Chương trình nghị sự táo bạo của Mỹ
Mỹ đang đối mặt thời hạn chót phải thông qua dự luật để ngăn chặn tình trạng đóng cửa chính phủ.
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp cùng các thủ lĩnh Đảng Cộng hòa ở Trại David tại bang Maryland hôm 6-1 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định họ đã đạt tiến bộ “lạ thường” về chương trình nghị sự năm 2018.
Cộng hòa lo mất ghế
Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan hứa hẹn “một chương trình nghị sự rất táo bạo cho năm 2018″, đồng thời cho rằng nó sẽ hấp dẫn phe Dân chủ, phe Cộng hòa và các nghị sĩ độc lập. Tại cuộc họp trên, Đảng Cộng hòa đã thảo luận về các vấn đề an ninh, quân sự, ngân sách và nhập cư cũng như một số đề tài khác. Tổng thống Donald Trump và các thành viên chủ chốt Đảng Cộng hòa – trong đó có thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell và ông Ryan – tuyên bố trong năm nay, họ sẽ xem xét lại chính sách nhập cư và kinh phí cho hạ tầng.
Theo Reuters, phe Cộng hòa đã nhóm họp để phác thảo chương trình nghị sự trong suốt năm 2018 – khoảng thời gian họ sẽ đấu tranh để giữ lấy quyền kiểm soát tại quốc hội trong cuộc bầu cử vào tháng 11. “Họ muốn tôi tham gia và để hết tâm trí vào đó. Chúng tôi phải có thêm thành viên Cộng hòa… Vì thế, tôi sẽ giúp đỡ các vị đương nhiệm và bất cứ ai chia sẻ quan điểm với mình” – Tổng thống Donald Trump nói.
Trên thực tế, sau khi chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng hồi tháng 11-2017, Đảng Cộng hòa đã mất một số ghế tại quốc hội và tỉ lệ ủng hộ đi xuống đối với Tổng thống Donald Trump có thể làm gia tăng cơ hội mất thêm ghế của phe này. Ông chủ Nhà Trắng và các thủ lĩnh Cộng hòa còn đang đối mặt thời hạn chót (ngày 19-1) phải thông qua dự luật để ngăn chặn tình trạng đóng cửa chính phủ.
Đảng Cộng hòa cũng muốn đạt thỏa thuận về chính sách nhập cư, bao gồm giải quyết dứt điểm việc bảo vệ 700.000 người trưởng thành được đưa đến Mỹ trái phép khi còn là trẻ em. Ông Donald Trump nhấn mạnh Đảng Cộng hòa sẽ phải vạch ra chi tiết một thỏa thuận với Đảng Dân chủ về chương trình hoãn trục xuất những người nhập cảnh Mỹ bất hợp pháp từ khi còn nhỏ (DACA) có từ thời cựu tổng thống Barack Obama.
Tổng thống Mỹ nói rằng ông cũng muốn đạt được thỏa thuận giữa hai đảng về cuộc đại tu chính sách nhập cư nhưng thực tế, cả hai đảng vẫn còn rất xa tiếng nói chung trong vấn đề này. Phe Dân chủ không muốn chi tiền cho bức tường biên giới với Mexico do ông Donald Trump đề xuất, trong khi phe Cộng hòa muốn bất cứ thỏa thuận bảo vệ trẻ em nhập cư bất hợp pháp nào cũng sẽ phải đi kèm với tăng cường an ninh biên giới.
Video đang HOT
Tổng thống Donald Trump và các thủ lĩnh Đảng Cộng hòa tại cuộc họp báo ở Trại David hôm 6-1 Ảnh: REUTERS
Nhà Trắng thiếu người
Lâu nay, Nhà Trắng từng khẳng định ưu tiên hàng đầu kế tiếp của chính quyền Mỹ là kế hoạch đầu tư vào đường sá, cầu và các cơ sở hạ tầng khác. Còn cuộc cải cách phúc lợi xã hội, một ưu tiên đối với ông Ryan và các hạ nghị sĩ Cộng hòa khác, có thể phải để lại sau vì dường như không phải là mục tiêu của Tổng thống Donald Trump trong năm nay.
Tạp chí Politico còn cho biết nhiều nhân viên cao cấp trong Nhà Trắng đang lo sợ chuyện sẽ xảy đến trong năm 2018 này. Theo đó, nhiều trợ lý cấp cao dự kiến sẽ ra đi khi chưa có sẵn người thay thế. Chánh Văn phòng Nhà Trắng John Kelly – vốn đã sa thải một số trợ lý – đang muốn đẩy thêm người đi nhưng ông đã phải vất vả tìm kiếm người thích hợp để thay thế.
Trước khi diễn ra cuộc họp của phe Cộng hòa tại Trại David, các mạng truyền hình và các trang tin đã tập trung vào một đề tài được đánh giá là gây bất hòa hơn nữa. Đó là cuốn sách mới xuất bản gây xôn xao dư luận “Fire and Fury: Inside the Trump White House” (Tạm dịch: Lửa và Cuồng nộ: Bên trong Nhà Trắng của ông Trump) của tác giả Michael Wolff. Cuốn sách đã được tung ra hôm 5-1 bất chấp sự ngăn chặn của chính quyền Mỹ.
Được hỏi về cuốn sách trên tại Trại David, theo báo Daily Mail, Tổng thống Donald Trump cho rằng đó là “sự hổ thẹn mà một người có thể làm”. Theo ông, nước Mỹ cần những đạo luật quy định mạnh mẽ hơn về tội phỉ báng.
Đánh giá quá thấp Triều Tiên
Trả lời báo giới tại Trại David hôm 6-1, Tổng thống Donald Trump khẳng định ông hoàn toàn sẵn sàng nói chuyện qua điện thoại với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ông chủ Nhà Trắng còn bày tỏ hy vọng cuộc gặp giữa giới chức Bình Nhưỡng và Seoul ngày 9-1 tới sẽ có những kết quả tích cực. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ không quên nhấn mạnh rằng bất cứ cuộc nói chuyện nào (với Triều Tiên) cũng sẽ đi cùng với các điều kiện tiên quyết.
Trong khi đó, Triều Tiên ngày 7-1 đã thông báo một danh sách 5 quan chức sẽ đại diện nước này tham dự cuộc đàm phán đầu tiên trong vòng hơn 2 năm qua với Hàn Quốc – diễn ra tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm ở khu phi quân sự (DMZ) giữa 2 nước. Dẫn đầu phái đoàn Triều Tiên là ông Ri Son Gwon – người đứng đầu Ủy ban Tái thống nhất hòa bình Triều Tiên, thường xuyên giữ trọng trách giải quyết các vấn đề với Hàn Quốc.
Theo bình luận của trang Washington Post, những diễn biến tích cực liên tiếp từ đầu năm mới – Bình Nhưỡng và Seoul mở lại đường dây nóng rồi nhất trí nối lại đàm phán, Mỹ và Hàn Quốc cũng đồng ý tạm hoãn cuộc tập trận chung mang tên “Đại bàng non”- mở ra nhiều hy vọng rất cần thiết trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, phía Triều Tiên sẽ nhượng bộ tới đâu thì vẫn chưa rõ. Nhiều nhà phân tích không ngừng chỉ ra những dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đang chuẩn bị tiếp tục thử vũ khí dù họ chìa “cành ô liu” với Hàn Quốc. Thậm chí, có những lo ngại khả năng chương trình vũ khí của Triều Tiên sẽ được xúc tiến nhanh hơn cả năm ngoái.
Trong khi đó, báo The New York Times ngày 7-1 đăng tải bài viết cảnh báo các cơ quan tình báo của Mỹ đã đánh giá quá thấp ông Kim Jong-un. Theo đó, khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức đầu năm 2017, giới chức tình báo Mỹ đã dự đoán cho tới năm 2020 hoặc 2022, Triều Tiên sẽ không thể xây dựng năng lực tên lửa vươn tới Mỹ. Thế nhưng, chỉ trong năm cầm quyền đầu tiên của vị tổng thống Mỹ thứ 45, Triều Tiên đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể vươn xa tới tận thủ đô Washington D.C.
Thu Hằng
Theo Lục San
Người lao động
Tổng thống Trump cảnh báo đóng cửa chính phủ trong vài ngày tới
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/12 cảnh báo, chính phủ nước này có nguy cơ bị đóng cửa từ ngày 9/12 tới do bế tắc đàm phán với đảng Dân chủ liên quan đến dự thảo chi tiêu ngân sách cho năm tài khóa tới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)
Hãng tin Time, Tổng thống Trump và quốc hội Mỹ đang đối mặt với hạn chót đàm phán đến hết ngày mai để thông qua dự thảo ngân sách chi tiêu cho năm tài khóa mới. Nếu đảng Dân chủ và Cộng hòa không đạt được thỏa thuận, chính phủ Mỹ có nguy cơ phải đóng của một phần bắt đầu từ ngày 9/12 tới.
Tuy nhiên, hiện tại, cuộc đàm phán đang rơi vào bế tắc do đảng Dân chủ không nhất trí với đề xuất tăng chi tiêu quân sự trong khi đóng băng hoặc giảm chi tiêu cho các chương trình trong nước.
Tổng thống Trump một lần nữa đổ lỗi cho đảng Dân chủ đẩy chính phủ đến nguy cơ phải đóng cửa. Phát biểu hôm qua trước thềm cuộc họp nội các, Tổng thống Trump nói: "Đảng Dân chủ đang theo đuổi những thứ rất nguy hiểm cho đất nước. Họ đang tìm cách đóng cửa chính phủ".
Trong khi đó, lãnh đạo Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi bình luận trên Twitter: "Tổng thống Trump là người duy nhất nói đến kịch bản đóng cửa chính phủ. Đảng Dân chủ hy vọng rằng Tổng thống sẽ nỗ lực đi đến một thỏa thuận nhằm giải quyết nhu cầu cấp thiết của người dân Mỹ và tránh nguy cơ đóng cửa chính phủ".
Theo khảo sát của Politico/Morning Consult, 63% cử tri Mỹ được hỏi nói rằng họ muốn quốc hội phá vỡ bế tắc, tránh nguy cơ đóng cửa chính phủ, trong khi 18% ủng hộ đóng cửa chính phủ nếu đó là cách để các nhà làm luật đạt được mục tiêu chính sách.
Minh Phương
Theo Time
Trung Quốc lên tiếng về căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên Reuters đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 4/12 cho rằng căng thẳng tái diễn trên Bán đảo Triều Tiên sau 2 tháng tình hình tương đối lắng dịu là một điều rất đáng tiếc. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. (Nguồn: thedailystar) Phát biểu trước báo giới tại cuộc họp chung với đối tác Mông Cổ,...