Chuyện cảm động về chàng trai cứu 5 người
Trong lúc chuyến xe chở quan tài đặt thi thể anh Hiệp đang dần lăn bánh về quê, cả gia đình anh ngóng trông, chờ đợi trong niềm xúc động khó tả.
Anh Trần Hữu Hiệp (SN 1988, trú thôn 4, xã Thạch Long, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) là một trong 9 nạn nhân bị rớt xuống biển trong vụ chìm ca nô ở Cần Giờ xảy ra tối 2/8. Khi gặp nạn anh đã căng sức cứu vớt được 5 người, trong đó có 1 thai phụ được anh Hiệp nhường áo phao nên đã may mắn thoát chết. Do yếu sức, anh Hiệp không trụ nổi nên đã bị sóng đánh dạt ra xa rồi mất tích, xác anh được tìm thấy vào khoảng 17h ngày 4/8.
Trắng đêm mong ngóng thi thể con trai về
Vật vã suốt đêm bên bàn thờ anh Hiệp, ông Trần Hữu Trọng (bố anh Hiệp) tiều tụy đi hẳn so với những ngày trước đó. Tâm trạng buồn bã, giọng nói thều thào của một người đang mang trọng bệnh, ông tâm sự: “Suốt mấy năm nay cả hai vợ chồng tôi đều bệnh nặng chẳng làm được gì nên tất cả phải trông cậy vào ba đứa con, trong đó Hiệp là đứa mà chúng tôi kỳ vọng nhất. Nào ngờ…”.
Người thân túc trực, ngóng chờ thi thể anh Hiệp đưa về quê. Trên bàn thờ nạn nhân, hương khói nghi ngút.
Từ nhỏ, Hiệp được biết đến là một cậu bé thông minh và hay rung cảm trước nỗi đau của người khác. “Trong cuộc sống, Hiệp thấy ai bị thương hay gặp cảnh éo le là nó xúc động lắm. Nhiều lần đi học về thấy có người bị tai nạn, nó chạy về nhà ngồi khóc và hỏi chúng tôi là giờ làm sao để giúp họ được”, ông Trọng tâm sự.
Hơn 2h sáng, ông Trọng nhấc máy điện thoại lên gọi và được biết linh cữu anh Hiệp đang về đến Đà Nẵng. Ông thở dài rồi bảo: “Mong sao trên đường cháu về với chúng tôi được thượng lộ bình an”. Ông Trọng bước vào nhà, lấy ra một tập giấy tờ học tập, những kỷ niệm của anh Hiệp ra, lật từng trang rồi tâm sự về đứa con trai xấu số. “Đây là những giấy tờ học tập của Hiệp, cả những bức hình cháu chụp trong Nam, ngoài Bắc mà nó gửi về cho chúng tôi vẫn còn nguyên vẹn”, ông nghẹn ngào.
Suốt những năm học phổ thông, anh Hiệp là một học sinh ưu tú của trường, được gia đình và thầy cô ngợi khen. “Cháu có sức khỏe không được tốt như nhiều người nên việc đi lại học hành cũng rất vất vả, nhưng cháu học chăm ngoan lắm, năm nào cũng được giấy khen. Cũng vì tính cách hay biết quan tâm, giúp đỡ người khác nên luôn được bạn bè, thầy cô yêu mến”, ông Trọng kể tiếp.
Video đang HOT
Anh Hiệp ra đi để lại những vật kỷ niệm khiến người thân xúc động
Học hết lớp 12, anh Hiệp thi đỗ vào Trường Cao đẳng Hóa chất Phú Thọ với số điểm rất cao. Để đỡ đần bố mẹ, suốt những năm xa nhà sống cảnh sinh viên, anh Hiệp vừa đi học, vừa kết hợp làm thêm kiếm tiền nên hầu như ông bà Trọng không phải chu cấp tiền cho anh ăn học.
Năm 2011, thông qua một người em họ, anh Hiệp được hướng dẫn xin vào một công ty cơ khí làm việc từ đó đến nay. Hàng tháng ngoài chi tiêu cá nhân, anh Hiệp còn tranh thủ gửi tiền về cho bố mẹ và nếu bạn bè khó khăn thì anh Hiệp sẵn sàng cho mượn. “Tôi nghe nói trong thời gian làm trong đó, Hiệp đã cho bạn bè vay đến gần 40 triệu đồng”, ông Trọng kể về con trai.
Bà Nguyễn Thị Thìn (mẹ anh Hiệp) là một người mang trọng bệnh nguy nan. Từ hôm nghe tin anh Hiệp gặp nạn, bà dường như đã suy sụp hẳn. Giọng nói yếu ớt không thành tiếng, bà Thìn bảo: “Vài tuần trước cháu có gọi điện về khoe là sắp được đi du lịch cùng anh em công ty. Tôi cũng bảo cháu đi lại cẩn thận. Cháu cười rồi bảo, không sao đâu mẹ, sống là phải có anh có em, có bạn, có bè, họ đối xử với Hiệp rất tốt”.
Sức khỏe bà Thìn (mẹ anh Hiệp) đang diễn biến rất xấu sau khi nhận tin con trai tử nạn
Anh Trần Hữu Điệp (anh trai anh Hiệp) kể lại: “Cuối năm nay tôi định cưới vợ nên vài tuần trước cũng có gọi điện chia sẻ với Hiệp. Nghe vậy, Hiệp bảo, em sẽ ráng làm, gom góp tiền để cuối năm về dự đám cưới”.
Ngồi dựa vào chiếc ghế gỗ, đang nói chuyện thì trong túi ông Trọng có chuông điện thoại: “Xe hỏng nên phải dừng lại, chắc khoảng 8 – 9h sáng giờ mới về được đến nhà”. Nghe vậy, cả gia đình họ lại khóc nức nở, ai cũng thương cho số phận của anh Hiệp.
“Cái chết của cháu khiến gia đình tôi rất đau đớn nhưng gia đình cũng lấy làm niềm tự hào vì trước khi chết, cháu đã cứu sống được 5 người. Một số người trong số họ đã gọi điện hoặc gửi lời hỏi thăm, chia buồn và cảm ơn tới gia đình”, ông Trọng nói.
“Mọi việc giờ đã sẵn sàng, chỉ còn đợi cháu về với gia đình”, một người thân anh Hiệp nói.
Từng cứu giúp nhiều trẻ em thoát chết đuối
Thời còn đi học phổ thông, anh Hiệp được nhiều người dân yêu mến bởi anh Hiệp đã từng cứu sống nhiều trẻ em cùng làng đuối nước. “Cách đây gần chục năm, đang trên đường đi học thì Hiệp thấy hai cháu nhỏ đang chới với dưới nước kêu cứu. Thấy vậy, chẳng ngại khó, Hiệp đã bỏ cặp sách trên bờ rồi lao xuống suối cứu sống được hai cháu bé”, một người thân anh Hiệp kể lại.
Cả đêm, ông Trọng và người nhà cùng mang những giấy tờ của anh Hiệp ra để ôn lại những kỷ niệm.
Ông Lê Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Thạch Long cho biết, hiện chính quyền địa phương đang phối hợp chặt chẽ để cùng gia đình tiếp nhận và tổ chức lễ mai táng cho anh Hiệp. “Do trên đường về xe gặp sự cố nên phải đến khoảng khoảng 8 – 9h sáng nay (6/8) thì linh cữu anh Hiệp mới về đến nơi. Trước mắt, do hoàn ảnh gia đình ông Trọng rất khó khăn nên chính quyền đang kêu gọi người dân giúp đỡ”.
Theo A. Thanh (Infonet.vn)
Chìm tàu: Tàu H29 không phải để chở khách
"Tàu H29 do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cung cấp cho lực lượng biên phòng để phục vụ nhiệm vụ tuần tra, không phải để chở khách", Đại tá Đào Quang Hiển - Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh BR-VT, khẳng định hôm qua (5/8).
Theo đại tá Hiển, "tàu H29 cũng chưa thuộc biên chế của lực lượng biên phòng chúng tôi, vì thời điểm bị nạn, chúng tôi đang gửi con tàu này lại cho Công ty Việt - Czech để sữa chữa, hoàn thiện và họ tự ý lấy đi chở khách. Hiện nay, chúng tôi đang kiểm tra, xác minh lại địa điểm xuất phát của tàu. Nhưng trước mắt cho thấy, họ đi tránh khu vực kiểm soát của bộ đội biên phòng. Hơn nữa, tàu bị nạn chở người xuất phát từ Tiền Giang về Vũng Tàu nên Bộ đội biên phòng Vũng Tàu cũng không nắm được".
Về công tác cứu hộ, cứu nạn, đại tá Hiển cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin từ Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn khu vực 3, bộ đội biên phòng đã lập tức chỉ đạo tất cả các lực lượng tại đơn vị xuất phát ngay, phối hợp với các lực lượng chức năng khác ra hiện trường tham gia cứu hộ, cứu nạn. "Đến 4h30 sáng 3/8, việc cứu hộ thành công và chúng tôi lập tức chuyển qua cứu nạn. Đây là một cuộc cứu hộ, cứu nạn thành công, mang tính chất quy mô và chuyên nghiệp", đại tá Hiển nói.
Tàu H29 bị nạn không dùng để chở khách
Về thông tin in trên thân tàu H29 đã thể hiện là của lực lượng biên phòng, ông Hiển cho biết đó là phía biên phòng mới chỉ đưa tên biển hiệu cho đơn vị sản xuất kẻ vào, "nhưng khi chạy thử, thấy tàu chưa đảm bảo kỹ thuật nên chúng tôi trả lại cho nhà sản xuất gia cố và hoàn chỉnh lại", ông Hiển nói.
Ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải VN cũng khẳng định, công tác cứu nạn không hề chậm. "Thông tin có tàu bị nạn đến chậm vì nhiều lí do khác nhau. Nghi vấn cứu hộ chậm trễ do đơn vị mượn tàu che giấu, chúng tôi sẽ điều tra việc này. Công việc trước mắt khi xảy ra tai nạn là cứu hộ, cứu nạn đã hoàn thành, sau đó là tiến hành điều tra nguyên nhân và các bên có liên quan đến vụ việc", ông Nhật nói.
Trả lời báo chí về các nghi án "ém nhẹm thông tin" dẫn đến cứu hộ chậm, ông Nhật cho biết: "Chúng tôi cũng sẽ đề nghị cơ quan chức năng gặp anh Nguyễn Ngọc Tuấn để điều tra thêm thông tin người này biết vụ tàu bị nạn nhưng báo tin cho cơ quan chức năng muộn".
Đối với thông tin các tàu được Công ty du lịch Vũng Tàu Marina mượn từ xưởng của Công ty CP công nghệ Việt - Czeck để chở khách từ Tiền Giang xuống Vũng Tàu, ông Nhật cho hay, bước đầu đã nắm được vụ việc này. Ông Nhật nói sẽ điều tra và sớm có kết quả về thông tin này.
Theo Lê Mai (Khampha.vn)
Chìm tàu: Nhường sự sống cho người khác 3 ngày qua, không khí tang thương bao trùm khu vực cầu cảng Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn khu vực 3, TP. Vũng Tàu - nơi người nhà nạn nhân xấu số vụ chìm tàu đứng ngóng người thân. Sáng (5/8), khi 2 thi thể xấu số cuối cùng trong số 9 nạn nhân bị mất tích được đưa vào...