Chuyển BCĐ Phòng chống tham nhũng mới chỉ là… thay đổi màu áo
“Dù giao cho Chủ tịch nước hay Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo PCTN thì những thành viên trong Ban đều là những người kiêm nhiệm ở các Bộ, ngành, địa phương. Như vậy, tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi vẫn diễn ra, chẳng qua chỉ thay đổi màu áo?”.
Đây là một trong những câu hỏi cử tri tỉnh An Giang gửi tới Quốc hội trong kỳ họp thứ 5 (tháng 6/2013) được chuyển đến UB Tư pháp trả lời.
Ban chỉ đạo PCTN thuộc địa phương – vẫn là vừa đá bóng vừa thổi còi!?
Cử tri các tỉnh Bình Định, Sóc Trăng, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Phước phản án, trong thời gian qua, công tác đấu tranh chống tham nhũng đã các cơ quan chỉ đạo tích cực, nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả. Cử tri đề nghị Quốc hội tăng cường hơn nữa công tác giám sát xử lý của các cơ quan chức năng đối với các vụ án tham nhũng đã được phát hiện và thông tin tới nhân dân.
Trả lời băn khoăn này, UB Tư pháp xác nhận, những năm qua, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tăng cường và có nhiều cố gắng trong công tác giám sát PCTN nhưng kết quả đạt được mới là bước đầu, chưa phúc đáp đầy đủ nguyện vọng của nhân dân. Tiếp thu kiến nghị của cử tri, UB Tư pháp hứa, trong thời gian tới tăng cường giám sát công tác phòng ngừa tham nhũng và việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, góp phần nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền trong công tác này; bảo đảm xử lý nghiêm minh người có hành vi tham nhũng; đồng thời giám sát việc công khai kết quả giải quyết các vụ án tham nhũng lớn theo quy định của pháp luật.
Một phiên họp của Ban Chỉ đạo PCTN TƯ do Trưởng Ban – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì (ảnh: cpv.org.vn)
Cử tri tỉnh Sóc Trăng cho rằng, Quốc hội nên giám sát chặt hơn nữa việc thi hành Luật PCTN, chỉ đạo, yêu cầu từng ngành, từng cấp tổ chức kiểm điểm, đánh giá thực trạng công tác PCTN, đề ra các giải pháp thực tế để phát huy điểm mạnh và khắc phục những hạn chế, bất cập.
UB Tư pháp khẳng định sẽ tăng cường hơn nữa giám sát công tác PCTN, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong công tác PCTN, đồng thời tăng cường cơ chế quy trách nhiệm cụ thể đối với người có thẩm quyền, người đứng đầu để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng PCTN.
Cử tri tỉnh An Giang đề nghị có một cơ quan độc lập riêng, không trực thuộc địa phương thì mới làm tốt nhiệm vụ PCTN. Nếu không, theo cử tri, dù giao cho Chủ tịch nước hay Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo PCTN thì những thành viên trong Ban đều là những người kiêm nhiệm ở các Bộ, ngành (ở địa phương cũng tương tự).
“Như vậy, tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi vẫn diễn ra, “chẳng qua thay đổi màu áo” – cử tri kiến nghị Quốc hội giao cho một bộ phận chức năng có nghiệp vụ chuyên môn điều tra xử lý như công an.
Video đang HOT
UB Tư pháp nhận định, việc thành lập một cơ quan độc lập trong PCTN là vấn đề đổi mới quan trọng có liên quan tới quy định của Hiến pháp và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Vấn đề này cần được tổng kết, đánh giá thực tiễn một cách toàn diện, nghiên cứu đồng bộ với việc sửa đổi Hiến pháp và các luật. Dù vậy, UB tiếp thu ý kiến này và kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu phương án cụ thể khi sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật PCTN trong thời gian tới.
Lãnh đạo nhà nước đương nhiên phải kê khai tài sản
Đi vào vấn đề cụ thể là việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, cử tri tỉnh Cà Mau bày tỏ bức xúc với thực tế, một số cán bộ, công chức sau khi về hưu hoặc chuyển ngành mới cất đất, xây nhà trị giá hàng tỷ đồng. Cử tri kiến nghị bổ sung quy định vào luật PCTN về việc cán bộ, công chức về hưu cũng phải kê khai tài sản để làm rõ, truy nguyên xuất xứ số tiền, tài sản đó.
UB Tư pháp khẳng định, Luật PCTN mới sửa đổi gần đây không loại trừ việc xử lý đối với những người về hưu mà trong thời gian đương chức vi phạm pháp luật tham nhũng. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến này, UB Tư pháp cũng kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đánh giá để sửa đổi toàn diện luật PCTN trong thời gian tới. Hướng sửa đổi đặc biệt chú ý các vấn đề về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn ngay cả trong trường hợp họ đã nghỉ hưu…
Cử tri tỉnh Vĩnh Phúc cũng thắc mắc, theo luật hiện tại, việc kê khai tài sản của người có trách nhiệm kê khai không trung thực, làm sai lệch hồ sơ quản lý nhưng cũng chưa bị xử lý?
Trả lời câu hỏi này, UB Tư pháp dẫn Nghị định số 78 về minh bạch tài sản thu nhập mới được Chính phủ ban hành ngày giữa tháng 7 vừa qua đã xác định rõ việc xử lý trách nhiệm của người kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không trung thực.
Cử tri tỉnh Lâm Đồng đề nghị quy định rõ trong luật việc công khai tài sản của cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước trước dân. Hơn thế, yêu cầu cử tri đặt ra là cần đấu tranh quyết liệt, mạnh tay hơn với tệ nạn tham nhũng để tạo lòng tin ở người dân.
Đáp lại ý kiến này, UB Tư pháp khẳng định, các cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cũng nằm trong diện cán bộ buộc phải kê khai thu nhập tài sản theo luật định. Nghị định 78 cũng đã quy định cụ thể về đối tượng, trình tự, thủ tục, phạm vi công khai bản kê khai tài sản, thu nhập.
Dù vậy, ghi nhận yêu cầu xác đáng của cử tri, UB Tư pháp tiếp tục giám sát, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền tích cực, chủ động, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các hành vi tham nhũng.
Về yêu cầu đấu tranh quyết liệt hơn, cơ quan trả lời nêu rõ định hướng đấu tranh tới đây là hạn chế tối đa việc miễn trách nhiệm hình sự, đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, áp dụng khung hình phạt sai quy định pháp luật. Bên cạnh đó, UB Tư pháp hứa sẽ tăng cường giám sát công tác phát hiện và xử lý người có hành vi tham nhũng; rà soát các trường hợp xử lý kỷ luật đối với những người có hành vi liên quan đến tham nhũng, tránh bỏ lọt tội phạm; bảo đảm việc xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
P.Thảo
Theo Dantri
Xử nghiêm hành vi nhũng nhiễu, vô cảm của cán bộ
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã ký bản báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2013 gửi tới UB Tư pháp của Quốc hội để thẩm tra, phục vụ kỳ họp Quốc hội cuối năm, sẽ bắt đầu cuối tháng 10 tới.
Xử lý hình sự 4 lãnh đạo... thờ ơ với tham nhũng
Báo cáo của Tổng Thanh tra nêu rõ, trong 8 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp đấu tranh phòng chống tham nhũng và đạt hiệu quả nhất định.
Kết quả, đã có 36 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Cụ thể, có 4 người bị xử lý hình sự (ở Bắc Giang và Bắc Ninh), 4 trường hợp khác đang được xem xét, còn lại chỉ xử lý hành chính.
Dù những con số đạt được như vậy, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh vẫn thừa nhận, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng nhìn chung chưa đạt yêu cầu. Vẫn còn tình trạng chưa rõ ràng trong xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng và hành vi trực tiếp tham nhũng.
Việc xử lý người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng không nghiêm là một nguyên nhân khiến tình trạng tham nhũng dây dưa phức tạp.
Về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập, Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay, trong quá trình xác minh đã phát hiện ra ba trường hợp kê khai không trung thực và các đối tượng này đều bị xử lý cảnh cáo. Gần 60 trường hợp (trong đó đa phần ở TP.HCM) bị xử lý kỷ luật vì chậm kê khai, chậm nộp báo cáo. Đáng chú ý, rất ít nơi xác minh tính trung thực của các bản kê khai.
Chính phủ báo cáo thêm con số 364 cán bộ, công chức nộp, trả lại quà tặng, với tổng giá trị 178 triệu đồng từ đầu năm đến nay.
Hoạt động thanh tra, kiểm toán cũng được tiến hành nghiêm túc. Tuy nhiên, trong suốt quá trình thanh tra, kiểm toán, các cơ quan tuy đều phát hiện ra sai phạm nhưng vẫn ít chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự mà đa phần chỉ xử lý hành chính. Việc chuyển các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng từ cơ quan thanh tra, kiểm toán sang cơ quan điều tra còn bị kéo dài, nhất là những vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều cấp nhiều ngành.
Số tiền tài sản kiến nghị thu hồi rất lớn nhưng chưa thu hồi được bao nhiêu. Đặc biệt, Chính phủ lưu ý việc rất ít người dân tham gia tố cáo tham nhũng. Tình trạng này có nguyên nhân từ việc giải quyết đơn thư còn để kéo dài, và nhất là người dân có tâm lý sợ bị trả thù nên rất ngại tố cáo tham nhũng.
Người đứng đầu thiếu quyết liệt, cơ quan mất dân chủ
Phân tích nguyên nhân của tình trạng tham nhũng vẫn dây dưa, không được xử lý dứt điểm, "đến nơi đến chốn" được Chính phủ giải thích là hầu hết án tham nhũng đều là vụ án lớn, hành vi tội phạm phức tạp, nhiều bị can, quá trình điều tra thường phải trưng cầu giám định để xác định hậu quả thiệt hại. Xong công tác giám định về kinh tế, đất đai hiện nay lại rất phức tạp, dẫn đến kéo dài thời gian.
Thực tế, theo Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh, đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, thủ đoạn phạm tội lại tinh vi, có nhiều thủ đoạn đối phó, che giấu hành vi nên việc phát hiện, truy tố gặp khó khăn. Quá trình điều tra các vụ án tham nhũng đều phải gia hạn thời gian, nhiều vụ án phải gia hạn tới ba lần.
Trong quá trình điều tra, nhiều vụ án phải ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Nguyên do là việc đánh giá mới chỉ thông qua tài liệu ban đầu, nhưng trong các khâu điều tra tiếp sau lại cho thấy hành vi của bị can không đúng như tội danh khởi tố.
Việc tự phát hiện tham nhũng rất yếu, đa phần do báo chí và dư luận xã hội. Trong khi đó, việc xử lý hành vi tham nhũng còn chưa nghiêm, chưa kịp thời, thậm chí có biểu hiện nương nhẹ.
Bản báo cáo nêu nhận định: "Để xảy ra tình trạng trên một phần do người đứng đầu chưa quyết liệt, nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi còn bị buông lỏng... Kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, còn có biểu hiện nói không đi đôi với làm, hoặc thậm chí làm chiếu lệ".
Chính phủ cũng cho rằng những hạn chế, tồn tại nói trên cần phải được nghiêm khắc rút kinh nghiệm, bảo đảm việc xét xử không chỉ để trừng trị, răn đe mà còn để đáp ứng yêu cầu chính trị, nhất là trong tình hình tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp như hiện nay.
Các giải pháp được đề ra trong thời gian tới là tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, như xây dựng các đề án về kiểm soát kê khai tài sản, kiểm soát thu nhập người có chức quyền, tăng trách nhiệm giải trình của người đứng đầu. Với đội ngũ cán bộ, công chức, Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, vô cảm, chấn chỉnh kỷ cương hành chính, thu hồi triệt để tài sản thất thoát. Đặc biệt là phải giám sát chặt chẽ quy trình xử lý các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Bộ luật hình sự theo hướng làm rõ hơn hành vi tham nhũng, sửa đổi quy định về thời hạn điều tra cho phù hợp với những vụ án có tình tiết phức tạp. Đồng thời, các cơ quan Tòa án Viện kiểm sát phải thống nhất xử lý nghiêm khắc, hạn chế áp dụng án treo với tội tham nhũng.
Tuần tới, UB Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến về bản báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2013 cũng như báo cáo thẩm tra của UB Tư pháp để chỉnh lý báo cáo trước khi trình ra Quốc hội xem xét.
P.Thảo
Theo Dantri
Bài 35: Vụ án 194 phố Huế: "Tòa án cho hưởng "đặc quyền" về thời gian tố tụng" Đã 4 tháng trôi qua kể từ ngày bị truy tố, bị can Trịnh Ngọc Chung vẫn đang được tại ngoại, Tòa án Hà Nội vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử khiến dư luận một lần nữa không khỏi hoài nghi về những "bất thường" của vụ án này. Cáo trạng truy tố bị can Trịnh Ngọc Chung của VKSNDTC (Ảnh:...