“Chuột quý tộc” tẩm bổ sâm Ngọc Linh: Đặc sản hiếm có
Để bảo vệ vườn sâm, cán bộ, công nhân Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô nghĩ ra đủ cách săn chuột, biến chúng thành mồi nhậu khoái khẩu, chiêu đãi khách quý.
Xem bài khác trên Vef.vn
Từ đầu hạ đến cuối thu là mùa sâm Ngọc Linh trổ hoa, đậu quả dưới tán rừng nguyên sinh. Hoa sâm vàng nhạt, quả sâm chín đỏ, hạt sâm đen nhánh hấp thụ biết bao tinh khí, dưỡng chất của đất trời ở độ cao trên 1.900 m lại là… thức ăn của loại chuột tinh khôn sống trên đỉnh núi quanh năm mây vờn.
Trắng đêm săn “trộm”
Chuyến công tác vào vườn sâm mới đây, chúng tôi thật “trúng mánh” khi lên núi đúng vào mùa đồng bào Sê Đăng và công nhân lâm nghiệp săn bắt … chuột. Lũ chuột đồng tầm thường vốn chỉ ăn ngô, khoai, đậu, lúa đã đủ thơm thịt, thì đám chuột “đại quý tộc” chỉ khoái ăn hoa, ăn quả, ăn hạt loại sâm đệ nhất hiếm quý, mà hiện nay trên 20 triệu đồng một ký củ tươi, lùng mua không ra, đủ biết ngon bổ tới cỡ nào!
Màn đêm buông xuống vườn sâm. Nguồn ánh sáng ở các bóng đèn từ máy phát thủy điện nhỏ mờ ảo trong màn sương mù dày đặc. Những chú chuột ban ngày chui nhủi trong các hốc cây hay hang ổ từ ngoài rừng đột nhập vào vườn sâm.
Bộ lông vàng óng màu cỏ cháy, cặp mắt lấm la lấm lét nhìn quanh vườn sâm, hễ thấy không có động tĩnh là những chú chuột nhẹ nhàng trèo lên cây sâm, đưa miệng nhấm nháp những quả sâm ngon lành.
Vì vậy, suốt gần bốn tháng sâm ra hoa, đậu quả, ban đêm cán bộ, nhân viên vườn sâm thay nhau thức trắng để rình bắt, tiêu diệt kẻ ăn trộm hạt sâm.
Thành quả lao động diệt chuột ăn hạt sâm.
“Thế các anh ngủ khi nào?”, chúng tôi hỏi. “Ngủ bù một buổi vào ban ngày. Còn một buổi phải làm bẫy, hái lá thông, cắt các bao ni lông quấn quanh chùm quả sâm… để “ông Tí” khó lòng ăn quả”, anh Đinh – tổ trưởng tổ chuyên trách bảo vệ vườn sâm cho biết.
Video đang HOT
“Sáng kiến cột bao ni lông, lá thông quanh thân cây sâm có ngăn được “ông Tí” ăn trộm quả không?”. “Hạn chế thôi vì vẫn không ngăn được cái giống tinh ranh, hám ăn, cứng đầu cứng cổ. Còn nếu cột trùm bao ni lông kín chùm quả, quả dễ hư úng. Do vậy, chúng tôi phải sử dụng nhiều biện pháp kết hợp với dùng đèn pin công suất lớn soi rọi tìm “Lâm thử”, chuột rừng ăn trộm hạt sâm vào ban đêm. Khi phát hiện “ông Tí”, chúng tôi tổ chức vây bắt hoặc dùng súng bắn bi đặc chủng tiêu diệt” anh Thủy – bảo vệ vườn sâm kể.
Làm việc nhiều, nhưng các công nhân bảo vệ vườn sâm không một đòi hỏi. Lương A Đinh sau khi trừ bảo hiểm, bình quân một tháng chỉ 3 triệu đồng. “Cốt có tiền hỗ trợ thêm vợ con là vui lắm rồi” – anh Đinh cười.
Chuột sâm – Đặc sản quý hiếm
Bắt được nhiều chuột, ngoài việc được thưởng tiền, các nhân viên bảo vệ vườn sâm người Sê Đăng lại có thêm món nhậu khoái khẩu. Anh Hoàng Văn Chất – Giám đốc Trung tâm Giống sâm Ngọc Linh (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô) cho đoàn công tác chúng tôi xem một sàng chuột cũ có, mới có mà các nhân viên vườn sâm chưa kịp làm thịt cùng với bó đuôi chuột khô được cột lại cẩn thận để báo công, nhận tiền bồi dưỡng.
Thực phẩm trong bữa ăn thường ngày của các nhân viên vườn sâm ngoài cá khô, rau rừng, còn có đặc sản chuột chiên vàng ươm mà các công nhân Sê Đăng vườn sâm rất ưa thích. Thấy đĩa chuột chiên thơm lừng mùi sả, tiêu rừng, mỗi con chỉ nhỉnh hơn đầu ngón chân cái chút xíu. Chúng tôi gắp thử. Quả là ngon thật! Loáng cái, đĩa chuột chiên hết vèo.
Ông Nguyễn Thành Chung – Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô cởi mở: “Tính khiêm tốn 1 ha sâm trồng 10 năm cho thu hoạch trung bình cỡ 7 tạ củ, giá 20 triệu/ký củ tươi. Về lý thuyết, nơi nào trồng được sâm Ngọc Linh mà bảo vệ tốt, nơi đó thu hoạch siêu lợi nhuận”.
Cán bộ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô đang giới thiệu súng đặc chủng diệt chuột sâm Ngọc Linh.
Công ty hiện đang trả lương hơn 80 lao động biên chế và hợp đồng, trong đó 28 nam công nhân dân tộc Sê Đăng vừa khỏe mạnh, vừa trung thực, lại trung thành, rất phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ. Đa số công nhân, kể cả giám đốc công ty, nhà đều cách vườn sâm đến 70 km.
Mùa khô có thể phóng ô tô, xe máy tới tận vườn. Còn mùa mưa phải bỏ ôtô ở lưng chừng núi, đi bộ hoặc chạy xe máy quấn xích kín cả cặp lốp ngược dốc, có đoạn dốc đứng tới 35 độ, trầy trật chạy kiểu “một tiến hai lùi” ngót 5 cây số nữa mới tới nơi.
Ông Chung đã gắn bó với vườn sâm này hơn 15 năm, từ lâm trường Ngọc Linh chuyển sang. Công ty Sâm Ngọc Linh chính thức ra đời từ năm 2003, trên cơ sở sáp nhập 3 lâm trường vào Trung tâm sâm Ngọc Linh, tổng diện tích ban đầu lên tới trên 41.000 ha rừng và đất rừng.
Gần đây tỉnh mới thu hồi giao bớt cho địa phương, công ty còn quản lý trên 37.000 ha, trong đó trên 31.000ha là rừng, rừng giàu chiếm hơn 70%. Vườn sâm 11 ha đã trồng được hiện nằm trong vùng rừng nguyên sinh ở độ cao 1.900 m, nhiệt độ trung bình quanh năm dao động quanh mức 14-15 độ C.
Từ năm 2010 công ty đã trồng thử nghiệm cây sâm được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô nhưng không thành công. Thực tế cho tới nay, theo ông Chung, việc nhân giống sâm Ngọc Linh bằng phương pháp cấy mô vẫn chỉ mới thành công trong phòng thí nghiệm.
Hơn nữa, theo các nhà Dược học đến từ các nước Nhật, Hàn chính thức làm việc với tỉnh Kon Tum về đề tài này, thì tại Nhật và Hàn Quốc đến nay loại sâm nuôi cấy mô vẫn không công nhận là sâm chính gốc.
Trồng từ năm thứ ba trở đi, cây sâm Ngọc Linh sẽ cho hạt có thể gieo nhân giống được. Hạt giống tốt nhất được lấy ở những cây sâm từ 4 tới 9 năm tuổi. Sâm Ngọc Linh còn gọi là sâm đốt trúc, vì mỗi một năm, củ sâm xuất hiện thêm một đốt nhìn như đốt thân cây trúc.
Năm 1996, ông Chung may mắn mua được 1 củ sâm dài, đếm được hơn 70 đốt, nặng cỡ 3,5 lạng, giá lúc đó tương đương 3 chỉ vàng – Ông Chung thở dài vì tiếc – Lâu quá rồi, ngâm rượu đãi khách mãi, cụ sâm quý thất lạc mất. Nếu bây giờ, nhà sưu tập sâm nào mà tìm ra được một củ sâm già cỡ đó, chắc khó tính ra tiền nổi, bởi nó là vô giá.
Sẽ có tinh sâm, viên sâm… và không sợ sâm giả
Theo anh Hoàng Văn Chất – Giám đốc Trung tâm Giống sâm Ngọc Linh, nếu cán bộ, công nhân không thức trắng đêm bảo vệ thì sẽ không có hạt sâm để gieo ươm. “Ông Tí” sẽ ăn hết hạt sâm. Chính vì nâng niu, bảo vệ từng hạt sâm để làm hạt giống, năm nay, Trung tâm trồng mới được 2 ha sâm, nâng diện tích vườn sâm lên 11 ha.
Từ Dự án bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh có sự tham gia của cộng đồng, năm 2013, Trung tâm Giống sâm Ngọc Linh được UBND tỉnh cho phép chuyển sang hình thức kinh doanh. Tuy nhiên, lâu nay Trung tâm vẫn chưa thu hoạch, chế biến hay đưa củ ra thị trường. Củ sâm thật nếu có trên thị trường là sâm của một số hộ dân trong vùng trước đây tự tìm kiếm giống ngoài tự nhiên, hoặc được Dự án hỗ trợ trồng, nay thu hoạch mỗi lần một vài lạng để lấy tiền chi tiêu.
Theo_VietNamNet
Quảng Nam trình Chính phủ đề án phát triển sâm Ngọc Linh
Nếu được Chính phủ chấp thuận, đến năm 2030, vùng sâm Ngọc Linh (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) sẽ được phát triển quy mô lên đến 100.000ha với tổng vốn đầu tư vào khoảng 9.500 tỉ đồng.
Ngày 16/8, trao đổi với PV Dân trí, ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) - cho biết, UBND huyện đã trình đề án phát triển cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) lên UBND tỉnh và tỉnh đã có tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ "Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh" đến năm 2030.
Sâm Ngọc Linh được trồng dưới tán rừng ở huyện Nam Trà My
Theo đó, đề án được chia ra làm 2 giai đoạn, giai đoạn I từ 2016-2020 sẽ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng sâm; khoanh vùng nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung; bảo tồn giống và phát triển vùng nguyên liệu sâm; công tác truyền thông về cây sâm.
Giai đoạn II từ 2020-2030, tổ chức di thực phát triển trồng sâm ra 7 xã của huyện với diện tích 30.000ha; Phát triển ngành công nghiệp chế biến sâm; Phát triển du lịch gắn với phát triển vùng sâm Ngọc Linh. Tổng mức đầu tư của 2 giai đoạn này cần khoảng gần 9.500 tỉ đồng.
Sản phẩm sâm Ngọc Linh
Được biết dân số huyện Nam Trà My hiện trên 27.000 người, đa phần là đồng bào các dân tộc Cor, Xê đăng... với tỉ lệ hồ nghèo lên đến trên 60%. Diện tích trồng sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My hiện là 34,5ha ở vài xã của huyện. Đây là cây có giá trị kinh tế cao từ 20-50 triệu đồng/kg (tùy theo độ tuổi của sâm).
Chủ tịch huyện Nam Trà My - ông Hồ Quang Bửu - cho rằng, nếu đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là niềm vui đối với một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Quảng Nam. Sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế cao, nếu được đầu tư bài bản, sẽ từng bước cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
"Mặc dù đã có sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát triển, nhưng do nhiều điều kiện khách quan, việc gìn giữ cũng như phát triển sâm Ngọc Linh vẫn còn ở quy mô nhỏ, manh mún và mang tính tự phát trong dân cư địa phương.
Bên cạnh đó, việc bảo tồn nguồn gen, nguồn giống của sâm Ngọc Linh cũng cần được đặt ra. Khi việc phát triển vùng sâm Ngọc Linh được triển khai thực hiện một cách bài bản, khoa học không chỉ cải thiện được kinh tế cho người dân trong huyện, qua đó góp phần đem lại nguồn lợi không nhỏ cho tỉnh Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung", ông Hồ Quang Bửu cho biết.
Công Bính
Theo Dantri
Dân Tây Ninh lo...động đất khi ễnh ương "yêu nhau" dày đặc Người dân Tây Ninh hoang mang trước tin đồn đoán sắp xảy ra động đất khi nhìn thấy rất nhiều ễnh ương trên cánh đồng mía. Nhiều ngày qua, tại Tây Ninh, người dân hoang mang trước tin đồn đoán sắp xảy ra động đất khi nhìn thấy rất nhiều ễnh ương trên cánh đồng mía thuộc nông trường mía tại khu vực...