Chuyên án “Dũng mặt sắt”: Sung công hàng chục siêu xe
Sau khi chuyên án “Dũng mặt sắt” được Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an triệt phá, hàng chục siêu xe đã bị tạm giữ. Liên quan tới số xe nói trên, một số doanh nghiệp đã có đơn cầu cứu và đề nghị được tái xuất, tuy nhiên cơ quan chức năng đã bác bỏ. Bộ Tài chính cho biết, số xe này sẽ được sung công quỹ.
Hàng chục chiếc “siêu xe” sẽ được sung công quỹ do không xác định được chủ sở hữu (ảnh minh họa)
Các nội dung trên được nêu ra tại văn bản vừa được Bộ Tài chính báo cáo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình liên quan tới Đơn cầu cứu số CV09/CV-3CT của 3 công ty về lô hàng tạm nhập tái xuất năm 2013.
Trình bày sự việc Bộ Tài chính nêu rõ, ngày 5-3-2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an tiến hành phá chuyên án “Dũng mặt sắt”, bắt giữ một loạt xe ô tô tạm nhập tái xuất của Công ty TNHH Tuấn Đông tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh (tỉnh Quảng Ninh) và xe của Công ty CP Thương mại Quốc tế NC.
Cơ quan Hải quan đã tiến hành rà soát toàn bộ ô tô tạm nhập tái xuất đang tồn ở Việt Nam, trong đó có 26 xe ô tô đã làm thủ tục và chờ xuất sang Trung Quốc của các công ty là Công ty CP Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Hải Thăng Long (8 xe), Công ty TNHH Trường Giang Móng Cái (9 xe), Công ty CP Thương mại Quốc tế NC (2 xe) và Công ty CP Xuất nhập khẩu Đức Thịnh (7 xe).
Bộ Tài chính cho biết, các lô hàng trên liên quan tới đối tượng đang bị điều tra, vì vậy Cơ quan Hải quan chưa cho tái xuất để tiến hành điều tra xác minh theo yêu cầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra.
Trong tổng số 26 chiếc xe được các doanh nghiệp đề nghị cho tái xuất, có 25 xe mới chưa qua sử dụng và 1 xe đã qua sử dụng. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiếp nhận 1 xe đã qua sử dụng để phục vụ điều tra vụ án.
Theo hồ sơ của các doanh nghiệp các lô hàng trên được khai báo tạm nhập từ các công ty đối tác tại Hồng Kông (Trung Quốc) và dự kiến tái xuất cho các đối tác khác tại Trung Quốc. Tuy nhiên, kết quả xác minh tại Hong Kong và Trung Quốc, Bộ Tài chính khẳng định việc mua bán xe ôtô của 4 công ty với các đối tác nước ngoài không có thực do các doanh nghiệp này không tồn tại.
Bên cạnh đó, hồ sơ chứng từ 4 doanh nghiệp xuất trình cho hải quan để làm thủ tục tạm nhập tái xuất là giả, nhằm hợp thức hóa vận chuyển lậu hàng hóa từ Hong Kong vào Việt Nam đi Trung Quốc.
Video đang HOT
Quá trình xác minh đối với các doanh nghiệp trong nước, Bộ Tài chính cho biết, các doanh nghiệp chỉ làm dịch vụ và không thanh toán tiền mua – bán hàng như ghi trong hợp đồng. 3 doanh nghiệp Việt Nam cũng thừa nhận không phải chủ sở hữu của lô hàng. Trong khi các công ty đối tác thực tế cũng không tồn tại vì vậy không xác định được chủ sở hữu của lô hàng. Do vậy, các doanh nghiệp đề nghị trả hàng để tái xuất là không có cơ sở.
Do không xác định được chủ sở hữu lô hàng nên Cơ quan Cảnh sát điều tra quyết định không khởi tố vụ án. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết các lô hàng này sẽ bị tịch thu để sung công quỹ theo đúng quy định.
Theo_An ninh thủ đô
Sau diễn biến mới, 5 triệu Yên sẽ thuộc về ai?
Vụ việc người phụ nữ mua ve chai phát hiện 5 triệu Yên trong thùng loa cũ đã khiến giới luật học tranh luận sôi nổi. Vậy nên xác định 5 triệu Yên thuộc về ai?
Trong diễn biến mới đây, qua các bước xác minh, phòng PA72 (Công an Tp HCM) đủ cơ sở khẳng định, người có tên Afolayan Caleb (người được cho là chủ số tiền 5 triệu Yên) đã sử dụng hộ chiếu giả để liên hệ các cơ quan chức năng nhằm làm các giấy tờ khác.
Liên quan đến những thông tin giấy tờ của ông Afolayan Caleb là giả mạo hoặc được cung cấp trên cơ sở các giấy tờ giả mạo thì bà Ngọt - người tự nhận là vợ ông Afolayan Caleb, vẫn chưa lên tiếng. Mặt khác, bà Ngọt và ông Afolayan Caleb chưa thực hiện các thủ tục ghi chú hôn nhân theo quy định nên chưa thể xem là vợ chồng theo pháp luật Việt Nam.
Vụ chị Hồng "ve chai" nhặt được 5 triệu Yên sắp đi vào hồi kết khi mà thông tin, tài liệu bà Phạm Thị Ngọt và ông Afolayan Caleb đưa ra không mấy thuyết phục cơ quan chức năng và công chúng. Vì vậy, cơ hội nhận số tiền đó của ông Caleb và bà Ngọt là không cao. Vậy số phận pháp lý của số tiền đó sẽ đi tới đâu: Thuộc về Nhà nước ? Thuộc về chị Hồng toàn bộ hay Nhà nước và chị Hồng chia đôi?
Nếu kết quả xác minh của công an tới đây với số tiền trên không phát hiện được chủ sở hữu, người mang số tiền đó vào Việt Nam, không phát hiện được nguồn gốc của số tiền đó (nếu phát hiện số tiền đó là phạm pháp mà có hoặc có người vận chuyển số tiền đó qua biên giới... thì số tiền đó có thể bị thu hồi, xung công...), thì sẽ áp dụng quy định tại Điều 239 Bộ luật dân sự năm 2005 để trao toàn bộ số tiền đó cho chị Hồng hay áp dụng Điều 241 Bộ luật dân sự năm 2005 để thu hồi một phần cho Nhà nước?
Nói cách khác là áp dụng Điều 239 BLDS hay Điều 241 BLDS để giải quyết vụ việc này?
5 triệu Yên và người phụ nữ mua, bán ve chai.
Điều 239 Bộ luật dân sự quy định: "Xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu
1. Vật vô chủ là vật mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với vật đó. Người đã phát hiện vật vô chủ là động sản thì có quyền sở hữu tài sản đó theo quy định của pháp luật; nếu vật được phát hiện là bất động sản thì thuộc Nhà nước.
2. Người phát hiện vật không xác định được ai là chủ sở hữu phải thông báo hoặc giao nộp cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Việc giao nộp phải được lập biên bản, trong đó ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người giao nộp, người nhận, tình trạng, số lượng, khối lượng tài sản giao nộp. Uỷ ban nhân dân hoặc công an cơ sở đã nhận vật phải thông báo cho người phát hiện về kết quả xác định chủ sở hữu. Trong trường hợp vật không xác định được ai là chủ sở hữu là động sản thì sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai, mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu thì động sản đó thuộc sở hữu của người phát hiện theo quy định của pháp luật; nếu vật là bất động sản thì sau năm năm, kể từ ngày thông báo công khai vẫn chưa xác định được ai là chủ sở hữu thì bất động sản đó thuộc Nhà nước; người phát hiện được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.".
Điều 241 Bộ luật dân sự quy định: "Xác lập quyền sở hữu đối với vật do người khác đánh rơi, bỏ quên
1. Người nhặt được vật do người khác đánh rơi hoặc bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại vật cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Uỷ ban nhân dân hoặc công an cơ sở đã nhận vật phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.
2. Sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai về vật nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, nếu vật có giá trị đến mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì vật đó thuộc sở hữu của người nhặt được; nếu vật có giá trị lớn hơn mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước.
3. Vật bị đánh rơi, bị bỏ quên là di tích lịch sử, văn hoá mà sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai, không xác định được chủ sở hữu hoặc không có người đến nhận thì vật đó thuộc Nhà nước; người nhặt được vật đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.".
Hai điều luật trên đều thuộc Mục 1, Chương XIV, Phần thứ hai, Bộ luật dân sự về xác lập quyền sở hữu tài sản . Hai điều luật là hai căn cứ để xác lập quyền sở hữu tài sản khác nhau. Với vật VÔ CHỦ và vật KHÔNG XÁC ĐỊNH ĐƯỢC CHỦ SỞ HỮU được quy định về tính chất pháp lý như nhau. Còn vật bị ĐÁNH RƠI và vật bị BỎ QUÊN có bản chất pháp lý như nhau, được quy định chung trong một điều luật. Điều luật này được quy định sau Điều luật quy định về "Xác lập quyền sở hữu đối với vật bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy" - Điều 240 BLDS.
Vụ việc 5 triệu Yên mà chị Hồng tìm thấy trong hộp gỗ không phải là vật (tài sản) VÔ CHỦ (bị chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu), cũng không phải là vật bị người khác "ĐÁNH RƠI" (vì chị Hồng không phải nhặt được ở đường, ở nơi công cộng, bãi rác...). Vậy còn lại hai trường hợp có thể xảy ra là: Vật KHÔNG XÁC ĐỊNH ĐƯỢC CHỦ SỞ HỮU (theo Điều 239 BLDS) hay là vật CÓ CHỦ SỞ HỮU nhưng chủ sở hữu đã BỎ QUÊN tài sản đó trong cái thùng đó (theo Điều 241 BLDS).
Việc xác định một trong hai trường hợp này quyết định tới hậu quả pháp lý của việc định đoạt số tiền đó. Nếu cho rằng số tiền đó là vật KHÔNG XÁC ĐỊNH ĐƯỢC CHỦ SỞ HỮU thì áp dụng Điều 239 BLDS để giao toàn bộ số tiền đó cho chị Hồng. Nếu cho rằng số tiền đó là có chủ sở hữu nhưng chủ sở hữu số tiền đó đã "bỏ quên" trong thùng gỗ đó thì chị Hồng chỉ được hưởng bằng giá trị 10 tháng lương tối thiểu và 50% phần giá trị vượt quá 10 tháng lương tối thiểu. Phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.
Điều 239 Bộ luật dân sự quy định: Khi một người PHÁT HIỆN vật không xác định được ai là chủ sở hữu phải thông báo hoặc giao nộp cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Trong trường hợp vật không xác định được ai là chủ sở hữu là động sản thì sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai, mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu thì động sản đó thuộc sở hữu của người phát hiện theo quy định của pháp luật. Như vậy theo quy định của Điều luật này thì tài sản đó phải là KHÔNG XÁC ĐỊNH ĐƯỢC AI LÀ CHỦ SỞ HỮU tài sản đó ngay từ đầu - từ khi phát hiện, (trường hợp này không bao gồm trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên - có thông tin về chủ sở hữu tài sản từ khi phát hiện). Trong trường hợp phát hiện ra tài sản KHÔNG XÁC ĐỊNH ĐƯỢC CHỦ SỞ HỮU (không có bất cứ thông tin gì về chủ sở hữu số tài sản đó tại thời điểm phát hiện - giống như tài sản vô chủ: Chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu) thì vẫn phải thực hiện thủ tục tìm kiếm chủ sở hữu trong thời hạn một năm. Nếu sau một năm thông báo tìm kiếm mà vẫn KHÔNG XÁC ĐỊNH ĐƯỢC AI LÀ CHỦ SỞ HỮU thì tài sản đó thuộc về người tìm thấy.
Điều 241 Bộ luật dân sự quy định: Người nhặt được tài sản do người khác BỎ QUÊN (có xác định được một số thông tin nào đó về chủ sở hữu tài sản) thì việc đầu tiên là phải "phải thông báo hoặc trả lại vật cho người đó" trong trường hợp biết được địa chỉ của chủ sở hữu tài sản. "nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại".
Như vậy, trường hợp phát hiện ra tài sản tại Điều này khác với Điều 239 BLDS là người phát hiện ra có thông tin nào đó về chủ sở hữu tài sản, lúc đầu chưa có căn cứ để xác định chủ sở hữu tài sản đã từ bỏ khối tài sản đó (Còn Điều 239 BLDS là áp dụng đối với trường hợp không có bất cứ thông tin, manh mối gì về chủ sở hữu tài sản khi phát hiện. Nó giống như có một sự "từ bỏ" không quan tâm, không quản lý, không sử dụng tài sản của chủ sở hữu... Người phát hiện ra nó xứng đáng được hưởng "lộc" từ một sự từ bỏ đó).
Điều 241 BLDS lại hướng tới việc chủ sở hữu KHÔNG TỪ BỎ quyền sở hữu của mình. Trong trường hợp này, sự mất quyền quản lý, kiểm soát tài sản là do lơ đễnh, đãng trí, do cẩn thận cất giấu kỹ quá mà quên... chứ họ không có ý định "từ bỏ". Do vậy, trường hợp nhặt được tài sản do ĐÁNH RƠI, BỎ QUÊN được tách khỏi điều luật quy định về tài sản "VÔ CHỦ" (bị chủ sở hữu tài sản từ bỏ quyền sở hữu của mình), điều luật này được đặt cạnh điều luật quy định về xác lập quyền sở hữu tài sản do tìm thấy vật bị chôn dấu, chìm đắm - Chủ sở hữu không chiếm hữu được do sự cố, do nguyên nhân khách quan chứ không phải là TỪ BỎ. Nhưng điều luật này (Điều 240 BLDS) khác với Điều 241 BLDS là môt loại tài sản nhặt được "lộ thiên" còn một trường hợp là thấy trong lòng đất, dưới nước.
Trường hợp tài sản KHÔNG XÁC ĐỊNH ĐƯỢC CHỦ SỞ HỮU được gắn với điều luật quy định về tài sản VÔ CHỦ. Có lẽ ý chí của nhà làm luật là: "Không xác định được chủ sở hữu" là không có bất cứ tung tích gì về chủ sở hữu, chủ sở hữu không có bất cứ thông tin nào thể hiện là mình vẫn muốn quản lý, sử dụng tài sản đó... Chứ không thuộc trường hợp người chủ sở hữu tài sản không từ bỏ quyền sở hữu của mình. Họ không thể quản lý được tài sản của họ do sự cố bất khả kháng hoặc do "quên" quy định tại Điều 240 BLDS (chìm) và Điều 241 BLDS (nổi)... không quản lý được tài sản là ngoài mong muốn của họ...
Chính vì vậy hậu quả pháp lý quy định tại Điều 240 và Điều 241 BLDS là giống nhau (người tìm thấy được một phần giá trị) còn Điều 239 BLDS lại quy định khác: Do chủ sở hữu đã từ bỏ, không còn thiết tha với tài sản đó nữa nên người tim thấy như được "tặng cho" gián tiếp. Vì thế người tìm thấy được hưởng toàn bộ tài sản. Trở lại vụ việc của chị Hồng "ve chai" với 5 triệu yên: Trường hợp chị Hồng phát hiện ra 5 triệu yên Nhật là do có người BỎ QUÊN trong đó hay người chủ sở hữu tài sản đã TỪ BỎ quyền sở hữu ? Có phải là tài sản KHÔNG XÁC ĐỊNH ĐƯỢC CHỦ SỞ HỮU ngay từ đầu không ?
Có lẽ không có ai có ý định TỪ BỎ số tài sản lớn như vậy, Chị Hồng cũng khai rằng có một người phụ nữ đã bán cái hộp cũ đó cho chị Hồng với giá 100 ngàn đồng. Vì vậy, trong vụ việc này không thể nói là số tiền 5 triệu yên Nhật trên là VÔ CHỦ, KHÔNG XÁC ĐỊNH ĐƯỢC CHỦ SỞ HỮU TÀI SẢN (ngay từ đầu) - Không có ai từ bỏ số tiền đó. Việc "không xác định ai là chủ sở hữu" tài sản đó sau khi đã thông báo, tìm kiếm trong thời hạn 1 năm thì Điều 239 BLDS và Điều 241 BLDS cũng quy định như nhau.
Phải xác định rằng, số tiền đó là có chủ, chủ sở hữu đã cất kỹ quá nên "quên", sau 1 năm tìm kiếm vẫn không thấy chủ sở hữu tài sản nên áp dụng Điều 241 BLDS là có căn cứ hơn cả. Vẫn biết rằng tâm lý chung của con người là "nghĩa hiệp", mong muốn cho người nghèo gặp may để không còn nghèo khó... Bản thân tôi cũng mong muốn chị Hồng được hưởng toàn bộ số tiền đó để đổi đời và cổ vũ cho sự trung thực, thật thà của con người.
Tuy nhiên, khi áp dụng pháp luật thì đòi hỏi phải công tâm, khách quan. Khi áp dụng một điều luật thì phải đúng với tinh thần của điều luật đó, cần đặt nó trong chế định pháp luật đó, cần phân biệt nó với các quy phạm pháp luật khác. Trong một sự kiện pháp lý, để giải quyết hậu quả pháp lý ta không thể áp dụng "điều luật nào cũng được" một cách tùy tiện. Sẽ có một điều luật đúng nhất hướng tới để điều chỉnh mối quan hệ xã hội phát sinh đó, sự kiện pháp lý đó - Đấy mới là điều luật cần áp dụng.
Theo Infonet
Lập hàng chục công ty mua bán hóa đơn thu lời bất chính hơn 38 tỷ đồng Không kinh doanh trên thực tế, nhưng hàng chục doanh nghiệp do Trường và đồng bọn lập ra vẫn xuất hóa đơn đều đặn với doanh thu rất lớn. Tuy nhiên, hoạt động bất minh ấy vẫn không thể "qua mắt" được cơ quan chức năng. Sau 2 ngày xét xử, chiều 26-5, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Nguyễn...