Chuyện cảm động về cô gái mồ côi cha mẹ
Cô gái nhỏ 21 tuổi lặng lẽ cầm bông hồng trắng cài trên áo. Hai tuổi, cô đã mất mẹ, cánh cửa đại học vừa mở ra trước mắt cũng là lúc người cha qua đời…
Giữa dòng người đi lễ Vu Lan tại chùa Tảo Sách (Tây Hồ, Hà Nội), có lẽ cô gái Bùi Thị Khuyên (Yên Tâm, Yên Định, Thanh Hóa) là người có hoàn cảnh đặc biệt nhất.
Vốn được sinh ra trong một gia đình hạnh phúc với đầy ắp tiếng cười với bố, mẹ và chị gái, nhưng rồi biến cố ập đến với gia đình Khuyên. Một tai nạn bất ngờ đã cướp đi người mẹ để lại hai chị em cho một mình bố chăm sóc. “Lúc đó mình mới được hai tuổi, còn chị gái lên năm” – Khuyên chia sẻ.
Tuổi thơ trôi đi thiếu sự chăm sóc của mẹ, một mình cha chăm sóc cho 2 con gái. Cuộc sống gia đình khó khăn về vật chất nhưng ba cha con đùm bọc thương yêu nhau.
Cô gái nhỏ nhắn Bùi Thị Khuyên lặng lẽ bên ban thờ đức phật tại chùa Tảo Sách để cầu mong linh hồn của bố, mẹ mình được an nghỉ nơi “suối vàng”
Năm 2010, học hết lớp 12, Khuyên thi đậu Học viện Hành chính (Hà Nội), cánh cửa đại học được mở ra trước mắt. Chưa được hưởng trọn vẹn niềm vui, Khuyên lại phải đón nhận tin dữ. Người cha tảo tần nuôi hai chị em Khuyên khôn lớn lại lâm bệnh nặng. Hai chị em thay nhau, một ra Hà Nội làm việc lấy tiền lo chi phí thuốc thang, một ở nhà chăm sóc cha. Ước mơ đến giảng đường đại học của Khuyên đành phải gác lại.
Thế rồi, căn bệnh quái ác cũng đã cướp đi người cha trụ cột của gia đình, điểm tựa duy nhất của hai chị em Khuyên. Những ngày mất cha tưởng chừng hai chị em không thể vượt qua nổi. Cú sốc đó thực sự để lại một nỗi đau lớn trong lòng hai chị em, giờ đây cả cha và mẹ đều an nghỉ nơi “suối vàng”, để lại hai chị em nương tựa vào nhau mà sống.
“Những ngày trời mưa, căn nhà tranh xiêu vẹo bị nước dột khắp, hai chị em chỉ biết ôm nhau khóc. Chỉ mong che chắn để bàn thờ cha mẹ không bị dột nước”, Khuyên ngậm ngùi.
Những tháng ngày đầm ấm bên gia đình, có hơi ấm của cha mẹ chỉ còn trong giấc mơ. “Mỗi dịp nghỉ lễ tết, các bạn cùng phòng trọ rủ đi sắm đồ cho gia đình, mình chỉ biết ngậm ngùi. Lúc bé chưa có điều kiện báo hiếu với cha mẹ, khi lớn rồi, muốn báo hiếu thì cha mẹ đã không còn”, Khuyên gạt dòng nước mắt chia sẻ – “Có lần, cô bạn cùng phòng hỏi nhỏ: “Chị ơi! em mua cái áo này cho mẹ được không?”. Mình nghe mà rơi nước mắt, hình ảnh của mẹ trong kí ức đã nhạt nhòa, một lần được mua áo cho mẹ cũng không bao giờ còn cơ hội nữa”.
Video đang HOT
Thượng Tọa Hoằng Hóa, chủ trì chùa Tảo Sách cùng các sư thầy đang làm lễ tụng kinh cho các vong hồn đã mất được siêu thoát
Tâm sự về ước mong của mình, Khuyên chia sẻ: “Mình cố gắng kiếm tiền để lợp lại mái ngói của ngôi nhà ở quê. Để khi trời mưa, bàn thờ của cha mẹ không bị nước dột phải”.
“Mọi khó khăn trong cuộc sống chỉ cần mình cố gắng thì sẽ vượt qua được. Điều làm mình buồn nhất là không còn cha mẹ, cơ hội báo hiếu công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ cũng không còn nữa. Mình mong những ai còn cha mẹ thì hãy trân trọng, phụng dưỡng cha mẹ thật tốt để trọn đạo chữ hiếu trong đời”.
Theo Quỳnh Nga (Infonet.vn)
Lễ Vu Lan: Những cụ già cài hoa hồng trắng
Dù đã ở tuổi "gần đất xa trời" nhưng những người đàn bà ấy chưa một lần có mẹ trong đời để mà được cài hoa hồng đỏ trong ngày Lễ Vu Lan.
Hoa đỏ thôi cài trên áo mẹ
Rời bỏ quê hương khi tuổi đời vẫn còn mười tám, đôi mươi những mong thay đổi cuộc đời và có một mái ấm thực sự, thế nhưng, đến nay cụ Lưu Thị Mỹ tròn 87 tuổi, theo như lời cụ vẫn là "cù bất cù bơ", không con, không cháu, không họ hàng thân thuộc nơi đất khách quê người.
Cụ Mỹ nhớ lại, vào một ngày năm 1954, khi Mỹ đưa tàu ra vịnh Hạ Long và kêu gọi: Ai muốn vào Sài Gòn thì lên tàu. Lúc ấy, ở quê nghèo đói quá nên mấy người hàng xóm có rủ cụ lên tàu đi về phương Nam, nơi được coi là miền đất hứa.
Ai ngờ, vào đến nơi được một thời gian thì hàng xóm đi đâu mất, nhà không có, tiền không có, cụ đành làm đủ nghề để sống. Từ bán rau, đồng nát đến bán vé số. Cuộc sống cứ thế trôi qua rồi cụ cũng chẳng còn thời gian nghĩ đến chuyện lập gia đình. Cho đến một lần đi bán vé số bị té ngã không làm gì được nữa thì cụ được người ta đưa về mái ấm tại chùa Diệu Pháp, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Bà Nguyễn Thị Cúc xúc động khi kể về con gái của mình
Chừng ấy năm lưu lạc, điều mà cụ day dứt nhất là trong những ngày lễ Vu Lan, cụ chưa bao giờ được cài hoa hồng đỏ. "Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo vào những ngày báo hiếu cha mẹ mà bỗng thấy tủi thân quá. Tôi có mồ côi như những đứa trẻ vô phúc nào đâu mà là tôi... bỏ nhà đi biền biệt. Lúc ấy, mẹ tôi làm gì, ăn gì, sống ra sao tôi còn chẳng biết, giờ già rồi thì mẹ chắc đã về miền cực lạc từ đời nảo đời nao", cụ Mỹ bần thần nói.
Ở tuổi 93, đôi mắt đã mờ đục nhưng cụ Tẹo vẫn còn khá minh mẫn. Khác với cụ Mỹ, cụ Tẹo cũng đã từng có một gia đình hạnh phúc với chồng và một đứa con. Song, bom đạn chiến tranh trong những năm Mậu Thân 1968, nhà cụ bị cháy khiến chồng chết, con cũng chết, chỉ còn một mình cụ bơ vơ giữa cuộc đời.
Cụ tâm sự: "Đắng cay và tủi nhục khiến tôi nhiều lần chỉ muốn chết quách đi cho rồi nhưng tự tử nhiều lần vẫn không chết. Rồi cuộc sống đưa đẩy tôi vào chốn này và thấy lòng mình thanh tịnh hơn nơi cửa Phật. Chắc có lẽ do ăn chay niệm Phật và có con, chồng ở trên cao phù hộ nên tôi vẫn còn được khỏe mạnh như thế này. Lễ Vu Lan là lúc người ta tưởng nhớ tới cha mẹ, còn tôi, tôi tưởng nhớ đến con tôi".
Một cụ già luôn nhìn xa xăm ra phía cửa sổ như ngóng trông điều gì
Lại một mùa Vu Lan buồn
May mắn hơn những người cùng cảnh ngộ với mình trong chùa Diệu Pháp là bà Nguyễn Thị Cúc, 74 tuổi, quê ở Huế. Đó là bà cũng có một tấm chồng và một đứa con gái. Tuy nhiên, chồng mất sớm, cô con gái phải lưu lạc một thân một mình trong Sài Gòn khi mới có 19 tuổi.
3 năm sau thì cô con gái về quê và hai mẹ con dắt díu nhau vào chùa Diệu Pháp nương tựa. Cô con gái rồi cũng đi lấy chồng nhưng do gia cảnh quá nghèo, không thể nuôi được mẹ già nên đành để bà ở lại trong chùa, thỉnh thoảng ghé thăm.
Với chất giọng đặc sệt Huế, bà Cúc rưng rưng nói: "Cả đời tui nghèo, tui có nuôi được hắn mô. Giờ tui già thì hắn cũng nghèo, lại còn phải nuôi cả gia đình hắn nên tôi cũng thương hắn và nhớ hắn nhiều lắm. Nhưng tuần nào hắn cũng có mặt ở đây, tuy hai mạ con chỉ gặp nhau được vài ba phút thôi. Hạnh phúc nhất là những chiều chủ nhật, hắn sang được lâu hơn chừng 15 - 20 phút. Thế cũng là an ủi lắm so với các chị em già ở trong này vì họ chả có cha mạ, con cái gì, tủi lắm".
Cụ bà này vừa được một cụ bà khác đút cho ăn
Bà Cúc vừa dứt lời thì một cụ ở cùng phòng cất tiếng: "Buồn lắm cô ơi! Mà biết thế nào được, sống ngày nào thì hay ngày đó thôi" rồi ngân nga câu: "Ai có mẹ xin đừng làm mẹ khóc / Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không". Một số cụ thì nhìn xa xăm ra phía cửa sổ như ngóng trông điều gì. Cụ thì ngễnh ngãng ngồi nói vu vơ mấy câu: "Mẹ nói, phải rửa sạch tay trước khi ăn...".
Lúc này, khoảng 5 giờ, cũng là lúc giờ ăn cơm chiều đã đến. Mỗi cụ được phát một hộp cơm với đầy đủ rau dưa, thịt và canh. Khi một cụ già độ chừng hơn 80 tuổi ăn xong phần cơm của mình, quay sang đút từng thìa thức ăn cho một cụ khác, nghe chừng đã không còn minh mẫn, thì cụ này nói: "Mẹ đút con ăn hả?Yêu mẹ quá!".
Theo thầy Tịnh Thành, làm việc ở mái ấm, nơi đây là nơi lưu trú của 42 cụ già tuổi từ trên 70 trở lên. Tất cả họ đều không có gia đình, không nơi nương tựa. Có những cụ còn không đi nổi, phải nằm một chỗ. Vì vậy mà mùa Vu Lan nào, các cụ cũng chỉ được cài hoa trắng mà thôi.
Thầy Tịnh Thành nói rằng, người được cài hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Còn người được cài hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn có mẹ và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa...
"Lại sắp tới ngày rằm tháng Bảy, lại một mùa Vu Lan buồn cho các cụ ở đây", thầy Tịnh Thành nói trong ưu tư.
Theo Thúy Ngà (Infonet.vn)
Đi tìm những "ẩn ức tâm linh" trong ngày Rằm tháng 7 ở châu Á Tại nhiều nước châu Á, ngày Rằm tháng 7 âm lịch được coi là ngày dành cho người âm và tháng 7 cũng được coi là tháng âm (còn được gọi là tháng cô hồn), vì vậy người ta thường tránh làm việc đại sự vào tháng này... Người ta tin rằng, trong suốt tháng 7 và đặc biệt vào ngày Rằm tháng...