Chuyện cảm động về đám cưới không có chú rể
Trong khi những cặp vợ chồng khoẻ mạnh, có với nhau mấy mặt con nhưng chỉ vì một xích mích nhỏ cũng xuống tay tước đoạt mạng sống thì vẫn còn rất nhiều cặp vợ chồng đang ngày đêm chăm nhau tận tụy dù bạn đời chỉ là những tấm thân tàn vì bệnh tật.
Vợ chồng ông Diên, bà Nguyết sum vầy bên con cháu. Ảnh: PL
Bà chấp nhận làm đám cưới trong khi người chồng tương lai vẫn nằm ở trại thương binh, bị liệt nửa người, nửa tỉnh nửa mê. Nhưng gần 40 năm qua, chuyện tình như cổ tích đó đã được xây dựng nên bằng một gia đình ngập tràn hạnh phúc.
Về xã Phú Mãn (huyện Quốc Oai, Hà Nội), hỏi về nhà vợ chồng ông Lương Công Diên (SN 1954) và bà Bùi Thị Nguyết (SN 1955) ai ai cũng biết, bởi gần 40 năm qua, chuyện tình của họ hay được mọi người nhắc đến.
Trong căn nhà cấp bốn nằm ép mình dưới chân núi Trán Voi, bà Nguyết gần như thay chồng trò chuyện với khách. Bà kể, do di chứng của chiến tranh nên khả năng phát âm của chồng rất khó khăn. Gần đây, sau nhiều lần biến chứng vết thương cũ, tai của ông ngày một kém đi.
Nhớ lại thời trẻ, bà Nguyết kể, cả hai vợ chồng là những người hàng xóm thân thiết, cùng học từ tiểu học đến THPT, rồi sau đó viết đơn xin đi bộ đội. Ông Diên theo Trung đoàn 12 đi B vào vùng Tây Nguyên năm 1971, đến năm 1972 thì bị thương nặng trong một lần đi trinh sát. Vài năm sau đó, bà cũng viết đơn xin vào kho quân khí và hành quân lên khu vực Lạng Sơn làm nhiệm vụ. Khi ấy, hai người vẫn liên lạc với nhau qua những cánh thư. Từ lúc ông Diên bị thương nặng, mất trí nhớ, hai người gần như mất hết thông tin về nhau. Khi hai miền Nam – Bắc sum họp, bà Nguyết về quê, còn ông Diên vẫn di chuyển từ trại thương binh này đến trại thương binh khác.
Với nét duyên của người xứ Mường, khi ấy bà Nguyết cũng được nhiều thanh niên trong làng để ý. Nhiều người tìm đến với bố mẹ để thuyết phục bà về làm dâu, nhưng không hiểu sao bà đều không đồng ý. Trong những bữa cơm gia đình, nghe bố mẹ kể về người hàng xóm mà bấy lâu nay vẫn gửi thư cho mình bị thương nặng, nay đây mai đó theo các trại thương binh không ai chăm sóc, bỗng dưng trong bà dâng lên một cảm giác rất lạ.
Hàng ngày, bà Nguyết qua gia đình hàng xóm hỏi han về tình hình bệnh tật của ông Diên, rồi có gì thì giúp nấy. Hôm thì đi cấy giúp sào ruộng, hôm giúp gánh cỏ, gia đình ông Diên cũng vì thế mà thêm quý bà. Rồi anh trai của ông Diên, lúc đó là Chủ tịch xã thuyết phục, chẳng suy nghĩ, bà bằng lòng lấy ông.
Về kể chuyện với gia đình, tuy không phản đối với quyết định của con gái, nhưng bố mẹ bà lo lắng nhiều lắm. Lo vì ông Diên đang bị mất trí nhớ, liệt nửa người, nói năng rất khó khăn. Liệu khi cưới về, con gái của mình có được thiên chức làm mẹ hay không? Trong lúc khó khăn, ai sẽ là người trụ cột gia đình?
Những câu hỏi dồn dập từ phía gia đình cũng từng được cô gái trẻ nghĩ tới, nhưng càng nghĩ, cô như càng thêm động lực: “Trong chiến tranh, xông pha trận mạc chẳng sợ đến hiểm nguy, giờ thời bình rồi còn ngại gì khó khăn vất vả?”, sau gần 40 năm, bà Nguyết mới nắm tay chồng để nói ra những suy nghĩ giản dị ấy.
Video đang HOT
Đám cưới tập thể: 5 đôi, 9 người
Nhớ lại đám cưới năm 1977, bà Nguyết bảo, vì lúc này ở địa phương đang bắt đầu xây dựng đời sống mới nên việc cưới hỏi cũng diễn ra rất giản dị.
Đám cưới không tổ chức tiệc tùng, bánh kẹo ở nhà riêng mà cùng với bà lúc đó còn có 4 đôi khác nữa. Tất cả đều được UBND xã tổ chức với sự chứng kiến của hai bên nội ngoại và chính quyền địa phương. “Đơn giản như vậy thôi mà chúng tôi cũng cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc lắm. Thậm chí, khi tôi bước lên bục sân khấu để mọi người nhìn mặt, những tràng pháo tay liên hồi, bởi trong 5 đôi được tổ chức, chỉ mình tôi là không… có chồng. Lúc đó, anh Diên bị liệt một nửa, đang điều trị ở trại thương binh trên tận Phú Thọ. Giờ nghĩ lại, tôi thấy mình lúc đó can đảm thật”, bà Nguyết kể.
Sau khi cưới, ông Diên được chuyển về trại thương binh Ba Thá (huyện Ứng Hòa) để điều trị nên cũng gần gia đình hơn. Hai năm sau họ sinh con đầu lòng. “Mặc dù bệnh tật nặng nhưng anh ấy rất có nghị lực. Cứ khỏe một tí là về thăm vợ và gia đình, giúp đỡ những việc lặt vặt trong nhà”, bà Nguyết nói.
Cưới nhau 11 năm thì ông Diên xin ra khỏi trại thương binh, về với gia đình vì bệnh tật cũng đỡ phần nào. Nhưng vì di chứng của chiến tranh, một vài mảnh đạn và mảnh mi-ka (để vá chỗ xương thủng) còn nằm trong đầu ông; lúc thời tiết trái gió trở trời, ông lại đau buốt ê ẩm, ngất lên ngất xuống. Những lúc như vậy gần như một tay bà Nguyết chăm sóc ông.
Trong những lời nói khó khăn, ông Diên bảo, bị bệnh nặng nên mọi chuyện trong gia đình một mình bà Nguyết gánh vác, bà vừa làm cha, vừa làm mẹ vừa chăm bố mẹ chồng. Đó là niềm hạnh phúc và động lực để ông vượt qua bệnh tật. Lúc mới bị thương, việc đi lại của ông là không thể nhưng cảm phục trước người vợ thảo hiền, ông đã tập luyện để đi lại được như ngày hôm nay.
Kể về tình yêu, niềm vui và những vất vả, khó khăn trong cuộc sống, bà Diên nói không thể đong đếm được. “Cái quan trọng là trong mọi hoàn cảnh chúng tôi vẫn dành tình yêu thương cho nhau, xây dựng hạnh phúc”, bà Nguyết nói.
Theo Dantri
Khốc liệt cuộc săn tìm đá trắng, nuôi mộng đổi đời
Mấy ngày gần đây, xóm Ngành "nóng bỏng" bởi những cuộc tìm kiếm đất đá tự phát do người dân nơi này săn tìm. Những viên đá lăn lóc bên lối mòn trước đây, giờ bỗng chốc được giá và khan hiếm đến khó tin.
Người dân đào bới tìm đá trong khu vườn nhà anh Tường, xóm Ngành
Giấc mơ vàng và cuộc "hỗn chiến"
"Đỉnh điểm là ngày 21-6, khi một nhóm thanh niên xăm trổ vác dao, kiếm đến uy hiếp bà con dân bản, ngoài công trường một người đàn ông bặm trợn đứng trên đầu máy múc chỉ đạo thợ múc đất đá lên thùng xe tải thật nhanh để chở đi"- anh Nguyễn Mạnh Thỏa, Trưởng xóm Ngành, xã Tiến Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình, cho biết.
Sở dĩ xảy ra chuyện như vậy là vì trong quá trình thi công công trình đập tràn thủy lợi xóm Ngành, đã phát hiện một vỉa đá được nghi có vàng. Từ đó, đơn vị thi công đã múc đất đá ở nơi này chở đi đâu không ai rõ, trong khi quy định và cam kết giữa bên thi công với bà con xã Tiến Sơn, bán kính đổ đất đá chỉ khoanh vùng 2km trong địa bàn xã.
Dấu hiệu khó hiểu của bên thi công đã làm người dân phản ứng, và mâu thuẫn ngày càng căng thẳng khi người dân xóm Ngành đi mót đất đá cũng bị cấm đoán.
Tại sao biết được trong đá có vàng mà người dân lại đổ xô đi đào bới, mua bán? "Biết chứ, dân chúng tôi là dân làm vàng từ những năm 1980, với lại đất này từ xưa đã sẵn vàng nhưng việc khai thác chỉ mang tính chất thô sơ, nhỏ lẻ. Cách đây vài ngày tôi biết người dân trong xóm Ngành nhặt được hòn đá to bằng nồi cơm điện. Họ mang về bán giá 7 triệu đồng. Người mua mới chỉ nghiền vụn một nửa viên đá thôi đã đãi được 4 chỉ vàng rồi..."- ông Nguyễn Văn Thịnh, Bí thư chi bộ thôn Ngành, xã Tiến Sơn, khẳng định.
Lý do đá có vàng và những giấc mơ làm giàu đã làm "nóng" bản làng xứ Mường. Nó nóng đến mức ban công an xã Tiến Sơn đã không thể đảm bảo được tình hình trật tự địa phương phải gọi điện thoại đề nghị công an huyện Lương Sơn tăng cường lực lượng, giải quyết.
"Sự tranh chấp không phải do người dân, mà do nhóm thanh niên vác dao kiếm chặn đường những chiếc xe tải chở đất đá khống chế bắt mang đá "có vàng" trở lại vị trí máy múc để người khác chở đi. Thực hiện hành vi này không được bọn chúng đã dùng dao kiếm đuổi chém người dân mót đá, khiến họ hoảng chạy tán loạn"- anh Nguyễn Mạnh Thỏa bức xúc.
Lực lượng công an huyện Lương Sơn tăng cường đảm bảo cho tiến độ công trình đập tràn xóm Ngành, đồng thời đã ngăn chặn được kịp thời những đáng tiếc xảy ra. 11 đối tượng đã bị bắt giữ và thu được nhiều dao, kiếm.
Đây là những đối tượng ngoài địa bàn xã, chúng tôi không hề biết ai thuê chúng. Ngày 21-6, bọn chúng đi xe taxi đến khu vực công trường với mục đích uy hiếp bà con để cướp đất đá về đãi vàng, nhưng không thành"- ông Nguyễn Văn Ăm, Trưởng Công an xã Tiến Sơn, quả quyết.
Dụng cụ nghiền và máng đãi vàng của người dân xóm Ngành
Những cuộc mua bán đá trắng
Cơn mưa núi đã không ngăn cản được dòng người đang đào bới cần mẫn ở góc khu vườn trên lối vào đập Ngành. Tất cả những viên đá, họ đều nhặt cho vào bao tải. "Đây là vườn nhà anh Tường. Cách đây ít ngày, lái xe tải chở đất đá thải từ công trình xuống đổ vào vườn này. Vừa rồi khi nghe tin có vàng trong đất đá, một người đã "nhanh tay" mua lại số đất mới đổ với giá 23 triệu đồng, anh Tường đồng ý ngay"- anh Thỏa chỉ vào khu vườn đang có đông người đào bới, nói.
Đáng lẽ, khu vườn nhà anh Tường không bị đào tung xới lộn, nhưng giấc mơ vàng không thể cưỡng lại được. Vì thế, mấy ngày nay khu vườn, trên con đường vào công trình đập tràn xóm Ngành tấp nập cảnh người tìm kiếm, đào bới. Tại sao anh bán "đất có vàng" một cách đơn giản vậy? "Tôi không ham hố, vì tôi từng là dân làm vàng, gọi là vàng nhưng rất bạc, tôi cũng từng "lên voi" vì đào đãi vàng nhưng cũng "xuống chó" từ đãi vàng, nên giờ thấy cảnh này ngán lắm rồi", anh Nguyễn Văn Tường, người dân xóm Ngành, chủ khu vườn bộc bạch.
Giờ đây, mỗi viên đá người dân nhặt được ở chân đập xóm Ngành đều có giá, viên rẻ tiền thì vài chục nghìn đồng, viên đắt thì cả triệu bạc tùy theo kích cỡ to nhỏ khác nhau. Hầu như trong gia đình người dân ai nấy đều có đống đất đá đổ góc sân. Ông Thỏa cho biết, đó là đất đá người ta thu gom trên đường do xe tải làm rơi vãi. Số "tài sản" này có rất nhiều người nhòm ngó, hỏi mua nhưng chưa được giá nên ông không bán. Tôi cầm viên đá trắng bị vỡ đôi nhìn thấy vỉa vàng óng ánh rất rõ.
Thấy tôi ngạc nhiên, ông Thỏa giải thích: "Đó là vàng thật, nhưng là vàng chưa đủ tuổi. Những loại vàng như thế này thì rất nhiều ở đây, tuy nhiên không có giá trị gì cả".
Viên đá có vảy vàng non óng ánh
Cuộc mua bán đá vẫn âm thầm diễn ra, những cuộc đào bới vẫn ầm ào ngoài bãi đất đá, bởi họ vẫn đang nuôi giấc mơ, đuổi cái nghèo đi đón cái may mắn như một gia đình có tên Nguyễn Văn Niệm, ở dưới chân đập xóm Ngành từng gặp.
Ông Niệm đã may mắn khi nhặt đá sỏi trong vườn đập vỡ vụn thấy có vảy vàng, và cuộc nghiền đãi đã làm thay đổi đời gia đình ông từ đó.
"Tôi nghe ông Niệm kể, ông nghiền đá đãi được 1/4 chai bia toàn là vàng vụn. Sau đó ông mua đất ngoài mặt đường Lương Sơn, mới đây giải phóng mặt bằng nhà ông chuyển ra ngoài đó rồi"- ông Nguyễn Văn Thịnh, Bí thư chi bộ xóm Ngành kể.
Cuộc săn tìm đá trắng vẫn đang "nóng" ở xã Tiến Sơn. Nhất là đối với bà con xóm Ngành, họ bỏ công việc đồng áng đi nhặt đá.
"Thật ra, họ nghĩ thế chứ vàng bạc hay giàu có là số trời định rồi. Cứ nhặt đá là có vàng thì lấy đâu ra, may mắn chỉ là hiếm hoi, chứ được mấy người, chủ yếu lụi vì vàng là chính. Trong xóm này có nhiều người làm vàng thì chỉ đủ tiền mua dầu chạy máy mà thôi, còn lại nhiều người nghiền đá không đủ bù tiền dầu. Nhiều người hám giàu bất thình lình nên đã mua đá nghi có vàng chẳng khác gì đánh bạc, chết như "trong phim", có mấy người được đâu"- ông Thỏa khẳng định.
Theo Dantri
Chuyển bệnh nhân từ khu điều trị phong Sóc Sơn về Quốc Oai Ngày 6-6, khoa điều trị nội trú Quốc Oai - Trung tâm Da liễu Hà Đông đã tiếp nhận 9/18 bệnh nhân phong của khu điều trị phong Sóc Sơn chuyển về. Những bệnh nhân còn lại từ khu điều trị phong Sóc Sơn sẽ tiếp tục được chuyển về khoa điều trị nội trú Quốc Oai trong thời gian tới. Hiện tại,...