Chuyện cảm động ở bến xe phía Nam
Có lẽ với chị Tuấn Quỳnh Anh, chuyến đi này sẽ không thể quên, bởi trong cơn hoạn nạn, những tấm lòng nhân ái đã bên chị đúng lúc. Trong túi không còn một đồng để trở lại TP Hồ Chí Minh, chị bơ vơ suốt hai ngày trời ở bến xe khách phía Nam (Hà Nội).
Ở nơi hàng nghìn lượt khách đến và đi mỗi ngày, cảnh người đàn bà mắt ậng nước đang lả đi vì đói và kiệt sức đã lọt vào mắt cán bộ Trạm Cảnh sát bến xe phía Nam. Khi hiểu chuyện, những người lính nơi đây đã cùng nhau góp tiền lộ phí, đón xe khách liên tỉnh và dặn dò nhà xe đưa chị về đến nơi. Đó chỉ là một trong những nghĩa cử thường ngày của họ tại nơi đơn vị đóng quân gìn giữ an ninh trật tự.
Nước mắt thay lời cảm tạ
Trưa mùng 7 Tết Ất Mùi, chúng tôi có mặt tại Trạm Cảnh sát bến xe phía Nam (Hà Nội) để tìm hiểu về hoạt động bảo đảm TTATXH trên địa bàn bến xe và vùng giáp ranh trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua của đơn vị. Mới đầu xuân nhưng nắng đã chói chang. Trong khói và tiếng ồn của cả nghìn lượt xe cộ vào ra, cùng dòng người ngược xuôi đi về, chúng tôi đã gặp Thiếu tá Phạm Ngọc Hùng – Tổ trưởng tổ CSHS khi anh đang liên hệ với nhà xe để giúp đưa chị Tuấn Quỳnh Anh trở về Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.
Thấy chúng tôi ngạc nhiên, Thiếu tá Hùng kể: “Việc anh em cán bộ Trạm giúp đỡ những vị khách lỡ độ đường không phải là chuyện gì mới. Chúng tôi vẫn thường xuyên làm như vậy. Cách đây hai hôm, trong lúc kiểm soát tình hình trên sân bến, tôi bắt gặp người phụ nữ này đang ngồi vạ vật ở nhà chờ, mặt mũi đã xanh xám, run rẩy vì đói khát. Hỏi ra mới biết chị ấy là công nhân may, đang làm việc ở TP Hồ Chí Minh.
Thiếu tá Phạm Ngọc Hùng (Trạm Cảnh sát bến xe phía Nam) tiễn chị Tuấn Quỳnh Anh lên xe khách vào TP Hồ Chí Minh.
Nghỉ Tết, chị về quê Hưng Yên vì gia đình có việc buồn. Chị đến bến xe phía Nam để tìm cách trở lại nơi làm việc. Vé xe khách vào đến TP Hồ Chí Minh hiện là 1,6 triệu đồng/vé. Trong túi trống trơn nên chị không dám bước lên xe, đành ôm bụng nhịn đói suốt mấy hôm nay. Biết chuyện, chúng tôi đã đưa tiền cho chị mua đồ ăn và cho vào phòng trực ban của Trạm để ngồi chờ bảo đảm an toàn. Sáng nay, chúng tôi lại góp tiền làm lộ phí và nhờ nhà xe quen đưa chị ấy trở về đến đúng bến cuối cùng”.
Giờ phút chiếc xe liên tỉnh chuyển bánh, chị Quỳnh Anh nghẹn ngào nói không nên lời. Chúng tôi hiểu, đó là những giọt nước mắt chân thành, tự đáy lòng người dân thay cho lời cảm tạ ân tình của những người lính nơi đây.
Cách đây chưa lâu, vào đêm 10/7/2014, cả xóm 4 Ngô Khê, Bình Nghĩa, Bình Lục, Hà Nam cùng chong đèn thức đợi chiếc xe công vụ của Trạm Cảnh sát bến xe phía Nam. Khi ánh đèn ôtô xuất hiện giữa mênh mông đồng đất, hội phụ nữ và các cụ phụ lão trong thôn đã ra tận xe ôm lấy Thiếu tá Phạm Minh Thặng và Thượng sỹ Đặng Bảo Khang. Chuyến xe ấy, họ đưa cháu Đào Đình Giang (9 tuổi) trở về sau chuỗi ngày bơ vơ, đói khát chốn Hà thành. Bé Giang có hoàn cảnh đặc biệt.
Video đang HOT
Gia đình ly tán, bố mẹ mỗi người một nơi, cháu ở lại quê sống nương tựa vào ông nội đã già yếu. Nghe phong thanh mẹ mình đang làm thuê trên Hà Nội, Giang đã ra đường vẫy xe xin đi nhờ để tìm mẹ. Đến bến xe phía Nam, Giang không biết đi đâu, bởi trong túi không một đồng mà Hà Nội lại quá rộng với một thằng bé 9 tuổi. Tối ấy là ca trực của Thiếu tá Thặng. Trong lúc đi tuần, phát hiện cu cậu đã ngủ gục dưới hiên nhà chờ, anh đến lay dậy mới biết nó đã đói lả.
Lập tức anh đưa bé Giang vào phòng trực ban trong Trạm, rồi mua đồ ăn và sữa bón cho nó. Qua cơn hạ đường huyết, thằng bé nói về việc đi tìm mẹ, còn quê quán chỉ biết là ở tỉnh Hà Nam, không có địa chỉ cụ thể. Qua lời mô tả về một số địa danh ở quê, Trung tá Hoàng Đăng Phong (Trưởng trạm) đã chỉ đạo tổ Cảnh sát hình sự lần theo các manh mối đó để truy tìm ra địa chỉ nhà cu cậu. Tối đó Giang được ngủ lại phòng trực ban với các chú Cảnh sát.
Trung tá Hoàng Đăng Phong, Trưởng trạm Cảnh sát bến xe phía Nam, Hà Nội.
Sau gần một ngày tích cực xác minh, Trạm đã xác định quê cháu bé ở xóm 4 Ngô Khê, Bình Nghĩa, Bình Lục, Hà Nam và đề nghị gia đình cháu lên Hà Nội nhận người. Lúc này, Ban Công an xã Bình Nghĩa báo lên là gia đình bé Giang rất hoàn cảnh, ông nội cháu đã già yếu lại rất nghèo, không có khả năng đưa cháu về. Trung tá Phong quyết định cử ngay tổ công tác gồm 2 cán bộ dùng xe cơ quan chở cháu Giang về tận địa phương để trao cho gia đình và chính quyền.
Ông nội cháu Giang là cụ Đào Đình Mười đã ôm lấy chúng tôi khóc nghẹn ngào, làm mọi người có mặt ở đó rất xúc động. Với người lính chúng tôi, đó là những thời khắc đáng nhớ, khi những nỗ lực của mình đã trả lại bình yên cho mỗi gia đình. Tuy vất vả một chút, nhưng anh em đều cảm thấy vui vì đã làm được một việc tốt cho dân” – Thiếu tá Thặng nhớ lại.
Trong những ngày cận kề năm mới Ất Mùi, Trạm lại cứu giúp một bà hành khất ở bến xe. Thiếu tá Hùng kể: “Hôm đó đang triển khai kế hoạch bảo vệ Tết Nguyên đán, chúng tôi thấy ở khu vực cổng bến xe có bà cụ già ăn xin. Anh em ra kiểm tra thì thấy cụ ú ớ, nói tiếng Việt câu nhớ câu quên và rất nhút nhát. Chúng tôi đưa bà cụ ấy vào Trạm, hỏi han về gia đình thì bà cụ nói không nhớ họ tên của mình là gì, quê quán ở đâu. Hơn 20 năm trước, bà cụ bị bán sang Trung Quốc và lấy chồng ở đó. Gần đây, do xuống sức không làm việc được nên bà cụ bị gia đình nhà chồng đánh đập dã man và đuổi về Việt Nam. Họ chở đến biên giới rồi thả bà cụ ở đó.
Sau gặp được một cặp vợ chồng người Việt tốt bụng dẫn bà cụ về nước và cho tiền ăn đường, tiền xe khách để về Hà Nội. Đến bến phía Nam, bà cụ không biết phải đi đâu vì không còn nhớ được quê hương. Tiền hết, bà cụ đành lê la ăn xin ở khu vực cổng bến đã được mấy hôm. Trạm đã họp bàn và quyết định gửi bà cụ đến Trung tâm bảo trợ xã hội 1 – TP Hà Nội để có nơi ăn chốn ở. Tôi được giao giải quyết việc này. Sau khi thống nhất, Trung tâm đã cho xe ôtô đến tận đây để đón bà cụ đưa về chăm sóc”.
Chỉ vài ngày trước khi chúng tôi đến Trạm, một cháu gái bị tâm thần ở tận tỉnh Kon Tum lưu lạc ra Hà Nội, cũng đã được đơn vị giúp đỡ và liên hệ người nhà ra đón về. Hay vụ cháu Nguyễn Việt Quang (14 tuổi, ở xã Tiền Phong, Yên Dũng, Bắc Giang) bỏ nhà đi lang thang, được Trạm nuôi nấng và liên hệ trao cho gia đình.
Thiếu tá Phạm Minh Thặng kể: “Tại cuộc họp tất niên vào sáng 30 Tết, anh Phong – Trạm trưởng đã quán triệt với chúng tôi chủ trương không để bất kỳ một hành khách nào phải ở lại đón Tết tại bến xe vì bị nhỡ xe, hoặc quá khó khăn mà không có tiền mua vé. Nếu không gửi được xe khách, Trạm sẽ dùng xe công vụ hoặc xe cá nhân để chở họ về tận nhà miễn phí 100%”.
Ở nơi huyết mạch
“Trấn ải” nơi đầu mối huyết mạch giao thông phía Nam Hà Nội, làm việc liên tục trong môi trường khói bụi, tiếng ồn, mưa nắng… khiến những chiến sỹ Cảnh sát nơi đây đều chung nước da đen xạm. Hiện lưu lượng xe ra vào bến từ 850 đến 1.000 lượt mỗi ngày, vận chuyển khoảng 14 đến 16 nghìn lượt hành khách. Vào những dịp lễ Tết, lượng khách thường tăng gấp rưỡi. Tại bến có 127 doanh nghiệp vận tải hoạt động, trên 121 tuyến của 36 tỉnh, thành trong cả nước, cùng 13 tuyến xe buýt nội ngoại thành và một số tỉnh lân cận.
Đại úy Trịnh Đình An cùng tổ bảo vệ duy trì trật tự tại bến xe.
Với tính chất địa bàn như vậy, Trạm phải liên tục duy trì chế độ hoạt động 2 ca 3 kíp, khép kín 24/24 giờ hằng ngày. Tổ CSTT luôn phải căng mình phối hợp với bảo vệ, kiểm soát của bến để sắp xếp phương tiện đỗ đúng luồng tuyến, xử lý các lỗi vi phạm về trật tự đô thị, lỗi giao thông.
Là đầu mối giao thông công cộng nên cũng là điểm tập trung của tội phạm và tệ nạn xã hội. Vì thế, tổ CSHS luôn bận rộn với việc tiếp nhận xử lý các vụ việc xảy ra trên bến, trong khi vẫn phải thực hiện các chỉ tiêu trên giao về công tác nghiệp vụ cơ bản, bắt đối tượng truy nã, lập hồ sơ trấn áp và triệt phá các tụ điểm ma túy.
Được biết, liên tục trong 4 năm vừa qua, Trạm đều đạt danh hiệu đơn vị Quyết thắng, với nhiều lượt CBCS được khen thưởng vì thành tích công tác đột xuất. Chẳng hạn như vụ bắt quả tang đối tượng Lô Quang Thủy (quê Nghệ An) vận chuyển trái phép 40 bánh heroin và 1.926 viên ma túy tổng hợp, cùng 1 khẩu súng quân dụng P63 với 6 viên đạn.
Trạm Cảnh sát bến xe phía Nam bắt tên Lô Quang Thủy vận chuyển trái phép chất ma túy và súng quân dụng.
Với những nỗ lực của tập thể CBCS, cùng sự ra quân đồng bộ của các tổ công tác 142, CSHS quận Hoàng Mai… nên hiện nay tình hình ANTT tại bến xe phía Nam đã tương đối ổn định, tội phạm và tệ nạn xã hội giảm hẳn. Trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán 2015, do làm tốt công tác phòng ngừa nên không để xảy ra những vụ việc phức tạp về ANTT trên địa bàn do Trạm quản lý.
Nói về những nghĩa cử với dân, Trung tá Hoàng Đăng Phong tâm sự: “Việc giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn mà chúng tôi phát hiện được tại bến xe đều do anh em CBCS của Trạm tự nguyện thực hiện, bằng đồng lương của mình. Chúng tôi nghĩ, đó là việc cần phải làm, xuất phát từ lòng nhân ái và lương tâm, trách nhiệm với dân. Anh em cũng không cho những việc ấy là to tát nên chẳng bao giờ tập hợp lại để báo cáo. Đó là việc thường ngày ở bến mà!”.
Theo Cảnh Sát Toàn Cầu
Vận chuyển 40 bánh heroin, bị "xe ôm" phát giác
Cơ quan tố tụng Trung ương vừa phê chuẩn lệnh tạm giam đối với 2 bị can: Vi Văn Thiều, 47 tuổi, trú tại xã Đồng Tiến, Hữu Lũng, Lạng Sơn) và Vi Thị Hương, 32 tuổi, trú tại xã Linh Sơn, Đồng Hỷ, Thái Nguyên, để điều tra về hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Đây là 2 đối tượng trong đường dây xuyên quốc gia, buôn bán trái phép chất ma túy cực lớn do những đối tượng mang quốc tịch Lào cầm đầu.
Lô Quang Thủy thời điểm bị lực lượng Công an bắt giữ
Theo CQĐT, ngày 13-6-2013, tổ công tác Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang làm nhiệm vụ trên Quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang, phát hiện một xe ôtô bán tải mang biển kiểm soát Lào có dấu hiệu nghi vấn. Tiến hành kiểm tra, lực lượng CSGT phát hiện trong xe có 40 bánh heroin, 350 viên ma túy tổng hợp và 68.000USD.
CQĐT sau đó đã làm rõ và bắt đối tượng đầu vụ trên xe, là Khăm Phoong Gia, trú tại tỉnh Xiêng Khoảng, Lào. Một đối tượng có vai trò đắc lực trong đường dây này, cũng có mặt trên xe ô tô nhưng đã tìm cách bỏ trốn, là Hạ Bá Dềnh, quốc tịch Lào. Cuối tháng 4-2014, Dềnh bị CQĐT Bộ Công an bắt theo quyết định truy nã đặc biệt.
Liên quan đến 2 đối tượng bị cơ quan tố tụng Trung ương phê chuẩn lệnh tạm giam những ngày trung tuần tháng 5 này; qua đấu tranh, cơ quan Công an làm rõ số tiền 68.000USD là do Hạ Bá Dềnh vừa bán 8 bánh heroin cho một đối tượng tên là Hải, với giá 9.000USD/ bánh. Hải trả trước 68.000USD, còn nợ 4.000USD. Qua điều tra, cơ quan CSĐT phát hiện đối tượng mua ma túy của Dềnh và đồng bọn chính là Vi Văn Thiều. Thiều đã sử dụng tên giả là Hải khi giao dịch ma túy. Tiếp tục đấu tranh, các đối tượng khai ra một "nhánh" khác trong đường dây mua bán ma túy số lượng cực lớn trên, là Vi Thị Hương.
Theo lời khai của Hạ Bá Dềnh, khoảng tháng 11-2013, Hương đặt hàng 80 bánh heroin với giá hơn 500.000USD. Sau khi nhận số ma túy trên tại Tương Dương (Nghệ An), Hương cùng đồng bọn chia 80 bánh heroin vào 2 ba lô, rồi thuê Lô Quang Thủy (SN 1972, quê ở Nghệ An), và một đối tượng nữa vận chuyển về Lạng Sơn cho Vi Văn Thiều.
Khoảng 15h ngày 8-11-2013, Thủy vận chuyển 40 bánh heroin về đến bến xe phía Nam, Hà Nội. Trông bộ dạng bất thường của Thủy, một số người hành nghề "xe ôm" đã thông tin đến cơ quan công an. Lập tức, CAQ Hoàng Mai, Trạm CS bến xe phía Nam và phòng nghiệp vụ CATP đã triển khai phương án quây bắt, thu trong hành lý của Thủy 40 bánh heroin, 2.000 viên ma tuý tổng hợp và 1 khẩu súng quân dụng với đạn dược đầy đủ.
Theo ANTD