Chuyện buồn ở khu phố “lấy chồng ngoại”
Đó là những cuộc hôn nhân không tình yêu, rủi ro như canh bạc, được đong đếm bằng những thứ không phải tình yêu.
Những ngày qua, nghi án cô dâu Đỗ Thị Mỹ Tiên (khu phố Ninh Lợi, phường Ninh Thạnh, TP Tây Ninh) bị người chồng Hàn Quốc sát hại, tạo hiện trường giả đã làm xôn xao cuộc sống của người dân ở đây. Bên cạnh sự thương tiếc dành cho chị Tiên, nhiều người không khỏi lo lắng bởi khu phố này có rất nhiều cô gái xuất ngoại lấy chồng qua môi giới.
Mẹ của chị Tiên đã sang Hàn Quốc làm thủ tục đưa tro cốt của con gái về. Ông Đỗ Thanh Linh – cha của chị Tiên buồn rầu nói: “Hồi đó có người mai mối sao đó, nó đi xem mặt xong về nói ở nhà mới biết. Lúc đó anh nó bị bệnh mà không có tiền, nó lấy chồng để có tiền lo cho anh”. Rồi sau đó vì những bất đồng ngày càng lớn nên Tiên muốn ly hôn. Tuy nhiên, chồng Tiên không chịu. Biến cố xảy đến giữa thời điểm mâu thuẫn của hai vợ chồng Tiên đã trở nên rất gay gắt.
Trưởng khu phố Ninh Lợi – ông Nguyễn Văn Định – trăn trở: “Ở đây có nhiều người lấy chồng nước ngoài lắm. Tính sơ sơ cũng đã có hơn 20 cô dâu xuất ngoại. Phần lớn là qua môi giới hay mai mối, địa phương không biết được, chỉ khi xảy ra chuyện đau lòng thì chúng tôi mới biết”.
Cay đắng sau toan tính “đổi đời”
Ninh Thạnh mới lên phường cách đây vài tháng nhưng vẫn mang diện mạo một xã bán thôn bán thị của TP Tây Ninh. Người dân ở đây phần lớn nghèo, gia đình nào không có đất sản xuất thì đi làm mướn. Vì vậy nhiều cô gái đã tìm mọi cách lấy chồng ngoại như một phương kế đổi đời.
Ở tổ 3 của khu phố Ninh Lợi ai cũng biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình ĐT. ĐT lên thành phố cho một số người Hàn Quốc xem mặt rồi “may mắn” được chọn. Không bao lâu sau, cô xuất ngoại theo chồng. Cha của ĐT cho biết: “Nó lấy chồng để giúp tôi có tiền chữa bệnh. Ban đầu thì nhà chồng cũng cho tiền gửi về, sau không cho nữa nên ĐT phải ra ngoài đi kiếm tiền gửi về. Vậy nên vợ chồng nó hay cãi nhau”.
Điều đáng ngạc nhiên là cha mẹ ĐT xem việc con gái lấy chồng ngoại để lo cho cha mẹ là bình thường. Đồ đạc trong nhà đều do cô gửi tiền về sắm sửa. Khi ĐT mâu thuẫn với chồng trong chuyện tiền bạc rồi dẫn đến gây gổ, đánh nhau, cha của ĐT nói vắn tắt: “Nó kêu chồng nó gửi tiền cho tôi. Chồng nó hứa gửi rồi khất lần hoài. Vậy nên nó đòi thôi chồng, thằng chồng đánh nó…”. Tìm hiểu thêm ở những người xung quanh, chúng tôi được biết chồng của ĐT đã mấy lần về thăm quê vợ, mọi người đều nhận xét đó là người đàn ông khá hiền lành. Tuy nhiên, sau khi ĐT đòi ly hôn, chồng cô kiên quyết không chịu và thường xuyên thượng cẳng tay hạ cẳng chân với cô.
Cô dâu Mỹ Tiên lấy chồng nhờ người môi giới, sau đó thiệt mạng nơi đất khách quê người. (Ảnh do gia đình cung cấp).
Video đang HOT
HP (tổ 4, khu phố Ninh Lợi) lấy chồng Trung Quốc từ năm 20 tuổi. Nay thì con của HP đã ba tuổi nhưng cô chưa một lần được về thăm nhà. Nhiều người nói HP không may lấy phải người chồng nghèo khó nên mang tiếng lấy chồng ngoại nhưng mẹ của cô vẫn phải mua bán ve chai, cha vẫn phải chạy xe ôm.
Bà ngoại của HP cho biết, từ hồi cháu gái xuất ngoại tới nay mới gửi được về nhà 3 triệu đồng. Bà than thở: “Tại nhà nghèo quá nên nó liều. Ai ngờ lấy chồng mấy năm không được về thăm nhà. Chồng nó lái xe xúc, má chồng làm hàng bông nên cũng nghèo. Hồi đó có người mai mối cho nó, người ta hứa cưới xong sẽ cho tiền. Nhưng cưới xong cũng không có đồng nào. Nhà chồng không cho nó về, sợ nó trốn luôn”.
Lý do nhà chồng sợ HP trốn cũng bởi chồng cô đã có một đời vợ. Người vợ trước cũng được đưa về làm dâu sau một cuộc hôn nhân mặc cả do bà mai “giúp”. Tuy nhiên, khi sang tới tỉnh Phúc Kiến, thấy nhà anh này nghèo khổ quá nên cô vợ trước đã bỏ trốn luôn. Gia đình HP khắc khoải không biết bao giờ mới gặp lại con.
Trưởng khu phố Nguyễn Văn Định kể thêm về trường hợp của Th. (25 tuổi). Gia đình Th. vừa bán hết nhà cửa để chuyển về một xã nông thôn ở huyện Tân Biên. Trước đó, Th. được môi giới lấy chồng ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Trước đây, Th. vẫn thường gửi tiền về cho cha mẹ. Có tiền “trả hiếu” của Th., gia đình Th. sắm sửa nhiều thứ. Sau đó thì họ “bung ra làm ăn”, chẳng bao lâu lại hết tiền. Thêm vào đó gia đình có người sa vào cá độ, bài bạc. Đến khi vợ chồng Th. lục đục, cô không có tiền gửi về nhà nữa, cha mẹ cô phải bán nhà chuyển đi nơi khác.
Địa phương khó can thiệp
Ông Nguyễn Văn Định cho biết: “Tâm lý lấy chồng ngoại để đổi đời vẫn còn rất phổ biến, có lẽ tương lai sẽ còn tiếp diễn. Do thủ tục kết hôn với chồng ngoại, thủ tục xuất ngoại họ làm ở trên TP Tây Ninh, không qua địa phương nên chúng tôi không nắm hết được. Khu phố không biết, phường không biết nên có muốn động viên, giải thích cho họ cũng không được. Mà mình có giải thích họ cũng không nghe đâu, đến khi xảy ra chuyện thì..”.
Cũng theo ông Định, những cuộc hôn nhân buồn này đều cần phải tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Nhưng nhiều cô gái trẻ vẫn cứ lao vào những cuộc hôn nhân qua các cò môi giới như cách duy nhất để đổi đời.
Chị Nguyễn Thị Hồng Nhu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Ninh Thạnh, cho biết, chỉ tính từ năm 2011 đến nay, phường đã có trên 20 cô dâu xuất ngoại. “Khi hội vận động tuyên truyền, đến từng nhà để hỏi thăm thì thời gian đó ổn nhưng sau đó mấy người môi giới tới rủ rỉ thì lại có gia đình cho con đi lấy chồng nước ngoài. Mình cũng không thể can thiệp được. Họ giấu địa phương, mình tới hỏi thì gia đình nói là con em đi làm ăn xa một thời gian” – chị Nhu nói.
Cũng có người sau một thời gian lấy chồng nước ngoài, chịu không nổi cuộc sống cơ cực xứ người nên trốn về và cầu cứu Hội Phụ nữ. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, họ lại nghe lời người môi giới đi lấy chồng lần nữa. “Qua những vụ việc đó, có thể người nước ngoài sẽ có cái nhìn không tốt về phụ nữ Việt. Điều đó rất đáng buồn. Trong lúc khó khăn, các chị dễ bị bọn môi giới dụ dỗ. Vì vậy hội đã tìm cách chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn về kinh tế cho chị em. Trong các buổi sinh hoạt, hội đã phổ biến nhiều bài báo viết về bi kịch của những cuộc hôn nhân môi giới để chị em thay đổi suy nghĩ của mình” – chị Nhu trăn trở.
Ngồi tù vì buôn bán người Cuối năm 2013, TAND tỉnh Tây Ninh đã xét xử vụ án hình sự mua bán người do Từ Thị Em (53 tuổi) ngụ phường Ninh Thạnh, TP Tây Ninh cầm đầu và các đồng phạm. Đường dây của Em dụ dỗ được 15 cô gái Việt Nam nghèo khó, hứa hẹn tương lai tươi sáng nếu chịu lấy chồng Trung Quốc. Em và các đồng phạm đã tổ chức cho “người mua” xem mặt, tuyển chọn, sau đó đã đưa được 13 cô gái sang Trung Quốc bán. Em được trả công tổng cộng gần 58 triệu đồng. Luật sư của Em cho rằng bị cáo chỉ phạm tội môi giới hôn nhân chứ không phải buôn bán người. Tuy nhiên, Em vẫn không thoát tội, tòa đã tuyên phạt Từ Thị Em tám năm tù vì tội mua bán người, phạt bổ sung 20 triệu đồng và tịch thu số tiền thu lợi bất chính để sung quỹ nhà nước.
Theo Minh Ngô ( Pháp luật TP.HCM)
Cha già mòn mỏi ngóng tro cốt con bị chồng Hàn Quốc quăng xác
Ông Linh nằm liệt giường từ hôm hay tin con gái bị chồng người Hàn Quốc giết, quăng xác xuống chân núi, chỉ 2 ngày sau khi từ Việt Nam qua. "Coi như nó đã trả xong nợ cho cha mẹ, giờ yên nghỉ rồi", khoé mắt ông rưng rưng.
Mấy ngày nay, người dân ở khu phố Ninh Lợi, phường Ninh Thạnh, TP Tây Ninh (Tây Ninh) - nơi có nhiều gia đình có con gái lấy chồng Hàn Quốc - luôn râm ran về chuyện chị Đỗ Thị Mỹ Tiên (27 tuổi) vừa bị chồng là Lee Geun Sik giết, quăng xác xuống chân núi tạo hiện trường giả là tai nạn giao thông.
Ngôi nhà của cha mẹ Tiên. Ảnh: Nguyên Vũ.
Ngôi nhà với vách gỗ tạm, mái tôn hoen rỉ, vênh như cái bánh tráng già nắng ở khu vực miền núi, là nơi ở của gia đình Tiên. Thường ngày trống huếch, giờ càng vắng lặng hơn bởi bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (mẹ của Tiên) đã sang Hàn Quốc nhận thi thể con. Chỉ còn người cha già Đỗ Thành Linh và cô em gái đang học ngành kế toán đau đáu nhìn ra cổng. Họ ngóng chờ ngày bà Thuỷ mang tro cốt của Tiên từ Hàn Quốc về.
Khoé mắt thâm quầng, người đàn ông 60 tuổi gầy gò cho biết, chính cảnh nghèo khó của gia đình ông đã đẩy Mỹ Tiên lấy chồng xa xứ. Nhà có 6 người thì một nửa thành viên bị bệnh triền miên. Bản thân ông mắc bệnh tim, suyễn. Vợ ông bị cao huyết áp và tiểu đường còn người con trai đầu có vấn đề về thận. Ông Linh trước đây làm nghề sửa xe nhưng từ ngày con gái lấy chồng ông trở bệnh nặng, không thể tiếp tục làm việc. Anh trai Tiên chỉ học đến lớp 5, công việc lúc có lúc không và vẫn chưa lập gia đình, vợ ông ở nhà làm nội trợ; còn con gái út đang còn đi học.
Lúc chưa lấy chồng, Mỹ Tiên vừa đi học vừa phải kiếm việc làm thêm để lo cho gia đình. Năm 2000, vợ chồng ông phải vay nóng bên ngoài 50 triệu đồng để chữa bệnh cho mọi người. Do chưa có tiền trả nên ngày nào chủ nợ cũng đến nhà đòi, chửi bới...
Trước cảnh nhà bi đát, đang học lớp 12, Tiên quyết định nghỉ học để lấy chồng Hàn Quốc theo sự mai mối của một người bạn cũng có chồng người Hàn. "Nó nói để sang bên đó làm ăn, gửi tiền về cho gia đình trả nợ. Chứ ngày nào cũng thấy chủ nợ đến mắng nhiếc, chửi bới, nó không đành lòng", người cha già rơm rớm nước mắt.
Ông Linh thảng thốt mỗi lần điện thoại đổ chuông. Ảnh: Nguyên Vũ
Lần đó Tiên theo bạn xuống Sài Gòn cho mấy người Hàn Quốc tuyển làm vợ. Chỉ có 5 người được chọn, trong đó có Mỹ Tiên. "Mấy hôm sau nó dắt về một người đàn ông, nói là chồng sắp cưới. Gặp đúng một lần đó thì hai ngày sau là tổ chức đám cưới. Từ lúc dắt về, làm đám cưới rồi vợ chồng nó đi Hàn Quốc, vỏn vẹn chỉ 5 hôm", ông Linh cho biết.
Vợ chồng ông cũng lo lắng: "Thấy thằng đó cũng được, mặt mày sáng sủa, nhưng nếu lấy chồng Hàn Quốc xa xôi, cha mẹ muốn thăm con cũng khó. Tôi khuyên nó suy nghĩ lại nhưng nó nói là để con đi, con sang bển làm, gửi tiền về trả nợ. Tôi bảo với con, thôi thì hên xui, chứ nhà mình giờ cũng thiếu nợ nhiều người", ông Linh kể.
Theo chồng sang Hàn Quốc, hàng tháng Tiên đều đặn gửi tiền về cho gia đình trả dứt nợ sau 3 năm. Mỗi lần con về quê, thấy Tiên vui vẻ, cả gia đình đều tưởng cuộc sống của cô bên xứ Hàn rất hạnh phúc. Mãi cho đến khi mẹ Tiên qua thăm mới biết con gái có một cuộc sống khắc nghiệt với người chồng đầy tính gia trưởng.
Ông Linh bảo, hàng xóm cứ nghĩ con ông lấy chồng Hàn Quốc là sướng, có tiền gửi về cho gia đình. Họ đâu biết đó là tiền mồ hôi công sức Tiên làm công nhân vất vả ngày đêm mới tích cóp được. "Chồng nó suốt 10 năm qua chưa bao giờ đưa một đồng cho vợ giữ. Từ ngày có con trai, nó giao phó cho vợ một tay chăm nuôi. Con Tiên vốn tính chịu thương chịu khó từ nhỏ, nên sang xứ người, nó luôn nhẫn nhịn với chồng", ông Linh nói về con.
Lần về thăm nhà cuối cùng hồi cuối năm ngoái, Tiên ở lâu hơn thường lệ (10 tháng) và cũng ít đi ra ngoài. Tiên tâm sự với cha mẹ về việc hai vợ chồng đã ly thân một năm nay. Tiên bảo do nhà chồng bắt sinh thêm con, trong khi cô đã quá mệt mỏi với cảnh một mình cáng đáng mọi việc dù có chồng làm nghề buôn bán cây cảnh có thu nhập cao. Vợ chồng Tiên cãi vã nhiều vì chuyện này nên cô đòi ly dị.
Người đàn ông Hàn Quốc này được cho là sát hại vợ rồi dựng hiện trường giả. Ảnh: Gia đình cung cấp.
Mấy hôm trước một người bạn của Tiên từ Hàn Quốc về, chạy đến nhà báo tin dữ khi giới chức nước này tìm thấy thi thể của cô dưới chân núi. Lúc đó chỉ có mẹ Tiên ở nhà, bà đã ngất lịm.
"Tôi đang đi công việc bên ngoài, nhỏ út gọi điện bảo về nhà gấp, rồi cúp máy. Về thấy vợ khóc, cứ tưởng con bị bệnh. Không ngờ nghe tin con chết khi vừa trở lại Hàn Quốc có 2 ngày và nằm liệt cho đến nay. Giờ chỉ chờ ngày đón con về chứ cũng không biết làm sao. Coi như nó đã trả xong nợ cho cha mẹ, giờ yên nghỉ rồi", khoé mắt ông Linh lại rưng rưng.
Ông Nguyễn Văn Bời - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khu phố Ninh Lợi, phường Ninh Thạnh, TP Tây Ninh, cho biết trong khu vực có nhiều cô gái lấy chồng nước ngoài nhưng đều sống hạnh phúc, không rơi vào trường hợp như chị Tiên. Họ gửi tiền về cho người thân ở quê xây nhà, trả nợ, sắm tiện nghi. Một số cô còn bảo lãnh gia đình sang bên đó sinh sống.
Theo Vietbao
Một cô dâu Việt nghi bị sát hại tại Hàn Quốc Nguồn tin cộng đồng người Việt tại khu vực tỉnh Chonlanam-do (phía Tây Nam Hàn Quốc) cho biết, ngày 29/7, cảnh sát địa phương đã phát hiện thi thể một cô dâu người Việt dưới một thung lũng trong khu vực. Thông tin ban đầu cho biết nạn nhân là chị Đỗ Thị Mỹ Tiên (sinh năm 1987 tại Tây Ninh) lấy chồng...