Chuyện buồn sau những công trình thủy điện
Việc xây dựng ồ ạt nhiều công trình thủy điện ở khu vực miền núi Thanh Hóa đã gây ra nhiều tác động, hệ lụy tới thiên nhiên cũng như cuộc sống của người dân.
Nhiều khó khăn ở vùng đất mới
Năm 2004, để thực hiện xây dựng dự hồ chứa nước của dự án Thủy điện hồ Cửa Đạt, hàng ngàn hộ dân xã Xuân Liên, Xuân Khao và Xuân Mỹ (huyện Thường Xuân) phải di dời tới khu tái định cư (TĐC) Tây Nguyên, Như Xuân và Như Thanh.
Khi đó, người dân được chính quyền tuyên truyền, vận động rằng, mỗi hộ khi tới khu TĐC mới sẽ được cấp miễn phí một ngôi nhà, khu TĐC sẽ có đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ cuộc sống của người dân như: điện, đường, trường, trạm. Mỗi hộ sẽ nhận được 2.200 m2 đất canh tác, sản xuất và 3 năm đầu được Nhà nước hỗ trợ lương thực.
Tại xã Xuân Liên có 279 hộ dân, với 1.513 nhân khẩu đã chuyển đến khu TĐC mới tại một vùng đất hoang vu ở huyện miền núi Như Xuân. Khi đến nơi TĐC mới xã Xuân Liên được đổi tên thành xã Xuân Hòa (thuộc Như Xuân. Khi nhận đất tại dự án TĐC mới, các hộ dân mới phát hiện ra diện tích đất được cấp thực tế thiếu hụt đi rất nhiều so với diện tích đất được ghi trên sổ đỏ. Nhiều diện tích đất được cấp lại chia vào bờ suối, khe suối, lòng sông, vách núi, vách nghiêng và cả dưới hành lang đường điện cao thế quốc gia nên không thể canh tác, sản xuất.
Người dân rất thất vọng với việc nhận đất thực tế và diện tích đất được ghi trên bìa đỏ. Đại diện cho các hộ thiếu đất là các ông: Vi Văn Xum, Vi Văn Ứa và Vi Hồng Minh cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục gửi đơn lên huyện, tỉnh, Trung ương đề nghị, xem xét giải quyết chính đáng số đất còn thiếu, để chúng tôi có tư liệu sản xuất, yên tâm phát triển kinh tế”.
Tại huyện Bá Thước, nơi có Nhà máy Thủy điện Bá Thước 2, người dân nơi đây cũng đang đối mặt với nhiều câu chuyện buồn.
Nước thủy điện dâng làm giao thông bị chia cắt, người dân phải dùng thuyền sắt để di chuyển.
Năm 2017, UBND huyện Bá Thước có thông báo thu hồi toàn bộ vùng diện tích đất thuộc dự án kể trên, giao quyền sử dụng cho một số hộ trong xã đã trúng thầu sử dụng, các hộ trúng thầu đã tiến hành san lấp, đắp bờ… và nghiêm cấm các hộ dân không được phép xuống vùng vịnh để tiến hành đánh bắt, nuôi cá bè. Hàng trăm hộ dân ở các thôn kể trên mất kế sinh nhai, loay hoay tìm việc làm mới.
Không chỉ thiếu kế sinh nhai, người dân trong diện di dời còn chưa thỏa đáng với mức đền bù quá thấp. Ông Trương Công Xuất ở làng Côn, xã Ái Thượng buồn rầu nói: “Chấp hành chủ trương của Nhà nước, người dân chúng tôi đồng ý di dời để thực hiện dự án thủy điện. Nhưng giá đền bù đất lại rẻ quá, một mét vuông đất sản xuất giá đền bù có 5.000 đồng, chỉ bằng một mớ rau”.
Video đang HOT
Hay Dự án Thủy điện Trung Sơn, được xây dựng trên sông Mã tại xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa vào tháng 11/2012. Để phục vụ dự án một số các hộ dân ở xã Trung Sơn nằm trong phạm vi lòng hồ buộc phải di dời đến khu TĐC mới.
Khi về khu TĐC mới, hầu hết các hộ dân phản ánh cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn. Bà Phạm Thị Pán, 54 tuổi, khu TĐC Tà Bán chia sẻ: “Nước sinh hoạt lúc có lúc không, nước không đủ dùng. Vườn được giao toàn đá nên khó có thể trồng cây. Khi chia đất lại chia cả đất vách, dốc nghiêng thì làm sao sản xuất nổi, nên nhiều hộ dân chưa đồng ý nhận đất. Ruộng lúa trước kia đã nằm dưới lòng hồ, giờ phải đi xa 7-8km đường rừng để khai hoang trồng lúa”.
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, việc xây dựng ồ ạt các thủy điện tại khu vực miền núi Thanh Hóa, không chỉ khó khăn cho cuộc sống của người dân mà việc các đập thủy điện tích nước, cũng đang ảnh hưởng rất nhiều tới việc tưới tiêu trồng trọt trong nông nghiệp. Việc xây dựng các hồ chứa nước thủy điện cũng làm thay đổi quy luật dòng chảy khiến cho tình trạng lũ lụt, hạn hán đang ngày càng diễn biến bất thường, khó dự báo trước…
Cần kiểm tra thấu đáo trước khi thực hiện!
Liên quan đến tình trạng trên, tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến nêu quan điểm: “Những dự án hiện đã chấp thuận chủ trương đầu tư, lập quy hoạch thì cũng cần phải kiểm tra lại cho kỹ càng, thấu đáo. Nếu chưa cần thiết lắm, chưa đảm bảo các quy định của pháp luật thì cần phải xem xét kỹ, nếu cử tri nhân dân có ý kiến thì phải xem lại, cần thiết rút chủ trương đầu tư những dự án này”.
Vị Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng cần nghiên cứu có biện pháp phù hợp, hạn chế tiến tới không cho doanh nghiệp lập dự án, lập quy hoạch đầu tư các dự án thủy điện trên địa bàn.
“Doanh nghiệp lập dự án bao giờ cũng phải có lợi ích, nên dự án có ảnh hưởng người ta cũng viết nhỏ đi, có tác động gì đó người ta cũng viết ít đi… để được các cơ quan chức năng đồng ý cho họ làm. Các sở, ban, ngành năng lực anh em còn hạn chế, không loại trừ khả năng có sự ” tiếp tay ” cho các doanh nghiệp, ” bài binh bố trận ” làm thế nào để qua được để trình chủ tịch UBND tỉnh ký cho các ông ấy, nên cần phải nghiên cứu cho kỹ càng, thấu đáo vấn đề này”- ông Chiến nói.
Bình Minh
Theo Dantri
Gần 60 hộ dân "bơ vơ" sau trận lũ lịch sử
Mặc dù trận lũ lụt lịch sử đã đi qua nhiều tháng, nhưng đến nay, gần 60 hộ dân trên địa bàn huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa có đất làm nhà. Hầu hết trong số đó là những hộ có điều kiện kinh tế khó khăn bị sập nhà, phải di chuyển khẩn cấp đến nhà anh em họ hàng, làm lều ở tạm tại sân bóng hoặc ra ở tạm trên hành lang giao thông...
Đợt mưa lũ lịch sử trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ ngày 10 - 14/10/2017 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Mưa lũ đã khiến hàng trăm ngôi nhà bị cuốn trôi, nhiều địa phương, người dân phải sống cảnh "màn trời chiếu đất".
Trận lũ lịch sử vừa qua khiến nhiều thôn, bản trên địa bàn huyện Bá Thước bị ngập chìm trong nước lũ
Ngay sau khi lũ rút, các cấp các ngành cũng như các địa phương đã huy động mọi nguồn lực nhằm khắc phục hậu quả mưa lũ, giúp đỡ người dân ổn định đời sống cũng như sản xuất.
Tuy nhiên, đã hơn 2 tháng kể từ khi cơn lũ đi qua, hàng chục hộ gia đình tại huyện Bá Thước vẫn đang phải sống trong cảnh ở nhờ, ở tạm bằng lều lán giữa mùa đông giá buốt.
Qua tìm hiểu được biết, hơn 2 tháng nay, tại sân văn hóa xã Lũng Cao, có 2 hộ gia đình với 8 nhân khẩu phải dựng lều, lán sinh hoạt tạm bợ; mới đây, tại khu đất đang xây dựng UBND xã Lũng Cao, thuộc địa phận hành chính của thôn Cao, có 4 hộ gia đình dựng nhà tạm để ở...
Do ở tạm bợ nên các gia đình này đều phải sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn về điện, nước. Lều lán được dựng tạm bợ nên không đảm bảo an toàn trong trường hợp thời tiết xấu. Ngoài ra, việc học tập của các cháu học sinh gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, do điều kiện ở tạm bợ nên các gia đình không ổn định được sản xuất, phần nhiều phải dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước và anh em họ hàng để đảm bảo sinh hoạt tối thiểu.
Cụ Ngân Thị Lá (80 tuổi, ở thôn Trình, xã Lũng Cao) cùng 5 người con và cháu đang phải ở trong lán dựng tạm ở sân nhà văn hóa xã Lũng Cao cho biết, trận mưa lũ vừa qua đã làm đổ sập, hư hỏng toàn bộ nhà cửa, tài sản của gia đình cụ. Gia đình thuộc diện khó khăn nên sau khi nhà bị hỏng không có điều kiện khôi phục lại. Hơn nữa vị trí đất ở cũ do có độ dốc cao, dễ xảy ra sạt lở nên phải di chuyển nơi khác.
Hàng chục hộ dân phải dựng lều lán ở tạm
Không chỉ hoàn cảnh gia đình cụ Lá, mà nhiều gia đình khác trên địa bàn huyện Bá Thước cũng chung hoàn cảnh tương tự. Những hộ gia đình này phải sống trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, sinh hoạt, học tập của bà con cũng như các cháu học sinh.
Ông Hà Văn Tuất - Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Cao, cho biết, đợt mưa lũ vừa qua, toàn xã có 10 hộ gia đình bị cuốn trôi, sập hoàn toàn nhà cửa. Hiện có 2 gia đình được anh em họ hàng cho đất, mượn đất và đang tiến hành dựng nhà. Còn lại 8 gia đình khác hoàn cảnh rất khó khăn, chưa có đất dựng nhà, phải dựng lán ở tạm ở sân vận động xã, ở nhờ nhà văn hóa thôn...
Cũng theo ông Tuất, đến thời điểm này, địa phương vẫn chưa nhận được thông tin hay quyết định nào của các cấp về việc quy hoạch đất ở mới cho các hộ gia đình bị sập nhà do mưa lũ vừa qua.
Trước đó, ngày 30/10/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 13259/UBND-NN về việc bố trí tái định cư cho các hộ dân phải di dời sau thiên tai trên địa bàn huyện Bá Thước. Trong đó, giao các sở, ngành liên quan kiểm tra, nghiên cứu đề nghị của UBND huyện Bá Thước, có ý kiến đề xuất, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới từ ngày 10 - 14/10/2017, trên địa bàn huyện Bá Thước đã xảy ra mưa lớn, lũ quét gây ngập úng, làm chia cắt nhiều thôn, bản trên địa bàn huyện và phá hủy nhiều nhà ở của các hộ dân.
Đã có 211 hộ dân bị ảnh hưởng thiên tai. Trong đó, 58 hộ dân là những hộ có điều kiện kinh tế khó khăn bị sập nhà, phải thực hiện di chuyển khẩn cấp đến nhà anh em họ hàng, làm lều ở tạm tại sân bóng hoặc ra ở tạm trên hành lang giao thông.
Điều kiện sinh hoạt của các hộ dân gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn
Trong khi đó, các xã không còn quỹ đất để bố trí, ổn định cho các hộ. Để kịp thời ổn định cuộc sống cho 58 hộ dân nêu trên, trên cơ sở báo cáo, đề xuất của UBND huyện Bá Thước và tình hình thực tế tại các địa phương, Sở NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, đồng ý chủ trương cho chuyển đổi 10.530m2 đất 1 lúa không hiệu quả của các xã sang đất ở để bố trí cho các hộ dân.
Trong đó, xã Lũng Cao chuyển đổi 6.200m2 để bố trí đất ở cho 31 hộ; xã Lũng Niêm chuyển đổi 2.800m2 để bố trí đất ở cho 14 hộ và xã Cổ Lũng chuyển đổi 1.530m2 để bố trí đất ở cho 13 hộ.
Trong khi các cấp, các ngành, đơn vị và chính quyền địa phương có liên quan đang loay hoay với các thủ tục hành chính và việc tìm đất thì người dân phải sống trong cảnh tạm bợ, thiếu thốn đủ bề...
Duy Tuyên
Theo Dantri
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa "truy" thực trạng công tác giải phóng mặt bằng Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 166/899 dự án xong công tác bồi thường GPMB (đạt 18,46%), diện tích GPMB xong mới đạt 17%. "Anh trả lời chưa đúng, đại biểu hỏi là: Giải pháp căn cơ, anh nói cả hệ thống chính trị, thế thì không phải. Mỗi cơ quan có chức năng, nhiệm vụ...