Chuyện cái tên, và những dòng sông đi qua đời mình
Những cái tên, những bóng người ngang qua đời mình nhiều khi là mảnh ghép đến lúc không thể vừa khít thì phải chia đôi ngả. Dòng sông đời thì vẫn cuộn chảy dẫu quanh co quặn mình bởi những lần gặp gỡ chia phôi.
Tôi luôn nuôi ý nghĩ dù vu vơ, hoang đường, rằng càng có nhiều tên đời càng thâm trầm, quanh co như những nhánh sông lỡ gặp gỡ, chắp nối rồi vụt trôi về nơi mờ mịt bến bờ.
Tôi không thích cũng chẳng ghét cái tên Ngọc Quý, nhưng tôi thương nó, bởi đó là tên gọi bố mẹ tôi đã tâm huyết nghĩ ra và rồi đây nó sẽ rong ruổi theo tôi suốt đời.
Những năm đầu đời, thầy cô, bạn bè gọi nó với vẻ trịnh trọng xen lẫn thờ ơ. Tôi học hành bình thường, có môn điểm số mon men khá giỏi, có môn chật vật lắm mới thi qua. Trường học không ghẻ lạnh nhưng không muốn vỗ về tôi. Tôi không khinh người nhưng lầm lì ít nói thưa chào hỏi đúng kiểu con một, thuở đó tôi không có bạn thân.
Tôi yêu vô ngần cái tên Xíu gọi ở nhà. Bố dù bận rộn mỗi sáng vẫn âu yếm chải đầu giúp tôi rồi trầm ấm nhắc đi nhắc lại “Xíu của bố thật xinh”. Mẹ là người dùng tên Xíu nhiều nhất, từ sáng đến tối nghe rộn ràng những “Xíu của mẹ mau dậy đi học”, “Xíu ơi vào ăn cơm”, “Xíu hôm nay được 10 điểm giỏi chưa bố này”, “Xíu ơi sao thế con, sao vấp ngã chảy máu sao không kêu đau, không nói mẹ xức dầu”…
Và tôi thích mê giọng bà Nhu an ủi “Để bà hò cho Xíu nghe”. Bà Nhu là hàng xóm sát vách nhà tôi, bà góa chồng lúc còn rất trẻ, chỉ ở vậy nuôi con. Bà Nhu gốc Huế, 40 năm làm dâu xứ người vẫn nói rặt giọng Huế. Bố mẹ nhiều lúc đi sớm về khuya, tôi ăn ngủ luôn bên nhà bà. Tôi là trẻ nít nhưng hay buồn vặt, kiểu buồn rất ương dở vu vơ, buồn nhất là những khi mẹ đi công tác dài ngày, chiều xuống nặng nề ôm lấy tôi và vườn cây bất động. Bà Nhu đã bao lần vỗ về trái tim tôi, bà nấu cho tôi những món cầu kỳ, rất ngon, đêm nằm ngủ bà ru tôi bằng câu hò Huế ngọt lịm, da diết những núi Ngự, sông Hương.
Video đang HOT
Một lần bà Nhu về thăm quê rồi mãi không trở lại. Người ta báo bà qua đời vì đột quỵ. Lòng tôi đột ngột đớn đau, dù muôn lần tự an ủi rằng tâm nguyện của bà đã thành hiện thực – được về ngủ bên đồi thông quê nhà.
Tôi 15 tuổi, lần đầu chịu đựng mất mát, tâm tính tôi bỗng thay đổi. Tôi sống hòa đồng, biết quan tâm hơn, tôi thấy sợ những lần chia lìa mà chưa kịp trọn vẹn thương yêu. Năm đó, lần đầu tiên tôi có bạn thân. Tôi mến Mi ngay từ lúc bạn gọi tôi là Donald. Đó là nhân vật hoạt hình bạn thích, bạn nói tôi có dáng đi ngộ nghĩnh y hệt vịt Donald. Tôi yêu cái tên đó, yêu mùa mưa tầm tã chúng tôi che chung một áo mưa, lộc cộc đạp xe đi học, yêu những lần hai đứa trốn tiết chạy ra đường ray chỉ để xem đoàn tàu nhả khói xám như tro, yêu những thầm thì tuổi mới lớn chúng tôi coi là bí mật.
Lên cấp ba, bạn và tôi mỗi đứa học một trường, dù không gặp thường xuyên, Mi vẫn là bạn thân nhất của tôi. Một bận chúng tôi cãi nhau rất to, vì một lí do vụn vặt đến bây giờ tôi không còn nhớ nổi. Nhưng cảm giác thất vọng rã rời lúc tạt vào mặt nhau lời xúc phạm nặng nề tôi mãi không quên. Sau đó chúng tôi cố làm lành nhưng chỉ trở lại làm bạn bình thường ko thể thân như xưa. Lí do có lẽ sâu xa xuất phát từ đổi thay bởi môi trường mới, mối quan tâm mới của cả hai. Từ đó không còn ai gọi tôi Donald. Tôi hiểu rằng bạn và tôi đều phải lớn, có những tình bạn dù đẹp đẽ vẫn không thể cùng ta trưởng thành.
Có một đoạn ngắn năm tháng tôi mang tên Diễm. Chỉ một người duy nhất gọi tôi như vậy. Người đó từng khiến tôi nghĩ có thể chết vì yêu. Hai năm tuổi trẻ đủ quý giá để chúng tôi trân trọng, hi sinh vì nhau nhưng thiếu duyên phận để có nhau trọn đời. Lúc chia tay người ấy bảo tôi không còn là Diễm, tôi về soi lòng mình thấy trống rỗng, xót xa vì tôi chẳng còn là tôi thuở làm anh rung động. Lẽ thường tình nhưng tôi mất khá nhiều thời gian để chấp nhận rằng anh rồi sẽ khác, tôi rồi đổi thay, cả tình yêu cũng đổi màu nhung nhớ.
Những cái tên, những bóng người ngang qua đời mình nhiều khi là mảnh ghép đến lúc không thể vừa khít thì phải chia đôi ngả. Dòng sông đời thì vẫn cuộn chảy dẫu quanh co quặn mình bởi những lần gặp gỡ chia phôi.
Theo Guu
Đường thẳng và đường vòng
Không có con đường dễ dàng trong mọi hành trình.
Trong giờ học, một vị thiền sư chỉ vào một bản đồ và hỏi:
- Các dòng sông trên hình ảnh này có đặc điểm gì?.
Các môn đồ trả lời:
- Chúng luôn lượn vòng thay vì chảy theo một đường thẳng.
Vị thiền sư lại tiếp tục hỏi:
- Tại sao như vậy? Nói cách khác, tại sao những con sông này không đi thẳng mà cứ phải đi đường vòng?.
Mọi người bắt đầu thảo luận:
- Vì khi đi đường vòng, sông sẽ được kéo dài nên chứa được nhiều nước hơn. Hoặc nhờ thế mà khi lũ mùa hè kéo đến, nước sông sẽ không bị dâng quá cao và tràn ra ngoài.
Một người khác lại nói:
- Bởi vì con sông trải dài nên lưu lượng nước trên mỗi khúc sông tương đối thấp, áp lực dưới đáy sông cũng giảm đi. Điều này góp phần quan trọng trong việc bảo vệ bờ sông,...
"Tất cả mọi người nói đều đúng", vị thiền sư nói, "còn bản thân tôi thì cho rằng sông không đi đường thẳng mà phải đi đường vòng, đơn giản chỉ vì đi đường vòng là chuyện bình thường, đi đường thẳng mới là chuyện khác thường. Bởi trên hành trình của mình, các con sông sẽ phải gặp nhiều và đa dạng trở ngại, có cái vượt qua được, có cái không. Nên con sông chỉ có thể đi vòng để tránh các chướng ngại. Mục đích cuối cùng là hòa vào biển khơi".
Ông thiền sư đột nhiên trầm mặc hơn: "Cuộc sống của chúng ta cũng như vậy. Khó khăn, trắc trở trong cuộc sống là chuyện bình thường. Không bi quan, tuyệt vọng, không thở dài, buồn phiền hay bỏ cuộc mới là thái độ sống đúng đắn. Như dòng sông kia không khuất phục trước gian nan, thử thách, luôn kiên trì tiến về phía trước, tiến về biển khơi bao la".
Không có con đường dễ dàng trong mọi hành trình, gian nan và thử thách chính là thước đo ý nghĩa của điểm đến, chỉ cần kiên trì vượt qua, chúng ta sẽ đến được nơi cần phải đến.
Theo Guu
Chẳng ai sinh ra mà đã hợp nhau... Một chút nhường nhịn... một chút chịu đựng,thêm một chút nhẫn nại... và có một chút hy sinh vì nhau, nên tình yêu mới bền vững. Tình yêu cần có những lúc sóng gió, thăng trầm, buồn vui. Những thứ đó như là gia vị để hai con người trở lên đồng điệu và hòa hợp. Một chút nhường nhịn... một chút chịu...