Chuyện bắt “thủy quái” trên dòng sông thơ mộng dưới chân đèo Mã Pì Lèng
Người đàn ông nhỏ thó phải vật lộn với con “ thủy quái” nặng hơn 50kg trên sông Nho Quế khiến ông bị ngã đập miệng vào đá gãy 3 chiếc răng cửa.
Sông Nho Quế từng là nơi trú ngụ của nhiều loài “thủy quái” nước ngọt nặng hàng chục kg.
Gãy răng vì vật lộn với “thủy quái”
Sông Nho Quế đẹp và thơ mộng đến vậy nhưng cá, tôm lại chẳng có là bao. Anh Hướng – người lái thuyền chở chúng tôi đi trên sông Nho Quế cho hay, có những hôm anh đi câu cả ngày chỉ được vài con cá nhỏ. Hay có những người đánh hàng 50-60 chiếc lưới bát quái nhưng cũng chỉ thu về vài lạng tôm, dăm ba con cá.
Chúng tôi lấy làm lạ, anh Hướng cho biết, ngày trước, sông cũng có cá, thỉnh thoảng người dân quăng chài vẫn bắt được những con cá rất to cỡ mấy chục cân, ba ba cỡ lớn cũng nhiều nhưng giờ thì ít rồi.
Theo hướng dẫn của người lái thuyền, chúng tôi đi về phía hạ nguồn sông Nho Quế, mạn gần thủy điện Bảo Lâm 3 (Cao Bằng). Nơi đây lòng sông rộng hơn và đã từng có người đã bắt được những con “thủy quái” trên sông.
Chúng tôi tìm vào nhà ông Hứa Văn Héng – một người dân xã Khâu Vai (huyện Mèo Vạc, Hà Giang), người đã từng câu được cá chiên “khủng” trên sông Nho Quế.
Cá chiên là loài cá da trơn, có râu; thịt vàng, thơm và dẻo quánh. Loài này đặc biệt chỉ sống ở vùng nước xiết, cạnh hang hốc, ghềnh đá cheo leo, cũng vì thế mà nó có sức sống bền bỉ.
Một con cá chiên trưởng thành, tối đa có thể nặng lên tới 50-60kg. Chính vì trọng lượng lớn nên loại cá này còn được mệnh danh là “thủy quái” vùng nước ngọt.
Cá Chiên là loài cá nước ngọt, ưa vùng nước chảy xiết, trọng lượng lên tới 50-60kg. Ảnh tư liệu.
Ông Héng nhớ lại, khoảng hơn 20 năm về trước, ông cùng 2 người bạn ra sông Nho Quế căng lưỡi chùm bắt cá. Lúc ấy, chưa có thủy điện nên lòng sông nhỏ, nước chảy xiết. Ông Héng căng hàng loạt những chùm móc câu ngang 2 bên bờ sông với hy vọng sẽ được một ít cá mang về cải thiện bữa ăn cho gia đình.
Sau nửa ngày ngồi đợi, một con cá chiên rất to đã mắc vào lưỡi câu chùm của ông. Thấy con cá quẫy rất mạnh, biết là có cá to, ông Héng lao xuống dòng sông để bắt cá.
“Cũng may nước sông lúc bấy giờ cạn nên con cá không vùng vẫy được lâu. Tôi lôi con cá vào bờ, buộc dây dù vào đuôi nó. Lúc tôi đang buộc dây thì nó giật mạnh khiến tôi ngã lao về phía trước, đập miệng vào đá làm gãy 3 cái răng cửa”, ông Héng vui vẻ kể lại.
Sau khi đưa cá lên bờ, ông Héng vác cá về nhà. Con cá dài và to hơn cả thân người ông khiến bà con dân bản ai cũng trầm trồ, kéo đến xem. Hồi ấy, chuyện ông Héng câu được cá “khủng” là chủ đề bàn tán xôn xao khắp trong bản.
Video đang HOT
Do con cá quá to nên ông Héng quyết định mang đi bán để lấy tiền trang trải cuộc sống. Ông đưa cá lên lưng ngựa mang ra trung tâm huyện Mèo Vạc, mất cả nửa ngày đi.
“Con cá hơn 50kg, tôi thu về gần 1 triệu đồng, đủ để mua gạo, mắm muối và lương thực cho gia đình dùng trong một thời gian dài và cắm lại 3 chiếc răng giả”, ông Héng chia sẻ.
Không chỉ câu được cá chiên “khủng”, ông Héng còn nhiều lần câu được ba ba cỡ lớn. Ông nhớ, có hôm, ông câu được tới 4-5 con, trong đó có con nặng khoảng 15kg. Tất cả ông đều mang ra phố huyện bán để lấy tiền trang trải cuộc sống còn nhiều khó khăn ở vùng núi từ những năm cuối của thế kỷ trước.
Ngoài ông Héng, ông Hứa Văn Hính – một người hàng xóm của ông cũng đã bắt được một con cá chiên “khủng” khác, khoảng 32kg cách đây đã hơn 20 năm.
Ông Hứa Văn Hính vui vẻ kể lại câu chuyện từng câu được con cá chiên 32kg.
Lần ấy, trong một lần mùa lũ về, nước sông dâng cao, chảy xiết, ông Hính ra sông giăng lưới. Giăng lưới xong, ông ngồi buông cần câu cá. Một lúc sau, ông Hính thấy lưới động mạnh. Biết có cá to, ông vội vàng thu lưới lại thì phát hiện một con cá chiên to đã dính lưới.
“Do nước lớn, tôi mất hàng chục phút để vật lộn với con cá cho nó đuối sức. Mắt lưới của tôi rộng cỡ 20cm cũng đã rách gần hết nhưng may mắn cũng đưa được con cá lên bờ”, ông Hính nhớ lại.
Ông Hính vác cá về nhà, đặt lên cân thì được 32kg. Ông cũng mang ra phố huyện bán để lấy tiền trang trải cuộc sống.
“Thủy quái” dần biến mất
Ông Héng và ông Hính là 2 trong số ít người may mắn câu được “thủy quái” trên sông Nho Quế trong quá khứ. Nhiều năm trở lại đây, người ta không còn câu được những con cá hay ba ba “khủng” nữa. Mặt sông giờ đây lúc nào cũng yên ả, “thủy quái” dần biến mất.
Anh Hướng – người lái thuyền cho chúng tôi biết, trước đây, mỗi khi mùa mưa về, nước sông Nho Quế hung dữ, chảy cuồn cuộn mang theo đầy ắp cá, tôm về cho người dân. Thế nhưng từ năm 2007, khi công trình thủy điện đầu tiên Nho Quế 3 bắt đầu được xây dựng, con sông bắt đầu hiền hòa hơn.
Đến hiện tại, trên sông Nho Quế đang tồn tại 5 nhà máy thủy điện gồm: thủy điện Nho Quế 1, 2, 3 tại địa phận Hà Giang và thủy điện Bảo Lâm 3, 3A tại địa phận Cao Bằng.
“Từ khi có đập thủy điện giữ nước lại, lòng sông phía trước mỗi đập rộng và sâu hơn, phía sau đập có lúc lại cạn trơ đáy. Tôm, cá tự nhiên từ đó cũng vơi dần đi. Lâu rồi, tôi không nghe thấy ai câu hay đánh lưới được cá, ba ba mấy chục kg.
Tuy nhiên, việc xây dựng nhà máy thủy điện là sự phát triển tất yếu của cuộc sống bởi, điện mang lại sự phát triển kinh tế, tiếp cận với công nghệ hiện đại cho người dân vùng cao”, anh Hướng tâm sự.
Hình ảnh sông Nho Quế một bên đầy, một bên cạn do được ngăn bởi đập thủy điện sông Nho Quế.
Nhằm đảm bảo sông có cá, hài hòa với tự nhiên, làm sạch môi trường, chính quyền cũng như các nhà máy thủy điện đã thả hàng tấn cá nước ngọt như trắm, trôi, chép, rô phi… xuống sông Nho Quế. Sau nhiều năm, người dân đi câu dính những con cá trắm gần 10kg hay những con cá chép 4-5kg.
Nhận thấy sự phát triển tốt của các loài cá quen thuộc trên sông, chính quyền xã Khâu Vai (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) đã bắt đầu thử nghiệm mô hình nuôi cá trong lồng bè trên sông Nho Quế.
Ngoài giá trị du lịch, nuôi cá lồng trên sông Nho Quế hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao.
Đây là một bước đi đột phá và sáng tạo của xã Khâu Vai trong việc tận dụng lợi ích của dòng sông Nho Quế. Nếu xã Khâu Vai thành công, đây sẽ là tiền đề để những địa phương khác sống cạnh sông Nho Quế học tập, mang lại lợi ích kinh tế cho người dân vùng cao nguyên đá Hà Giang.
Theo danviet.vn
Mang loài "thủy quái" nhốt lồng trên sông Lô, nuôi không kịp để bán
Anh Vũ Tuấn Công, thôn Ba Luồng, xã Thái Hóa, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) đang nuôi 4 lồng cá chiên đặc sản (nhiều người gọi vui là thủy quái) trên sông Lô cho biết, so với nhiều loại vật nuôi khác thì nuôi cá chiên mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Bởi, cá chiên được xếp vào nhóm cá "ngũ quý hà thủy" (cá chiên, cá lăng, cá rầm xanh, cá anh vũ, cá bỗng). Với giá trên thị trường hiện nay dao động từ 450.000 - 500.000 đồng/kg, mỗi một lồng cá gia đình thu khoảng từ 50 - 60 triệu đồng...
Anh Công cũng chia sẻ thêm, nuôi cá lồng có nhiều ưu điểm như, có thể tận dụng được diện tích mặt nước tự nhiên, vật liệu làm lồng cá dễ kiếm, dễ làm, kỹ thuật nuôi đơn giản. Trong thôn hộ nào có điều kiện thì làm lồng bằng khung sắt, lưới và phao nhựa, hộ nào ít vốn thì tận dụng những cây tre hoặc ống nhựa để làm lồng. Mỗi lồng có thể thả khoảng 100 con cá chiên, mỗi lứa nuôi từ 1 năm rưỡi đến 2 năm, khi cá đạt trọng lượng từ 1,5 - 2 kg thì có thể xuất bán.
Người dân tham quan Hợp tác xã chăn nuôi cá đặc sản Thái Hòa, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang). Ảnh: Quang Đán - TTXVN.
Còn gia đình ông Đặng Hoài Hưng, tổ 7, phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang đang nuôi 20 lồng cá các loại; trong đó chủ yếu là cá chiên, cá lăng... trên sông Lô, mỗi năm cho thu hơn 300 triệu đồng.
Ông Hưng cho biết, cá chiên và cá lăng là loài khá dễ nuôi, ít bị bệnh. Mỗi lứa nuôi từ 1 năm đến năm rưỡi, khi cá đạt trọng lượng trung bình từ 1,5 đến 2 kg/con có thể xuất bán.
Nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh ở Tuyên Quang đã góp phần không nhỏ trong việc tận dụng nguồn lợi từ điều kiện tự nhiên, đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng nông nghiệp hiện đại của địa phương, giúp người dân tăng thu nhập, tạo sự đa dạng ngành nghề phát triển ở nông thôn. Đặc biệt, thu nhập từ nghề nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyên Văn Viêt, Quyền Giam đôc Sơ NN&PTNT tinh Tuyên Quang cho biết, nhằm phát triển thủy sản, đặc biệt là nuôi cá lồng đặc sản trên sông Lô, sông Gâm, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết về Quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2035. Nghị quyết hướng tới nuôi cá đặc sản hàng hóa, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, tiến tới xuất khẩu.
Cùng với đó, tỉnh Tuyên Quang đẩy mạnh thực hiện cơ chế, chính sách cho vay vốn phát triển cá đặc sản để khuyến khích các hộ dân, doanh nghiệp đầu tư, mở rộng quy mô, phát triển mạnh số lượng lồng nuôi cá đặc sản trên sông, hồ thủy điện.
Đặc biệt định hướng phát triển lồng nuôi cá đặc sản có kích thước lớn (trên 100 m3) và xác định đây là bước đột phá nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương và duy trì thương hiệu "ngũ quý" cá đặc sản của tỉnh Tuyên Quang.
Ngoài ra, tỉnh Tuyên Quang thực hiện dự án nghiên cứu, lưu giữ, xây dựng khu vực bảo tồn và phát triển các giống cá quý hiếm của địa phương có sự tham gia của cộng đồng dân cư.
Tỉnh cũng thực hiện đề tài nghiên cứu và ứng dụng sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm các loại cá đặc sản để bảo tồn quỹ gen quý hiếm của quốc gia; tiếp tục đầu tư xây dựng Trại sản xuất giống thủy sản tại huyện Na Hang để cung cấp con giống cho các hộ nuôi .
Tận dụng chiều dài 255km sông chạy qua tỉnh Tuyên Quang có tổng chiều dài 255 km, những năm qua người dân hai bên bờ sông Lô, sông Gâm đã phát triển nuôi cá lồng đặc sản.
Nuôi cá lồng trên sông Lô, phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang. Ảnh: Quang Đán - TTXVN.
Theo thống kê, toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có hơn 1.087 lồng nuôi cá; trong đó 286 lồng nuôi cá đặc sản (cá chiên, lăng, bỗng...), tập trung ở các huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa và thành phố Tuyên Quang.
Với giá thành cao trung bình từ 450.000 - 500.000 đồng/kg cá, nuôi cá lồng đặc sản đang giúp người dân hai bên bờ sông Lô, sông Gâm tỉnh Tuyên Quang nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững.
Xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang có hơn 9 km sông Lô chảy qua địa bàn xã, tận dụng điều kiện thuận lợi này, năm 2006, một số hộ dân trong xã đã tổ chức nuôi cá lồng.
Hiện nay, toàn xã có 35 hộ nuôi cá lồng với 135 lồng cá, tập trung chủ yếu ở 5 thôn: Ba Luồng, Tân An, Khánh An, Bình Thuận, Soi Long để khai thác tối đa điều kiện tự nhiên, phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng.
Đặc biệt, năm 2016, hợp tác xã chăn nuôi cá đặc sản Thái Hòa đã được thành lập và sản phẩm cá chiên của hợp tác xã đã được công nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP).
Anh Đặng Hoài Hưng, tổ 7, phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang, cho cá ăn. Ảnh: Quang Đán - TTXVN.
Cùng với đó, thực hiện Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, với phương châm "mỗi xã một sản phẩm" xã Thái Hòa chọn xây dựng thương hiệu cá Chiên Thái Hòa là sản phẩm thủy sản mũi nhọn của địa phương.
Tỉnh Tuyên Quang tập trung nâng cao chất lượng con giống bảo đảm sạch bệnh, chất lượng tốt, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng. Khuyến khích các tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư sản xuất, kinh doanh thức ăn thủy sản đạt chất lượng; trong đó khuyến khích các hộ nuôi thủy sản, sử dụng máy chế biến thức ăn nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Tập trung xây dựng thương hiệu cho các loại cá đặc sản; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại ở các thị trường trọng điểm.
Theo ông Nguyễn Văn Việt, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2020 sẽ phát triển nuôi trồng thủy sản nhất là nuôi cá lồng đặc sản trên sông Lô, sông Gâm trở thành ngành kinh tế hàng hóa quan trọng trong cơ cấu nông nghiệp của tỉnh với tổng sản lượng thủy sản đạt trên 8.000 tấn; trong đó gần 800 tấn cá đặc sản. Đặc biệt, đến năm 2025 sẽ đạt gần 10.000 tấn; trong đó cá đặc sản là gần 1.500 tấn; đến năm 2025, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 9.714 tấn; trong đó, cá đặc sản đạt hơn 1.144 tấn.
Theo Vũ Quang Đán (TTXVN)
'Thủy quái' gốc Trung Quốc gây sợ hãi ở Mỹ được nuôi nhiều tại Việt Nam Trong khi Mỹ lo lắng về cá chuối phương Bắc có khả năng sống lâu trên cạn, chuyên gia cho biết cá này có nhiều ở Việt Nam và không quá nguy hiểm. ABCNews mới đây đăng tải thông tin loài cá chuối phương Bắc có khả năng gây hại và cạnh tranh khốc liệt với các loài cá bản địa vừa được...