Chuyện bắt chồng ở đèo Phượng Hoàng
Ở miền xuôi, phụ nữ trong ngày dạm hỏi, cưới xin được gia đình nhà trai tặng lễ vật, tổ chức lễ cưới linh đình. Thế nhưng, ở chân đèo Phượng Hoàng thuộc huyện M’Đrắk, Đắk Lắk, “những đóa hoa rừng” hoang dại muốn “ăn đời ở kiếp” với nửa còn lại phải gom tiền để “hối lộ” cho gia đình người chồng.
H’mila (trái) được xem là hoa khôi trong buôn.
Đỉnh Phượng Hoàng nằm ở khu vực cửa ngõ phía Đông tỉnh Đắk Lắk, giáp ranh với Khánh Hòa. Những ngày cuối tháng 9, khu vực Nam Tây Nguyên thời tiết mát mẻ, khô ráo. Sáng sớm trên đỉnh núi Phượng Hoàng, mây bay lững lờ. Phóng tầm mắt ra xa, con đèo như một con “mãng xà khổng lồ” đang trườn bao quanh những ngọn núi.
Về nơi sơn nữ bắt chồng
Men theo quốc lộ 26, từ Khánh Hòa đi Đắk Lắk chúng tôi ì ạch trên “con ngựa sắt” leo đèo Phượng Hoàng. Hai bên đường, ngoài sự hùng vĩ của cảnh quan tự nhiên, thứ ớn lạnh nhất mà du khách có thể cảm nhận được là những cái am “cô hồn” ven đường. Những con đường quanh co, các khúc cua tuyệt đẹp làm cho đèo Phượng Hoàng như một “cái bẫy” đối với cánh tài xế. Ở cung đường này, hàng năm có cả chục người chết vì tai nạn. Các am thờ vốn đã lạnh lẽo hợp với cảnh núi rừng lúc sáng sớm tạo nên sự rùng rợn khó tả. Mỗi khi lưu thông qua, các tài xế xe khách, xe tải, người đi phượt… phần lớn dừng lại thắp hương, mong những linh hồn đang lẩn quẩn ở đâu đây phù hộ.
Vượt 12 km với bao nỗi lo âu dành cho những người lần đầu đặt chân đến khu vực này, chúng tôi cũng đến được nơi mình cần tìm. Xa xa, những nóc nhà sàn lợp bằng cỏ tranh của một buôn làng nằm phía trước tỏa khói bếp bay chập chờn của bữa chiều. Đó là buôn Ethi của người Ê Đê, nơi đây có tục lệ người phụ nữ đến tuổi lập gia đình đi bắt chồng từ nhiều đời nay.
Trong các thung lũng được chở che bởi núi rừng. Già làng Y Len với thân hình khỏe khoắn như cây đại thụ biểu tượng của vùng đất hoang dại này. Thấy chúng tôi tò mò về sự tích đèo Phượng Hoàng, già Y Len giải thích: Phượng Hoàng là tên của loài chim lớn hung dữ họ Anh Vũ. Nhưng, đèo Phượng Hoàng nhìn từ trên cao xuống, sẽ giống như con vật thần linh sẵn sàng bay lên giữ hồn thiêng của Yang (vị thần lớn nhất theo quan niệm tâm linh của người Ê Đê).
Trong câu chuyện, Y Len còn giới thiệu những họa tiết hình bầu vú của phụ nữ trưởng thành trên bục cầu thang song song bắc lên nhà. Đó là bầu sữa mẹ. Dân trong buôn ai cũng dựng nhà theo kiểu này để ghi công ơn mẹ nuôi mình thành người. Người Ê Đê theo chế độ mẫu hệ. Cầu thang cái là cho phụ nữ đi, cầu thang đực nhỏ hơn, dành cho phái nam. “Họ bắt mình về làm chồng thì họ phải có quyền chứ”, Y Len cười vang.
Ngỡ ngàng trước câu nói của già làng Y Len và cũng tò mò về tục bắt chồng của người Ê Đê ở chân đèo Phượng Hoàng, chúng tôi gặng hỏi. Ama Kin (53 tuổi, gần nhà Y Len) bảo, chỉ khách mới thấy lạ thôi. Ở buôn này, khi nam nữ đến độ tuổi dựng vợ gả chồng thì cô gái luôn chủ động về thưa cha mẹ, rồi nhờ người mai mối qua nhà chàng trai để bắt. Sính lễ bắt chồng gồm những vật nuôi như trâu, bò, heo, rồi vải vóc, tiền… Mọi chuyện tùy thuộc vào mức độ khó dễ và kinh tế của gia đình chàng trai khi đưa ra lời thách.
Video đang HOT
Đến tuổi 45 năm, H’Moan vẫn ở một mình vì không có tiền để bắt chồng.
Tâm sự sơn nữ không tiền… bắt chồng
Chúng tôi tìm về buôn Duy cách đó 8 km vẫn còn duy trì tục bắt chồng. Buôn Duy nổi tiếng nhất cung đèo Phượng Hoàng bởi các sơn nữ thôn này có nhan sắc vượt trội, các buôn khác khó sánh kịp. Tuy nhiên, các thôn nữ dù có đẹp đến độ nào cũng phải bỏ tiền ra nếu muốn có chồng.
Trong căn nhà sàn nhỏ, anh A Nhơn (43 tuổi) nhớ lại lúc “bị” vợ bắt hết sức chi tiết. A Nhơn kể: “Hồi trẻ vợ mình đẹp lắm. Hai đứa rất thương nhau, cha mẹ bên nhà vợ cũng khó khăn nên nhà mình không muốn thách cưới. Vậy mà, cái tục lệ ở đây nó thế, không làm theo là có lỗi với thần linh, với đất trời. Vợ mình chỉ tốn hai con heo thôi, mỗi con nặng hơn một tạ. Còn rượu thì không nhớ đâu, chỉ biết là nhiều lắm. Hai con heo đó bố mẹ vợ trao cho bố mẹ của mình như là trả công nuôi dưỡng. Làm đám cưới xong thì mình về ở rể nhà vợ, ở đến bây giờ”.
Ở các buôn người Ê Đê sống trên đèo Phượng Hoàng, trai gái quen biết nhau qua những lúc làng có lễ hội cúng thần linh, lễ kết thúc mùa màng, hay những ngày đi chơi chợ tết, đám ma, đám cưới, lúc đi nương… Khi hai đứa tìm hiểu đã “ưng cái bụng” thì cô gái bảo chàng trai về nhà hỏi gia đình yêu cầu quà thách cưới gồm bao nhiêu con heo, bò, gà và tiền cưới… để nhà gái định liệu. Ở đây, cũng lắm khi xảy ra trường hợp, bên nhà trai đòi hỏi cao quá, nhà gái không đáp ứng được nên ngậm ngùi bỏ nhau.
H’mila, thôn nữ được người trong buôn Tun suy tôn là hoa khôi ở vùng này. H’mila vừa bước sang tuổi 20, làn da trắng ngần, dáng mảnh khảnh, thon thả như thiếu nữ thị thành. Sau vài phút ngập ngừng, bẽn lẽn, cô nhoẻn miệng cười nói: “Chồng em là Ky Men lớn hơn em một tuổi. Hai đứa quen nhau được hơn một năm rồi em qua bắt. Em bắt anh ấy phải tốn ba con bò, hai con lợn và 10 con gà cùng 15 triệu đồng tiền mặt với nhiều ché rượu. Để có tiền bắt chồng, em phải đi làm thuê trên nương cho nhà khác mấy năm trời. Lấy xong, ba mẹ em còn cất một ngôi nhà bên cạnh cho vợ chồng ở riêng”.
Ngồi nghe chúng tôi trò chuyện với H’mila, Y Ten, cô thôn nữ nhà gần đó cũng không ngần ngại như lúc đầu, mà mạnh dạn kể: “Hơn một năm trước, em bắt chồng về ở phải mất một con bò mộng. Việc bắt chồng của em tốn ít của bởi gia đình chồng cũng thấy nhà gái khó khăn”.
Khi được hỏi về cuộc sống của những gia đình trẻ, cô gái sốt sắng: “Nó (chồng – PV) siêng làm, không bê tha nên em cũng mừng”.
Lễ thách cưới, bắt chồng phần lớn giúp cộng đồng người Ê Đê sinh sống trên đèo Phượng Hoàng có đôi có cặp, hạnh phúc đến lúc xuôi tay. Nhưng cũng chính hủ tục này cũng đã làm tan bao giấc mơ uyên ương của những cô gái có gia cảnh khó khăn, không có tiền bắt chồng. Để có được tấm chồng, nhiều sơn nữ phải vay mượn, kí giấy nợ gia đình chồng rồi kiếm tiền trả dần dần đến khi hết nợ.
H’Ban (phải) làm thuê, nuôi heo để tích góp tiền đi bắt chồng.
Chiều muộn, chúng tôi đang chuẩn bị đổ đèo Phượng Hoàng để về TP Nha Trang, Khánh Hòa. Bất chợt trời tối sầm, cơn mưa rừng ập đến nhanh chóng. Tấp vội tránh mưa dưới hiên nhà sàn của hai chị em nhà H’Bun (22 tuổi) và H’Ban (18 tuổi). Họ đang giã lõi cây chuối rừng để nấu cho lợn.
Trao đổi bao thứ chuyện, đôi chị em tươi tắn trả lời, nhưng khi chúng tôi đề cập đến tập tục bắt chồng thì H’Bun nói như khóc. Nhà nghèo, mẹ mất sớm, cha bệnh tật và gần như mất sức lao động. Vì vậy, bữa no bữa đói hằng ngày của gia đình phụ thuộc vào số tiền làm thuê, làm mướn của hai chị em. Ngày bắt chồng, không đủ số bò, heo và tiền mặt…, H’Bun phải vay lại gia đình chồng 4 chỉ vàng và một con bò. Gần hai năm qua, cô làm thuê làm mướn khắp nơi để gom đủ vật phẩm, tiền trả cho gia đình chồng.
Còn H’Ban vì mặc cảm gia cảnh, dù đến tuổi cập kê nhưng cô vẫn chưa dám lập gia đình. “Nếu hai năm nữa em tích góp không đủ để mua một con bò, hai con heo và 10 triệu đồng tiền dạm hỏi đi bắt chồng thì em xuống miền xuôi để tìm trai người Kinh cho đỡ tốn kém”, H’Ban cười nói.
Lễ thách cưới, bắt chồng phần lớn giúp cộng đồng người Ê Đê sinh sống trên đèo Phượng Hoàng có đôi có cặp, hạnh phúc đến lúc xuôi tay. Nhưng cũng chính hủ tục này cũng đã làm tan bao giấc mơ uyên ương của những cô gái có gia cảnh khó khăn, không có tiền bắt chồng. Để có được tấm chồng, nhiều sơn nữ phải vay mượn, kí giấy nợ gia đình chồng rồi kiếm tiền trả dần dần đến khi hết nợ.
Theo Đình Du (Tiền Phong)
Hiến kế làm sạch nước Hồ Tây
Hồ Tây là danh thắng của Thủ đô Hà Nội. Thế nhưng, đầu tháng 10 năm 2016, người dân đã chứng kiến cảnh cá chết trắng mặt hồ
Hồ Tây là danh thắng của Thủ đô Hà Nội. Thế nhưng, đầu tháng 10 năm 2016, người dân đã chứng kiến cảnh cá chết trắng mặt hồ.
Xung quanh Hồ Tây đã mọc lên nhiều khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng. Các chất thải chế biến thực phẩm ngâm trong nguồn hóa chất độc hại, cộng với chất thải đồng hóa, dị hóa của con người nơi đây đều thải xuống hồ Tây?
Nước thải từ bệnh viện, phòng khám cũng đều trút xuống hồ Tây?
Các làng quanh Hồ Tây như: Thụy Khuê (Thụy Chương), Hồ Khẩu, Đông Xã, Yên Thái, Võng Thị, Trích Sài, Nghi Tàm, Quảng Bá, Quảng An, Yên Phụ... dân số phát triển lên đến vài chục vạn người cộng với du khách vãng lai là nguồn "cung cấp" rác thải khổng lồ. Đặc biệt, chất thải từ nguồn nước sinh hoạt và nguồn nước từ hàng nghìn, hàng vạn hố xí tự hoại, tất cả từ mọi ngõ ngách đều "trút xuống hồ Tây"...
Các nguồn phế thải, ô nhiễm trên hết năm này qua năm khác trút xuống Hồ Tây, tích tụ tạo thành bể chứa khí mê tan khổng lồ. Từ đó, biến Hồ Tây thành "ao tù". Trong các nguồn nước thải, ô nhiễm ấy chứa rất nhiều các tạp chất độc hại, khi nó bị vi khuẩn hóa sẽ giải phóng thành nhiều chất độc hại bao phủ toàn bộ bề mặt tầng nước cá không còn ô xy để thở.
Khi đó, loại khí mê tan, khí sunfurơ, lưu huỳnh, phốt pho tăng lên đến nồng độ đậm đặc phủ kín tầng ô xy trong nước khiến cá tôm không còn khả năng sống sót. Đặc biệt, các kim loại nặng như: chì, thủy ngân, măng gan, sắt, kẽm sẽ là những nguyên tố khi quá nồng độ cho phép cũng gây nên cái chết cho cá.
Một lý do hết sức quan trọng nữa là ở môi trường ô nhiễm bị tích lũy tạp chất gây thối qua thời gian lâu dài sẽ phát sinh loại vi khuẩn kỵ khí (còn gọi là vi khuẩn yếm khí). Loại vi khuẩn này cực nguy hiểm với các loài cá. Khi bị lây nhiễm loại vi khuẩn này, cá lây lan và chết rất nhanh. Cá mất hoàn toàn khả năng hô hấp vì thiếu ô xy.
Từ sự cố cá Hồ Tây chết, tôi đề nghị với thành phố Hà Nội những giải pháp sau:
1. Đề nghị Nhà nước, đầu tư kinh phí hoặc có thể kết hợp xã hội hóa, dùng hàng trăm máy bơm (công suất lớn) thay nước Hồ Tây, và nhân đó, sửa chữa kè bờ, nạo vét bùn, chỉnh trang lại toàn bộ cảnh quan.
2. Dùng hóa chất (trong nội dung khoa học cho phép) tiêu hủy các chất độc, vi khuẩn có hại và các kim loại còn hòa tan trong nước kết tủa. Sau đó, dùng tàu nạo vét bùn đưa đi nơi khác.
3. Việc dọn bèo Tây là cần thiết nhưng diệt hết sẽ là thảm họa cho Hồ Tây. Vì chính bộ rễ của bèo Tây là "Nhà máy lọc nước bẩn, tiêu diệt các tạp khuẩn" làm cho nước hồ trong trở lại. Người ta dùng bèo tấm, bèo ong, bèo hoa dâu... làm trong nước (như ở các nước Israel, Nhật Bản đã làm). Do đó, ta cần để lại một số khu vực bèo Tây có chắn sóng định vị và nuôi các bè cỏ, bè rau lấp hút chất bẩn, tiêu diệt vi khuẩn độc hại.
4. UBND thành phố nên sớm ban hành bộ quy tắc ứng xử Hồ Tây như các nước Anh, Pháp, Nga, Đức đã làm đối với các công trình thiên nhiên quý giá của họ; Sớm cho giải thể các con tàu đang khai thác du lịch trên hồ. Nó cũng là một điểm thải chất bẩn, gây ô nhiễm và làm mất mỹ quan của cảnh quan hồ Tây; Kiểm tra thường xuyên các hệ thống cơ quan, xí nghiệp, bệnh viện, khách sạn, nhà hàng, các hộ dân sống quanh hồ Tây về hệ thống tiêu nước thải; Buộc các cá nhân, đơn vị, nhà hàng, khách sạn, bệnh viện... phải có hệ thống xử lý nước thải đủ chuẩn mới được thải xuống hồ Tây.
TS Hoàng Bạch Dương
Theo PV (Tiền Phong)
Ông Trịnh Xuân Thanh trốn cũng khó thoát Theo Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó cục trưởng Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), ông Thanh có trốn ở đâu cũng khó thoát. Đến ngày 19/9, tên ông Trịnh Xuân Thanh chưa xuất hiện trên mạng Interpol Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã phát lệnh truy nã toàn quốc và quốc tế đối với...