Chuột rút về đêm, cơn đau đáng sợ
Chuột rút về đêm không phải là một hiện tượng bình thường, mà đó là một dấu hiệu cho thấy có thể bị suy hệ thống tĩnh mạch ở chân.
Ban ngày đi bơi hay vận động các môn thể thao khác bị chuột rút đã đành, nửa đêm, nửa hôm nghỉ ngơi lại bị chuột rút, kể ra nghe cũng lạ. Cái lạ đó sẽ khiến không ít người giật mình khi biết chuột rút về đêm không phải là một hiện tượng bình thường, mà đó là một dấu hiệu cho thấy có thể bị suy hệ thống tĩnh mạch ở chân.
Chuột rút, hay còn gọi vọp bẻ, là một triệu chứng rất thường gặp trong cuộc sống hàng ngày và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên thường bị hơn cả là ở những người trung niên và cao tuổi. Theo các quan niệm y học, chuột rút là những cơn co thắt của một cơ hay một nhóm cơ, thường nhất là những cơ ở mặt sau cẳng chân. Các cơn co thắt này xảy ra đột ngột, ngoài ý muốn của con người, có thể kéo dài trong vài giây hoặc kéo dài đến trên mười phút.
Đau không ngủ được
Chuột rút có thể rất đau. Nhiều người mô tả cơn đau như bóp chặt cẳng chân và gây ra nỗi kinh hoàng lo sợ cho họ. Ở một số người, các cơn chuột rút có thể xảy ra liên tục và có khi còn kéo dài vài ngày. Đau do chuột rút trong một số trường hợp còn gây khó chịu đến tận ngày hôm sau. Sau khi bị chuột rút bệnh nhân đi lại rất khó khăn.
Hồi còn bé, tôi hay gặp chuột rút ở một số người đi bơi. Đã có người khi đang bơi bị chuột rút đau quá và chìm xuống sông chết đuối luôn. Một số người khi tập thể dục thể thao nếu khởi động không kỹ cũng dễ bị chuột rút. Còn trong bệnh viện, một số bệnh nhân bị các bệnh làm mất ion kali như tiêu chảy nặng, suy kiệt, sử dụng thuốc lợi tiểu quá mức… cũng có thể bị chuột rút. Tuy nhiên, nguyên nhân gây chuột rút thường hay gặp nhất trong y khoa là tình trạng chuột rút về ban đêm do suy hệ thống tĩnh mạch của chân.
Người ta thấy rằng có đến trên 70% bệnh nhân suy tĩnh mạch bị chuột rút về ban đêm. Trong một nghiên cứu của tôi và các cộng sự thực hiện trên 500 bệnh nhân suy tĩnh mạch cũng cho thấy tỷ lệ này lên đến 90%, bao gồm thỉnh thoảng mới bị chuột rút đến thường xuyên bị chuột rút. Có những bệnh nhân năm năm nay bị chuột rút hàng đêm đến nỗi không dám ngủ và đưa đến tình trạng trầm cảm nặng.
Chưa rõ mặt thủ phạm
“Có những bệnh nhân năm năm nay bị chuột rút hàng đêm đến nỗi không dám ngủ và đưa đến tình trạng trầm cảm nặng”
Video đang HOT
Cho đến ngày hôm nay, tuy có một số giả thuyết được đưa ra về cơ chế sinh bệnh của chuột rút, nhưng chưa có giả thuyết nào được chấp nhận một cách tuyệt đối. Một số nhà khoa học cho rằng chính tư thế ngồi xổm của con người hiện đại khiến các cơ bị căng và co ngắn lại, tạo điều kiện cho chuột rút. Một số phụ nữ với thói quen đi giày cao gót làm cho cơ vùng bắp chân và bàn chân bị ảnh hưởng, góp phần tăng nguy cơ bị chuột rút. Một số người hay bị chuột rút khi nằm ngửa hoặc khi bơi lội, nguyên nhân có thể do sự co cơ quá mức sinh lý đối với những cơ đang trong tình trạng căng thẳng.
Trong suy tĩnh mạch mãn tính chi dưới, sự ứ trệ dòng máu đi trong các tĩnh mạch, đặc biệt là trong tĩnh mạch sâu có thể làm tăng số lượng các chất chuyển hoá trong khối cơ bắp, khiến cho cơ dễ bị kích thích và gây co cơ. Mặt khác, tình trạng phù chân thường gặp trong suy tĩnh mạch cũng là nguyên nhân làm tăng tính kích thích của các sợi dây thần kinh tự chủ gây co cơ.
Nên điều trị sớm và dứt điểm
Sau khi xác định chính xác nguyên nhân gây chuột rút về ban đêm là do tình trạng suy tĩnh mạch, bệnh nhân cần phải được điều trị sớm và dứt điểm vì ai đã bị một lần chuột rút đều nhớ đời bởi rất đau đớn. Việc điều trị nên bắt đầu bằng thay đổi các thói quen như không ngồi xổm, không đi giày cao gót, xoa bóp chân trước khi đi ngủ, uống nước đầy đủ… Khi các phương pháp trên không hiệu quả nên sử dụng các loại thuốc làm vững bền thành mạch, cải thiện sự lưu thông của dòng máu trong tĩnh mạch, sử dụng các loại tất (vớ) áp lực để điều trị suy tĩnh mạch.
Trong thực nghiệm lâm sàng hàng ngày, các chuyên gia về tĩnh mạch học cũng thấy rằng vitamin E và Quinin có vai trò rất quan trọng trong điều trị chuột rút về ban đêm. Trong thực hành khám và chữa bệnh hàng ngày, chúng tôi nhận thấy nếu điều trị đúng và sớm có đến hơn 90% số bệnh nhân không còn bị chuột rút về đêm nữa.
Theo PGS.TS Nguyễn Hoài Nam
SGTT
Chuột rút nỗi "kinh hoàng" lúc nửa đêm
Chuột rút - từ đâu đến?
Bình thường, Lan (16t-TĐ) rất chăm chỉ đi học sớm nhưng hôm nay thì lại đến trễ giờ truy bài gần 10' làm ai cũng ngạc nhiên. Vừa lấy tay dụi hai mắt đỏ mọng, Lan vừa than thở: " Tối qua bị chuột rút, đau điếng cả người thế là tỉnh ngủ đến sang luôn". Nghe Lan kể, mấy đứa bạn cũng nhao nhao lên kể là dạo gần đây cũng rất hay bị chuột rút " ghé thăm". Thậm chí có nhiều bạn đồng thời vừa bị tê cóng chân tay vừa bị chuột rút.
Quả thực, chuột rút có "tần suất" xuất hiện nhiều hơn vào mùa đông, đặc biệt là buổi tối trong khi ngủ. Tê cóng chân tay cũng trở thành "bạn đồng hành" với chuột rút khiến cho teens càng dễ mất ngủ vào buổi tối.
Chuột rút là tình trạng co cứng các bắp cơ cấp tính, liên tục, gây nên các cơn đau dữ dội, mất khả năng cử động. Thời gian bị co cứng cơ thường chỉ thoáng qua vài giây nhưng có khi kéo dài đến nửa tiếng, thậm chí một tiếng và cảm giác đau mỏi có thể kéo dài trong cả ngày.
Chuột rút thường không có nguyên nhân rõ ràng. Một số nguyên nhân có thể gây ra chuột rút là:
- Thiếu nước và chất khoáng trong cơ thể (như canxi, magiê, natri và kali). Điều này có thể xảy ra sau khi tập thể dục, đổ mồ hôi quá nhiều mà không được bù đủ nước và muối.
- Không khởi động kĩ trước khi tập thể dục, thể thao. Vận động cơ bắp quá nhiều.
-Lười vận động, ngồi quá lâu tại chỗ, tư thế chân không thích hợp.
- Mất cân bằng hệ thần kinh.
- Đôi khi chuột rút cũng có thể xảy ra với những bạn bị thiếu máu, hạ đường huyết.
Ngoài nguyên nhân do thời tiết lạnh giá mùa đông, teens còn có thể bị chuột rút và tê cóng chân tay do sử dụng các ngón tay quá nhiều khi đánh máy, chơi nhạc cụ ..vv...
Hoàng (18t-NT) đã từng làm bạn bè hoảng hồn khi tay lạnh cóng và bị co rút không cử động được. Vừa ủ ấm cho tay của Hoàng vừa từ từ xoa bóp, về sau tay của Hoàng dần dần bình thường trở lại. Hỏi ra mới biết, Hoàng đã "hành hạ" đôi tay khi "ngồi đồng" chơi game hơn 4 tiếng đồng hồ.
Đề phòng chứng chuột rút "đáng ghét"
Khi bị chuột rút, teens phải ngừng ngay hoạt động, kéo duỗi cơ 15 - 20 giây cho đến khi cơ giãn hoàn toàn. Bạn nào "mê" bóng đá thì có thể quan sát cách các bác sĩ làm động tác căng cơ ngược lại khi các cầu thủ bị chuột rút. Xoa bóp nhẹ nhàng giúp cơ dần duỗi ra cũng có thể khiến cho chứng chuột rút nhanh biến mất hơn. Ngoài ra, teens có thể lắc lắc bắp thịt chỗ bị chuột rút, rồi sau đó nâng cao chân lên.
Để đề phòng chuột rút, teens nhà mình nên lưu ý một vài điểm sau đây:
Đắp chăn đúng cách: Teens không nên co chặt người mình vào trong chăn vì chăn có thể chèn lên bắp thịt. Đặc biệt các bạn cũng cần tránh thói quen xấu là trùm kín chăn lên mặt khi ngủ.
Duỗi thẳng cơ thịt: Trước khi ngủ thì duỗi thẳng cơ thịt ở bàn chân và bắp chân có tác dụng ngăn ngừa chuột rút. Một cách đơn giản cho những bạn lười vận động là vừa nằm trên giường vừa tập đạp xe đạp.
Uống nhiều nước: tình trạng chuột rút dễ xảy ra do nhiều bạn lười uống nước, đặc biệt là vào mùa đông. Uống vừa đủ nước hằng ngày sẽ giúp bạn khắp phục hiện tượng này và còn rất có lợi cho cơ thể.
Tránh để phần chân lạnh: Tê cóng và chuột rút dễ xảy ra khi teens không lưu ý giữ ấm cho cơ thể, đặc biệt là chân.
Tránh vận động đột ngột: Trước khi tập thể dục các bạn cần phải khởi động thật kĩ, tránh vận động đột ngột, quá nhanh và mạnh. Tuy nhiên, teens đừng "vin" vào lí do đó mà lười vận động nhé! Vận động nhiều và đón nhiều ánh nắng mặt trời đều tốt cho sự sinh trưởng và chắc khoẻ của xương khớp.
Bổ sung chất dinh dưỡng: bổ sung canxi, chất sắt. Thực vật chứa nhiều canxi có: vỏ tôm, các loại sữa, rau xanh, rong biển, tương vừng, canh xương. Thực phẩm có nhiều chất sắt bao gồm các loại thịt đỏ (nhớ bỏ hết mỡ), gà vịt, cá, và các rau cải có màu xanh đậm.
Không hút thuốc lá, hạn chế uống café: Thuốc lá làm máu lưu thông chậm hơn vì chúng tạo nên một lớp màng tích tụ trong hệ thống động mạch. Chất nicotine trong thuốc lá cũng như cafein trong café có khả năng làm mạch máu bị co nhỏ lại và khiến cho máu giảm tốc độ lưu thông. Khi máu lưu thông chậm hơn, những nơi xa xôi như đầu ngón tay, chân thường trở nên lạnh vì không tiếp nhận đủ nhiệt lượngcần thiết.
Ngoài ra, teens cùng cần lưu ý đi giày, dép cho thoải mái không quá chật và cao.