Chuyện buồn bóng hồng ở ‘rốn ma tuý’
Người phụ nữ Thái bên khung cửi
Người phụ nữ Mỹ Lý vốn xinh đẹp tài năng và chung thuỷ. Thế nhưng khi “cơn lũ” ma tuý tràn qua nơi đây, nhiều cô sơn nữ cũng đã không chịu nổi thay đổi. Họ đang nói không với trai bản trong chuyện trăm năm, kèm theo lời thề “thà ở vậy chứ không lấy thằng nghiện”.
“Hoa hậu” của núi rừng
Từ xa xưa đến nay, người phụ nữ Mỹ Lý vốn được đánh giá là xinh đẹp và chung thuỷ, đặc biệt là những cô gái Thái. Với nước da trắng ngần, giọng nói nhẹ nhàng, tính tình cởi mở là những nét nổi bật nhất.
Ngoài giờ lên nương, lên rẫy, làm lúa khi về nhà họ lại lo lắng mọi thứ từ bữa cơm cho chồng con. Thời gian còn lại trong ngày, họ gắn mình bên chiếc khung cửi với đôi bàn tay khéo léo để làm ra những chiếc áo, chiếc váy thổ cẩm đẹp mê lòng người.
Nói đến nét văn hoá nơi đây, phải nói đến những điệu múa ô, nhảy sạp của những đôi trai gái Thái trong các đêm lễ hội. Chính vì thế mà chẳng mấy trai bản muốn “vượt vũ môn” khi chọn bạn đời. Còn với những gì sẵn có, các sơn nữ đã làm bao chàng trai miền xuôi xao xuyến, đắm say khi tiếp xúc. Chính vì thế mà có những câu chuyện tình lãng mạn giữa cô gái Mỹ Lý với chàng trai vùng xuôi.
Anh Thảo quê ở Thanh Chương, khi lên đây làm thợ mộc gặp cô giáo Vi Thị Yến, người bản Xiềng Tắm, xã Mỹ Lý, tình cảm, sắc đẹp của cô sơn nữ đã níu giữ anh gắn bó với mảnh đất núi rừng này.
Không có một cuộc thi hoa hậu nào để đánh giá sắc đẹp của những cô gái nơi núi rừng này. Nhưng khi nói đến những người con gái đẹp ở núi rừng miền Tây xứ Nghệ thì ai cũng phải nhắc đến những cô gái sống bên dòng sông Nậm Nơn.
Nói về những người phụ nữ của quê mình, bà Vi Thị Hoành, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Mỹ Lý hào hứng: “Người phụ nữ ở đây, quanh năm chăm chỉ làm ăn và một mực yêu thương chồng con”.
Đổi thay vì ma túy
Video đang HOT
Bỏ chồng khi đã có con là một điều tối kị với người phụ nữ ở đồng bào các dân tộc thiểu số. Thế nhưng gần đây, tình trạng này lại diễn ra khá phổ biến ở phụ nữ Mỹ Lý. Đến đây, ai cũng nhắc đến câu chuyện của chị Lô Thị X. và anh Lương Văn N. ở bản Hoà Lý, hai người sống bên nhau êm ấm no đủ với ba người con.
Thế nhưng khi anh theo bạn đi làm gỗ ở rừng sâu, sau bao tháng trở về trong tình trạng nghiện ngập. Biết chồng dính vào con đường ma tuý, chị X. đã nhiều lần khuyên chồng cai nghiện và đã bỏ hết nương rẫy, gửi con cái cho ông bà đem chồng ra tận Bệnh xá Tiểu Khu 50, thị trấn Mường Xén để cai nghiện. Vui mừng khi chồng cai nghiện thành công, nhưng niềm vui ấy chẳng được bao lâu vì anh tái nghiện.
Học sinh đến trường trong vùng “rốn lũ”.
Sau nhiều lần, chị đành bất lực chia tay chồng để lo cho con cái. Đồng cảnh với chị X. ở bản Hoà Lý, còn có chị Vi Thị H., chị và anh Moong Văn H. cũng có với nhau được hai người con, gia đình không giàu có nhưng yên ấm vì cả hai đều chăm chỉ làm nương rẫy và chăn nuôi.
Nhưng cũng vì muốn gia đình có cái để dành, anh H. đã theo bạn đi làm gỗ trong rừng sâu.
Mấy tháng đầu, anh còn mang về cho chị một ít tiền để dành, nhưng về sau bị bạn bè rủ rê, anh đã dính vào ma tuý lúc nào mà không hay. Thương chồng, thương con, chị bắt anh cai nghiện nhưng cũng nhiều lần anh tái nghiện. Vậy là bản Hoà Lý lại thêm một gia đình tan vỡ vì ma tuý.
Nhưng có lẽ câu chuyện cảm động và buồn nhất phải dành cho đôi bạn trẻ C. và N. ở bản Xiềng Tắm. Họ lớn lên bên nhau trong bản, cùng nhau lên nương, lên rẫy, đi học. Thế rồi khi đến tuổi, hai gia đình tổ chức cưới nhỏ cho hai con (ăn hỏi).
N đến ở nhà C. để trả ơn bố mẹ vợ, chờ ngày làm đủ tiền để cưới C. về nhà mình (phong tục của người Thái ở Mỹ Lý). Muốn nhanh có tiền cưới vợ, N. theo bạn đi làm gỗ và anh đã thử ma túy rồi bị “nàng tiên nâu” ôm chặt mà không thể dứt ra được.
Biết người thương nghiện ngập, C. luôn bên N. để anh cai nghiện, nhưng đều thất bại. Câu chuyện tình của họ khép lại, khi C. bắt bố mẹ trả lễ và chịu phạt một khoản tiền lớn cho họ nhà trai với lời thề “thà ở vậy chứ không láy thằng nghiện”.
“Cơn lũ” ma tuý đang làm tan cửa, nát nhà, làm bao câu chuyện tình đẹp bên dòng Nậm Nơn phải tan vỡ.
Theo VNN
"Rốn ma túy' bên sông
Bản Xiềng Tắm, xã Mỹ Lý đang bị ma tuý bủa vây
Cách trung tâm thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An khoảng 60km đường rừng núi hiểm trở, xã Mỹ Lý đang được xem là "rốn lũ" ma tuý của tỉnh. "Cơn lũ" ma túy tràn qua làm cho cuộc sống, văn hóa, học hành của người dân bản địa đang bị xáo trộn.
Từ một vùng đất yên bình trên biên giới, nhưng việc các công ty gỗ biến Mỹ Lý thành điểm tập kết gỗ để trung chuyển về xuôi đã làm cho nơi đây xuất hiện nhiều tệ nạn, đặc biệt là ma túy. Trong những năm gần đây, Mỹ Lý đang được xem là "rốn ma túy" của toàn tỉnh.
Thực trạng nhức nhối
Nằm cách trung tâm thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) khoảng 60 km, Mỹ Lý có chiều dài biên giới trên 40 km giáp với nước bạn Lào, với 12 bản, 997 hộ, 5011 nhân khẩu. Để về với Mý Lý có hai con đường, thứ nhất là từ Cửa Rào (huyện Tương Dương) ngược sông Nậm Nơn khoảng 4 giờ đồng hồ bằng xuồng máy, thứ hai từ trung tâm thị trấn Mường Xén theo đường bộ về trung tâm xã với 3 giờ đồng hồ bằng xe gắn máy.
Chọn phương án nào cũng rất vất vả và nguy hiểm bởi trên hành trình là bao vực sâu, thác cao.
Mỹ Lý lại được thiên nhiên ưu đãi nên chẳng mấy khi đồng bào Thái, Mông, Khơ Mú sống ở đây biết đến cái thiếu, cái đói. Ngược lại, nơi đây lại có những ngôi nhà sàn trị giá tiền tỉ được dựng lên từ việc khai thác gỗ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Mỹ Lý lại đang bị tệ nạn ma tuý bủa vây.
Theo thông tin chúng tôi có được từ Ban công an xã Mỹ Lý, thì hầu như các bản trong xã này đều có con nghiện ma túy. Trong đó, các bản như Xiềng Tắm, Xiềng Trên, Hoà Lý, Xúp Tụ thì tỉ lệ nghiện ở nam thanh niên trong bản chiếm tới con số 70-80%.
"Sở dĩ 4 bản này có nhiều con nghiện như vậy là do các bản đều trải dài theo dọc sông Nậm Nơn, thanh niên ở đây tham gia vận chuyển gỗ và rủ rê nhau sử dụng chất kích thích" - một cán bộ xã Mỹ Lý (xin được giấu tên) cho biết.
Còn theo thông tin từ Đội Phòng chống tội phạm ma tuý, Đồn biên phòng Mỹ Lý cho biết, trong đợt bỏ phiếu tố giác người nghiện và liên quan đến ma tuý của xã này trong những năm gần đây, thì toàn xã có khoảng 300 người nghiện.
Tuy nhiên, họ cũng cho biết thêm, đó là con số do nhân dân tố giác, nhưng thực trạng thì chắc nhức nhối hơn nhiều. Vì các đối tượng di chuyển vị trí liên tục, họ thường vào rừng làm gỗ nhiều hơn là ở nhà nên lực lượng chức năng khó lòng kiểm soát được.
Cũng theo thông tin từ Ban công an xã Mỹ Lý, các đối tượng nghiện ở đây thường sử dụng hêrôin và đã có một số đối tượng do nhu cầu lớn đã chuyển sang tiêm chích. Có những con nghiện một ngày có thể sử dụng hết cả tiền triệu để mua ma túy.
Đối tượng rơi vào nghiện ngập ở đây tập trung ở độ tuổi từ 18 đến 30 và không ít đối tượng đang là thanh thiếu niên. Có gia đình cả bố và con đều nghiện như gia đình ông Vi. V. M, ở bản Hoà Lý, cả ông và hai con trai lớn đều dính vào ma tuý. Nhưng có một thực trạng đang tồn tại khiến người ta nghe đến cũng phải giật mình, một số cán bộ đang đương nhiệm ở xã này, đều có con, chồng dính đến ma tuý.
Theo các thầy cô giáo ở đây phản ánh, rất dễ bắt gặp cảnh các con nghiện tụ tập nhau để hút hít ở các bể nước bỏ hoang hoặc dọc bờ sông mỗi sáng sớm khi họ đi lấy nước. Từ những thực trạng nhức nhối đó, dẫn đến tình hình an ninh thôn bản diễn ra khá phức tạp, đó là nạn trộm cắp hành hoành trong các bản làng.
Đặc biệt gần đây, việc vận chuyển gỗ của các công ty chững lại nên thanh niên không đi gỗ được, để có tiền tiêu xài, hút hít, nên nảy sinh ra nạn trộm cắp. Lúc đầu là mất gà, rồi một số gia đình bị mất gỗ khi đi rẫy.
Vì đâu nên "rốn lũ"?
Mỹ Lý là một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, con sông Nậm Nơn là nơi cung cấp thực phẩm dồi dào với loại cá Mát, cá Leo thơm ngon nức tiếng Miền Tây Xứ Nghệ. Vốn rừng giàu có với các loại gỗ quý như Đinh Hương, Sến...đất đồi nơi đây, cũng rất tươi tốt, quanh năm cho họ những vụ mùa bội thu.
Gỗ được xem là nguyên nhân của tình trạng nghiện ngập ở Mỹ Lý.
Chính vì thế, chẳng khó hiểu để Mỹ Lý trở thành vùng đất trù phú giữa đại ngàn Tây Bắc xứ Nghệ. Nhưng những năm trở lại đây, với việc các công ty khai thác gỗ về đặt các điểm tập kết gỗ trên đất Mỹ Lý, làm cho cuộc sống nơi đây bị xáo trộn, dù gỗ mang lại nguồn thu nhập khổng lồ cho những gia đình có đàn ông khoẻ mạnh.
Từ đó, họ không còn thiết tha với việc học hành, cũng không mặn mà với việc lên nương rẫy làm lúa, làm rau. Họ theo các chủ hàng vào rừng sâu để khai thác và vận chuyển gỗ thuê.
Chỉ cần một tháng đi rừng, có thể mang lại cho họ nguồn thu nhập 15 đến 20 triệu đồng. Nhưng cái giá họ phải trả là những trận sốt rét rừng, những cơn ốm sinh tử, từ đó nhiều thanh niên đã tìm đến ma tuý để chống lại sự khắc nghiệt của thời tiết đại ngàn.
Đồng thời, do công việc mệt nhọc, nhiều thanh niên bị kiệt quệ về sức khoẻ, để có sức họ lại dùng đến ma tuý tạo sức mạnh ảo. Cứ như thế ma tuý đeo bám họ, bao nhiêu tiền bạc kiếm được họ lại nướng sạch vào ma tuý.
"Hàng chục thanh niên đi làm gỗ về cả tháng trời mà không mang về nhà được một đồng nào và thêm vào đó vì nghiện nặng mà bị chủ gỗ đuổi về. Về các bản làng, họ lại tiếp tục rủ rê các thanh niên khác tham gia hút vui, vì đua đòi bạn bè mà nhiều người nghiện lúc nào không biết" - một cán bộ thuộc đồn biên phòng Mỹ Lý cho biết.
Theo VNN
Những quái chiêu gạt tình, lừa bán sơn nữ Đối tượng lừa bán phụ nữ bị bắt giữ Tại các địa bàn vùng cao, miền núi phía Bắc trong thời gian qua, tội phạm buôn bán người đang có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng gây án thường sử dụng những "quái chiêu" để "gạt tình" lừa bán chị em phụ nữ qua biên giới... Gắn mác "công tử" phố núi...