Chuyện cho con, bán con ở các bệnh viện
Mang nặng đẻ đau nhưng có những bà mẹ vì nhiều lý do đành cho đi giọt máu của chính mình. Có cung thì có cầu, những người môi giới việc này cũng bắt đầu xuất hiện trong các bệnh viện.
Các trẻ em bị bỏ rơi được nhà chùa nuôi dưỡng. Ảnh: L.N.
“Có con bé làm công nhân bị dính bầu bị người yêu bỏ. Tháng sau nó sinh, chú cần tui giới thiệu nó bán con cho. Con trai!”- người phụ nữ tên M., nhân viên lao công Bệnh viện Từ Dũ giới thiệu.
Cô công nhân mà bà M. nói tên Huệ, năm nay 21 tuổi, ở Hậu Giang. Lên làm công nhân may ở khu công nghiệp Tân Bình được 2 năm, Huệ quen một anh chàng ở huyện Bình Chánh, TPHCM. Tưởng tình yêu của họ sẽ đơm hoa kết trái nhưng kết cục khi cái thai đã được 5 tháng thì Huệ mới nhận ra mình gặp phải anh chàng họ “Sở”. “Nó bỏ em đi theo con khác khi em đã có bầu 5 tháng. Không phá được thai, em định đẻ con ra sẽ bán hoặc cho ai có nhu cầu nuôi”- Huệ nói.
Cái thai giờ đã được 7 tháng. “Vậy em cần bồi dưỡng bao nhiêu”- Tôi hỏi. “Em không bán mà cho thôi, nhưng anh hỗ trợ em 20 triệu, chi phí sinh anh lo”- Huệ trả lời và hẹn tôi tháng sau sinh sẽ liên lạc lại thông qua bà M. “Đến khi nào em sinh, em sẽ nhờ cô M. gọi, sau đó anh cứ đến để nhận em bé”- Huệ dặn.
Sáng 25/11, tôi gọi điện lại cho bà M. Bà hẹn gặp tại Bệnh viện Từ Dũ. Khi nghe tôi trình bày không muốn chờ cô công nhân tên Huệ sinh vì như vậy quá lâu, bà M. nói “để cô hỏi lại chị H. xem có đứa nào bỏ con không thì nhận”.
Nói xong, bà M. giải thích thêm: “Chị H. cũng làm ở công ty vệ sinh nhưng là quản lý của tôi. Bà ấy thường xuyên vô ra ở các phòng sanh, phòng sơ sinh nên nắm được thông tin ai cho con, ai không nuôi”.
“Nếu không có thì ngày mai tui liên lạc với cô C. ở bên Bệnh viện Nhân dân Gia Định hỏi xem. Thi thoảng bên đó cũng có mấy đứa bỏ con”- bà tiếp.
Theo bà M., bà làm lao công ở đây đã được 3 năm. Do có nhiều cặp vợ chồng bỏ con hoặc các đôi công nhân, sinh viên lỡ dính bầu nhưng gia đình không cho cưới, hoặc bị người yêu bỏ lúc mang thai nên sau sinh, mấy người này đều bỏ con hoặc cho.
Thấy vậy, bà M. lần tìm những người hiếm muộn, có nhu cầu nhận mua con để “giải quyết” cho những trường hợp này. “Tui thấy ai có nhu cầu thì giới thiệu thôi, còn chuyện có ai cho, bán con sau sinh hay không thì chị H. lo hết”- bà M. kể.
Cho tôi số điện thoại, bà dặn dò: “Cứ gọi cho H. nói cần con để xem chị ấy có mối không. Tui nghe có đứa con gái mới sinh đang cần cho đấy, giá 20 triệu”.
Video đang HOT
Sau đó, bà M. gọi thông báo: “Có con bé mang bầu 2 tuần nữa sinh, con xem cần thì cô giới thiệu”.
Bà bảo, khi đang dọn dẹp vệ sinh trong khuôn viên bệnh viện thì thấy con bé mang bụng bầu đi xin tiền của mấy thân nhân nuôi bệnh để đóng tiền trọ.
Lân la làm quen, bà biết được cô gái này tên Hồng, 23 tuổi làm công nhân ở quận Thủ Đức bị người yêu bỏ. “Nó nói có ai lo chi phí cho nó ăn ở, sinh ở bệnh viện Từ Dũ thì nó bán đứa con luôn”- bà M. nói.
Tôi hỏi cô gái đó đang mang thai con trai hay gái? Bà M. bảo con gái. “Nếu được khi sanh thì con tới làm giấy tờ khai tên vợ con, rồi làm giấy chứng sanh cho tụi con luôn, không liên quan gì đến phía con ấy cả”- bà M. hướng dẫn và “xin” tôi hai triệu tiền công gọi là “chi phí dẫn mối”.
Bà M. đang giới thiệu với một người cần xin con ngay trong khuôn viên Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: L.N.
Có tiền là có “con”
Bà M. chỉ là “cò con” chuyên kiếm mối bà bầu còn mọi chuyện sanh nở, giấy tờ và giao dịch đều phải qua tay chị H. đảm nhận. Trưa 27/11, sau khi được bà M. gọi điện giới thiệu trước, tôi mới gọi điện thoại hẹn H. để nhờ chị này kiếm cho em bé. H. đồng ý và hẹn lại trưa hôm sau gặp tôi để bàn bạc.
Tuy nhiên, chiều cùng ngày H. gọi lại: “Có bé gái nặng 2,5kg mới sinh được 3 ngày. Bé khỏe mạnh, không bệnh tật, dị tật gì”. “Em sẽ lấy”- tôi đáp. “Giá 25 triệu nhưng bây giờ giấy khai sinh là mẹ nó đứng tên rồi.
Nếu anh muốn làm thủ tục giấy tờ luôn để đứng tên vợ anh trong giấy chứng sanh thì đưa em thêm 7 triệu nữa”- H. ra giá và sau đó hẹn sau 4 giờ chiều 28-11, gặp nhau để “xem mắt” em bé rồi tính.
4 giờ chiều 28/11, H. gọi điện hẹn tôi ra một quán cà phê ở quận 1 để gặp mặt em bé. H. người mập, khoảng chừng 30 tuổi tự giới thiệu là quản lý của nhóm lao công vệ sinh tại Bệnh viện Từ Dũ.
Gặp tôi, chị này trần tình: “Lẽ ra em đưa mẹ con em bé ra anh gặp nhưng bà mẹ huyết áp cao nên bác sĩ không cho xuất viện. Vài ngày nữa khỏe, em cho gặp rồi anh nhận bé luôn”.
“Như đã thương lượng hôm trước, anh đưa cho bà mẹ 25 triệu, thêm 7 triệu làm giấy tờ. Còn phần em anh cho bao nhiêu thì cho”- H. nhắc lại. Lấy lý do “vợ không muốn xin con gái” nên chúng tôi hẹn lại H. xin giúp con trai.
Tại đây, khi nghe tôi trình bày một người bạn cũng vô sinh đang cần con, H. không giấu giếm: “Có con bé cũng bị người yêu bỏ, nó định sinh xong thì cho con. Hai tuần nữa nó sinh, nếu bạn anh cần, em giới thiệu cho nhận luôn”.
H. cho biết, sản phụ này siêu âm có kết quả là con gái. “Nếu có ai cần thì anh giới thiệu cho em. Giá 25 triệu đồng. Viện phí sanh nở anh lo hết”- H. nói. Hôm sau, H. gọi lại thông báo, vừa có bé gái mới sinh 2 ngày tại một bệnh viện tư ở TPHCM.
“Nhưng bé này có giá cao hơn, 30 triệu anh nhé”- H. nói với tôi rồi dặn: “Anh lấy hộ khẩu và giấy chứng minh nhân dân của vợ anh đưa em, em sẽ làm giấy tờ chứng sanh đứng tên vợ anh luôn”.
Theo H. ngoài số tiền 30 triệu, mỗi ca giao dịch thành công “anh cho em 3 triệu gọi là tiền kết nối”.
Theo Dantri
Nghĩa cử cao đẹp của chàng sinh viên Lào 9 lần hiến máu
Xuất phát từ suy nghĩ muốn được sẻ chia giọt máu quý giá của mình cho những bệnh nhân nghèo cần tiếp máu, Nó Khăm Phăn Xu Khăn Thon - chàng sinh viên người Lào ở lớp Quản trị kinh doanh K51, Trường ĐH Quảng Bình đã 9 lần tham gia hiến máu tình nguyện.
Khăn Thon sinh ra trong gia đình đông anh em ở huyện Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn, tỉnh Sa-vẳn-na-khệt (Lào). Bố mẹ đều là công nhân nên Khăn Thon sớm thấu hiểu được những vất vả lo toan của bố mẹ khi phải lao động mệt nhọc để nuôi nấng mấy anh chị em ăn học nên người. Và cũng chính từ đó, Khăn Thon càng cảm thông, chia sẻ những khó khăn trước những số phận kém may mắn trong xã hội.
Những ngày đầu sang Việt Nam theo học, Khăn Thon mới biết được hành động hiến máu tình nguyện ở đây mang ý nghĩa nhân văn cao cả là giúp đỡ những bệnh nhân nghèo cần được tiếp máu để kéo dài sự sống. Khi Đoàn trường, Hội Sinh viên phát động phong trào hiến máu nhân đạo trong toàn trường, Khăn Thon đã mạnh dạn đăng ký tham gia.
Khăn Thon luôn xem hoạt động hiến máu tình nguyện là một việc làm mang tính nhân văn cao cả.
Khăn Thon tâm sự: "Lần đầu tiên em hiến máu là xuất phát từ cuộc vận động của nhà trường chứ thực sự chưa hiểu gì nhiều về hiến máu nên cũng thấy lo lắng. Nhưng qua việc tuyên truyền cũng như tự tìm hiểu trên mạng, em thực sự mới thấy việc hiến máu không ảnh hưởng đến sức khỏe, dòng máu cho đi sẽ có dòng máu mới được hồi sinh trong cơ thể.
Qua mỗi lần hiến máu tình nguyện luôn để lại trong trái tim em một niềm vui khó tả. Em nhận thấy hiến máu tình nguyện là việc làm bình thường nhưng mang ý nghĩa nhân văn cao cả, bởi khi gửi một đơn vị máu vào ngân hàng máu, bạn không chỉ chia sẻ sự sống của mình cho mọi người mà còn được nhận lại đúng lượng máu đã hiến khi cần. Sống và học tập ở Việt Nam nhiều năm đã cho em biết được điều này", Khăn Thon trải lòng.
Không chỉ tham gia nhiệt tình trong phong trào hiến máu tình nguyện, Khăn Thon còn là một thành viên tích cực trong các hoạt động do Hội Sinh viên Trường ĐH Quảng Bình phát động. Mỗi khi có phong trào tình nguyện về giúp đỡ những miền quê nghèo, vùng lũ lụt là em lại nhiệt tình đăng ký tham gia. Không những thế, các hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ do nhà trường tổ chức Khăn Thon cũng rất năng nổ. Khăn Thơn còn là thành viên tiêu biểu của Ban liên lạc Hội Sinh viên Lào tại Trường ĐH Quảng Bình.
Với những thành tích đáng ghi nhận, Khăn Thon là một trong số 10 sinh viên Lào được Hội Sinh viên Trường ĐH Quảng Bình tặng nhiều bằng khen về các hoạt động như: văn nghệ, tình nguyện, xung kích vì cuộc sống cộng đồng. Và với hoạt động hiến máu tình nguyện, em cũng được Hội Chữ thập đỏ trao tặng bằng khen.
Bên cạnh các hoạt động xã hội, Khăn Thon còn rất coi trọng chuyện học tập. Em chia sẻ: "Dù vốn tiếng Việt của em đã tiến bộ hơn rất nhiều nhưng vẫn chưa thành thạo để có thể hiểu hết những gì mà các thầy, cô giảng trên lớp. Vì vậy, có gì chưa hiểu em đều được các bạn giúp đỡ hết sức nhiệt tình. Hơn nữa năm nay là năm cuối em chuẩn bị tốt nghiệp nên phải đầu tư cho thời gian học nhiều hơn."
Ngoài việc năng nổ tham gia các hoạt động xã hội, những ngày này Khăn Thon đang miệt mài học tập.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Vương Kim Thành - Chủ tịch Hội sinh viên Trường ĐH Quảng Bình cho biết, Nó Khăm Phăn Xu Khăn Thon là một sinh viên năng động và có nhiều thành tích trong các hoạt động do Hội SV phát động. Vì là sinh viên nước ngoài nên các hoạt động bên ngoài của các em đều phải được sự đồng ý của Ban giám hiệu nhà trường. Bên cạnh các hoạt động chung, Khăn Thon là một trong những sinh viên có thành tích học tập khá, luôn được các thầy cô, bạn bè giành sự quan tâm đặc biệt.
Chia tay chàng sinh viên người Lào với những nghĩa cử thật cao đẹp, tôi nhớ mãi câu nói của Khăn Thon: "Trước khi ra trường, em sẽ cố gắng thuyết phục các thầy cô cho em hiến máu tình nguyện thêm lần 1 nữa để cho tròn 10 lần. Giúp được một người dân Việt Nam lúc khó khăn hoạn nạn là em luôn thấy vui và ý nghĩa".
Đức Tài
Theo dân trí
'Yêu trên từng ngón tay' Phụ trách truyền thông tập đoàn lớn, là nhà văn, nhà hoạt động xã hội, khó tin đó là một cô gái nhiễm dioxin, không thể tự đi, chưa từng đi học. Cô gái Trần Trà My luôn lạc quan trong cuộc sống Tôi biết Trà My cách đây năm năm, khi My vừa từ Quảng Trị vào sống tại làng Hoà Bình...