Chuột đồng nướng thùng thiếc
Ăn một miếng cảm giác như heo quay vậy, da chuột mỏng tang nên giòn rụm.
Lên kế hoạch từ tháng trước nhưng đến cuối tuần vừa rồi tôi mới có dịp về quê một người bạn ở Tam Bình (Vĩnh Long) chơi.
Kế hoạch của chúng tôi mang tên “SBC” (nghĩa là săn bắt chuột), đứng trước những cánh đồng lúa xanh mượt đang trổ đòng, mùi hương lúa ngào ngạt làm cho con người ta khỏe hẳn ra, nhưng cũng tiếc một điều, những bông lúa tròn trịa bị chú “tý” cắn phá nhìn thật xót lòng!
“Bắt đầu nhen”- tiếng nói làm cắt ngang suy nghĩ của tôi, thằng bạn tôi ra hiệu đi gom chuột. Đáng lẽ ra phải huy động thêm người đi bắt nhưng do chuẩn bị từ tối hôm qua, nó đi đặt bẫy trước nên bây giờ chỉ đi kiểm tra xem anh “tý” nào dính là xâu đem về làm món lai rai.
Thằng bạn tôi nói, chuột đồng ăn thịt rất ngon, chế biến được rất nhiều món: muối sả chiên, nướng muối ớt, xé phay, xào lá cách, rô ti, khìa… nhưng “hôm nay tao sẽ đãi mày món rất dân dã: chuột nướng thùng thiếc”.
Thấy tôi còn chưa hiểu, nó giải thích: là thùng thiếc tưới nước, xài lâu ngày thùng cũ và bị hư quai, không bỏ đi mà để dành làm công cụ chế biến món… chuột nướng này.
Video đang HOT
Chuột đồng nướng thùng thiếc không có khói, chỉ có chất ngọt lừ từ những xớ thịt tứa ra
Chuột không lột da mà trụng nước sôi gọi là “làm lông”, sau khi mổ bụng rửa sạch, ướp gia vị xong, lấy 1 thanh tre tươi cỡ hai gang tay, một đầu ghim từ đầu đến đuôi con chuột, đầu kia đem cắm xuống đất, sau đó lấy thùng thiếc úp lại và chất rơm, lá cây đốt bên ngoài thùng thiếc.
Được khoảng 5 phút, nó dỡ thùng thiếc ra, lấy nước dừa thoa lên mình con chuột. Tôi hỏi: “ Sao lại làm như vậy?” Nó cười hề hề: “Để chút rồi sẽ biết”, rồi tiếp tục úp thùng lại và đốt tiếp khoảng 15 phút nữa là chuột chín.
Khi mở thùng thiếc ra thì ôi thôi, mấy chú chuột vàng hườm, quá hấp dẫn. Quá háo hức, tôi đành phải thử trước một miếng. Khi cho vào miệng, âm thanh rộn rạo phát ra, cảm giác như mình đang ăn heo quay vậy, nhưng da chuột mỏng tang nên giòn rụm như bánh tráng vậy.
Không có mùi khói, chỉ có chất ngọt từ những xớ thịt tứa ra ngọt lừ, phải nói là quá tuyệt mà không diễn tả được nữa. Cuối cùng thì tôi cũng hiểu, nước dừa đã làm cho da chuột giòn và vàng như vậy.
Bạn có dịp nào đó về quê chơi, nhất là những miền có những cánh đồng bát ngát đều có món chuột đồng quay thùng thiếc, một lần thưởng thức bạn sẽ có ấn tượng không quên.
Theo 24h
Diệu kỳ lá cách
Ngoài tự nhiên lá tỏa mùi hôi khó gần, nhưng vào món ăn lại bất ngờ ngát thơm.
Mâu thuẩn vốn là thuộc tính cố hữu của cuộc sống. Không chỉ có ở người, mà còn hiện hữu nơi cỏ cây. Đơn cử như lá cách.
Lá cách ác "miệng" thiện "tâm"! - Ảnh: Tạ Tri
Cây lá cách có nơi còn gọi vọng cách, thích mọc hoang nơi thềm ao, bìa rừng, vách núi... trên chân đất phèn lợ hay đất thịt pha cát. Đứng cách cây này khoảng 1-2 m, người thính mũi đã nghe tỏa mùi hăng hăng khó chịu. Càng lại gần, hơi lâu, người sức khỏe yếu dễ bị "mệt ngang".
Theo ghi nhận của dược sĩ Trần Việt Hưng, "lá cách được dùng trong nhiều món ăn dân dã đồng thời cũng được xem là một "cây thuốc nam" dùng trị một số bệnh theo kinh nghiệm dân gian. Cây tuy có nguồn gốc tại vùng Nam Á Châu nhiệt đới nhưng cũng được trồng tại Hawaii, Florida (Hoa Kỳ). Lá cách thuộc chi thực vật Premna, họ Verbenacea. Chi Prem na có khoảng 200 loài, riêng tại Việt Nam có khoảng 15 loài trong đó có 4 hay 5 loài được dùng làm thực phẩm và làm thuốc."
Cho nên, dân sành ăn tây nam bộ thường trồng vài bụi cách ngoài bờ mương, thềm rạch để dành chế biến nhiều món độc đáo. Cách mười ngày, nửa tháng họ chịu khó tỉa trụi cây cách, cho nó đâm nhiều chồi non mới. Lá cách non ít hôi hơn. Và khi gặp những vật thực có hậu vị tanh như: chuột, lươn, rắn... nó lại càng có khả năng "phù phép" cho chúng thơm tho.
Lá cách "cứu rỗi" thịt ếch chân ngắn (hàng nuôi) - Ảnh: Tạ Tri
Có lần về Bình Đại, Bến Tre, cậu một người bạn đãi món chuột dừa với mớ lá này. Ngon "nhức răng"! Tuy lá hôi hăng, nhưng khi gặp nhiệt cao thì bỗng dưng khiến món ngon thơm lừng. Không kiềm chế nổi, thằng cu Tí (cháu ngoại của cậu) lẻn vào bốc vụng một miếng, nhai "ngọt xớt" rồi vụt chạy trốn sau lùm chuối sau vườn.
Tuổi thơ hồn nhiên gợi nhớ thằng tôi thuở nhỏ, cũng ham chơi: đội nắng bắn chim, trèo tìm ổi chín, thả diều... nên dễ bị cảm ho. Chiều, mẹ níu áo bắt uống hết chén nước lá cách giã, pha muối. Tôi cứ nhăn mặt lắc đầu. Mẹ dụ: "Nín thở ực một hơi sẽ hết ho liền. Giỏi! Mẹ cho nửa cục đường tán!"
Tương đồng, anh Hải chủ một quán nướng trên đường Nguyễn Thị Diệu, Q.3, TP.HCM có lần về Trà Vinh, được đãi nhiều món lá cách xào, um (om) thật ngon. Hỏi kỹ mới biết cây này dễ trồng như khoai mì, chặt nhánh giâm xuống đất, che mát, tưới nước đều nó sẽ "sống nhăn". Anh Hải liền mang về trồng ở quán, lấy lá cho đầu bếp chế biến các món đồng quê. Nhiều người ăn vào, khen nức nở!
Thêm một tin mừng cho những ai thường ngậm đắng nuốt cay (nhậu), lá cách có khả năng bảo vệ gan. "Dịch chiết bằng alcohol từ lá có khả năng bảo vệ gan, tạo được sự giảm nồng độ men gan, giảm bilirubin và chặn được các phản ứng loại peroxy-hóa lipid. Hoạt tính có thể so sánh với bilirubin", Trần Việt Hưng.
Đồng thời, Viện khoa học công nghệ, phối hợp cùng 2 trường Đại học Y và Dược Hà Nội đã tiến hành đề tài "Nghiên cứu tác dụng chống viêm của cao lỏng lá vọng cách trên thực nghiệm" (năm 2008), "Nghiên cứu đặc điểm thực vật, thành phần hóa học và một số tác dụng sinh học của cây Vọng cách thu hái ở Nam Định" (Luận án tiến sỹ dược học Nguyễn Thị Bích Hằng - năm 2010). Kết quả: các nghiên cứu trên cho thấy lá vọng cách có tác dụng bảo vệ gan, chống viêm và giảm đau trên mô hình thực nghiệm với chuột.
Mặt khác, những ai ghét đắng chê cay cũng nên chú ý đến lá cách. Bởi khi lá gan khỏe, sẽ giúp cơ thể giải độc tốt hơn.
Dược sĩ Bùi Kim Tùng cũng có những đúc kết về công dụng của lá cách: giúp thanh nhiệt, thông tiểu, hạ huyết áp, trị nhức mỏi, điều hòa kinh nguyệt...
Thêm một hiện tượng đặc biệt quan trọng là, nhóm vật thực trong cùng sinh cảnh có khả năng hỗ trợ cho nhau. Ví dụ, con ếch, con nhái, chú rắn nước, bụi lá cách... vốn "hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau". Thế nên, khi gom chúng vào nồi, tự nhiên chúng sẽ khắc chế những điểm yếu của nhau, để người ăn gắp mạnh hơn.
Bên cạnh đó, chuyện lá cách cũng nhắc nhở chúng ta đến yếu tố ngoại lệ, không thể "trông mặt mà bắt hình dong" được! Và lẽ nào, sự tương trợ trong cây cỏ thường "bền vững" hơn những động vật bậc cao: Con Người?
Theo 24h
Ngọt mát chè rong câu chân vịt Chè rong câu chân vịt giống như thạch, ăn sảng khoái trong những ngày nắng nóng. Không chỉ có nhiều đặc sản vang danh cả nước, Hội An còn có món "ăn chơi" dân dã mà người dân bản địa cũng như khách thập phương mê mẩn là chè rong câu chân vịt. Chè rong câu độc đáo hơn vì trông giống như...