Chuyện chắt vua Minh Mạng may gối tặng Đại tướng
Là chắt nội của Vua Minh Mạng, năm 80 tuổi, cụ bà Công Tôn Nữ Trí Huệ vinh dự ra Hà Nội thăm và tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp chiếc gối mà mình tự tay làm, đã được Người đón nhận và tấm tắc khen.
“Quý Đại tướng như ruột thịt”
Sáng ngày 12/10, tại ngôi nhà lưu niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), hàng ngàn người khắp gần xa về đây xếp hàng để được vào viếng, tiễn biệt vị Đại tướng anh hùng đã mãi mãi ra đi.
Trong số hàng ngàn người đến viếng, có người rất đặc biệt. Đó là một cụ bà nhỏ nhắn, mái tóc bác phơ ngồi thẫn thờ tay cầm bức di ảnh Đại tướng rưng rưng lệ. Ngồi bên cạnh bà là một người đàn ông cao lớn, người nước ngoài.
Cụ Huệ cùng cháu rể (Quốc tịch Pháp) từ TP. Huế ra viếng Đại tướng tại nhà lưu niệm của người ngày 12/10.
Qua tiếp chuyện, được biết cụ tên là Công Tôn Nữ Trí Huệ (SN 1922, trú xã Hương Cần huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), là chắt nội của vua Minh Mạng, cháu nội của Hoàng tử Miên Lâm.
Ôm tấm di ảnh Đại tướng trên tay, cụ Huệ, rưng rưng nói: “Từ ngày biết tin Đại tướng mất, mệ buồn lắm, không ăn không ngủ được, cứ muốn ra để thắp cho cụ nén hương. Giờ thì đã thắp được rồi”.
Cụ Huệ cho biết, sau nhiều lần cứ nằng nặc đòi ra viếng Đại tướng, nên con trai và cháu rể cũng đã đồng ý đưa cụ ra quê hương Đại tướng để cụ được thắp cho Người nén hương.
“Đại tướng là một người tài giỏi, đức độ, cụ mất đi để lại tiếc thương lớn vô cùng, mất mát lớn vô cùng. Trong lòng mệ, Đại tướng như ruột thịt” – cụ Huệ sụt sùi.
Tự hào may gối tặng Đại tướng
Tay run run lần dở lại những bức ảnh được chụp chung với Đại tướng, cụ Huệ nhớ lại, đó chính là kỉ niệm vào tháng 12/2002, khi cụ và người con trai là Bùi Quang Thiện ra Hà Nội thăm Đại tướng tại nhà riêng của người ở phố Hoàng Diệu.
Video đang HOT
Cụ Huệ ngắm nhìn bức di ảnh Đại tướng mà lòng nặng trĩu, bao nhiêu kí ức về Đại tướng hiện về trong cụ.
“Lần đó, qua giới thiệu của thư kí Đại tướng, mệ với con trai được Đại tướng đồng ý cho gặp, mệ mừng lắm. Vào nhà, gặp Đại tướng mệ cất tiếng: kính thưa cụ, con từ Huế ra. Đại tướng ngắt lời, nói: bà đừng gọi thế. Sau đó mệ xưng hô lại là cụ – tôi, Đại tướng đã gật đầu và ân cần trò chuyện, thăm hỏi sức khỏe, người thân nơi quê nhà…”.
Trong cuộc trò chuyện, mệ thưa với Đại tướng rồi đưa trái dựa (chiếc gối dựa có 5 lá bọc lớp vải màu vàng) mà mệ đã tự may tặng cụ, Đại tướng vui vẻ nhận rồi nói: chúng tôi cảm ơn bà. Chúc bà luôn mạnh khỏe và sống hạnh phúc với con cháu” – cụ Huệ nhớ lại.
Cũng theo cụ Huệ, trong cuộc gặp, cụ đã kể cho Đại tướng biết về dòng dõi thuộc triều đình nhà Nguyễn của mình, trong đó ông nội cụ phò vua Hàm Nghi, bác ruột phò vua Thành Thái, cha là Hường Dẫn phò vua Duy Tân chống pháp, sự việc không thành đều bị chết và giam cầm. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cụ cũng có công nuôi cách mạng.
Nghe xong, Đại tướng bày tỏ vui mừng khi được biết gia đình cụ cũng có đóng góp cho sự nghiệp chung.
Cụ Huệ và con trai thăm và tặng Đại tướng chiếc gối xếp (đặt bên trái bàn) vào tháng 12/2002. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cụ Trí Huệ từng theo hầu Đức Từ Cung Hoàng thái hậu (mẹ vua Bảo Đại) 9 năm và may vá rất khéo, nhất là tài may gối dựa có nhiều lá dùng gối đầu, hoặc để kê vào ghế dựa cho êm.
Cụ Trí Huệ cũng đã từng may gối dựa cho vua Bảo Đại và triều thần, Hoàng Thái Hậu, Triều thần nhà Nguyễn…
Chiếc gối tặng Đại tướng, cụ Huệ đã rất thận trọng, tỉ mẩn xe chỉ, luồn kim gần 1 tháng trời ở tuổi 80, nên khi nhận, Đại tướng đã khen cụ rất khéo tay. Điều đó, làm cụ Huệ nhớ mãi, và rất tự hào.
Cụ Huệ cũng tự hào đã 2 lần được gặp Đại tướng, lần đầu là khi cụ còn phụng hương khói ở lăng Tự Đức, Đại tướng đã vào thăm lăng.
“Lần đó mệ vẫn còn nhớ, khi Đại tướng vô, có người mời cụ ngồi lên chiếc sập thờ trong lăng, cụ nói: không thể ngồi vào đó được, như thế là bất kính với tiền nhân” – cụ Huệ nhớ lại
Đôi mắt sâu thẳm đượm buồn, chào chúng tôi để vượt gần 200 km trở lại Huế, sau khi đã được viếng Đại tướng, cụ Huệ xúc động nói: “Rứa là toại nguyện rồi, ai trong đời được gặp Đại tướng một lần cũng là vinh dự, là may mắn lắm rồi, mệ còn được tặng Đại tướng chiếc gối nữa…”.
Theo Trần Văn
VietNamnet
Báo giới quốc tế bồi hồi trước lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Các tờ báo lớn trên thế giới từ Anh, Pháp, Mỹ tới Nhật, Úc... và cả nước Malta nhỏ bé đều đã đưa tin về lễ quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Không ít phóng viên ngỡ ngàng khi biết có người dân về Hà Nội từ 3 giờ sáng dự lễ tang.
Với tiêu đề " Việt Nam tổ chức quốc tang cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp", hãng tin BBC đã đăng tải chi tiết và trang trọng diễn biến lễ quốc tang của Đại tướng.
Thông tin lễ tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được báo chí thế giới đăng tải đậm nét
"Hàng trăm nghìn người đã bày tỏ sự thành kính của mình tại tư gia của Đại tướng Giáp tại Hà Nội, nơi một nghi lễ trang trọng đang diễn ra, cũng như tại các trung tâm quân đội ở khắp Việt Nam", bài báo viết. "Vào ngày Chủ nhật, một lễ rước lớn sẽ tháp tùng thi hài của vị Đại tướng về quê nhà tại tỉnh Quảng Bình để an táng".
Trong đó, phóng viên phụ trách khu vực Đông Nam Á Jonathan Head của hãng tin này khẳng định sự ra đi của Đại tướng đã "tạo ra một sự dâng trào cảm xúc kỳ lạ". Trong đó ông đặc biệt ấn tượng trước cảnh nhiều người trẻ tuổi, những người không hề biết đến chiến tranh, cũng đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
"Dòng người chờ đợi bên ngoài nhà tang lễ cứ dài mãi dài mãi, suốt cả ngày và ngay cả khi trời tối. Hàng chục nghìn người chờ đợi trong im lặng để được vào bày tỏ sự thành kính trước thi hài của Đại tướng ở bên trong.
Hầu hết những người có mặt ở đây là những cựu chiến binh lớn tuổi, ngực lấp lánh huy chương trong các cuộc chiến tranh kéo dài trước người Mỹ. Bước đi tập tễnh, phải chống gậy hay thậm chí không thể đi lại, họ đều được trợ giúp bởi những thanh niên tình nguyện trẻ trong màu áo xanh.
Nhưng gây ấn tượng mạnh không kém là số lượng người trẻ tuổi. Tôi thấy một cặp bạn trẻ đeo vòng khăn mang dòng chữ "Chúng cháu sẽ nhớ bác Đại tướng Võ Nguyên Giáp". Họ không thể tới 30 tuổi - bằng số năm Tướng Giáp không còn giữ vị trí nào đó trên chính trường. Chắc chắn họ cũng không biết đến chiến tranh", tác giả viết.
Cũng với sự thành kính và trang trọng, hãng tin AFP của Pháp có bài viết với tiêu đề " Việt Nam tưởng nhớ vị anh hùng độc lập Đại tướng Võ Nguyên Giáp". Ngoài việc thuật lại nghi thức trang trọng của buổi lễ với sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính phủ Việt Nam, bài báo còn phản ánh đậm nét tình cảm của những người dân tới dự lễ tang dành cho Tướng Giáp.
""Tôi không thể ngủ được trừ khi tôi tới tiễn biệt bác lần cuối", AFP dẫn lời bà Nguyen Thi Bay, 68 tuổi, nói. "Bác là một con người vĩ đại, tài năng nhưng có tâm hồn trong sáng. Tôi đã khóc khi Chủ tịch Hồ Chi Minh mất, giờ tôi khóc vì Đại tướng Võ Nguyên Giáp".
Hình ảnh hàng đoàn người xếp hàng vào viếng khiến phóng viên quốc tế thực sự xúc động
Bài viết sau đó đã được hàng loạt tờ báo, trang tin lớn như New Strait Times của Malaysia, France 24 của Pháp, The West Australia và SBS của Úc, MSN của Mỹ, Nhật Bản ngày nay của Nhật...đăng tải lại. Các tờ Telegraph và Independent của Anh cũng có những bài viết chi tiết về buổi lễ ngày 11/10, kèm theo hàng loạt ảnh rất nhiều người dân xếp hàng dài vào chờ viếng với nỗi buồn lộ rõ trên nét mặt
Hãng tin AP cùng nhiều tờ báo lớn của Mỹ thì miêu tả: "Sự ra đi của vị Đại tướng thời chiến Võ Nguyên Giáp đã tạo ra một sự tiếc thương lớn của công chúng Việt Nam ở mức chưa từng có, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời hơn 4 thập niên trước". Theo ước tính của hãng tin này, khoảng 150.000 người đã xếp hàng để được vào viếng người được coi như "Napoleon Đỏ".
"Tôi không dám chắc chúng tôi sẽ có một nhà lãnh đạo thứ ba như Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay Bác Hồ", tờ báo dẫn lời bà Tran Thi Thien, người đã thức dậy từ 3 giờ sáng để đến viếng bên ngoài nhà của Tướng Giáp tại Hà Nội nói.
Tác giả cũng ấn tượng trước câu nói của một người phụ nữ 30 tuổi đến từ Hà Nội với con gái, dù phải đợi 5 tiếng trước khi được vào viếng Tướng Giáp. "Con gái 6 tuổi của tôi hỏi vì sao tôi lại tới lễ tang. Tôi nói với con rằng chúng ta đi bày tỏ sự kính trọng với một người mà nếu không có người đó, chúng ta và cả đất nước có thể không có được những gì như hôm nay".
Trong khi đó, trang tin Euronews tại châu Âu ngoài việc đăng tải clip, bài viết về lễ tang, còn khẳng định: "cuộc đời và sự ra đi của vị Đại tướng không chỉ làm xúc động người Việt Nam. Một người Cộng sản từ Ý, ông Giovanni Polo cho biết ông đã từng được gặp vị tướng tự học...Polo đã bay tới Hà Nội ngay khi nghe tin Tướng Giáp qua đời".
Ngay cả tại đất nước Malta nhỏ bé tại châu Âu, lễ quốc tang và tình cảm người Việt Nam dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng khiến phóng viên tờ Malta ngày nay bị ấn tượng. Sau khi phản ánh không khí lễ tang, điểm lại sự nghiệp của vị Đại tướng tự học, tờ báo khẳng định: "Cho dù đã hơn 30 năm kể từ khi Tướng Giáp không còn giữ vị trí lãnh đạo nào trong Đảng Cộng sản Việt Nam, với nhiều người ông vẫn được xem như một anh hùng dân tộc".
Theo Dantri
Tiễn Người lần cuối Người Hà Nội, người Hòa Bình, người Thái Nguyên và cả Sơn La, Điện Biên - hàng vạn người xếp hàng dài tiễn đưa người Đại tướng của nhân dân, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dòng người cứ dài ra mãi, từ nhà tang lễ Lê Thánh Tông ra cả vườn hoa...