Nam này, chỉ có một đám giỗ tập thể lớn nhất, đó chính là ngày giỗ của hàng nghìn người dân vô tội đã mất dưới bàn tay của Pon Pot ở làng Ba Chúc này.
Bà Hà Thị Nga - nhân chứng về những tội ác kinh hoàng do Pon Pot gây ra ở An Giang
Chuyện về người canh nhà mồ
Hàng năm biết bao nhiêu lượt du khách trong và ngoài nước tìm đến khu di tích nhà mồ Ba Chúc để tham quan, để biết về tội ác của đội quân diệt chủng một thời. Dưới cái nắng nóng hay mưa rả rích của trời miền Tây, du khách hay tìm đến quán nước sập xệ cách khu di tích không bao xa để trú tạm hoặc uống nước. Ít ai biết, cái quán nhỏ đó là nơi trú thân của bà Nga - người canh nhà mồ Bà Chúc kể từ khi nó được xây dựng đến nay.
Đó là khi quân Pon Pot bị đẩy lùi sang bên kia biên giới, làng Ba Chúc yên bình, người dân và chính quyền thu gom hài cốt đưa về. Khi hài cốt đưa về tập trung, nhiều người còn sống sót như bà Nga không chứng kiến nổi cảnh tượng hãi hùng đã bỏ đi biệt xứ từ dạo ấy. Chỉ có bà là ở cạnh bên những bộ hài cốt cho đến khi được chuyển vào khu nhà mồ. Bà kể "ban đầu khi mới chuyển về tôi biết rõ đâu là hài cốt của chồng, của con; nhưng sau đó hài cốt được sắp xếp lại. Đến giờ tất cả những người an nghỉ ở đây đều là người thân của tôi cả". Chúng tôi có hỏi bà vì sao lại ở lại cái vùng đất quá đỗi bi thương, cứ nhìn vào là khơi gợi nỗi đau quá khứ? Bà trần tình "vì ở đây có chồng, có con tôi. Họ cần tôi có mặt để chăm sóc. Tôi ở đây cảm thấy bình yên và làm tất cả để trọn chữ tình với những người đã khuất bóng". Cứ thế bà tự nguyện ở lại và làm người giữ gìn khu nhà mồ này suốt 35 năm qua, mà không đòi hỏi lương bổng hay bất kỳ quyền lợi nào, bởi đó là nghĩa vụ của bà đối với người đã khuất.
Hàng ngày vào mỗi buổi sáng bà ra khu nhà mồ quét dọn, hương khói đầy đủ rồi quay về quán nước xập xệ của mình buôn bán mưu sinh. Tối đến thi thoảng bà ra khu nhà mồ cầu nguyện, khấn vái cho những người thân. Bà lặng lẽ trở về quán nước, cạnh bên là chiếc cát-sét nhỏ đưa bà vào giấc ngủ để rồi mai thức giấc cứ công việc đều đặn như thế. Bà kể, thời điểm bận rộn nhất của bà có lẽ là tháng tư này, bởi lẽ đây là ngày giỗ tập thể cho hơn nghìn người thân của bà. Khi vào quán nước của bà, ai cũng thấy tài sản hiện giờ quý giá nhất là chồng mâm hơn 80 chiếc và chồng chén đĩa cao ngất, bởi đó là những vật dụng bà làm giỗ hàng năm, bà giữ gìn như của quý. Rất nhiều lần có những đoàn nhà báo trong nước và quốc tế đến lật lại hồ sơ của vụ thảm sát ngày xưa. Họ đều tìm đến bà Nga để nghe bà kể lại chuyện quá khứ hãi hùng của một nhân chứng trực tiếp và nhờ bà chỉ dẫn cho những cảnh quay sống động. Bà lặng lẽ đáp ứng các yêu cầu, bởi theo bà đó cũng là nhiệm vụ bà phải làm để cho người dân khắp nơi biết về tội ác của Pon Pot trong một giai đoạn lịch sử.
Khi chúng tôi rời nhà mồ Ba Chúc màn đêm cũng bắt đầu buông xuống. Bà Nga ra khu nhà mồ để trò chuyện với hàng nghìn người thân. Ở đất này ai cũng gọi bà là "má Tư nhà mồ". Trước khi chia tay bà nói rằng "Giờ tôi mong ước sống lâu để chăm sóc cho những người thân tôi đang ở nhà mồ, chết đi cũng mong được ở gần họ. Tôi cũng mong sao vùng đất nghèo này khởi sắc lên". Đó là mong ước quá đỗi giản dị của người đàn bà đi qua giông bão khủng khiếp nhất của cuộc đời.
Theo 24h
LHQ cho tòa án xử Khmer Đỏ vay 2 triệu USD Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 1/4 thông báo cho tòa án Campuchia xét xử các cựu lãnh đạo Khmer Đỏ vay 2 triệu USD để trả lương nợ các nhân viên mấy tháng qua. Văn phòng Tòa án xét xử tội ác Khmer Đỏ tại Campuchia, được LHQ hậu thuẫn, thông báo, khoản vay 2 triệu USD sẽ được dùng để trả lương...