Chuyện cảm động ghi ở hành lang bệnh viện
Cùng là mang nặng đẻ đau, nhưng nhiều người mẹ còn phải chịu đựng những nỗi phấp phỏng và vất vả vô cùng tận cùng mới có thể được trông thấy con mình khỏe mạnh như những đứa trẻ bình thường. Đó là câu chuyện của những người mẹ tận khổ chăm con sinh thiếu tháng – những câu chuyện ghi vội ở khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà nội.
Tận khổ vì con
Trước khi thực hiện bài viết này, PV đã được nghe chia sẻ đầy ám ảnh của một người mẹ trẻ vừa mất đứa con đầu lòng sinh thiếu tháng.
Lần đầu vượt cạn khi chưa kịp hoài thai con đủ chín tháng mười ngày, chị đã lo sợ, hoang mang biết bao. Để rồi nỗi lo sợ của chị trở thành sự thật: Em bé chỉ kịp đến với cuộc đời có năm ngày ngắn ngủi.
“Nhà em đã cố hết sức rồi… Cháu chẳng được trời cho sống, thì phải chịu thôi…” – người mẹ trẻ xót xa tâm sự.
Lần theo câu chuyện của chị, chúng tôi tìm đến Khoa Sơ sinh – BV Phụ Sản TW. Ở đây, có rất nhiều người mẹ cùng chung nỗi hoang mang, lo lắng ấy.
Ngay ở hành lang tầng hai khu nhà G, ngoài cửa khoa Sơ sinh đã yên vị chỗ ở của rất nhiều người, trong đó phần đông là phụ nữ, những người mẹ đang khắc khoải lo cho con mình.
Quê ở Thanh Sơn – Phú Thọ, chị Nguyễn Thị Tiến, năm nay 25 tuổi đã sống lay lắt hơn một tuần tại Bệnh viện phụ sản. Chị sinh cháu cháu mới được hai mươi chín tuần tuổi. Con chưa kịp ngậm vú mẹ đã phải đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt.
“Mẹ thì khỏe hơn rồi, nên ra ngoài được, còn con vẫn phải ở lại đây. Một ngày hai lần được vào thăm cháu, em không nỡ về vì muốn ngày nào cũng được nhìn mặt con” – chị Tiến tâm sự.
Lấy chồng từ năm mười chín tuổi, nhưng chật vật mãi hai vợ chồng chị mới có được đứa con đầu lòng thì lại sinh thiếu tháng.
“Sinh con ra mà không cho con được khỏe mạnh như con nhà người ta, em day dứt lắm. Nhà neo người, mẹ chồng lại ốm, nên chồng em phải chạy đôn đáo, hết quanh ở nhà lại lao xuống đây với vợ, với con”.
Video đang HOT
Nhiều người mẹ luôn day dứt hoang mang vì sinh con thiếu tháng – (Ảnh: Tuổi trẻ)
Cảnh nhà túng bấn, chị Tiến cũng rất khó nghĩ. Nhưng bỏ về thì không nỡ, chị kiên quyết ở lại trong bệnh viện với con. Lúc mới ra viện, chị còn cố vun vén để thuê được một phòng trọ trong ngõ Phủ Doãn. Nhưng căn phòng giá 100 nghìn đồng một ngày, chật chội như cái tổ chim. Cuối cùng, chị quyết định không thuê nữa mà vào “ở hẳn” tại hành lang bệnh viện.
Mọi sinh hoạt của chị Tiến đều diễn ra trên một chiếc chiếu đơn, thu vén trong một chiếc làn và chai nước nhỏ.
“Ở đây ai cũng thế, có chị còn yếu rũ hơn em cũng phải cố vì nhà không có. Có nhà thì hai vợ chồng cùng lên ở đây, vạ vật khổ lắm, nhưng làm thế nào được!” – chị Tiến cười nhẹ, bảo.
Ngồi cạnh chị Tiến là Hạnh, người cùng quê, cùng cảnh ngộ. Huệ vừa tròn hai mươi tuổi, người xanh rớt. Gương mặt mệt mỏi, Hạnh cho hay: “Em sinh khi thai mới sang tháng thứ 7, vì bệnh viện ở quê không đủ phuơng tiện nên phải chuyển xuống đây sinh. Cháu đã ở đây được một tháng hai mươi sáu ngày rồi. Bé đã không phải nằm lồng kính nữa nhưng chưa biết bao giờ mới được về nhà. Em sốt ruột lắm nhưng còn biết làm thế nào, có người còn phải ở đây đến 3,4 tháng”.
Hạnh chỉ có một mình ở đây vì chồng còn phải về quê, lo cho bố mẹ già hay đau yếu và mùa màng cũng đang vào vụ cấy. Sống dựa vào ba sào ruộng, đôi vợ chồng trẻ chỉ có đôi bàn tay trắng nên trong cơn bĩ bực này họ càng thêm túng quẫn.
Con nằm trong phòng cách ly, mẹ bên ngoài tính từng ngày được đưa con về mà xót xa.
“Ngày hai bữa cơm, lại bữa ăn sáng, rồi đủ thứ tiền dịch vụ từ vệ sinh đến nước nôi trong bệnh viện, em hãi lắm rồi. Đến bữa bưng hộp cơm nhờ chồng người ta mua hộ nhiều lúc tủi lắm, phải gạt nước mắt mà ăn…”.
Chẳng ai biết đến những giọt nước mắt ấy nếu người mẹ trẻ không tâm sự. Chẳng ai biết đến những phút ngại ngần ngồi vắt sữa gửi vào cho con ngay ở cửa phòng khám. Cũng chẳng ai biết đến những “cuộc” chạy mưa chớp nhoáng bên ngoài hành lang bệnh viện của những người mẹ giữa đêm, khi cơn dông ập tới.
Chẳng ai biết họ phải co người, sát lại bên nhau những lúc đêm về cho đỡ lạnh. Chẳng ai biết đến những con tính cộng trừ nhân chia giản đơn của họ cho bài toán sinh hoạt thường ngày trong bệnh viện, cũng như tiếng thở dài khi con số vài chục, vài trăm cứ phải nhân mãi lên hàng tuần,thậm chí hàng tháng chờ con…
“Hạnh phúc là được nhìn thấy con”
Dù vất vả là thế nhưng với Hạnh, với chị Tiến, ở tạm bên ngoài hành lang bệnh viện được vẫn còn may lắm. Bởi theo chị Tiến, “Sống ở hành lang bệnh viên như vậy có khi lại suớng hơn ở phòng trọ vì ở đây không mất tiền, lại thoáng mát. Thỉnh thoảng có phải chạy mưa chạy gió nhưng chúng em chịu được hết. Các chị, các bác cùng ở đây dù mỗi người một cảnh nhưng ai cũng khó khăn nên sống rất tình cảm, những lúc khó khăn thế này mới biết trên đời còn nhiều nguời tốt”.
Sinh non, nên nỗi ám ảnh lớn nhất của những người làm mẹ, làm cha là mất đi sinh mệnh thiêng liêng của con mình bất cứ lúc nào. Niềm an ủi lớn nhất của họ khi ở lại bệnh viện là cho an tâm mỗi ngày được nhìn ngắm con, được thấy con gần với cuộc sống, gần với mình hơn.
Cùng là mang nặng đẻ đau, nhưng nhiều người mẹ còn phải chịu đựng những nỗi phấp phỏng và vất vả vô cùng tận cùng mới có thể được trông thấy con mình khỏe mạnh như những đứa trẻ bình thường – (Ảnh: Tuổi trẻ)
“Những hôm đầu cháu yếu, em sợ lắm. Đêm nào cũng trằn trọc đến mất ngủ. Cả họ hàng bên nội bên ngoại cũng gọi điện hỏi han suốt, em càng nóng ruột, càng lo nghĩ. May là bây giờ, tuy cháu nó còn chưa mở mắt được, nhưng đã biết lắm rồi. Mẹ có vào, thì dù đang ngủ nó cũng tỉnh dậy, huơ tay gọi mẹ. Mỗi lượt thăm cũng chỉ vài phút, em chỉ kịp nhìn cháu thôi đã muốn rớt nước mắt” – chị Tiến tâm sự.
Còn Hạnh, dù ít trải lòng, nhưng nhắc đến em bé là ánh mắt người mẹ trẻ lại sáng rỡ. “Em tên là Hạnh thì đặt tên con là Phúc, là Hạnh Phúc chị ạ. Cháu mới sinh mà đã thiệt thòi quá…”.
Một cái tên được nâng niu, một lời nựng âu yếm gửi qua tấm lồng hấp là đủ chất chứa biết bao sâu nặng của tình mẫu tử. Và với những người mẹ như Huệ, như chị Tiến, cảnh sống bên ngoài sảnh bệnh viện không có gì là khổ sở, bởi cách họ có vài bước chân và một ô cửa kính là hài nhi bé bỏng mà họ dồn mọi thương yêu, hi vọng đang cứng cáp lên từng ngày.
Theo VietNamNet
Người đàn ông cô độc nơi hành lang bệnh viện
May mắn sống sót sau vụ tai nạn giao thông thảm khốc nhưng Hiếu đã bị gãy một chân, một tay. Không gia đình không người thân, hơn một tháng nay Hiếu phải cắn răng chống chọi với đói rét và đau đớn hành hạ thể xác vì không có tiền phẫu thuật.
Trên chiếc giường bệnh đặt ngoài hành lang trước phòng số 2, khoa Chấn thương - Chỉnh hình, bệnh viện Chợ Rẫy người thanh niên chỉ còn da bọc xương nằm co cóp. Trong giấc ngủ chập chờn của anh, thi thoảng những tiếng rên ư...ư... ngắt quãng vang lên, cùng với những tiếng rên thảm thiết ấy, hai hàng nước mắt đục ngầu đang trộm lăn trên gò má cháy nắng.
Nguyễn Trung Hiếu một mình cô độc nơi hành lang bệnh viện
Bệnh nhân ấy chính là Nguyễn Trung Hiếu (SN 1983) , người được bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi chuyển đến Chợ Rẫy vào ngày đầu tiên của năm mới 2011. Theo hồ sơ bệnh án, Hiếu chỉ có duy nhất họ và tên ngoài ra không có thêm bất cứ thông tin nào về địa chỉ thường trú và người thân. Hỏi ra mới biết quá khứ đầy cay đắng và nghiệt ngã của Hiếu - một thân phận bị vứt bỏ bên "hành lang" cuộc đời.
Tất cả những gì Hiếu có thể biết được về gốc gác của mình chỉ gói gọn trong một câu: "Em không biết ai là cha mẹ mình, ngày nhỏ em được một bà cụ bán hàng rong nuôi, nhưng đến khi bà mất em bắt đầu phải lang thang kiếm sống."
Để có thể sống được qua ngày, đứa trẻ chưa đầy 10 tuổi ấy đã phải lang thang khắp các tuyến phố Sài Gòn ngửa tay cầu xin sự bố thí của những người qua đường. " Ngày đó xin được tiền để mua ổ bánh mì hay dĩa cơm với em đã là rất may mắn." Màn đêm là nhà, vỉa hè góc phố là giường, ốm đau bệnh tật có lúc tưởng như chín phần chết nhưng rồi Hiếu cũng vượt qua và lầm lũi lớn lên.
Không biết từ bao giờ Hiếu đã làm quen rồi gia nhập vào nhóm của những đứa trẻ lang thang tại ga Hòa Hưng. "Xin ăn, lượm ve chai, đánh giày, bán vé số... không có công việc nào em chưa làm. Chỉ có móc túi và trộm cắp là em không làm, chính vì lẽ đó em đã bị nhóm "anh chị" tại ga Hòa Hưng đánh đập rồi đuổi khỏi ga." Hiếu bùi ngùi nhớ lại.
Vẫn nghề cũ việc cũ, Hiếu dạt về bến xe Miền Đông kiếm sống, lúc này Hiếu khoảng 17 tuổi. Thấy chàng thanh niên vóc dáng rắn rỏi lại chân chất thật thà nên nhiều nhà xe có thiện cảm, từ đó Hiếu bắt đầu đổi sang nghề lơ xe. Ban đầu là những tuyến gần như Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng lâu dần các nhà xe tuyến Bắc - Nam cũng tin tưởng gọi Hiếu đi cùng.
Gần 10 năm gắn bó với "nghề" lơ xe với thu nhập từ 50 nghìn đến 80 nghìn đồng một ngày, nhưng công việc không phải khi nào cũng có nên Hiếu cũng chỉ kiếm được miếng ăn đắp đổi qua ngày. Cuộc sống khốn khó vẫn bình lặng trôi đi cho đến ngày vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra.
"Hôm đó em đi lơ tuyến Sài Gòn - Hà Nội, khi về đến Quảng Ngãi xe bắt thêm một khách ở dọc đường, người khách này có một chiếc xe gắn máy mang đi cùng. Do xe khách không thể dừng lại bên đường quá lâu nên chủ xe đề nghị em dùng xe gắn máy chạy đến bến. Vì phải chạy với tốc độ quá cao để bám theo xe khách nên em đã bị tai nạn ở dọc đường, khi tỉnh dậy em đã nằm trong bệnh viện". Hiếu bàng hoàng nhớ lại.
Gần nửa tháng điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi Hiếu chỉ có vỏn vẹn trong túi hơn 70 nghìn đồng. Nhờ có sự giúp đỡ của người nhà những bệnh nhân khác Hiếu đã được bó bột nhưng do chấn thương quá nặng nên anh phải chuyển về bệnh viện Chợ Rẫy.
Tại đây bác sĩ chỉ định Hiếu phải mổ gấp để kết hợp xương, song kinh phí cho ca mổ lên tới 15 triệu đồng. Giữa lúc manh quần tấm áo còn không có để mặc, đến miếng ăn cũng phải nhờ vào sự chia sẻ của những bệnh nhân khác nên từ ngày 1/1 đến nay Hiếu tiếp tục phải cắn răng chịu đựng những cơn đau hành hạ thể xác.
Bà Nguyễn Phương Đài, Điều dưỡng trưởng khoa Chấn thương - Chỉnh hình cho biết: "Nếu không được mổ kịp thời bệnh nhân có nguy cơ sẽ phải tháo khớp xương đùi do bị hoại tử." Cảnh khốn cùng của Hiếu đang rất cần sự chung tay giúp sức của cộng đồng.
Theo Dân trí