Chuyện bình thường thôi
Trong tuần vừa qua, khi danh sách chính thức của đội tuyển U23 Việt Nam tham dự SEA Games 31 được HLV Park Hang-seo công bố, chỉ để trống 3 vị trí dành cho các tuyển thủ quá tuổi 23, một lần nữa cái tên Nguyễn Quang Hải lại được nhắc tới với tần suất dày đặc.
Tiền vệ tài hoa người Đông Anh này vừa từ chối gia hạn hợp đồng với CLB Hà Nội để tìm kiếm cơ hội thi đấu ở nước ngoài và rất nhiều người chờ mong anh được gọi vào đội tuyển U23.
Nhưng cuối cùng, khi HLV Park Hang-seo giới thiệu “ba gương mặt quá tuổi” cho đội tuyển U23, Nguyễn Quang Hải đã không có tên. Những người được chọn là tiền đạo Nguyễn Tiến Linh, tiền vệ Đỗ Hùng Dũng và Quả bóng vàng Việt Nam năm 2021 Nguyễn Hoàng Đức. Nhiều cổ động viên thất vọng, dù không ai chê “những người quá tuổi” mà HLV người Hàn Quốc chọn cho đội tuyển U23.
Thực ra, cân nhắc các yếu tố liên quan mới thấy quyết định không triệu tập Quang Hải là hợp lý. Cầu thủ sinh năm 1997 đang trong khoảng thời gian bận rộn với nhiều vấn đề liên quan tới mong muốn chuyển tới châu Âu thi đấu. Việc Quang Hải tham dự SEA Games 31 có thể khiến anh “mất điểm” với ban lãnh đạo CLB mới, bởi SEA Games và thậm chí là ASIAD, Olympic không phải là giải đấu mà các CLB bắt buộc phải “nhả người”. Hơn nữa, mối bận tâm về việc chuyển CLB có thể khiến Quang Hải không đạt được trạng thái tốt nhất cả về chuyên môn và tâm lý nếu thi đấu tại SEA Games.
Nguyễn Quang Hải là tuyển thủ quốc gia, người không thể thiếu trong thành phần đội tuyển Việt Nam. Lúc này, với anh và cả đội tuyển bóng đá quốc gia, một chuyến xuất ngoại suôn sẻ của Quang Hải là điều quan trọng nhất. Điều đó không chỉ mở ra khả năng Quang Hải có được sự thăng tiến, thậm chí là bước đột phá về mặt chuyên môn trong sự nghiệp, mà còn củng cố sự tự tin của cầu thủ Việt Nam khi ra nước ngoài thi đấu, nhất là sau khi chúng ta đã có những Công Vinh, Công Phượng, Văn Hậu… “chìm nghỉm” tại các CLB châu Âu hay Nhật Bản.
Đó là chưa kể, với nhiều người, sân chơi SEA Games nên là nơi dành cho cầu thủ “tuyến hai”. Những Hùng Dũng, Tiến Linh, Hoàng Đức có mặt ở đó đã là quá nhiều, nên chuyện Quang Hải “lỡ nhịp SEA Games” là điều hết sức bình thường.
HLV Park Hang Seo và áp lực HCV SEA Games
Níu kéo Quang Hải, từ chối Hai Long, gọi đủ cả 3 cầu thủ quá tuổi, đội tuyển U23 Việt Nam sẽ mạnh hơn rất nhiều với những điều đó, nhưng liệu rằng những gì mà bóng đá Việt Nam nhận được trong tương lai sẽ toàn là màu hồng?
Quyết định triệu tập lên SEA Games 31 đồng nghĩa Đỗ Hùng Dũng sẽ góp mặt trong mọi giải đấu cấp U23 mà điều lệ giải cho phép kể từ khi ông Park tới Việt Nam. Hai giải đấu trước đó Hùng Dũng góp mặt là Asian Games 2018 và SEA Games 2019. Nếu Quang Hải không kiên quyết từ chối, anh cũng sẽ có số lần góp mặt tương đương Hùng Dũng.
Họ là 2 trong những cầu thủ hay nhất bóng đá Việt Nam đương đại. Khát khao sở hữu họ ở các giải đấu cấp U23 cho thấy HLV Park Hang Seo đang chịu áp lực thành tích cực lớn, thứ áp lực đến mức trở thành gánh nặng.
Nó buộc ông phải liên tục triệu tập những con người tốt nhất, khiến ông không thể cho họ thời gian nghỉ ngơi, bắt ông phải chiến thắng ở mọi giải đấu. Chúng ta từng nghĩ áp lực ấy là đương nhiên sau thất bại liên tiếp của đội tuyển Việt Nam cuối năm ngoái.
Nhưng sau trận Trung Quốc và cả sau trận gặp Nhật Bản, nơi chúng ta đã giành tới 4 điểm, áp lực vẫn không biến mất. Gánh nặng ấy còn lớn hơn cả năm 2019, thời điểm U23 Việt Nam cực mạnh và được kỳ vọng giải cơn khát vàng.
Áp lực ấy chẳng biến mất vì bất cứ điều gì. Dù chúng ta đã có HCV SEA Games đầu tiên ở Philippines, dù thành công của đội tuyển Việt Nam vừa xoa dịu nhiều vấn đề, dù ai cũng biết mục tiêu châu lục là quan trọng hơn, áp lực ấy vẫn tồn tại.
Vấn đề là khi một HLV thành công như thầy Park còn chịu gánh nặng đó, làm sao các HLV tương lai của đội tuyển Việt Nam và U23 vượt qua được nó? Và nếu Hùng Dũng, Quang Hải cứ liên tiếp được triệu tập, bóng đá Việt Nam sẽ lấy đâu ra không gian cho sự phát triển của những tài năng trẻ? Và vì sao U23 Việt Nam vẫn phải phụ thuộc vào họ như thế?
Kỳ vọng về tấm HCV bóng đá nam ở SEA Games 31 là nguyên nhân của tất cả những điều đó. Sâu xa hơn, đó là căn bệnh thành tích vẫn đang bao phủ bóng đá và nền thể thao. Và chưa có dấu hiệu nào cho thấy tình trạng này sẽ được cải thiện trong vài năm tới ở Việt Nam.
Ông Park và U23 chịu áp lực phải giành HCV SEA Games. Ảnh: Thanh Hà
Ông Park và những người kế nhiệm sẽ phải chịu đựng nó. Đặt giá thiết họ đều làm như HLV Park và họ hoàn toàn có quyền làm vậy bởi thành tích của đội tuyển gắn liền với "sinh mệnh" của họ, bóng đá Việt Nam sẽ còn chứng kiến nhiều trường hợp như Hai Long.
Tiền vệ của CLB Hà Nội đã thể hiện tiềm năng cực lớn ở đội Quảng Ninh, đã cho thấy phẩm chất của một thủ lĩnh tại U23 Việt Nam, đã chứng minh anh tài năng và xứng đáng có cơ hội biết bao. Nhưng với Hùng Dũng, Hoàng Đức, ông Park đã đóng sầm cánh cửa trước mặt Hai Long.
Tâm sự của tiền vệ người Quảng Ninh cách đây ít ngày có lẽ cũng là nỗi lòng của rất nhiều cầu thủ U23 khác, những người đang không có được cơ hội mà họ xứng đáng.
Vậy thì tấm HCV SEA Games sắp tới nếu có, liệu có dẫn chúng ta gần hơn với sân chơi châu lục?
Khi đã đánh đổi từng ấy thứ, tấm HCV SEA Games tương lai liệu có mang tới cho chúng ta sự tiến bộ?
Có lẽ không. Bài học của năm 2019 giờ vẫn nóng hổi khi ngay sau thành công SEA Games, U23 Việt Nam lập tức trải qua kỳ U23 châu Á thất vọng, ghi được đúng một bàn và rời giải ngay sau vòng bảng. Hãy chú ý, ngay sau SEA Games vào tháng 5 cũng là một kỳ U23 châu Á chỉ trong tháng 6. Hùng Dũng, Tiến Linh, Hoàng Đức có dự được giải đấu ấy không?
Bóng đá Việt Nam hôm nay chẳng thiếu tài năng trẻ. Thành công bất ngờ của đội U22 ở giải Đông Nam Á vừa qua cho thấy chúng ta vẫn còn những viên ngọc thô ẩn mình. Điều họ cần là những đôi mắt phát hiện và bàn tay nâng niu, chăm sóc.
Nghịch lý của bóng đá Việt Nam hôm nay là rất nhiều tài năng trẻ đã được phát hiện và bộc lộ mình vượt cấp ngay ở đội tuyển chứ không phải U23, điển hình là trường hợp của Phạm Tuấn Hải và Nguyễn Thanh Bình.
Cả 2 đều chưa từng có giải đấu lớn nào cùng U23 Việt Nam và chỉ phát lộ tài năng trên đội tuyển. Nghĩa là họ đã không có cơ hội ở cấp U23, họ không đi theo lộ trình tiến bộ bình thường mà những Quang Hải, Công Phượng, Tuấn Anh đã đi trong quá khứ.
Ví dụ về họ là bằng chứng cho thấy U23 Việt Nam dường như không còn là mảnh đất lý tưởng cho các tài năng mới. Đó là điều rất dễ hiểu bởi nếu so về trình độ hay kinh nghiệm, chẳng HLV nào chọn Hai Long hoặc Hữu Thắng nếu đã có Hùng Dũng, Hoàng Đức.
Thái độ của bóng đá Việt Nam với các sân chơi khu vực như SEA Games khác xa với đối thủ lớn cùng khu vực Thái Lan. Từ thời kỳ của Kiatisuk Senamuang, người Thái đã không còn coi đây là sân chơi quan trọng.
3 kỳ SEA Games chiến thắng dưới thời Kiatisuk, ông chỉ cầm quân trực tiếp đúng một lần. Người Thái ý thức được sự tiến bộ của mình và đã dồn mọi nguồn lực cho mặt trận châu lục quan trọng hơn.
Bóng đá Việt Nam lẽ ra có thể làm điều tương tự. 4 điểm tại vòng loại World Cup 2022 vừa qua đã giúp chúng ta quân bình thành tích tốt nhất của Thái Lan ở đấu trường thế giới. Kết quả ấy là bằng chứng cho thấy tiềm lực của bóng đá Việt Nam.
Giờ là lúc ta phải hành động tương xứng với tiềm năng ấy. Níu kéo Quang Hải, từ chối Hai Long, gọi đủ cả 3 cầu thủ quá tuổi cho U23, tất cả những biện pháp ấy đều khó có thể giúp chúng ta có được một đội tuyển U23 Việt Nam đủ sức vươn tầm thay thế lứa đàn anh ở đội tuyển Việt Nam hiện tại.
Trong khi ấy, nơi chúng ta vẫn mơ là World Cup 2026 đã ở rất gần.
BTC SEA Games 31 hôm 14/4 đã chính thức ban hành lịch thi đấu các môn bóng đá tại SEA Games 31 bao gồm: Bóng đá nam, bóng đá nữ, futsal nam và futsal nữ. Theo đó, đội tuyển U23 Việt Nam sẽ bắt đầu hành trình bảo vệ tấm HCV của mình bằng cuộc tiếp đón đối thủ U23 Indonesia lúc 19h00 ngày 6/5 trên sân Việt Trì (Phú Thọ). Trước đó, vào lúc 16h00, cũng tại bảng A, U23 Philippines gặp U23 Timor Leste.
Một ngày sau các trận đấu tại bảng A, loạt trận đầu tiên của bảng B môn bóng đá nam cũng diễn ra trên sân Thiên Trường (Nam Định) với 2 cặp đấu là: U23 Singapore gặp Lào (16h00) và U23 Thái Lan đối đầu U23 Malaysia. Ở lượt trận đầu tiên, U23 Myanmar (bảng A) và U23 Campuchia là những đội được nghỉ.
Tại môn bóng đá nữ, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đá trận ra quân ngày 9/5 trên sân Cẩm Phả lúc 19h00, cùng ngày nữ Philippines gặp Campuchia.
Môn futsal, đội tuyển futsal Việt Nam cũng đá với Indonesia ở trận đầu tiên (11/5). Futsal nữ đá trận đầu ngày 10/5 với nữ Malaysia.
Cũng trong ngày hôm nay 14/4, đội tuyển U23 Việt Nam đã có đầy đủ quân số với sự góp mặt của 3 cầu thủ trên 23 tuổi là Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Hoàng Đức và Nguyễn Tiến Linh. Đội tuyển U23 Việt Nam tập luyện tại Trung tâm đào tạo trẻ VFF thêm một ngày và sẽ di chuyển lên Việt Trì (Phú Thọ) vào tối 15/4 để tập luyện nhằm chuẩn bị cho trận giao hữu gặp U20 Hàn Quốc lúc 19h00 ngày 19/4. Ba ngày sau đó, hai đội gặp nhau ở một trận giao hữu khác tại sân vận động Hàng Đẫy (Hà Nội).
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã thông báo kế hoạch phát hành vé phục vụ người hâm mộ theo dõi 2 trận đấu giao hữu của U23 Việt Nam và U20 Hàn Quốc. Theo đó, vé bao gồm 3 mệnh giá: 150.000đ - 200.000đ - 300.0000đ/vé. Phương thức phát hành sẽ theo 2 dạng: Bán vé trực tuyến (online) trên ứng dụng VinID và bán trực tiếp tại một điểm.
Lộ diện đội trưởng U23 Việt Nam tại SEA Games 31 HLV Park Hang Seo đã chốt xong danh sách ban cán sự U23 Việt Nam cho SEA Games 31, trong đó tiền vệ Đỗ Hùng Dũng đeo băng thủ quân U23 Việt Nam. Để chuẩn bị cho SEA Games 31, U23 Việt Nam đã tập trung từ ngày 7/4. Đến hôm nay, sau khi lực lượng được bổ sung đầy đủ, Hùng Dũng,...