Chuyện bây giờ mới kể về ca mổ tách song Nhi
Một tuần sau ca mổ tách rời cặp song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi, 2 bé hiện đã tỉnh, tươi cười, linh hoạt hơn, riêng Diệu Nhi vừa được cai máy thở.
Đây không chỉ là niềm vui của gia đình, của nhóm chăm sóc hậu phẫu, mà là còn niềm hạnh phúc của ê kíp thực hiện cuộc đại phẫu lịch sử này. Rời phòng mổ, họ vẫn “nín thở” dõi theo những tín hiệu tích cực từ song Nhi.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh Khánh, Khoa Chẩn đoán Hình ảnh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) được giao nhiệm vụ trực tiếp chẩn đoán hình ảnh từ khi song Nhi được 3 tháng tuổi, để chuẩn bị hướng dẫn, trợ giúp thực hiện cuộc đại phẫu tách rời 2 bé. Lần đầu tiên xem hình ảnh cấu trúc kỳ lạ của song Nhi, bác sĩ Khánh không khỏi bàng hoàng xót xa, không thể tưởng tượng được hai bé sống cộng sinh như thế nào. Sau đó là những ngày miệt mài thức trắng đêm, tìm hiểu về phim CT-MRI, các hình ảnh từ X-quang, thậm chí là phải lên trực tiếp tự siêu âm 2 bé để cảm nhận được bàng quang, tử cung, niệu đạo âm đạo của bé.
Các bác sĩ tập trung cao độ, tỉ mỉ từng mũi dao. (Ảnh: BVCC)
Qua ba lần chụp phim lúc song Nhi tròn 3 tháng, 6 tháng và 9 tháng tuổi, bác sĩ Khánh mới xác định được vị trí gan, lá lách, thận, tụy, bàng quang, tử cung của bé. Còn mạch máu phân bố như thế nào, ruột dính ra sao vẫn là một dấu hỏi lớn đối với ca dính liền phức tạp này. Cho đến khi kiểm tra lần thứ tư, trước mổ một tháng, khi cơ thể hai bé lớn hơn, đạt gần 15kg, mới biết rõ được toàn bộ cơ thể bé.
Xác định việc chẩn đoán hình ảnh càng chính xác sẽ giúp cho phẫu thuật viên bước vào phòng mổ càng tự tin, thao tác thuần thục, gần 10 tháng trời, bác sĩ chụp phim, siêu âm, rồi đưa lên ghép, vẽ, dựng hình 3D cơ thể của hai bé một cách hoàn chỉnh và trình bày kỹ lưỡng khi hội chẩn. Từ đó, các phẫu thuật viên tiến hành phân chia ruột, lựa chọn bàng quang, thận và cơ quan sinh dục cho mỗi bé.
Bác sĩ Khánh kể lại: “Khi chẩn đoán hình ảnh từ khi bắt đầu đến lúc 2 em bé 1 tuổi, thì phải đến tháng cuối cùng mới chẩn đoán được mạch máu thông nối giữa hai em bé”.
Những ngày qua, kết quả siêu âm hệ niệu-dục cho thấy tử cung, âm đạo của Trúc Nhi và Diệu Nhi có máu nuôi tốt, TS.BS Lê Thanh Hùng, Trưởng khoa Ngoại Thận Tiết niệu, Bệnh viện Nhi đồng 1, Trưởng ê-kíp Tiết niệu sinh dục ca mổ song Nhi cảm thấy nhẹ nhõm và tràn đầy hy vọng. Theo đúng liệu trình điều trị, 2 bé vẫn có tử cung, âm đạo bình thường, không ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của các bé về sau. Mặc dù còn cả một quá trình lâu dài, nhưng mỗi ngày là một tín hiệu vui, khiến bác sĩ Hùng cảm thấy vinh dự vì đã được tham gia một mắt xích quan trọng của cuộc đại phẫu.
Diệu Nhi – Trúc Nhi được còn phải trải qua nhiều chặng đường dài để hoàn thiện như người bình thường. (Ảnh: BVCC)
Là ê-kíp cuối cùng thực hiện vai trò đặc biệt quan trọng thực hiện việc “di dời” các bộ phận niệu quản, bàng quang, tử cung, buồng trứng… bác sĩ Hùng đã dành nhiều thời gian tìm hiểu tài liệu, chuẩn bị chu đáo cho trách nhiệm lớn lao này. Bởi các cơ quan nội tạng của hai bé chung nhau, nằm sai vị trí nên phải tính toán chi li, di chuyển các bộ phận chính xác đến từng milimet.
“Trách nhiệm rất nặng nề, tâm lý áp lực lắm, vì đây là một cuộc phẫu thuật rất phức tạp, Mình hình dung ra niệu quản sẽ mổ và chuyển bằng hình thức như thế nào. Bàng quang tử cung âm đạo di dời khỏi vị trí lạc chỗ, đưa lại đúng chỗ như thế nào, mà sau khi sắp xếp, các bộ phận phải sống, đó mới là điều quan trọng”, bác sĩ Hùng nói.
Theo TS.BS Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP, vị “ nhạc trưởng” của ê-kíp cuộc đại phẫu song Nhi, 2 bé đã 13 tháng tuổi, xương bắt đầu cứng nên quá trình đục xương tách 2 bé ra gặp khó khăn. Tuy nhiên, cuộc phẫu thuật diễn ra thuận lợi, mang lại thành công bước đầu.
Chia sẻ về quá trình cắt xương – bước ngoặt mở đầu cho việc chia đôi 2 bé, bác sĩ chuyên khoa 2 Phan Văn Tiếp, chuyên gia về chỉnh hình nhi tại Bệnh viện Xuyên Á TP HCM, trưởng ê-kíp chỉnh hình ca mổ cho biết, các bác sĩ thực hiện 5-6 lần hội chẩn trong nhiều tháng liền và đưa ra các phương án dự phòng cho ca mổ. Thông thường, các ca mổ cắt khung chậu đòi hỏi người bệnh phải nằm nghiêng mới có thể nhìn rõ xương, thế nhưng Trúc Nhi và Diệu Nhi lại có tư thế nằm ngửa nên khung chậu dang ra, sát với mặt bàn, tạo thành đường rạch rất khó. Vì thế, bác sĩ Tiếp đã tự chế một dụng cụ mổ khung xương chuyên biệt cho 2 bệnh nhi. Các bác sĩ rạch một đường da phía sau khung chậu với đường mổ đi dọc theo mào chậu phù hợp với tư thế nằm của song Nhi, sau đó tiến hành cắt khung chậu tách xương.
Sau khi tách rời xương thành công, song Nhi được chuyển sang phòng mổ khác để ê-kíp Ngoại tổng quát, Niệu đạo làm hậu môn nhân tạo và may niệu đạo. Lúc này, sáu bác sĩ trong ê-kíp chỉnh hình được chia đôi để tiếp tục tiến hành khép hai khung xương chậu của các bé.
Bác sĩ Tiếp chia sẻ: “Nếu không khép được khung chậu, bị mất da thì coi như phải đắp da nhân tạo, khi đó các đồng nghiệp của mình đóng thành bụng không được vì thiếu da. Như vậy có nghĩa là mình làm nặng gánh thêm cho các bạn đồng nghiệp ngoại tổng quát, thận niệu… Mà bộ phận ngay tầng sinh môn mà da đóng không được thì rất dễ bị nhiễm trùng”.
Video đang HOT
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm bệnh nhi.
Giờ đây, Trúc Nhi – Diệu Nhi vẫn đang tiếp tục được theo dõi sát sao, chăm sóc chu đáo. Dù biết chặng đường phía trước còn rất nhiều khó khăn để mang lại một cơ thể nguyên vẹn cho 2 thiên thần bé nhỏ, nhưng với những nỗ lực không ngừng nghỉ, các bác sĩ luôn tin rằng, mọi khó khăn đều có thể vượt qua. Với tâm huyết và trí tuệ của mình, họ mong chờ song Nhi sẽ trở thành hai con người độc lập, sống cuộc đời riêng của chính mình./.
"Chứng nhân" của 6 ca tách dính tại Việt Nam kể lại khoảnh khắc căng não chia đại tràng cho Trúc Nhi Diệu Nhi
Đã có lúc ekip phẫu thuật định sẽ chuyển toàn bộ đại tràng chung cho Diệu Nhi và làm hậu môn nhân tạo vĩnh viễn cho Trúc Nhi khi hình ảnh chẩn đoán "chống lại" y văn.
Ngày thứ 8 ca mổ tách rời hai bé gái song sinh dính nhau vùng bụng chậu tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), sức khỏe của "song nhi" đang tốt dần lên. Diệu Nhi đã được cai máy thở, cả 2 bé đang được cắt dần nẹp bột.
Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh (bìa phải, hàng đầu) Phó Chủ tịch nước Việt Nam vào thăm 2 bé.
Chia đôi hay chị nhường hết đại tràng cho em?
TS.BS Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 (TP.HCM), thành viên ekip Ngoại tổng quát ca đại phẫu Trúc Nhi - Diệu Nhi kể lại, trong nhiều lần hội chẩn trước mổ, các thành viên trong ekip cãi nhau rất nhiều về việc sẽ chia đại tràng chung của 2 bé như thế nào.
Theo BS Trí, nguyên tắc khi tách dính trong y văn là chia đôi bộ phận dính nhau cho 2 bé. Tuy nhiên trên hình ảnh chẩn đoán lại cho thấy máu nuôi đại tràng của Trúc Nhi không đủ.
Diệu Nhi suýt được nhận toàn bộ phần đại tràng chung.
Do đó, giải pháp mới được đặt ra là dành toàn bộ đại tràng cho Diệu Nhi. Đồng thời đưa ruột non ở đoạn cuối hồi tràng ra làm hậu môn nhân tạo vĩnh viễn cho Trúc Nhi.
Một phương án khác cũng được nhắc đến là chỉ lấy một phần đại tràng đủ máu nuôi cho Trúc Nhi, toàn bộ phần còn lại sẽ dành cho Diệu Nhi, tuỳ theo lượng máu nuôi được xác định trong cuộc mổ.
Việc đánh giá máu nuôi với ruột rất quan trọng. Nếu đánh giá và mổ không tốt, bệnh nhân có thể hoại tử ruột, viêm phúc mạc và tử vong, ca mổ sẽ thất bại.
Sau khi tranh luận, các bác sĩ vẫn quyết định chia đôi đại tràng cho 2 bé.
Cuộc họp cuối cùng, BS Trí đã tranh luận với hội đồng chuyên môn rằng máu nuôi ruột non của Trúc Nhi vẫn nuôi tới nửa khung đại tràng của Diệu Nhi, quyết tâm phải chia đôi đại tràng cho 2 bé.
"Lúc đó bằng kinh nghiệm và căn cứ vào hình ảnh giải phẫu bệnh, tôi nghĩ do thuốc chụp cản quang chưa chạy tới mạch máu của Trúc Nhi nên chưa hiện rõ trên phim. Không phải do chẩn đoán sai mà là do thời điểm chụp. Và trong quá trình phẫu thuật, rõ ràng động mạch treo tràng trên của 2 bé đều nuôi khung đại tràng và máu vẫn đủ nuôi khi tách đôi".
Nhờ đánh giá đúng hướng từ đầu, việc cắt đại tràng "song Nhi" tương đối thuận lợi. Tổng quá trình để xử lý vấn đề tiêu hóa khoảng 1 tiếng đồng hồ.
Ekip Ngoại tổng quát thực hiện xử lý vùng tiêu hóa cho 2 bệnh nhi.
"Chứng nhân" của những ca tách dính song sinh
Từ những năm 2000 sau khi đi học từ nước ngoài về, TS.BS Trí đã có cơ hội trực tiếp tham gia vào ekip mổ song tinh dính nhau với Giáo sư Trần Đông A và sau này là TS.BS Trương Quang Định tại BV Nhi Đồng 2.
Đến nay, có 6 ca tách dính song nhi đã "qua tay" của vị bác sĩ này.
Ca mổ kéo dài 13 tiếng thực hiện khá thuận lợi.
Bác sĩ Trí nhớ lại, những ca tách dính mà ông từng thực hiện đa số là trước dính ngực, bụng, dính gan, màng ngoài tim, xương ức...
"Nếu đánh giá thực sự khó khăn thì tôi nghĩ là ở 2 ca gần nhất mình thực hiện.
Đó là trường hợp 2 bé ở BV Nhi Đồng 2 vào năm 2017 dính vùng cùng cụt (Bảo Hân - Bảo Ân). Ca này khó về tiên lượng da (không đủ da ghép) và vấn đề nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương vì dính nhau ở vùng chóp tuỷ.
Nếu không đủ da và không xử lý tốt hệ thống thần kinh thì thực sự trở ngại. May mắn là da đủ và vấn đề xử lý rò dịch não tuỷ được các bác sĩ Ngoại thần kinh giải quyết rất tốt.
Trong khi đó, trường hợp của Diệu Nhi - Trúc Nhi lại dính các cơ quan nội tạng, phải tiên lượng các tình huống khác nhau kỹ lưỡng để chia các cơ quan đủ máu nuôi.
Thành công trước mắt thì dễ nhưng hậu phẫu mới nặng nề. Ruột có bị hoại tử hay không, các cơ quan niệu dục chia ra có thiếu máu hay không, hoạt động tốt không... rất nhiều vấn đề phải lo" - bác sĩ Trí nhận định.
Thành công nhiều nhưng cũng từng có lần bác sĩ Trí nếm trải cảm giác thất bại. Như trường hợp của cặp song sinh Phi Long - Phi Phụng ở Ninh Thuận.
Diệu Nhi - Trúc Nhi còn trải qua quá trình hồi phục rất lâu dài.
Sau khi phẫu thuật tách rời và khép ngực lại, Phi Phụng bị thiếu xương ức, thiếu màng ngoài tim. Ekip phẫu thuật đã tiên lượng từ trước và dùng tấm ghép nhân tạo, nhưng cuối cùng tấm ghép lại bị thải. Kết quả là sau đó, một trong 2 bé mất đi.
Là "chứng nhân lịch sử", bác sĩ Trí cho rằng việc tách dính song nhi là sự phối hợp của nhiều khoa.
Mỗi khoa cần có những chuyên gia rất giỏi, có kỹ năng và nhiều kinh nghiệm để làm sao phối hợp, điều hòa trong cuộc mổ nhằm kiểm soát được tiến trình mổ, có kịch bản tốt, không để việc đông bác sĩ làm lộn xộn.
Các bé đang trong giai đoạn hồi sức hậu phẫu.
"Cũng vui, nhưng vừa vừa thôi"
Trở lại với cặp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi, BS Trí cho rằng phần việc của mình là không khó vì hình ảnh chẩn đoán tương đối rõ ràng, đã tiên lượng được hết các tình huống xảy ra.
Dù vậy, dị tật dính nhau rất đa dạng, phải mổ mới biết chính xác đặc điểm mạch máu của 2 bé.
Ngoài ra, ca mổ cũng thuật lợi khi được kế thừa tiến bộ của y học về cận lâm sàng, sự phát triển của các chuyên khoa phẫu thuật phức tạp như phẫu thuật tim, phẫu thuật ngoại thần kinh...
Khoa Ngoại Tổng quát, BV Nhi đồng Thành phố đang lãnh nhiệm vụ hồi sức cho Trúc Nhi - Diệu Nhi.
Đặc biệt, trình độ gây mê hồi sức nhi tại Việt Nam đã phát triển vượt bậc trong vài chục năm trở lại đây. Bác sĩ có thể gây mê ở nhiều tư thế khác nhau, kiểm soát huyết động học lúc mổ rất tốt.
Từ đó hỗ trợ rất nhiều trong các cuộc đại phẫu tách dính nhi.
Được hỏi về cảm xúc sau khi phẫu thuật thành công, bác sĩ Trí mỉm cười, nói rằng riêng mình chỉ... "vui vừa vừa" thôi.
"Mình làm xong việc và không sai sót thì phải vui. Nhưng quen rồi, quá trình sau mổ còn nặng nề lắm. Ví dụ như ruột, tiết niệu có thể xì rò những điểm nối, da nhiễm trùng hoặc thiếu máu nuôi ở một đoạn nào đó...
Bác sĩ Trí (bìa phải, hàng đầu trên cùng) và ekip mổ trong ca đại phẫu chụp hình lưu niệm trong ngày lãnh đạo nhà nước Việt Nam đến BV thăm 2 bé.
Đã làm việc với từng ekip mổ tách dính khác nhau, BS Trí cho rằng ở mỗi cuộc đại phẫu tách dính, phẫu thuật viên cần phải tham gia đầy đủ những lần hội chẩn để được nghe các chuyên gia phân tích, tranh luận và đưa ra những cách xử trí đúng đắn, dựa trên kinh nghiệm và y học chứng cứ.
Điều này sẽ giúp các bác sĩ trẻ học hỏi rất nhiều, giúp cả bác bác sĩ đầu ngành không bị chủ quan với nhận định của mình.
300 ngày vẽ lại cơ thể song Nhi của bác sĩ chẩn đoán hình ảnh Tách rời cặp song sinh dính liền là công sức của gần 100 y bác sĩ, có người ở mặt trận, trực tiếp cầm dao mổ, người ở hậu phương, lặng lẽ gác cửa sinh tử. Sau ca đại phẫu tách rời, Hoàng Trúc Nhi - Hoàng Diệu Nhi đã tỉnh. Các bác sĩ đang lên kế hoạch để tập vật lý trị...