Chuyện buồn về cụ già 92 tuổi bị con trai đẩy ra đường?
Có mặt tại thôn Bình Lý chúng tôi không khỏi xót xa khi nhìn vào “ngôi nhà” của cụ Đoàn Thị Xá 92 tuổi ở thôn Bình Lý, xã Thạch Bình, tỉnh Hà Tĩnh, TP Hà Tĩnh.
Nói là ngôi nhà cho “lịch sự” thôi chứ nhìn mấy cây nứa được dựng sơ sài, mái nhà là mấy lá cọ tranh để che mưa, che nắng .
Theo trình bày của cụ Xá, vợ chồng cụ được ông bà tổ tiên để lại cho miếng đất có diện tích là 1.134m2 , thuộc thửa đất số 675, tờ bản đồ số 2 tại thôn Bình Lý, xã Thạch Bình, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh (nay là thôn Bình Lý, xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh). Cụ Xá có 5 người con, trong đó có 2 người con trai là ông Trần Hữu Quang và ông Trần Hữu Trung. Ông Trần Hữu Quang đi bộ đội rồi làm việc định cư ở Hà Nội, còn ông Trần Hữu Trung sau khi đi bộ đội, trở lại địa phương làm Xã Đội trưởng, hiện đang giữ chức Phó trưởng công an xã Thạch Bình.
Video đang HOT
Mảnh đất đang tranh chấp giữa hai mẹ con bà Xá và ông Trung
Tuy con trai đã về quê nhưng hai ông bà già vẫn dựng một căn nhà tạm ở riêng trong vườn, mọi sinh hoạt đều độc lập với ông Trần Hữu Trung. Năm 2001, cụ ông Trần Hữu Cư mất. Tuy chồng mất, nhưng cụ Xá vẫn ở lại ngôi nhà một mình mà không ở chung với ông Trung. Khi cơn bão đã làm đổ ngôi nhà của bà Xá vào năm 2010, không có nơi ở nên bà Xá đã khăn gói ra Hà Nội để ở với ông Quang nhưng vẫn mong muốn về sống nốt quãng đời còn lại ở quê. Theo nguyện vọng của mẹ, ông Trần Hữu Quang đã từ Hà Nội về quê xây một căn nhà kiên cố cho mẹ ở. Khi ông Quang cho xe chở vật liệu đến để chuẩn bị động thổ thì đã bị ông Trần Hữu Trung ra cản trở, thậm chí là dọa đánh đập.
Căn “lều” đã mục nát mà bà Xá vẫn ở cho đến khi bị ông Trung đẩy ra đường
Qua tìm hiểu được biết, ông Trung nói là mảnh đất này đã thuộc quyền sở hữu hoàn toàn của mình “mảnh đất này tôi đã làm “bìa đỏ” mang tên tôi nên không ai có quyền xâm phạm”(!?).
Sau nhiều lần họp gia đình, giải quyết nội bộ nhưng không thành, cụ Xá đã làm đơn đề nghị UBND xã Thạch Bình giải quyết. UBND xã Thạch Bình đã tiến hành hòa giải bất đồng giữa hai mẹ con nhưng đều không thành.
Với dáng người gầy còm, cụ Xá tay run run và sụt sùi, nói : “Tôi về làm dâu nhà họ Trần đến nay đã 76 năm trời, chồng tôi mất năm 2001 mà không kịp để lại di chúc cho con cháu. Tôi còn sống, tôi cũng có quyền định đoạt đối với miếng đất này, nhưng thằng Trung đã không cho tôi làm nhà để sống nốt quãng đời còn lại và có nơi thờ cúng cha nó, quá đáng hơn là nó còn đuổi tôi ra đường”.
Ông Nguyễn Hữu Nhị, cán bộ Tư pháp xã Thạch Bình, cho biết: “Sự việc này xã đã 2 lần tiến hành hòa giải nhưng đều không thành. Qua hòa giải, ông Trung cũng thừa nhận là đất này có nguồn gốc là tổ tiên để lại và ông Trung đã làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy nhiên bị đơn lại không xuất trình được giấy tờ chứng minh và bên phía địa chính xã Thạch Bình cũng không có hồ sơ liên quan đến miếng đất này. Về quan điểm của xã thì hai bên hòa giải là tốt nhất, giờ chính quyền đã làm hết trách nhiệm của mình”.
Ông Nguyễn Đức Danh, Phó Trưởng phòng TN&MT, kiêm Giám đốc Trung tâm đăng ký quyền sử dụng đất đã từ chối cung cấp hồ sơ liên quan đến miếng đất tranh chấp nói trên cho PV với lý do “không nhận được đơn thư của công dân”(!?).
Nguồn gốc miếng đất rõ ràng là của cha ông để lại, xét theo quy định hiện hành, khi ông Cư đã mất thì bà Xá vẫn thuộc hạng thừa kế đầu tiên, bà có toàn quyền sử dụng đối với miếng đất nói trên. Hơn nữa, ông Trung đã thừa nhận nguồn gốc của mảnh đất nhưng lại lấy lý do mình đã có “bìa đỏ” để chiếm đoạt hoàn toàn miếng đất và còn đẩy chính mẹ ruột đã hơn 90 tuổi của mình ra đường. Vậy, việc cấp “sổ đỏ” cho ông Trung đối với mảnh đất đang tranh chấp có theo đúng quy định của pháp luật hay không, PV báo Pháp luật & Xã hội sẽ tiếp tục xác minh và chuyển thông tin đến bạn đọc ở các số báo sau.
Theo PLXH