Chuyện buồn khó tin: Khóc ròng vì cá tra giống không có kỳ, ngạnh
Hiện nhiều nông dân ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang điêu đứng, ôm nợ với tình trạng cá tra giống sau thời gian nuôi không có kỳ, không có ngạnh.
Theo anh Thuận, một lái cá ở Tiền Giang, nếu cá tra giống đang nuôi có tình trạng không ngạnh, không vây chiếm tỷ lệ khoảng 30% trong ao thì xem như người nuôi ôm nợ.
Đổ nợ…
Đến khi kêu lái mua cá tra giống bà Nguyễn Thị Chối (ấp Tân Hòa, Tân Hội, TX.Cai Lậy, Tiền Giang) mới biết cá không có kỳ, ngạnh.
Ông Huỳnh Văn Chưa (chồng bà Chối) ngồi thẩn thờ trước ao cá tra giống gặp tình trạng không kỳ, không ngạnh đến 60%.
“Tôi thả xuống 4.000m2 ao hơn 3,5 triệu con cá tra bột, giờ kêu lái bán kiểm tra lại thấy 60% cá trong ao không có kỳ, không có ngạnh”, bà Chối thảng thốt.
Theo bà Chối, trong đợt nuôi cá tra bột này bà đã 5 lần đem cá đi kiểm tra tại một cơ sở bán vật tư. Nhưng, cơ sở này không cho biết cá tra bị không kỳ, không ngạnh.
Theo anh Thuận, hiện cá tra giống không kỳ, không ngạnh được mua với giá đúng như tỷ lệ % cá mắc phải trong ao. Theo đó, nếu cá mắc 60% không kỳ, không ngạnh giá sẽ giảm 60%. Thậm chí, có thời điểm thương lái không mua những ao cá gặp tình trạng này.
“Lúc đầu tôi kêu giá với thương lái là 75.000 đồng/kg cá tra giống với tỷ lệ không kỳ, không ngạnh mắc phải là 5/5. Nhưng kiểm tra lại là 6/4 nên thương lái chạy luôn. Tiền nuôi cá tra giống tôi toàn vay hoặc mua chịu vật tư, thức ăn, con giống không à, giờ cầm chắc ôm nợ rồi”, bà Chối than thở.
Tại huyện Mộc Hóa (Long An) tình hình cá tra giống không kỳ, không ngạnh cũng khá thê thảm. Rất nhiều nông dân nuôi cá tra giống đang gặp tình trạng dở khóc, dở cười này.
Ông Nguyễn Văn Sáu (xã Tân Lập) cho biết, mới đây đã xả vài ao cá tra giống mắc tình trạng không kỳ, không ngạnh. Theo ông Sáu, hiện ông đang nuôi 13 hầm (9ha) cá tra giống.
Nhiều nông dân cho biết, để tránh thiệt hại thêm, khi phát hiện tình trạng cá tra giống đang nuôi gặp tình trạng không kỳ, không ngạnh, họ sẽ xả bỏ ao để nuôi lại.
Video đang HOT
Cá tra giống không kỳ, không ngạnh.
Ông Thuận cho biết, hiện các công ty thu mua thủy sản không mặn mà mua cá tra gặp tình trạng không kỳ, không ngạnh này bởi từ chỗ không có kỳ của cá sẽ mọc lên một cụt xương khá to. “Khi đó, phi-lê miếng thịt sẽ không đẹp và giá không tốt”, ông Thuận nói.
Vì sao cá tra giống không kỳ, không ngạnh?
Ông Nguyễn Văn Lo, chủ cơ sở bán cá tra bột ở huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp cho biết, mùa cá tra đẻ tốt nhất từ tháng 2-9 Âm lịch. Tuy nhiên, để có cá tra bột bán cho nông dân, nhất là khi giá cá tra bột lên cao điểm như hiện nay, các cơ sở sẽ làm cá tra bột bất cứ thời điểm nào.
“Để có cá tra bột vào vào tháng 9 đến tháng 1 Âm lịch, các cơ sở ương cá bột sẽ dùng thuốc giục sinh để thúc cá mẹ đẻ. Tuy nhiên, khi làm điều này, cá con sinh ra sẽ không đủ ngày, đủ tháng. Khi thả vào môi trường nước gặp phải tình trạng thiếu dinh dưỡng do nông dân “đánh” hóa chất liều lượng mạnh sẽ làm cho số cá bột èo uột này không thể phát triển kỳ, ngạnh”, ông Lo giải thích.
Bà Chối đang kiểm tra tỷ lệ cá không kỳ, không ngạnh trong ao.
Theo nhiều người nuôi cá tra giống, trong quá trình nuôi còn gặp tình trạng ký sinh ăn kỳ, ngạnh cá tra giống. Tuy nhiên, tình trạng này không nhiều và tỷ lệ cũng không lớn.
Bà Nguyễn Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết, nhiều nông dân đã biết nguyên nhân dẫn đến việc cá tra giống khi nuôi gặp phải tình trạng không kỳ, không ngạnh. Và dù cơ quan chức năng đã khuyến cáo vẫn cứ mua cá bột mà không qua kiểm tra.
“Năm 2018, Sở NNPTNT tỉnh Long An đã tổ chức hơn chục cuộc hội thảo về nuôi cá tra giống cho nông dân vùng Đồng Tháp Mười (Long An), nhưng tình trạng cá tra giống không kỳ, không ngạnh vẫn diễn ra”, bà thổ lộ.
Trước đó, UBND tỉnh Long An đã yêu cầu Sở NN&PTNT tỉnh cùng các ngành liên quan và các địa phương, như: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường (vùng Đồng Tháp Mười) quản lý chặt chẽ các cơ sở ương, nuôi cá tra giống đạt hiệu quả cao, bảo đảm phát triển bền vững.
Nông dân Đồng Tháp Mười đang đổ xô đào ao nuôi cá tra giống bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT phải có trách nhiệm kiểm tra chặt chẽ chất lượng cá bột, vật tư phục vụ sản xuất; tập huấn kỹ thuật cho người nuôi; phối hợp các cơ quan liên quan tại các tỉnh sản xuất cá bột và tiêu thụ cá giống để thông tin các trại sản xuất giống uy tín, chất lượng cho người dân; thực hiện tốt việc quản lý chất lượng, kiểm soát dịch bệnh và thông tin thị trường cho người nuôi từng bước ổn định đầu ra sản phẩm cá tra giống.
Theo Danviet
"Tay chơi" U70 An Giang chi tiền dụ đàn cá tra quý hiếm về để ngắm
Lần đầu tiên ở ĐBSCL có nông dân Phạm Văn Cường, 64 tuổi ở phường Vĩnh Ngươn, TP. Châu Đốc - An Giang đã dụ được đàn cá tra quý hiếm trong tự nhiên với số lượng khoảng 5-6 tấn thường xuyên về ăn mồi, chỉ để ngắm.
Mỗi ngày ông Cường tốn từ 300.000 - 500.000 đồng tiền thức ăn để nuôi cá tra thiên nhiên
Những ngày cuối tháng 9, khi miền Tây đạt đỉnh lũ, chúng tôi về Châu Đốc nghe người dân kể chuyện ông Cường dẫn dụ cá tra về nuôi tự nhiên không khỏi bất ngờ. Phía dưới căn nhà nổi cạnh dòng sông cuồn cuộn phù sa là đàn cá tra "khủng" lượn lờ trông rất vui mắt.
Ông Cường kể trước đây, ông sống bằng nghề mua lúa, làm dịch vụ chở cát đá, đến kinh doanh gỗ rồi tích lũy dần mua đất làm ruộng. Đến nay, khi con cái thành đạt, ông cũng đang sở hữu 3ha đất nông nghiệp giáp với biên giới Campuchia để dưỡng già.
Còn cơ duyên với đàn cá, ông Cường cho biết năm 2014, ông quyết định nghỉ kinh doanh gỗ rồi về cất một nhà mát phía sau nhà lớn cạnh bờ sông Vĩnh Ngươn (thuộc một nhánh của sông Hậu) để vui thú tuổi già cũng như khi bạn bè đến có chỗ uống trà tâm sự. Ông Cường nói: "Lúc này tôi chất đống chà rồi dùng mồi nhử cá đến cho ăn để bạn bè cùng ngắm góp vui. Không ngờ, cá về càng đông, nhiều nhất là cá tra. Cứ thế, chúng trú ngụ trong đống chà để chờ thức ăn. Nhưng có lẽ do tôi nhử chúng đến để ngắm làm cảnh cho vui đời chứ không bắt nên cá kéo về ngày một đông hơn, lâu ngày thành đàn lớn".
Theo ông Cường, khi thấy ông làm như thế nhiều người nói làm chuyện không giống ai, mỗi ngày tốn tiền, tốn công và cá trên sông sẽ "ra đi" không trở lại. Anh Phan Thanh Bùi (hàng xóm của ông Cường, ngụ phường Vĩnh Ngươn) cười nói: Lúc đầu, người ta nói ông Cường làm chuyên tào lao, cá thiên nhiên ngoài sông sao nuôi chúng được. Nhưng rồi khi cá về nhiều, chúng trú ngụ rồi lên ăn mồi rất vui mắt thì mọi người mới thấy việc ông làm là có ích.
Vùng nuôi cá tra thiên nhiên của ông Cường nằm cặp bờ sông Vĩnh Ngươn (thuộc một nhánh của sông Hậu)
Chỉ tay về nơi nuôi cá ông Cường tiếp lời: Không hiểu sao chúng nó vô ăn rồi ở luôn. Cứ thế đàn cá tra thiên nhiên về đây tìm thức ăn ngày đông dần lên trong khi bên ngoài có rất nhiều người làm nghề đánh bắt thủy sản nên tôi quyết định phải bảo vệ chúng để chúng không bị người khác không xâm hại.
Sau khi đàn cá tra về đông, ông Cường lập hẳn chiến lược để bảo vệ nghiêm ngặt. Một khu vực mặt nước rộng hơn 400 m2 nằm cặp sông được ông rào lại, phía trên mặt nước ông cất một nhà nổi lợp lá để tiện chăm sóc cá. Trong nhà có võng, bàn ghế để bạn bè đến nghỉ ngơi, thư giãn ngắm "thú cưng" và tham quan cảnh quan sông nước. Khu vực mặt nước xung quanh nhà ông thả lục bình dày, phía dưới chất một ít chà cho cá trú ngụ.
Xung quanh đám lục bình được ông cắm tre, tràm khoảng cách đủ để ngăn người xấu đưa xuồng ghe vào phá đàn cá và cá lớn nhỏ có thể thoải mái ra vào ăn thức ăn, trú ngụ. Bây giờ, đàn cá quen đến độ ông có thể sờ vào đầu chúng mỗi khi cho ăn và xem đó như một niềm vui. Có lẽ do chưa bao giờ bị tổn hại nên cứ thấy bóng ông Cường là chúng lượn lờ đòi mồi như "thú cưng" trong mỗi gia đình.
Bây giờ, đàn cá quen thuộc đến độ ông Cường có thể sờ vào đầu chúng mỗi khi cho ăn và xem đó như một niềm vui
Sau 4 năm dẫn dụ, chăm sóc, hiện theo ước tính của ông Cường trọng lượng tổng đàn cá đạt khoảng 5-6 tấn, con nhỏ nhất khoảng 0,5 kg và lớn nhất gần 10 kg. Giờ đây, mỗi ngày ông Cường tốn khoảng 300.000 - 500.000 đồng tiền thức ăn cho cá. Tuy tốn kém nhưng ông không bao giờ buồn lòng. Ông nói vui: "Mình lo cho con cái thành đạt, giờ thú vui có bấy nhiêu chẳng lẽ ông già này xin tiền mua thức ăn cho cá ăn mà chúng từ chối sao...!".
Từ năm 2014 dẫn dụ cá tra thiên nhiên về nuôi đến nay ước lượng từ 5-6 tấn cá về ăn mồi do chính ông rải
Ông Cường ước tính đến nay đã có hơn 1.000 người bạn bè ở khắp nơi đến xem đàn cá tra thiên nhiên của ông. Còn anh Phan Thanh Bùi cho biết thêm: Việc làm của ông Năm Cường rất có ít, trước mắt bà con xung quanh có thể đến ngắm cá để thư giãn tinh thần, sau đó chính nó góp phần giúp mỗi người ý thức hơn trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong tương lai.
"Tôi quyết tâm gìn giữ đàn cá này bởi chúng hoàn toàn tự nhiên, không chỉ mục đích giải trí đơn thuần mà còn góp phần gìn giữ, bảo tồn loài cá đặc trưng của vùng đầu nguồn sông Cửu Long", ông Năm Cường tâm sự.
Ông Cường nuôi cá tra thiên nhiên nhằm để ngắm làm cảnh cho vui đời chứ không bắt cá, nên cá kéo về ngày một đông hơn, lâu ngày thành đàn lớn
Nông dân Phạm Văn Cường.
Theo Lê Hoàng Vũ (NNVN)
Thuận vợ thuận chồng, nuôi cá tra thắng lớn "Tỷ phú cá tra giống" Bùi Thanh Chúng (ngụ ấp Phú Lợi A, xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) đã 2 lần liên tiếp nhận bằng khen của UBND tỉnh Đồng Tháp về thành tích phong trào nông sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2012 - 2014 và 2014 - 2016. Với việc nuôi và sản xuất cá...