Chuyện bà lão hành khất mù, hơn 60 năm chỉ ăn cơm với cá khô hấp
Hơn 60 năm nay, người dân buôn bán ở mấy chợ quê đã quen với sự có mặt của bà lão hành khất gầy gò, ốm yếu. Ngày ngày, bà lang thang trong các chợ để kiếm tiền đong gạo, tối đến lại lủi thủi trong căn nhà lụp xụp mà mấy chục năm nay chưa bao giờ thấy sáng đèn. Bữa cơm nào cũng vậy, món duy nhất chỉ là cá khô hấp…
Hơn nửa đời hành khất để mưu sinh
Căn nhà nhỏ của bà Nguyễn Thị Mấu, 79 tuổi, người xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng nằm chung ngõ với nhà của ông Nguyễn Văn Thanh. Cánh cửa gần như lúc nào cũng đóng, bởi nếu bà Mấu không đi ra các chợ thì có nghĩa là bà bị mệt và nằm ngủ ở trong nhà. Cạnh nhà có một gian bếp nhỏ, rộng chừng hơn 1 mét vuông nhưng hơn chục năm nay bà không đụng đến. Vì ở một mình và bị mù nên khi ở trong nhà bà thường khóa trái cửa lại, chỉ người quen gọi, bà mới mở cửa, người lạ mà vào gõ cửa, bà nghe tiếng không quen là lại hét lên.
Người già trong làng kể, họ thấy hồi bà Mấu 18, 19 tuổi, đã bắt đầu lang thang hành khất ở các chợ quê quanh vùng. Chợ Đình, chợ Đình Ranh, chợ Hương, chợ Huyện, chợ Đa Phúc… là những phiên chợ bà hay đi nhất. Giờ giấc họp chợ cũng như từng ngóc ngách của những phiên chợ với bà đã quá quen thuộc. Khi còn trẻ, cứ có đoàn các bà các cô nào đi chợ là bà lại ra ngõ bám gót theo sau để đi cùng, đến lúc về lại nhờ người ta dắt. Chợ xa nhất cách nhà bà 4km, chợ gần thì tầm 500m.
Khi đã có tuổi, sức khỏe yếu đi thì bà nhờ đám học sinh đi đường đèo bằng xe đạp, đến gần chợ thì cho bà xuống. Nhiều người dân đi chợ hay bán hàng ở những chợ trên đã quen với sự có mặt của bà, thậm chí họ còn nắm được lịch hôm nào bà sẽ xuất hiện.
Căn nhà nơi bà Mấu sống lủi thủi một mình từ mấy chục năm nay
Người ta chẳng lấy làm phiền vì bà Mấu đi xin chẳng ảnh hưởng đến ai, ai cho thì bà lấy chứ không đeo bám khiến người ta khó chịu. Bà lên lịch đến các chợ khác nhau để tránh có mặt quá nhiều ở một chợ khiến người chán mặt. Ở những phiên chợ quê, mỗi ngày đi hành khất, bà xin được 4 – 5 nghìn đồng, phiên chợ huyện ở xa hơn thì có lần xin được vài chục nghìn thế nhưng bà không lấy thế làm ham. Ai cho tiền, người ta cũng bảo bà là cho bao nhiêu, đến lúc bà ngồi xếp lại cẩn thận rồi đi mua gạo, mua cá chủ hàng còn ngạc nhiên hỏi “ sao bà mù mà xếp đồng nào ra đồng nấy tài thế?”.
Chúng tôi đến chợ Đình Ranh vào phiên thường nhật, một người bán hàng cho biết, hôm nay, bà cụ Mấu sẽ ra đây, thế nhưng đợi cả buổi chúng tôi không thấy bà đâu. Vào trong nhà thì thấy cửa đóng im ỉm. Hỏi đám trẻ đang chơi trong sân nhà ông Thanh, hàng xóm của bà Mấu mới biết, bữa nay, bà Mấu ốm không đi chợ được. Đám trẻ dẫn chúng tôi đến gọi cửa, giọng bà Mấu vọng ra hỏi ai một cách cảnh giác. Vào trong căn nhà trống huơ trống hoác của người đàn bà mù hành khất có thể cảm nhận thấy thế giới của sự buồn tủi, cô đơn.
Điều khiến chúng tôi cảm thấy thương tâm nhất đó là bữa ăn của bà Mấu. Ngày trước, khi chưa được mua giúp nồi cơm điện bà vẫn lủi thủi, mò mẫm trong căn bếp rơm, bếp rạ để nấu ăn. Bà được người ta mua cho chiếc nồi cơm điện hơn chục năm nay, công việc nấu ăn đỡ vất vả hơn xưa nhiều. Mỗi bữa, bà cắm một ít cơm, khi nghe thấy tiếng cơm nhảy nút thì bà lại bỏ vào nồi vài con cá khô để ăn. Rau, thịt với bà là món xa xỉ ít khi bà dám nghĩ đến. Nhiều hôm nhà ông Thanh hàng xóm chung ngõ với bà nấu ăn mang cho bà ít rau thịt nhưng bà thấy rất khó ăn. Vậy là bà lại trung thành với món ăn quen thuộc.
Bà lão quệt vội những giọt nước mắt cứ lăn dài trên gương mặt hốc hác, tiều tụy khi nhớ lại những ngày không xin được gì phải nhịn ăn hoặc phải ăn cháo loãng. Chuyện một ngày ăn có một bữa là điều bình thường, những lúc như vậy bà thường ngủ cho quên đi cái đói và nhờ người gọi dậy khi chợ bắt đầu họp.
Video đang HOT
Bà Mấu chuẩn bị cho bữa cơm mà “thực đơn” đã quen thuộc từ hơn 60 năm nay: cơm trắng – cá khô hấp
Trong quãng đời hành khất của bà Mấu, vì đôi mắt không nhìn thấy gì nên cũng có nhiều lần bà bị tai nạn. Một số lần bị xây xát chân tay, lần nặng nhất là khi đi chợ huyện bà bị xe máy quệt phải. Lần ấy bà nằm viện mất nửa tháng, các cháu và hàng xóm từ đấy trở đi khuyên can không cho bà đi xin ở các chợ xa.
“Còn nước mắt mà khóc nữa đâu”
Cuộc đời của bà Mấu gắn liền với những phiên chợ, ở đó có những người dưng, không phải bà con thân thích nhưng họ lại là người giúp bà nói giữ cuộc sống. Một mình trong căn nhà rộng hơn chục mét vuông, không đồ đạc quý giá. Tài sản giá trị nhất là chiếc nồi cơm điện đã ngót nghét hai chục năm. Chiếc bóng đèn người ta lắp giúp bà khi xây nhà bị màng nhện bám kín vì chẳng bao giờ có cơ hội được… tỏa sáng.
Sinh ra vốn là một thiếu nữ bình thường, bà Mấu là con thứ hai trong gia đình có ba chị em. Năm bà lên 16 tuổi, bố bà không may qua đời. Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới ấy, bà đã phải lao động để giúp mẹ ốm yếu nuôi em. Năm 18 tuổi, cái tuổi vừa đẹp để dựng vợ gả chồng ở các vùng quê, bà Mấu cũng được nhiều chàng trai để ý. Mẹ bà cũng mong muốn cho con gái có được tấm chồng để thoát khỏi cảnh khó khăn, cơ cực.
Thế nhưng, cuộc đời lại trớ trêu, năm ấy đôi mắt của bà không biết sao lại đau sưng húp. Không ai trong nhà nghĩ rằng bệnh đau mắt lúc ấy quá nghiêm trọng, thế nên chỉ cho bà đi tra thuốc của người ở xã bên. Khổ một nỗi, khi đi chữa mắt, ông thầy lang kia lại tra nhầm thuốc khiến đồng tử mắt của bà bị đánh tan. Đôi mắt của bà mù vĩnh viễn, bất hạnh ập xuống thân hình người đàn bà bé nhỏ, gầy guộc.
“Đến bây giờ chả còn nước mắt để mà khóc nữa”
Chị gái và em trai bà lần lượt lập gia đình và có cuộc sống riêng, gia cảnh ai cũng khó khăn cả. Bà Mấu sống với người mẹ già yếu, năm 19 tuổi, bà bắt đầu mưu sinh trong những phiên chợ quê để nuôi mẹ. Bà sống bằng sự thương cảm của người đời. Năm 20 tuổi, bà nghe nhiều người khuyên nên kiếm lấy một mụn con để sau này nó đỡ đần lúc đau ốm sau này. Ở hoàn cảnh của bà, nhà nghèo lại bị mù lòa như vậy không dám nghĩ đến chuyện chồng con.
Hơn nữa ai lại muốn lấy một người như bà vì cuộc sống ở thời điểm ấy vốn đã rất khó khăn, người ta lo làm lo ăn còn chẳng đủ, ai dám đèo bòng. Biết rằng lấy chồng có con là không thể, thế nên mẹ và chị bà đã tạo ra cho một cuộc “gặp gỡ” với một người đàn ông mà chẳng bao giờ bà biết đấy là ai. Kết quả của cuộc “gặp gỡ” đó là một đứa bé kháu khỉnh ra đời. Hạnh phúc nhỏ nhoi đó giúp bà có thêm nghị lực và niềm tin vào cuộc đời, đứa bé như một niềm an ủi cho những bất hạnh bà gặp phải.
Cuộc đời bà Mấu là một chuỗi những bất hạnh liên miên, hạnh phúc chẳng bao giờ sống chung với người đàn bà này quá lâu. Hơn một năm sau khi sinh con, đứa bé bị viêm amidan, nhà bà không có điều kiện chạy chữa nên đứa bé qua đời. Bà Mấu khóc hết nước mắt: “Đến con tôi nó cũng chê tôi mù lòa mà bỏ tôi đi”.
Năm 1960, người mẹ già cũng là chỗ dựa tinh thần duy nhất còn lại của bà qua đời. Bà sống lủi thủi một mình ở mảnh đất cha mẹ để lại. Sau này, bà cũng bán mảnh đất đi, mua một mảnh đất nhỏ hơn, số tiền dư bà để dành ăn dần.
Rồi chị gái và em trai của bà cũng vì những lý do khác nhau mà lần lượt qua đời cách đây hai ba chục năm. Những người thân thiết, ruột thịt cũng lần lượt bỏ bà lại một thân một mình trên thế gian. Đôi mắt đục như màu sương khói trải qua ngần ấy những biến cố của cuộc đời.
“Cuộc đời tôi khổ lắm cô ạ, bố chết sớm, mẹ chết sớm, bản thân lại bệnh tật đau đớn, đến đứa con “xin” được nó cũng bỏ tôi đi… Mỗi lần như thế là nước mắt cứ chảy không sao ngừng được. Đến bây giờ, nhiều khi, chả còn nước mắt để mà khóc nữa”, bà Mấu kể chuyện đời mình, giọng như lạc vào miền đau khổ xa xưa.
Theo GDVN
Con nghiện... hành khất: "Chợ" ma túy trong bến xe
Dọc tường rào phía sau dãy nhà chờ dành cho taxi và khách đón thân nhân của Bến xe Miền Đông là nơi thường xuyên diễn ra các giao dịch mua bán "hàng trắng", nơi đây dày đặc kim tiêm của con nghiện
Sau nhiều ngày đeo bám, chúng tôi phát hiện có nhiều nhóm đối tượng hoạt động buôn bán, phân phối ma túy ngay bờ rào trước cổng siêu thị Bình An (nằm trong Bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh-TPHCM). Mỗi nhóm khoảng 4 - 5 người, đặc điểm chung đều sở hữu những khuôn mặt bặm trợn, trên người đầy hình xăm kỳ dị và ánh mắt lờ đờ của người nghiện ma túy.
Một đối tượng đang giao dịch mua bán ma túy công khai trong Bến xe Miền Đông. Ảnh: QUÝ LÂM
Như chốn không người
Chiều 14-7, trong vai khách chờ đi xe liên tỉnh, chúng tôi đứng sát một thanh niên mặc quần đùi màu đỏ, mình trần lộ hình xăm, liên tục trao đổi với những người đứng bên ngoài đường Đinh Bộ Lĩnh qua hàng rào sắt. Mỗi khi có người dúi tiền vào, anh ta thoắt đi đâu đó rồi trở ra nhét một tép giấy lên khe hàng rào sắt để "khách hàng" lấy đi. Cách đó không xa, một thanh niên thản nhiên ngồi bệt xuống bãi cỏ, ẩn sau đuôi chiếc taxi rồi rút kim tiêm ra ngồi chích, "phê" xong, anh ta ném dụng cụ còn dính máu xuống gốc cây rồi bỏ đi. Nhân viên điều hành bãi xe và tài xế taxi dường như đã quá quen thuộc với cảnh tượng đó nên không tỏ ra bất ngờ.
Tấp vào một chậu cây kiểng, chúng tôi tình cờ nghe được mẩu chuyện của 2 con nghiện. Một người khoảng 25 tuổi, cao 1,7 m, nước da ngăm đen, khuôn mặt hốc hác, bực bội: "Nó tưởng tao mới về đây nên làm khó, trước đây 3, 4 năm làm gì có mặt nó. Trước tao hay đi ở các cây cầu vượt nhưng giờ công an lùng ghê quá nên mới về đây làm ăn". Người kia đáp lại: "Về đây thì dễ dàng hơn, bến xe đông người qua lại, khó bị phát hiện". Câu chuyện bị gián đoạn khi xuất hiện một thanh niên cao gầy, mặc quần soóc, áo ca rô, bịt khẩu trang, trên tay cầm một tờ báo đang đi tới. Biết trước đây là bạn hàng nên một người nhanh chóng tiếp cận, chỉ sau vài giây trao đổi, người thanh niên kia móc tiền đưa rồi ngồi ở nhà đậu taxi chờ. Sau khi nhận tiền, một trong hai con nghiện lập tức đi nhanh vào một con hẻm trên đường Đinh Bộ Lĩnh đối diện cổng bến xe, vài phút sau quay lại cùng thanh niên kia đi vào một góc khuất phía sau những chiếc xe khách đậu gần đó để
giao hàng.
Mạng lưới có tổ chức
Các đối tượng buôn bán ma túy ở đây dường như đã quen mặt nhau nên việc giao dịch diễn ra rất nhanh, không hề có chuyện kỳ kèo giá cả. Địa điểm lý tưởng được chọn để giao dịch là khu vực nhà đậu xe taxi, sát hàng rào nơi có hàng cây lớn, khá kín đáo. Sáng 15-7, một người đàn ông khoảng 40 tuổi, ăn mặc lịch sự đang ngồi hút thuốc tại khu vực này. Vài phút sau, phía ngoài hàng rào xuất hiện 3 thanh niên, đầu tóc nhuộm vàng đỏ, đến ra hiệu. Lập tức, người đàn ông đứng dậy, hai bên cùng đi tới một gốc cây rậm rạp, nằm khuất tầm nhìn phía sau chỗ đậu của taxi. Dường như là khách quen nên việc giao dịch diễn ra chớp nhoáng, nhóm thanh niên đứng ngoài đưa tiền và nhận hàng, sau đó kéo nhau vào con hẻm bên kia đường Đinh Bộ Lĩnh, còn người đàn ông quay lại chỗ ngồi cũ để chờ khách hàng tiếp theo.
Hoạt động buôn bán ma túy tại đây diễn ra nhộn nhịp nhất là khoảng từ 7 giờ đến 10 giờ hằng ngày, đây là thời điểm bến xe tập trung rất đông người. Từ 10 giờ trở đi, đội quân này tản mác đi nhiều nơi để nghỉ ngơi. Đến khoảng 14 giờ thì hoạt động trở lại cho tới 21 giờ. Tuy là nhiều nhóm nhưng giữa các đối tượng hình thành một mạng lưới, có liên hệ mật thiết với nhau và luôn cắt cử "lính canh" đi đi lại lại quan sát để phòng sự cố.
Theo sự phân công, mỗi nhóm chỉ một người cầm hàng, các đối tượng còn lại (đa số là con nghiện) có nhiệm vụ lân la qua lại khi có khách thì liên hệ, hẹn địa điểm rồi chạy lại người cầm hàng để lấy giao dịch. Nhiều đối tượng táo bạo thì làm ăn theo kiểu tiền trao cháo múc, nghĩa là cứ đưa tiền là có thuốc. Tuy nhiên, đa số những người được cắt cử giữ hàng thường rất cảnh giác, ít khi mang theo hàng trên người mà giấu ở một nơi khác, như những gốc cây rậm rạp gần đó, thậm chí là một địa điểm nằm ngoài khu vực bến xe. Để tránh bị phát hiện và dễ dàng bỏ hàng khi gặp sự cố, chúng thường nhét ma túy vào các ống hút màu trắng rất tinh vi.
Tình trạng mua bán, hút chích mua túy trong Bến xe Miền Đông được phơi bày một cách ngang nhiên, trắng trợn ngay trước mặt bàn dân thiên hạ nhưng không hiểu vì sao nó vẫn cứ tồn tại, thách thức pháp luật?
Đưa "gã chân loét" vào trường cai nghiện
Ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông, cho biết sáng 16-7, bảo vệ bến xe phối hợp Công an phường 26, quận Bình Thạnh đã bắt Nguyễn Văn Tủn, nhân vật trong bài viết "Con nghiện... hành khất" mà Báo Người Lao Động phản ánh, đưa về trụ sở để giải quyết. Được biết, Tủn bị nhiễm HIV và sẽ được đưa đi chữa bệnh kết hợp cai nghiện bắt buộc.
Cũng theo ông Thừa, tình trạng mua bán, sử dụng ma túy trong bến xe hiện đang là vấn đề nhức nhối. Thường mỗi tuần có 2-3 vụ bắt giữ người liên quan đến ma túy và thu gom hàng trăm kim tiêm tại đây. Ngoài ra, không ít con nghiện là hành khách cũng bị phát hiện sử dụng ma túy trong các nhà vệ sinh, hàng chục trường hợp bị ngất xỉu vì sốc thuốc, nhân viên của bến xe phải đưa đi cấp cứu. Bảo vệ cũng nhiều lần nhờ các lực lượng công an phường, quận, kể cả Công an TP đến hỗ trợ truy quét. "Qua phản ánh của Báo Người Lao Động, chúng tôi sẽ khẩn trương tăng cường lực lượng tập trung kiểm tra chốt chặn các vị trí phức tạp để ngăn chặn hiệu quả hơn" - ông Thừa nói.
Theo NLD
Con nghiện... hành khất Một gã đàn ông xin tiền, ăn, ngủ và chích ma túy đều đặn hằng ngày trên chiếc xe lăn quanh quẩn trong khuôn viên Bến xe Miền Đông - TPHCM nhưng không cơ quan nào xử lý Hằng ngày, nhiều người ra vào khu vực Bến xe Miền Đông (đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh-TPHCM) thường thấy một gã đàn ông...